Cách Viết Email Xin Việc Ấn Tượng Chinh Phục Nhà Tuyển Dụng

4.5/5 - (2 votes)

Sử dụng email trong ứng tuyển việc làm có lẽ là điều không còn xa lạ với chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, chưa phải ai cũng biết cách viết email xin việc một cách đúng chuẩn và chuyên nghiệp. Nếu bạn cũng đang băn khoăn về vấn đề này, đừng bỏ lỡ thông tin dưới đây của JobsGO nhé.

Mục lục

1. Email xin việc là gì? Phân biệt email với thư xin việc

Email xin việc là loại email được gửi đi để ứng tuyển vào một vị trí công việc nào đó. Thông qua email này, người gửi có thể giới thiệu bản thân, trình bày kinh nghiệm, khả năng và lý do tại sao họ muốn làm việc tại công ty. Email xin việc thường được gửi đến địa chỉ email liên hệ cung cấp trong thông báo tuyển dụng hoặc trên trang web công ty.

Giữa email xin việc và thư xin việc có nhiều điểm khác biệt mà các bạn cần phân biệt rõ:

Tiêu chí so sánh Email xin việc Thư xin việc
Định dạng Gửi thông qua email, sử dụng công nghệ và giao thức truyền thông điện tử. Bức thư truyền thống viết bằng tay hoặc máy tính, gửi qua thư bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh.
Đặc điểm Viết ngắn gọn, trực tiếp và thẳng thắn. Có thể đi kèm tệp đính kèm hồ sơ hoặc CV. Viết dài hơn, nhiều mục đích và chi tiết hơn. Thường in trên giấy và có thể kèm theo hồ sơ hoặc CV.
Tính chất Linh hoạt gửi nhanh chóng và tiện lợi qua Internet. Chính xác, yêu cầu thời gian và công sức để chuẩn bị, in ấn và gửi.
Thời gian phản hồi Yêu cầu phản hồi nhanh do thông báo đến người nhận và quản lý dễ dàng trong hộp thư đến. Mất thời gian để đến tay người nhận và phản hồi có thể kéo dài.

2. Cách viết email xin việc chuyên nghiệp nhất

Bất kể bạn là sinh viên mới ra trường hay người đã có nhiều kinh nghiệm, bạn cũng nên học cách viết email xin việc đúng chuẩn. Một email xin việc chuẩn, chuyên nghiệp giúp bạn dễ dàng chinh phục được các nhà tuyển dụng ngay từ ấn tượng đầu tiên.

cách viết mail xin việc
Cách viết email xin việc chuyên nghiệp nhất

2.1. Tên email chuyên nghiệp

Có thể bạn đã từng được căn dặn: “Đừng gửi CV bằng một email với cái tên trẻ con hay biệt danh mà bạn nghĩ là dễ thương”. Địa chỉ email với cái tên chuyên nghiệp sẽ cho thấy rằng bạn là một người nghiêm túc, chỉn chu trong mọi vấn đề.

Tên email xin việc nên bao gồm đầy đủ tên họ của bạn. Nếu tài khoản đó đã được sử dụng, bạn có thể thêm các ký tự đặc biệt như ngày sinh hoặc tên công việc. Bạn tuyệt đối đừng dùng những cái tên như nhân vật game, thần tượng, trend giới trẻ,… Nó sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng đó.

Ví dụ

Tên email nên sử dụng:

  • nguyenvanan0310@gmail.com
  • phamhuyen.content@gmail.com
  • tranmaianh@gmail.com

Tên email không nên sử dụng:

  • chauchauchanh@gmail.com
  • linhxinhcute@gmail.com
  • boyngokngheck@gmail.com

2.2. Tên hiển thị email

viết email xin việc
Tên hiển thị email

Tên hiển thị cũng sẽ là yếu tố đầu tiên nhà tuyển dụng nhìn thấy. Có 2 lỗi liên quan đến tên hiển thị mail xin việc mà các bạn thường mắc phải đó là:

  • Tên hiển thị không phải tên thật.
  • Tên hiển thị không được viết hoa.

Dù đây là những lỗi không quá lớn, song nó vẫn sẽ ảnh hưởng đến ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về bạn. Vậy nên, khi tạo email, bạn hãy chú ý đổi tên hiển thị là tên của mình và viết hoa những chữ cái đầu nhé.

Xem thêm: Cách viết Email gửi CV

2.3. Tiêu đề email xin việc đúng trọng tâm

Tiêu đề email sẽ xuất hiện đầu tiên ngay bên cạnh tên bạn. Nếu gửi email xin việc không có tiêu đề hoặc tiêu đề không liên quan, nhà tuyển dụng thậm chỉ sẽ không mở ra đọc tiếp. Vậy chẳng phải bạn đã đánh mất công việc với lý do vô cùng đáng tiếc sao?

Đừng để nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn chỉ đang đi rải CV với sự thiếu nghiêm túc bằng việc đặt tiêu đề email đúng trọng tâm. Tiêu đề cũng không nên dài dòng với những lời chào hỏi, chúng sẽ nằm ở phần sau của email xin việc.

Nếu nhà tuyển dụng không đưa ra yêu cầu tuân thủ cấu trúc nhất định, bạn chỉ cần ghi:

Tên họ – vị trí công việc ứng tuyển – tên công ty ứng tuyển

Chẳng hạn: Nguyễn Thúy Hằng – Copywriter – JobsGO.

2.4. Phần mở đầu email xin việc đi thẳng vấn đề

Ông cha ta có câu “Lời chào là đầu câu chuyện”, vậy nên bạn hãy đưa ra một câu chào hỏi phù hợp. Bạn cần cân nhắc kỹ về lời chào cũng như cách xưng hô, không nên tỏ ra quá thân thiện hoặc quá trịnh trọng.

viết email xin việc bằng tiếng anh
Phần mở đầu email xin việc đi thẳng vấn đề

Thông thường, bạn chỉ cần ghi “Dear Mr./Ms. + tên” nếu biết tên nhà tuyển dụng. Trong trường hợp bạn không biết nhà tuyển dụng là nam hay nữ, tên của người đó là gì; bạn có thể ghi “Kính gửi Ban tuyển dụng công ty…”/“Kính gửi Phòng nhân sự công ty….”/“Kính gửi Bộ phận tuyển dụng công ty…”.

Xem thêm: Bạn đã biết cách xưng hô đúng “chuẩn” khi xin việc làm?

2.5. Nội dung chính ngắn gọn nhưng vẫn gây ấn tượng

Nội dung chính trong email ứng tuyển là phần mà bạn có thể tự do thể hiện mình. Bạn cần làm sao để cung cấp những thông tin nổi bật nhất, PR cho bản thân, tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, dù viết về điều gì thì bạn cũng nên nhớ không viết quá dài dòng, lan man. Vì nhà tuyển dụng thường rất bận rộn, họ sẽ không có nhiều thời gian để đọc một email quá dài.

Nội dung của email xin việc chỉ nên đề cập đến những vấn đề sau:

  • Thông tin cơ bản về bản thân (họ tên đầy đủ, nơi đang học/vị trí từng làm việc,…).
  • Mục đích gửi email (ứng tuyển cho vị trí nào), thông tin đăng tải ở đâu (website tuyển dụng, facebook,…).
  • Tóm tắt kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với công việc ứng tuyển.
  • Giới thiệu một số hồ sơ đính kèm.

2.6. Viết đoạn kết email một cách lịch sự

Kết thúc, bạn nhớ gửi lời cảm ơn tới những người đã dành thời gian cân nhắc CV của bạn. Sau đó là hy vọng sớm nhận được phản hồi từ quý công ty. Đừng dài dòng, người đọc sẽ thoải mái hơn nhiều khi bạn biết cách tập trung vào trọng tâm và viết ngắn gọn.

