Đi phỏng vấn muộn – 7 bước bạn cần làm để cứu vãn tình hình

5/5 - (2 votes)

Đi phỏng vấn xin việc muộn có thể khiến các nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu với bạn, đơn giản là vì đó là dấu hiệu đỏ về tính chuyên nghiệp và đúng giờ của bạn. Mặc dù vậy, có một số điều bạn có thể làm để khắc phục tình trạng này và tôi hy vọng rằng nó cũng giúp bạn tránh bỏ lỡ cơ hội tốt trong sự nghiệp của mình.

Bước 1: Gọi điện trước

đi phỏng vấn muộn 1
Nếu bạn đến muộn trong buổi phỏng vấn, hãy gọi điện thông báo cho Nhà tuyển dụng biết càng sớm càng tốt.

Ngay khi bạn biết mình sẽ đến muộn, hãy gọi và báo cho Nhà tuyển dụng biết. Nếu bạn không có số điện thoại của đối phương, bạn có thể tìm kiếm số hotline của công ty và nhờ người trực điện thoại cho phép bạn gặp Nhà tuyển dụng.

👉 Có thể bạn quan tâm: Cái bắt tay khi phỏng vấn có thực sự quan trọng hay không?

Bước 2: Nói lời xin lỗi

Trước khi nói bất cứ điều gì, hãy nói xin lỗi một cách chân thành vì sự chậm trễ của bạn đã ảnh hưởng tới công việc của Nhà tuyển dụng – người đã bận rộn sắp xếp thời gian để có thể gặp bạn và trao đổi về công việc.

Rất có thể Nhà tuyển dụng sẽ không hỏi về lý do bạn đến muộn. Nhưng dù sao bạn cũng nên trình bày vấn đề một cách phù hợp. Những lý do dễ được chấp thuận nhất bao gồm:

  • Xe bị hỏng
  • Đường tắc
  • Trời mưa bị tạt nước nên bạn đã phải về thay quần áo

Đừng bao giờ nói với Nhà tuyển dụng rằng, bạn đi muộn vì “ngủ quên”, “quên lịch phỏng vấn”,… vì những lý do này không những không được thông cảm mà còn khiến HR đánh giá bạn là một người không chuyên nghiệp.

>> Xem thêm: Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc bạn nên biết

Bước 3: Cung cấp thời gian bạn sẽ tới

đi phỏng vấn muộn 2
Bạn nên cho Nhà tuyển dụng biết thời gian bạn có thể tới nơi.

Gọi điện hoặc gửi email nhanh để thông báo cho Nhà tuyển dụng biết rằng bạn sắp đến muộn sẽ trở nên vô ích nếu bạn không cung cấp thời gian bạn sẽ đến. Tất nhiên, bạn không cần phải nói một con số chính xác (mặc dù nếu làm được điều đó thì sẽ rất tuyệt vời), nhưng bạn có thể cho Nhà tuyển dụng biết bạn đang ở đâu và mất khoảng bao lâu nữa bạn sẽ tới nơi. Khi biết thời gian bạn sẽ đến, Nhà tuyển dụng có thể sắp xếp được công việc của mình. Chẳng hạn, nếu bạn chỉ trễ 5 phút, họ có thể ngồi đợi, nhưng nếu bạn trễ 30 phút, khoảng thời gian đó đủ để đối phương gọi điện trao đổi công việc với những ứng viên khác.

👉 Có thể bạn quan tâm: Cách tránh những câu phỏng vấn vượt giới hạn cho ứng viên

Bước 4: Sẵn sàng cho việc phỏng vấn lại

Rất có thể buổi phỏng vấn mà bạn tham gia là một buổi phỏng vấn lớn dành cho nhiều ứng viên. Điều đó có nghĩa là mỗi ứng viên sẽ chỉ được tham gia trao đổi công việc trong khoảng từ 30 – 45 phút. Và nếu HR không muốn việc chậm trễ của bạn ảnh hưởng tới những ứng viên phía sau, rất có thể họ sẽ hẹn phỏng vấn bạn vào một thời gian khác.

Bước 5: Dành một phút để chuẩn bị tinh thần

Cuối cùng, khi bạn đã đến được nơi phỏng vấn (sau khi thực hiện tất cả các bước được hướng dẫn ở trên), điều quan trọng là bạn nên dành một phút để chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào cửa công ty và gặp Nhà tuyển dụng.

Tôi biết, bạn có thể đang nghĩ: “Tôi đã đến muộn, vì thế tôi không thể lãng phí thêm một giây nào nữa”.

Nhưng hãy bình tĩnh nào.

Bằng cách dành một chút thời gian, bạn có thể chỉnh trang lại quần áo, đầu tóc và cả tâm lý để xuất hiện trước mặt HR với hình ảnh tốt nhất.

👉 Có thể bạn quan tâm: Cuộc phỏng vấn diễn ra quá nhanh, có phải cơ hội của bạn đã kết thúc?

Bước 6: Xin lỗi một lần nữa

đi phỏng vấn muộn 3
Hãy xin lỗi một lần nữa vì sự chậm trễ khi trực tiếp gặp Nhà tuyển dụng.

Khi bạn gặp mặt trực tiếp người phỏng vấn, sau khi chào hỏi, hãy nói lời xin lỗi một lần nữa vì đã khiến họ phải chờ đợi. Hãy nói điều gì đó đơn giản, chẳng hạn như: “Tôi thành thật xin lỗi vì đã khiến bạn phải đợi” và sau khi nhận được phản hồi của Nhà tuyển dụng, bạn cần bắt đầu giới thiệu về bản thân và chứng minh năng lực của mình.

Đừng xin lỗi quá nhiều, vì càng xin lỗi, bạn càng trở nên không chân thành. Ngoài ra, việc xin lỗi liên tục sẽ thu hút sự chú ý tới việc bạn đi trễ thay vì những kỹ năng, kinh nghiệm ấn tượng của bạn.

Bước 7: Gửi thư Cảm ơn sau phỏng vấn

Gửi thư Cảm ơn cho Nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn luôn cần thiết và cho thấy bạn trân trọng cơ hội mà công ty dành cho bạn. Trong trường hợp bạn trễ hẹn, hãy sử dụng nó như một cơ hội để xin lỗi vì sự đến muộn của mình lần cuối, cùng như bày tỏ lòng biết ơn vì Nhà tuyển dụng đã dành thời gian gặp mặt bạn cho dù bạn đã đi muộn.

Dưới đây là ví dụ về một bức thư Cảm ơn mà bạn có thể gửi tới HR sau buổi phỏng vấn “muộn màng” của mình.

Kính gửi: Anh/ Chị [tên Nhà tuyển dụng – hẳn bạn đã biết tên đối phương sau buổi phỏng vấn]

Cảm ơn Anh/ Chị rất nhiều vì đã dành thời gian để gặp tôi ngày hôm nay. Một lần nữa, tôi thành thật xin lỗi vì đã đến muộn hơn so với giờ hẹn và gây ra bất tiện cho công việc của Anh/ Chị. Cảm ơn rất nhiều vì Anh/ Chị đã thông cảm và tạo cơ hội cho tôi tiếp tục được tham gia buổi phỏng vấn.

Thật tuyệt khi được nghe về các mục tiêu của [Tên công ty] trong việc [Điều gì đó bạn đã trao đổi trong buổi phỏng vấn]. Sau khi nói chuyện với Anh/ Chị, tôi cảm thấy [Tên công ty] thực sự là một môi trường làm việc tuyệt vời. Và tôi mong rằng tôi sẽ có cơ hội  được trở thành một thành viên của [Tên công ty].

Cuối cùng, chúc Anh/ Chị một ngày làm việc hiệu quả và nhiều niềm vui.

Trân trọng,

[Chữ ký]

👉 Xem thêm: Cách viết thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn xin việc

Kết luận

Trên đây là những điều bạn cần làm khi đi muộn trong một buổi phỏng vấn. Nhưng nếu được, bạn nên tránh mắc sai lầm ngay từ đầu bằng cách: tìm hiểu về tuyến đường cần đi, tình hình giao thông của đoạn đường đó, chuẩn bị trang phục từ hôm trước và đi sớm hơn 10 – 20 phút so với thời gian dự kiến.

Bạn đã bao giờ đến muộn trong một cuộc phỏng vấn chưa? Người quản lý tuyển dụng đã lên lịch lại hay họ sẵn sàng đợi bạn? Bạn đã cứu vãn tình hình bằng cách nào? Hãy để lại bình luận và chia sẻ với JobsGO câu chuyện của bạn nhé!

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: