Đi phỏng vấn nên hỏi gì? Đây có lẽ là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Để buổi phỏng vấn diễn ra trọn vẹn và thành công nhất, các bạn hãy lưu ý đến 5 vấn đề nên hỏi trong phỏng vấn xin việc dưới đây.
Mục lục
1. Tại Sao Nên Đặt Câu Hỏi Cho Nhà Tuyển Dụng?
Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng trong quá trình tham gia phỏng vấn không chỉ là một cách để bạn hiểu rõ hơn về công ty, công việc mà còn giúp tạo ra ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng.
Cụ thể, nó giúp:
1.1 Chứng Tỏ Sự Quan Tâm Và Chuẩn Bị
Việc bạn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cho thấy bạn đã tìm hiểu về công ty và vị trí làm việc. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của bạn đối với cơ hội nghề nghiệp và khả năng làm việc của mình trong tổ chức.
1.2 Hiểu Rõ Hơn Về Vị Trí Công Việc
Các câu hỏi giúp bạn hiểu rõ hơn về nhiệm vụ cụ thể của vị trí, các dự án bạn sẽ tham gia và các kỳ vọng mà nhà tuyển dụng đối với người làm việc trong vị trí đó. Từ đó bạn sẽ biết được rằng công việc có phù hợp với kỹ năng và mục tiêu sự nghiệp của bạn hay không?
1.3 Xây Dựng Mối Quan Hệ
Có các câu hỏi tương tác không chỉ giúp bạn học hỏi mà còn là cách để tạo mối quan hệ với nhà tuyển dụng. Bạn thể hiện sự tò mò và mong muốn hợp tác, điều này có thể tạo ấn tượng tích cực về tinh thần làm việc của bạn.
1.4 Có Thông Tin Quan Trọng Cho Quyết Định Nghề Nghiệp
Các câu trả lời từ nhà tuyển dụng có thể cung cấp thông tin quan trọng giúp bạn đưa ra quyết định chọn lựa nghề nghiệp. Bạn có thể tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, văn hóa làm việc và cơ hội phát triển sự nghiệp trong công ty.
1.5 Tạo Cơ Hội Để Thể Hiện Kiến Thức Và Kỹ Năng
Việc đặt câu hỏi có thể là cơ hội để bạn thể hiện kiến thức sâu rộng về ngành nghề và kỹ năng cần thiết cho vị trí làm việc. Bạn có thể đặt câu hỏi chi tiết để chứng minh khả năng và sự chuẩn bị của mình.
Xem thêm: Kỹ năng đặt câu hỏi trong phỏng vấn dành riêng cho ứng viên
2. Đi Phỏng Vấn Nên Hỏi Gì Nhà Tuyển Dụng?
Có rất nhiều vấn đề bạn có thể hỏi nhà tuyển dụng để hiểu rõ hơn về công ty, công việc hay chế độ đãi ngộ,… Trong đó, 5 vấn đề chính, quan trọng nhất mà bạn nên đề cập trong buổi phỏng vấn là:
2.1 Hỏi Các Vấn Đề Về Công Ty
Đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan đến công ty là rất cần thiết để bạn hiểu rõ hơn về môi trường làm việc và thể hiện sự quan tâm của bạn đối với sự phát triển của công ty. Khi đó, bạn không chỉ thu thập thông tin quan trọng mà còn tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng.
Những câu hỏi bạn có thể đưa ra đó là:
- Định hướng của công ty trong 5 năm tới là gì?
- Có những dự án hoặc thành tựu nào mà công ty rất tự hào?
- Có những hoạt động xã hội hoặc cộng đồng nào mà công ty thường xuyên tham gia không?
- Làm thế nào công ty đánh giá và định hình sự thành công trong tương lai?
- …
Xem thêm: Các câu hỏi phỏng vấn về văn hóa công ty phổ biến & cách trả lời
2.2 Hỏi Về Công Việc
Trong quá trình tham gia phỏng vấn, việc đặt câu hỏi liên quan đến công việc là cách để bạn thể hiện sự coi trọng đối với vị trí ứng tuyển. Các câu hỏi này không chỉ xoay quanh nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể, mà còn tập trung vào sự phù hợp của bạn với môi trường làm việc, cơ hội phát triển.
Khi đặt câu hỏi về công việc, bạn sẽ hiểu rõ hơn về kỳ vọng của nhà tuyển dụng và làm thế nào để có thể đóng góp vào tổ chức. Đồng thời, các thông tin từ nhà tuyển dụng cũng cho phép bạn đánh giá sự phù hợp giữa kỹ năng và kinh nghiệm của mình với yêu cầu công việc.
Một số câu hỏi bạn nên đặt ra là:
- Anh/Chị có thể mô tả chi tiết về nhiệm vụ hàng ngày của vị trí này không?
- Công ty đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên như thế nào?
- Vị trí này có triển khai các dự án lớn không?
- Có yêu cầu đặc biệt nào cho vị trí công việc này không?
- Tôi có phải đi công tác thường xuyên không?
- …
2.3 Hỏi Về Chương Trình Đào Tạo, Phát Triển
Việc hỏi về chương trình đào tạo & phát triển trong quá trình phỏng vấn là rất quan trọng để đảm bảo rằng bạn có cơ hội phát triển sự nghiệp và nâng cao kỹ năng của mình trong tổ chức. Các câu hỏi về chương trình đào tạo & phát triển có thể giúp bạn đánh giá mức độ cam kết của công ty đối với sự phát triển của nhân viên, đồng thời có cái nhìn rõ ràng về cơ hội mà mình có thể nhận được.
Dưới đây là một số câu hỏi cụ thể mà bạn có thể đặt:
- Có chương trình đào tạo cụ thể nào dành cho nhân viên mới không?
- Làm thế nào công ty hỗ trợ sự phát triển và học hỏi liên tục của nhân viên?
- Có những phản hồi hay đánh giá định kỳ nào về chuyên môn cho nhân viên không?
- Có những dự án đặc biệt nào cho nhân viên phát triển kỹ năng chuyên môn không?
- Công ty có chương trình mentorship để hỗ trợ sự phát triển của nhân viên không?
- …
2.4 Hỏi Về Cơ Chế Lương, Chế Độ Phúc Lợi
Bất kỳ ai khi đi làm cũng sẽ mong muốn nhận được mức lương tốt, chế độ đãi ngộ, phúc lợi hấp dẫn. Và để biết được điều đó, bạn chắc chắn phải hỏi lại phía nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Thông tin mà nhà tuyển dụng cung cấp sẽ giúp bạn biết những kỳ vọng của bản thân liệu có khả năng được đáp ứng hay không? Nếu không, bạn cũng có thể chia sẻ ngay với nhà tuyển dụng để 2 bên trao đổi, thương lượng sao cho phù hợp nhất.
Chẳng hạn, bạn hỏi nhà tuyển dụng các câu sau:
- Cơ chế tính lương cho vị trí này như thế nào?
- Công ty có chế độ BHXH hay không?
- Công ty có các chương trình phúc lợi như khám sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ,… không?
- Công ty có chương trình đặc biệt để động viên nhân viên không?
- …
2.5 Hỏi Về Thời Gian Có Kết Quả Phỏng Vấn
Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, bạn nên hỏi nhà tuyển dụng về thời gian họ phản hồi kết quả. Điều này giúp bạn nắm bắt tình hình và chủ động hơn trong quá trình tìm việc của bản thân. Bạn có thể hỏi đơn giản như:
- Khi nào công ty sẽ phản hồi kết quả phỏng vấn?
- Công ty sẽ phản hồi kết quả phỏng vấn qua đâu?
- Tôi có thể giữ liên lạc với công ty để biết kết quả phỏng vấn không?
Xem thêm: Có nên viết mail hỏi kết quả phỏng vấn không? Viết như thế nào?
3. Đi Phỏng Vấn Không Nên Hỏi Gì?
Khi tham gia buổi phỏng vấn, có những chủ đề mà bạn nên tránh đặt câu hỏi để thể tránh gây khó xử cho đôi bên như:
3.1 Chuyện Riêng Tư
Việc đặt câu hỏi về chuyện riêng tư có thể tạo ra một không gian không thoải mái và không chuyên nghiệp trong buổi phỏng vấn. Những chi tiết cá nhân như gia đình, tình trạng hôn nhân hoặc các vấn đề không liên quan đến công việc nên tránh nhắc đến. Điều này giúp giữ cho cuộc trò chuyện được tập trung hơn, bạn cũng sẽ biết được những thông tin hữu ích hơn cho bản thân.
3.2 Vấn Đề Tăng Lương, Thưởng
Mặc dù là thông tin quan trọng và bản thân bạn luôn muốn biết khi tham gia phỏng vấn, song các vấn đề tăng lương, thưởng không nên là vấn đề chính mà bạn đề cập. Bạn có thể hỏi về lương, chế độ phúc lợi nhưng chuyện xét tăng lương, thưởng hiệu suất công việc nên được trao đổi sau đó, khi 2 bên đã hiểu rõ về nhau và có quyết định nhận việc. Bởi nhà tuyển dụng sẽ không quá thoải mái với một nhân viên chỉ quan tâm đến tăng lương khi đi làm, thay vì cố gắng làm việc để mang lại kết quả tốt nhất.
3.3 Vấn Đề Nghỉ Phép
Nghỉ phép thường là một chế độ mà doanh nghiệp dành cho nhân viên của mình. Thế nhưng, nhà tuyển dụng cũng sẽ không “mặn mà” với những ứng viên chỉ thích và quan tâm đến vấn đề nghỉ phép. Họ sẽ đánh giá cao hơn những ứng viên có sự đam mê, nhiệt huyết, muốn cống hiến cho công việc. Vì vậy, bạn cũng nên tránh đề cập đến vấn đề này khi tham gia phỏng vấn nhé.
4. FAQ Về Vấn Đề Đặt Câu Hỏi Cho Nhà Tuyển Dụng
Một số vấn đề khác liên quan đến việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng bạn cần lưu ý đó là:
4.1 Thái Độ Đặt Câu Hỏi Cho Nhà Tuyển Dụng Nên Như Thế Nào?
Khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, bạn nên có thái độ chủ động, tích cực và sẵn sàng tìm hiểu thêm về công ty, vị trí làm việc, môi trường làm việc. Điều này sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt hơn trước nhà tuyển dụng.
4.2 Nên Đặt Câu Hỏi Cho Nhà Tuyển Dụng Thời Điểm Nào?
Việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng nên được thực hiện ở cuối buổi phỏng vấn, khi họ mời bạn đặt câu hỏi.
4.3 Thời Gian Cho Phần Đặt Câu Hỏi Này Nên Là Bao Lâu?
Thời gian cho phần đặt câu hỏi không nên quá kéo dài, thường được dành khoảng 5 – 7 phút cuối cùng của buổi phỏng vấn.
Như vậy, qua những chia sẻ trên đây của JobsGO, các bạn đã biết được “đi phỏng vấn nên hỏi gì?” rồi đúng không? Chúc các bạn sẽ thật tự tin, tỏa sáng và thành công trong buổi phỏng vấn xin việc làm nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)