2.7. Tài liệu đính kèm khi gửi Email xin việc

Đừng quên đính kèm tệp (CV, Portfolio, Cover letter, thư giới thiệu,…) trước khi gửi email xin việc bạn nhé. Đây cũng là những tài liệu rất quan trọng để nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về bạn. Đừng lơ đãng để email trống rỗng mà chẳng có một CV hay bất kỳ file đính kèm cần thiết nào, bạn sẽ mất đi cơ hội việc làm của mình đó.

2.8. Chữ ký email

viết email ứng tuyển
Chữ ký email

Đây là một điểm cộng cho thấy sự chuyên nghiệp của bạn. Chữ ký sẽ nằm ở phần cuối cùng và thường được tự động cách ra một khoảng với nội dung chính. Chữ ký có thể có những phần như:

  • Họ tên đầy đủ.
  • Chức vụ/ ngành học/ chuyên môn.
  • Số điện thoại/ địa chỉ.

Cuối cùng, bạn rà soát một lần nữa ngữ pháp, chính tả để tránh xảy ra sai sót. Một mẹo nhỏ cho bạn đó là hãy kiểm tra đảm bảo email hoàn chỉnh rồi mới điền tên người nhận nhé. Điều này sẽ giúp bạn tránh được một giây lỡ tay gửi email xin việc dù nội dung vẫn chưa xong.

Xem thêm: Lưu ý khi viết CV: 9 sai lầm phổ biến khiến bạn bị từ chối

3. Cách viết email xin việc bằng tiếng Anh chuẩn

Trong trường hợp bạn ứng tuyển vào công ty nước ngoài thì chắc chắn sẽ cần sử dụng tiếng Anh. Vậy cách viết email xin việc tiếng Anh như thế nào mới đạt chuẩn?

3.1. Lời chào ở đầu email

Mở đầu email xin việc tiếng Anh, bạn sẽ cần gửi lời chào đến phía nhà tuyển dụng như sau:

  • Trường hợp bạn không biết chính xác tên của nhà/người tuyển dụng, bạn có thể viết chung chung là: Dear [name of company] hoặc Dear Hiring Manager,…
  • Trường hợp bạn đã biết tên của nhà/người tuyển dụng, bạn có thể nêu luôn tên của họ trong phần này như Dear Ms. Trang, Dear Mr. Minh,…
cách viết mail gửi cv
Lời chào ở đầu email

3.2. Đoạn văn đầu tiên

Với đoạn văn đầu tiên trong email xin việc tiếng Anh, bạn chỉ cần viết 1 – 2 câu để giới thiệu, đề cập đến mục đích viết thư là mong muốn được ứng tuyển vào vị trí công việc đang tuyển dụng.

Chẳng hạn:

Dear Ms. Trang,

I am writing to you with regards to the position within your company for Staff Content Marketing…

3.3. Nội dung chính của email xin việc

Đến nội dung chính, bạn sẽ nêu một số thông tin quan trọng để thuyết phục nhà tuyển dụng. Phần này có thể dài từ 2 – 3 đoạn và mục đích là trả lời cho những câu hỏi sau:

  • Tại sao bạn nghĩ mình phù hợp với vị trí công việc?
  • Những kinh nghiệm, kỹ năng mà bạn có là gì?
  • Lý do bạn muốn làm việc tại công ty?
Ví dụ:

I used to be a full-time employee at A and B – 2 agencies specializing in communication. In addition, over the years, I have also held the position of Content Contributor of some information sites such as: zing.vn, techz.vn, tinmoi.vn,…

Currently, I am looking for a new working environment and happened to receive JobsGO’s recruitment information. After learning about the job content, I feel that I have the ability to meet the requirements set by JobsGO for the position of Content Marketing Specialist.

3.4. Đoạn cuối email xin việc

Đây là phần bạn sẽ tóm lại những vấn đề đã nêu ra và hy vọng sẽ nhận được phản hồi từ phía nhà tuyển dụng. Cụ thể, các nội dung cần có trong đoạn cuối email xin việc là:

  • Nhắc lại một cách ngắn gọn lý do bạn ứng tuyển (khoảng 1 câu).
  • Nói lên mong muốn của mình về một buổi phỏng vấn trực tiếp.
  • Cung cấp thông tin liên lạc.
  • Đề cập đến các file đính kèm như CV, đơn xin việc, chứng chỉ,…
  • Gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng
Chẳng hạn:

I believe that with the above knowledge and skills, I can completely meet the requirements that Samsung is looking for in a Marketing employee.

Thank you for taking the time to review my application. I look forward to receiving an appointment for an interview via my personal phone number: 0975 xxx xxx in the nearest day so that I have the opportunity to come directly to the company and explain more about myself and my ability to respond. my job.

Thank you and look forward to hearing from you soon.

Best regards,

4. Một số nguyên tắc cần nhớ khi viết email xin việc

Để đảm bảo cách viết email xin việc đạt chuẩn, thể hiện sự chuyên nghiệp và dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng, bạn sẽ cần lưu ý một số nguyên tắc quan trọng như sau:

4.1. Tiêu đề rõ ràng, ngắn gọn

cách viết email ứng tuyển
Tiêu đề rõ ràng, ngắn gọn

Tiêu đề là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc bạn có vượt qua vòng hồ sơ hay không. Tiêu đề càng ngắn gọn, rõ ràng thì tỷ lệ mở email ứng tuyển của nhà tuyển dụng sẽ càng cao.

Mặt khác, nếu bạn chọn một tiêu đề hướng đến giải quyết vấn đề nhà tuyển dụng quan tâm, bạn sẽ càng được chú ý.

4.2. Nên sử dụng địa chỉ email chuyên nghiệp

Như đã đề cập ở trên, phần tên và địa chỉ email sẽ cần thể hiện sự chuyên nghiệp. Nếu bạn đang làm việc cho một công ty nào đó, bạn nên dùng email có liên quan đến vị trí việc làm (ví dụ như myanhtran.content@gmail.com). Hoặc nếu bạn làm freelancer, bạn hãy đăng ký địa chỉ email bằng họ tên của mình (chẳng hạn là nguyenngocmai@gmail.com)

4.3. Chú ý đến đoạn mở đầu trong email xin việc

Để tạo được ấn tượng tốt, bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp ngay từ đoạn mở đầu email. Bạn không nên sử dụng từ ngữ, lời chào quá thân mật như khi nhắn tin, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp. Theo đó, bạn hãy đề cập đến tên của người nhận và không được phép rút ngắn, viết tắt tên của họ.

4.4. Hạn chế dùng dấu chấm than, dấu biểu cảm

Khi viết mail xin việc, bạn cần hạn chế sử dụng các dấu chấm than, dấu biểu cảm quá mức. Bởi thông thường, khi mất kiểm soát, chúng ta sẽ có thói quen viết nhiều dấu chấm than ở cuối câu. Điều này có thể khiến cho người đọc đánh giá bạn là người không có khả năng kiềm chế cảm xúc hoặc chưa trưởng thành. Và tất nhiên, các nhà tuyển dụng sẽ không quá “mặn mà” với những ứng viên như vậy.

4.5. Format trình bày

Hình thức trình bày trong Email cũng là điều bạn cần quan tâm. Một mẫu email xin việc gọn gàng, dễ đọc, dễ nhìn chắc chắc chắn sẽ tạo được thiện cảm tốt hơn với nhà tuyển dụng. Hơn nữa, nội dung email ứng tuyển cũng không quá dài, bạn hãy dành một chút thời gian để sắp xếp thông tin sao cho phù hợp, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ nhé.

4.6. Chú ý đến lời chào ở phần kết

Ở phần lời chào kết, với mẫu email xin việc tiếng Việt thì sẽ khá đơn giản, bạn chỉ cần gửi lời cảm ơn kèm từ “trân trọng” ở phía cuối là được.

Tuy nhiên, với email bằng tiếng Anh, bạn cần lưu ý để không sử dụng nhầm lẫn các từ:

  • Yours sincerely: dùng khi viết thư cho người bạn đã quen biết.
  • Yours faithfully: dùng khi viết thư cho người bạn chưa từng gặp.
  • Sincerely: dùng khi viết thư xin việc, thể hiện sự chân thành.
  • Best Regards: dùng trong nhiều trường hợp, có thể là thư xin việc, thể hiện sự trân trọng.

4.7. Yếu tố hài hước nên được loại bỏ

Rất nhiều bạn có tính cách hài hước và điều này có thể sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Tuy nhiên, đó là khi bạn đã vượt qua vòng hồ sơ, đến với vòng phỏng vấn. Còn trước đó, khi viết email ứng tuyển, bạn vẫn cần tiết chế cảm xúc, thể hiện sự chuyên nghiệp, đúng chừng mực.

Cụ thể, bạn phải kiểm soát giọng điệu, từ ngữ trong email. Yếu tố hài hước nên được loại bỏ ở giai đoạn ứng tuyển này.

4.8. Kiểm tra kỹ email của người nhận

mẫu email ứng tuyển
Kiểm tra kỹ email của người nhận

Bạn hãy cẩn trọng khi nhập địa chỉ email của nhà tuyển dụng bởi rất có thể bạn sẽ gõ nhầm hay vô tình gửi cho quá nhiều người. Điều này sẽ khiến bạn để tuột mất cơ hội việc làm đấy nhé.

4.9. Đính kèm tài liệu quan trọng

CV, đơn xin việc, chứng chỉ, giấy giới thiệu,… là những tài liệu rất quan trọng, giúp nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ hơn về bạn. Do đó, trước khi gửi email xin việc, bạn hãy kiểm tra lại thật kỹ để không quên đính kèm các tài liệu này nhé.

4.10. Kiểm tra thật kỹ lỗi chính tả

Một trong những điều tối kỵ khi viết mail xin việc đó là sai chính tả. Có thể các lỗi bạn mắc phải không quá lớn, song nó cũng thể hiện bạn là người không cẩn thận, thậm chí là cẩu thả. Với những ứng viên như vậy, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ không lựa chọn.

4.11. Đọc thật kỹ email trước khi gửi

Hiện nay, có rất nhiều công cụ giúp bạn kiểm tra chính tả nhanh chóng. Thế nhưng cách gửi email xin việc là một bước rất quan trọng, quyết định đến cơ hội việc làm của bạn trong tương lai và bạn cần hết sức cẩn thận. Đừng quá phụ thuộc vào những công cụ trên, bạn hãy dành thời gian để đọc lại email thật kỹ trước khi gửi, đảm bảo không xảy ra sai sót gì nhé.

5. Mẫu email xin việc bạn có thể tham khảo

5.1. Mẫu email xin việc cho sinh viên, người mới tìm việc

Tiêu đề: Nguyễn Thúy An – Nhân viên Marketing – Samsung

Dear Ms. Ngân,

Em xin tự giới thiệu em là Thúy An.

Gần đây, em đã đọc được tin tuyển dụng Nhân viên Marketing của Samsung trên trang jobsgo.vn. Mặc dù mới ra trường, nhưng sau khi đọc bản mô tả công việc và các yêu cầu liên quan, em tin rằng mình phù hợp và có thể mang lại nhiều giá trị cho công ty.

Là một sinh viên tốt nghiệp ngành Marketing tại Đại học Kinh tế Quốc dân, em có nền tảng vững chắc về truyền thông – quảng cáo. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, em cũng đã có kinh nghiệm thực chiến nhờ việc làm Thực tập sinh tại CleverAds trong hơn 10 tháng. Tại đây, em được tham gia vào nhiều chiến dịch với vai trò Content (viết nội dung Blog, Social Media, kịch bản seeding), chạy Facebook Ads,…

Em tin rằng với kiến thức và kỹ năng trên, em hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu mà Samsung đang tìm kiếm ở một người nhân viên Marketing.

Cảm ơn chị đã dành thời gian xem xét hồ sơ xin việc của em. Em rất mong nhận được một lịch hẹn phỏng vấn thông qua số máy cá nhân: 0975 xxx xxx trong một ngày gần nhất để em có cơ hội được trực tiếp đến công ty và trình bày rõ hơn về bản thân cũng như khả năng đáp ứng công việc của mình.

Em xin cảm ơn và mong sớm nhận được phản hồi.

Trân trọng,

————————————————————————-

Nguyễn Thúy An (Ms)

Email: thuyan.content@gmail.com

Mobile: (+84) 975 xxx xxx

5.2. Mẫu email xin việc cho người có nhiều kinh nghiệm

Tiêu đề: Nguyễn Thúy An – Content Marketing – JobsGO

Dear Mr. Đạo,

Tôi là Thúy An, đã có hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực content marketing.

Tôi đã từng là nhân viên chính thức tại A và B – 2 agency chuyên về truyền thông. Ngoài ra, trong những năm qua, tôi cũng đã đảm nhiệm vị trí Cộng tác viên Content của một số trang thông tin như: zing.vn, techz.vn, tinmoi.vn…

Hiện tại, tôi đang tìm kiếm một môi trường làm việc mới và tình cờ nhận được thông tin tuyển dụng của JobsGO. Sau khi tìm hiểu về nội dung công việc, tôi cảm thấy mình có khả năng đáp ứng các yêu cầu mà JobsGO đặt ra cho vị trí Chuyên Viên Content Marketing.

Vì thế, tôi xin phép gửi anh CV trong file đính kèm email này. Ngoài ra, tôi cũng xin gửi kèm một số bài viết và chiến dịch truyền thông tôi đã từng thực hiện tại đây.

Tôi rất mong có cơ hội trở thành một thành viên của JobsGO.

Cảm ơn anh,

Chúc anh một buổi chiều tràn ngập niềm vui và làm việc hiệu quả!

————————————————————————-

Nguyễn Thúy An (Ms)

Email: thuyan.content@gmail.com

Mobile: (+84) 975 xxx xxx

5.3. Mẫu email xin việc tiếng Anh

Tiêu đề: Tran Thanh Tam – Sales Manager

This is in reference to the job posting by your company in the Assistant, dated September 14th, 2020.

I have gone through the job description and find that my work skills and the job requirements may be a good match.

I have been working for the past four years in the procurement department of Danlc Inc. I held the position of Senior (position) in the said company.

I completed my education (DEF Education Institution). My professional education was obtained from the (ABC of Science, Location). In addition, I am active and enthusiastic. I am willing to learn and do what takes to get a job done well even under pressure or on a far mission.

My updated resume is enclosed for your review.

I am looking forward to an interview at your office.

Your Sincerely,

————————————————————————-

Tran Thanh Tam (Ms)

Email: tranthanhtam@gmail.com

Mobile: (+84) 986 xxx xxx

6. Email xin việc cần đính kèm những giấy tờ gì?

Khi gửi email xin việc, các bạn sẽ cần đính kèm nhiều loại giấy tờ gồm:

6.1. CV

CV là một tài liệu quan trọng và bắt buộc trong email xin việc. Nó cung cấp một cái nhìn tổng quan về thành tích và kinh nghiệm của bạn.

Hãy chắc chắn lưu CV của bạn dưới định dạng phổ biến như PDF hoặc DOCX để dễ dàng quản lý. Đồng thời, bạn cũng nên đặt tên file theo cú pháp [Họ và tên – Vị trí ứng tuyển] để giúp nhà tuyển dụng nhận ra bạn một cách dễ dàng.

6.2. Thư xin việc

Mặc dù CV của bạn có thể chứa những nội dung chính rõ ràng, nhưng việc viết thư xin việc vẫn rất quan trọng để giúp bạn nổi bật trong số các ứng viên khác. Hãy chắc chắn rằng bạn không viết nội dung thư xin việc trực tiếp trong email, mà nên đính kèm nó riêng biệt như một tệp tin.

Xem thêm: Tổng hợp những mẫu thư ứng tuyển (Cover Letter) độc đáo, ấn tượng

6.3. Portfolio

Portfolio là yếu tố quan trọng đối với ngành sáng tạo, quảng cáo, thẩm mỹ, kiến trúc và nhiều lĩnh vực khác. Nó cung cấp cái nhìn trực quan về kinh nghiệm, kỹ năng và thành tựu liên quan từ CV.

Bạn có thể tạo Portfolio bằng PowerPoint, Canva hoặc phần mềm tạo trang trình bày, sau đó đính kèm vào email dưới dạng PDF/đường dẫn trang web trực tuyến. Điều này giúp bạn nổi bật và truyền đạt thông điệp mạnh mẽ về tiềm năng, khả năng của mình cho nhà tuyển dụng.

6.4. Thư giới thiệu

Nếu bạn là nhân viên xuất sắc hoặc sinh viên ưu tú, hãy xem xét yêu cầu một lá thư giới thiệu từ sếp hoặc giảng viên. Nó có thể tạo ấn tượng tốt và thể hiện uy tín của bạn. Tuy nhiên, thư giới thiệu không bắt buộc. Nếu bạn không có thể, hãy tập trung vào việc thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm và thành tích của bạn trong email xin việc.

6.5. Bằng cấp, chứng chỉ

Đây là bằng chứng về trình độ học vấn và năng lực chuyên môn của bạn, nó có thể được sử dụng để xác nhận khả năng, kinh nghiệm của bạn trong lĩnh vực tương ứng với vị trí công việc mà bạn đang xin.

Khi gửi email xin việc, bạn nên đính kèm các bằng cấp và chứng chỉ quan trọng liên quan đến vị trí công việc mà bạn muốn ứng tuyển. Điều này giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn rõ hơn về trình độ chuyên môn của bạn và tăng khả năng bạn được lựa chọn.

Thời đại công nghệ ngày càng phát triển, việc sử dụng email xin việc làm là điều tất yếu mà các bạn cần phải biết. Hy vọng những chia sẻ về cách viết email xin việc trên đây sẽ hữu ích và giúp các bạn có thể chinh phục được nhà tuyển dụng, đến gần hơn với công việc mơ ước của mình. Đừng quên thường xuyên truy cập vào website jobsgo.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị khác nhé.

Câu hỏi thường gặp

1. Có bắt buộc phải viết email xin việc không?

Khi bạn muốn gửi hồ sơ ứng tuyển vào địa chỉ hòm thư tuyển dụng của công ty thì bạn cần viết email xin việc để thể hiện nhu cầu, mong muốn của bản thân cũng như ghi điểm với nhà tuyển dụng về sự chuyên nghiệp.

2. Sau khi gửi email xin việc mà phát hiện lỗi thì có nên gửi lại không?

Trước khi gửi email, bạn nên kiểm tra thật kỹ lưỡng các giấy tờ đính kèm, lỗi chính tả, diễn đạt. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện lỗi sau khi gửi thì bạn vẫn nên gửi lại email và bày tỏ sự xin lỗi về sai sót không mong muốn. Như vậy, nhà tuyển dụng cũng sẽ thông cảm và đánh giá bạn tốt hơn.

3. Thời gian gửi email xin việc lý tưởng là khi nào?

Bất cứ khi nào bạn cũng có thể gửi email xin việc. Tuy nhiên, JobsGO khuyên bạn nên gửi email xin việc vào khung giờ hành chính để đảm bảo bộ phận tuyển dụng có thể tiếp nhận và phản hồi bạn một cách nhanh nhất.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: