Cư xử chốn công sở: Thể hiện cá tính hay đang làm màu?

Đánh giá post

Công sở là một môi trường có quá nhiều vấn đề phức tạp từ công việc đến các mối quan hệ đồng nghiệp, sếp – nhân viên, hay là văn hóa ứng xử,… Để có thể tồn tại được trong “xã hội thu nhỏ” này, chúng ta sẽ cần phải biết cách để dung hòa mọi thứ, cư xử khéo léo, có chừng mực. Vậy làm sao để phân biệt được đâu là thể hiện cá tính riêng, đâu là “làm màu”? Cùng JobsGO phân tích và giải đáp thắc mắc nhé.

Cư xử chốn công sở: Thể hiện cá tính hay đang làm màu?

Tự tin vừa đủ để không biến mình thành người tự cao, màu mè

Trong công việc cũng như cuộc sống, tự tin luôn là điều quan trọng, giúp chúng ta dễ dàng thành công hơn. Tuy nhiên, cái gì quá thì lại không tốt, thậm chí còn đi ngược lại những gì chúng ta mong muốn. Việc tự tin thái quá sẽ khiến bạn phóng đại khả năng của bản thân, những gì mình đang có và vô tình ngăn cản bạn khám phá, trải nghiệm điều mới mẻ. Đôi khi, nó sẽ biến bạn trở thành người kiêu căng, không chịu lắng nghe người khác. 

Điển hình như là ở chốn công sở, tự tin quá sẽ khiến bạn dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mối quan hệ với đồng nghiệp cũng như kết quả công việc. Bạn đánh giá thấp năng lực của mọi người, ỷ lại vào khả năng vốn có của mình nên không dồn toàn bộ công sức, toàn tâm toàn ý cho dự án đang đảm nhiệm. Cho đến khi thời gian gấp gáp, không còn đủ để thực hiện nhưng bạn vẫn nghĩ mình làm được, không cho các đồng đội khác can thiệp và cuối cùng là dự án đã không thành công. Điều này khiến bạn trở nên mất điểm, để lại ấn tượng xấu trong mắt sếp và chắc chắn những dự án sau, bạn khó có thể được tham gia.

Như vậy, sự tự tin thái quá đã khiến bạn trở thành một người tự cao và bị gắn cái mác “làm màu làm mè” trong mắt đồng nghiệp. Bạn có thể sẽ bị mọi người cô lập, xa lánh vì cho rằng quá xấu tính, không quan tâm, thiếu tôn trọng họ. 

Tự tin vừa đủ để không biến mình thành người tự cao, màu mè
Tự tin vừa đủ để không biến mình thành người tự cao, màu mè

Để bản thân không rơi vào tình trạng này, các bạn hãy học cách để tiết chế, làm chủ cảm xúc sao cho phù hợp nhất. Hãy tự tin nhưng ở mức vừa đủ chứng minh năng lực. Vì thực tế, con người không ai là hoàn hảo, bạn giỏi ở khía cạnh này nhưng chưa chắc đã hiểu về khía cạnh khác. Sự tự tin kết hợp cùng cách cư xử đúng đắn, phù hợp, biết lắng nghe, học hỏi mới là yếu tố giúp bạn thực sự thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.

👉 Xem thêm: 8 quy tắc ứng xử nơi công sở

Sự thẳng thắn có đang bao che cho tính cách nông nổi, bồng bột?

“Tôi là người thẳng thắn, có gì nói đó, không ngại điều gì” – Đây có lẽ là câu nói mà chúng ta có thể dễ dàng nghe thấy ở nhiều người.

Thực tế, thẳng thắn không phải là điều xấu, thế nhưng, nếu nó ở mức quá nhiều thì lại thể hiện sự thiếu suy nghĩ, thiếu thấu đáo trong cách cư xử nơi công sở. Việc bạn nói mình quá thẳng thắn đôi khi chỉ là đang bao che cho tính cách bồng bột, hành động một cách nông nổi.

Hãy thử tưởng tượng, sẽ ra sao nếu có người hỏi bạn “Hôm nay trông tớ có xinh không?” và bạn trả lời “không có gì đặc biệt”? Hay đồng nghiệp của bạn thường xuyên đặt đồ ăn, trà sữa khiến vóc dáng không còn cân đối và bạn nói với họ rằng “chị béo lắm rồi, đừng ăn nữa”?,… Tất cả những lời nói này, bạn có thể nghĩ là thẳng thắn, bạn nhìn thấy gì thì bạn trả lời như vậy nhưng thực ra là đang thiếu tinh tế, thiếu tế nhị, thậm chí là kém duyên.

Cách hành xử thẳng thắn quá mức vô tình biến bạn trở thành nông nổi, bồng bột trong lời nói, từ đó có những hành động gây ảnh hưởng đến mối quan hệ với mọi người. Đó mới chỉ là hậu quả ở khía cạnh cảm xúc, còn trong công việc, cách cư xử chốn công sở này có thể sẽ âm thầm kéo chân, khiến bạn đi lùi lại, không thể phát triển, thăng tiến. 

Sự thẳng thắn có đang bao che cho tính cách nông nổi, bồng bột?
Sự thẳng thắn có đang bao che cho tính cách nông nổi, bồng bột?

Bởi vậy, đừng để cái mác “thẳng thắn” làm lu mờ và che đi tính cách nông nổi của bản thân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, công việc hay cuộc sống, sự khéo léo, tế nhị, cư xử thông minh sẽ là chìa khóa giúp bạn thành công, nhận được sự tin tưởng, yêu quý từ mọi người. Chắc chắn ban lãnh đạo công ty sẽ yên tâm giao cho bạn chức quản lý, trưởng phòng,… khi thấy được bạn có kỹ năng kết nối, dung hòa được mối quan hệ, biết cách khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên. Ngược lại, sẽ chẳng ai có nhã ý thăng chức nếu bản thân bạn luôn lan tỏa năng lượng “tiêu cực” đến mọi người cả.

👉 Xem thêm: Nổi giận chốn công sở: Cách kiểm soát cơn thịnh nộ khi ở văn phòng

Nên nhớ, bạn không phải là trung tâm của vũ trụ…

Con người, ai mà chẳng có cái tôi riêng. Thế nhưng, cái tôi quá lớn lại có thể ngăn cản sự phát triển trong sự nghiệp.

Bạn là nhân vật chính trong cuộc đời, trong những câu chuyện thường ngày của riêng của riêng mình. Tuy nhiên, bạn lại không phải là trung tâm của vũ trụ mà ai cũng phải hướng tới, nghe theo. Ví dụ trong một tập thể doanh nghiệp, bạn chỉ là một nhân viên, một mảnh ghép để tạo nên bộ máy hoạt động chung. Thiếu đi một mảnh ghép, công việc có thể sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đôi chút nhưng nó sẽ không vì thế mà dừng lại. Điều này có nghĩa là gì? “Vắng cô thì chợ vẫn đông” – một câu nói rất phù hợp cho trường hợp này. Vắng đi 1 người, công ty sẽ vẫn hoạt động, vẫn phát triển, họ hoàn toàn có thể tìm người thay thế. Nếu bạn đặt cái tôi của mình lên quá cao, cho rằng, bản thân là “phiên bản đặc biệt” thì bạn đã sai lầm.

Khi bạn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, bạn sẽ có cách suy nghĩ phiến diện và tạo nên cảm xúc tiêu cực. Nó sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến các mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè. Sự ngộ nhận của chính bạn sẽ vô tình đưa bạn vào một thế giới khác đầy quẩn quanh, bế tắc. 

Do đó, trong môi trường công sở nói riêng và cuộc sống nói chung, hãy luôn biết mình là ai, mình ở đâu, đừng để cái “trung tâm vũ trụ” điều khiển khiến bản thân rơi vào hố sâu.

👉 Xem thêm: 5 suy nghĩ có hại cho sự nghiệp bạn cần loại bỏ

Nên nhớ, bạn không phải là trung tâm của vũ trụ…
Nên nhớ, bạn không phải là trung tâm của vũ trụ…

Vậy đấy, việc cư xử chốn công sở sao cho đúng mực, hòa hợp vốn không phải là điều đơn giản. Có những người vô tình bị sa vào vũng lầy khiến bản thân không tìm thấy lối thoát chỉ vì bị nhầm lẫn, quy chụp giữa thể hiện cá tính với việc làm màu, tự cao, tự đại. Có những người nông nổi, bồng bột nhưng lại luôn nghĩ mình chỉ quá thẳng thắn,… Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đọc sẽ hiểu và biết cách để hành xử phù hợp ở môi trường công sở nhé.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: