Công Ty “Gia Đình”: Nỗi Ám Ảnh Của Nhiều Ứng Viên Hiện Nay

4.5/5 - (1 vote)

“Đừng vào công ty gia đình!”, “làm trong công ty gia đình khổ lắm!”,… Đây là những chia sẻ, lời khuyên được bình luận rất nhiều trên các bài đăng facebook, hội nhóm review công ty,… dành cho các ứng viên đi sau. Vậy công ty gia đình là gì? Tại sao công ty gia đình lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người? Và nếu vô tình làm việc trong công ty gia đình, làm sao để “sống sót”? 

1. Công Ty Gia Đình Là Gì?

Thuật ngữ “công ty gia đình” thường được sử dụng để mô tả một doanh nghiệp mà các thành viên chính là người trong một gia đình. Đồng thời họ cũng nắm giữ phần lớn vốn điều lệ hoặc số cổ phần của công ty.

công ty gia đình
Công ty gia đình là gì?

Một vài đặc điểm dễ nhận thấy của công ty gia đình nhất đó là:

  • Thành viên trong công ty, chủ sở hữu, người giữ các chức vụ quan trọng đều là người thân trong gia đình, có quan hệ máu mủ, ruột thịt, huyết thống, nuôi dưỡng.
  • Tỷ lệ góp vốn thường là các thành viên trong gia đình nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần.
  • Thời gian hoạt động phần lớn lâu hơn các doanh nghiệp khác vì công ty gia đình có truyền thống nối nghiệp, tiếp tục phát triển sự nghiệp của người đi trước.

2. Công Ty Gia Đình Hoạt Động Theo Mô Hình Nào?

Theo JobsGO tìm hiểu về Luật Doanh nghiệp 2014, công ty gia đình hoạt động theo 3 mô hình như sau:

2.1. Mô Hình Hộ Kinh Doanh

  • Mô hình hộ kinh doanh là loại hình đơn giản nhất, phù hợp với các gia đình có quy mô nhỏ và hoạt động kinh doanh ít phức tạp.
  • Hộ kinh doanh sẽ do một cá nhân đứng ra đăng ký và chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động kinh doanh.
  • Ưu điểm: Thủ tục đăng ký đơn giản, chi phí thấp.
  • Nhược điểm: Trách nhiệm cá nhân không giới hạn, khả năng huy động vốn thấp.

2.2. Công Ty Hợp Danh

  • Công ty hợp danh được thành lập bởi hai hoặc nhiều thành viên, cùng góp vốn và chịu trách nhiệm liên đới, vô hạn về các nghĩa vụ của công ty.
  • Mô hình phù hợp với các gia đình có quy mô lớn hơn, có hoạt động kinh doanh phức tạp hơn hộ kinh doanh.
  • Ưu điểm: Dễ huy động vốn, chia sẻ rủi ro giữa các thành viên.
  • Nhược điểm: Trách nhiệm cá nhân không giới hạn, thủ tục đăng ký phức tạp hơn hộ kinh doanh.

2.3. Công Ty TNHH Hai Thành Viên

  • Loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập bởi hai thành viên, mỗi thành viên góp vốn và chịu trách nhiệm bằng phần vốn góp của mình.
  • Phù hợp với các gia đình muốn tách biệt tài sản cá nhân khỏi tài sản công ty.
  • Ưu điểm: Giới hạn trách nhiệm bằng phần vốn góp, thủ tục đăng ký đơn giản.
  • Nhược điểm: Khả năng huy động vốn thấp hơn công ty cổ phần, khó chuyển đổi thành công ty cổ phần.

3. Ưu – Nhược Điểm Của Công Ty Gia Đình

3.1. Ưu Điểm Của Công Ty Gia Đình

Linh Hoạt Và Nhanh Chóng Trong Việc Ra Quyết Định

  • Do cấu trúc quản lý đơn giản, không chịu nhiều ràng buộc bởi các quy định và thủ tục như các công ty khác nên công ty gia đình có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
  • Việc giao tiếp và phối hợp giữa các thành viên trong gia đình cũng dễ dàng và hiệu quả hơn.

Cam Kết Cao Và Có Sự Gắn Kết

  • Các thành viên trong gia đình thường nỗ lực vì sự thành công của công ty vì đây là tài sản chung của gia đình.
  • Mối quan hệ huyết thống và tình cảm gia đình tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, giúp các thành viên đồng lòng, cùng nhau nỗ lực phát triển công ty.

Tiết Kiệm Chi Phí

  • Công ty gia đình sử dụng nguồn nhân lực từ các thành viên trong gia đình nên có thể tiết kiệm chi phí cho việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên.
  • Việc chia sẻ tài nguyên và cơ sở vật chất giữa các thành viên cũng giúp giảm thiểu chi phí hoạt động.

Bảo Mật Thông Tin

  • Việc sở hữu và quản lý công ty bởi người trong nhà sẽ giúp bảo mật thông tin, bí mật kinh doanh hiệu quả hơn so với các công ty có nhiều cổ đông bên ngoài.
công ty gia đình là gì
Ưu – Nhược điểm của công ty gia đình

3.2. Nhược Điểm Của Công Ty Gia Đình

Thiếu Tính Chuyên Nghiệp

  • Việc quản lý công ty dựa trên mối quan hệ huyết thống, anh em nên có thể dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp khi ra quyết định và quản lý hoạt động.
  • Chuyên môn và kỹ năng của các thành viên trong gia đình không phải lúc nào cũng phù hợp với vị trí và công việc được giao.

Xung Đột Lợi Ích

  • Có thể xảy ra xung đột lợi ích giữa các thành viên trong gia đình khi họ có những mục tiêu và quan điểm khác nhau về việc phát triển công ty.
  • Việc phân chia lợi nhuận và tài sản cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn và tranh chấp về sau.

Khó Khăn Trong Việc Kế Thừa

  • Kế thừa công ty để phát triển sẽ gặp phải khó khăn khi không có người kế nhiệm phù hợp hoặc các thành viên công ty không đồng ý về việc chuyển giao quyền lực.
  • Việc chuyển giao công ty cũng cần đảm bảo sự công bằng và hài hòa lợi ích giữa các thành viên trong gia đình.

Giới Hạn Trong Việc Phát Triển

  • Do nguồn vốn và nhân lực chủ yếu từ gia đình nên việc mở rộng quy mô và phát triển thị trường sẽ thường khó hơn các công ty khác.
  • Việc tiếp cận nguồn vốn bên ngoài cũng có thể gặp nhiều hạn chế vì cấu trúc sở hữu và quản lý của công ty.

Nguy Cơ Ảnh Hưởng Đến Mối Quan Hệ Gia Đình

  • Việc pha trộn giữa công việc và gia đình sẽ làm cho mâu thuẫn căng thẳng và khó đi đến giải quyết.
  • Khi công việc gặp khó khăn hoặc xảy ra mâu thuẫn trong công ty, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan của các thành viên.

4. Tại Sao Công Ty Gia Đình Là Nỗi Ám Ảnh Của Nhiều Ứng Viên?

Như đã đề cập ở trên, công ty gia đình có cách quản lý theo kiểu “người nhà”. Tức là các quyền lợi tốt nhất chủ yếu sẽ tập trung ở cấp trên, người có quan hệ gia đình với lãnh đạo. Cũng bởi vậy mà không ít người lắc đầu ngán ngẩm khi nghe nhắc đến loại hình này.

thế nào là công ty gia đình
Công ty gia đình là nỗi ám ảnh của nhiều ứng viên

4.1. Các Chế Độ Đãi Ngộ Không Rõ Ràng

Điểm đầu tiên khiến nhiều ứng viên cảm thấy không hài lòng ở các công ty gia đình đó chính là chế độ đãi ngộ không rõ ràng. Có những công ty cố tình lách luật, trốn thuế, phúc lợi cho người lao động không rõ ràng, thậm chí là không có. Một số khác thì lương thưởng của nhân viên thường xuyên bị điều chỉnh theo cảm tính của sếp,… Tất cả các vấn đề này gây ra sự bất bình và nhiều nhân viên đã chọn cách dứt áo ra đi để tìm môi trường mới.

Tất nhiên, không phải công ty gia đình nào cũng vậy, song nó lại chiếm đa số trong xã hội hiện nay.

4.2. Con Đường Thăng Tiến Mơ Hồ

Thăng tiến, phát triển sự nghiệp là điều mà bất kỳ ai cũng mơ ước, đặt mục tiêu để cố gắng đạt được. Thế nhưng, khi làm việc trong các công ty gia đình, điều này dường như rất xa xỉ, khó khăn. Bởi mô hình kinh doanh gia đình thì hầu hết họ sẽ chỉ ưu tiên các đối tượng “con ông cháu cha”, những người có quan hệ để đưa lên làm lãnh đạo. Cơ hội để các nhân viên là người ngoài phát huy năng lực, đạt được thành tựu, vị trí cao hầu như là không có.

Cách hoạt động, quản lý trên khiến cho các công ty này khó giữ chân được người tài. Sẽ không ai chịu mãi cảnh cố gắng, nỗ lực làm việc nhưng không được công nhận, cứ “giậm chân tại chỗ”, đặc biệt là những người trẻ, có ý chí, hoài bão về tương lai.

Xem thêm: Chuyện công sở: Nên làm gì khi sếp gây khó dễ để đuổi việc?

4.3. Công Ty Gia Đình Thường Làm Việc Theo Cảm Tính

Trong công ty gia đình, giám đốc thường là người có quyền quyết định cao nhất, mọi chính sách, định hướng phát triển đều dựa trên ý kiến của các “nhân vật tối cao” này. Do đó, môi trường làm việc thân thiết hay hà khắc cũng sẽ dựa vào quyết định cảm tính của giám đốc.

Bên cạnh đó, các chế độ khen thưởng cũng sẽ thường được ưu tiên cho “hội người nhà” của sếp.

5. Cách Để Sinh Tồn Trong Các Công Ty Gia Đình

sinh tồn trong công ty gia đình
Bí quyết sinh tồn trong công ty gia đình

Có thể thấy, làm việc trong các công ty gia đình “bất công” là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, loại hình này lại đang chiếm phần lớn tại Việt Nam nên các bạn sẽ khó mà tránh khỏi. Hơn nữa, với những bạn trẻ chưa có kinh nghiệm, muốn trau dồi, rèn luyện kỹ năng thì việc “đầu quân” cho các công ty này lại khá phù hợp. Vậy làm sao để “sinh tồn” được trong các công ty gia đình?

5.1. Thực Hiện Đúng Những Nhiệm Vụ Được Giao Phó

Dù bạn làm việc ở môi trường nào, vấn đề tôn trọng cấp trên vẫn là điều rất cần thiết. Nhất là khi làm trong công ty gia đình, bạn sẽ cần đặt quan điểm, ý kiến, mong muốn của giám đốc là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện. Bởi không ai khác, họ sẽ là người xem xét, đánh giá năng lực, là người cầm cân nảy mực đưa ra quyết định thăng tiến, tăng lương cho bạn. Và để dễ dàng “sống” được trong môi trường này, các bạn hãy lưu ý, đừng cãi sếp, hãy thực hiện đúng nhiệm vụ được giao nhé.

5.2. Không So Kè Đãi Ngộ Với Người Nhà Của Sếp

Dù bạn giỏi như thế nào, kết quả có thể vẫn không được công nhận xứng đáng. Trong khi đó, “gia đình sếp” không làm gì lại luôn được khen thưởng, cân nhắc lương. Thế nhưng, ở giữa “chiến trường”, chúng ta không nên quá manh động mà hãy tập quen với điều đó. Bản chất công ty gia đình sẽ là ưu tiên người nhà, khi đã chấp nhận làm việc trong môi trường này, bạn phải quen với việc quyền lợi ít hơn một số người khác. Còn nếu bạn cảm thấy thất vọng, so kè với họ, bạn trong mắt sếp sẽ càng thêm tồi tệ và cách tốt nhất là rời khỏi đó.

Xem thêm: Sếp sai rồi! – Làm thế nào để nói điều đó với sếp của bạn?

5.3. Tạo Mối Quan Hệ Với Mọi Người

Một cách khác để bạn có thể “sống sót” và “sống tốt” tại công ty gia đình đó là thiết lập các mối quan hệ gắn kết, thân thiết với người nhà của sếp. Điều này không thể hiện bạn yếu kèm mà đó là một bước đệm để bạn “dễ thở” hơn trong công việc. Bên cạnh đó, khi được lòng người nhà của sếp, hình ảnh bạn trong mắt sếp cũng sẽ tốt hơn, từ đó được ưu tiên hơn về các quyền lợi, chế độ đãi ngộ.

Tất nhiên, bạn cũng chỉ nên kết thân với những đồng nghiệp thực sự tốt, sống và làm việc tử tế, công bằng. Bởi không phải “người nhà” nào cũng thiếu thân thiện, tỏ vẻ coi thường người khác, có những người rất tốt, họ sẽ giúp bạn phát triển hơn trong sự nghiệp.

Công ty gia đình là gì? – bạn đã hiểu rồi đúng không? Bạn có đang làm việc trong công ty gia đình không? Bạn đã hoặc đang gặp phải những vấn đề khó khăn khi làm việc ở môi trường này? Nếu có, hãy chia sẻ ngay với JobsGO nhé!

Câu hỏi thường gặp

1. Có Nên Làm Việc Trong Công Ty Gia Đình Không?

Để trả lời cho câu hỏi này, bạn cần phải tìm hiểu kỹ môi trường đó có điều kiện để phát triển không? có học hỏi thêm được kinh nghiệm, kiến thức hay không? Đồng thời chế độ đãi ngộ của họ với nhân viên như thế nào? Nếu nó phù hợp với mong muốn và định hướng của bạn thì bạn hoàn toàn có thể làm việc tại công ty gia đình. Bởi trên thực tế có rất nhiều công ty gia đình phát triển mạnh vươn tầm quốc tế.

2. Làm Việc Trong Công Ty Gia Đình Có Thể Phát Triển Bản Thân Không?

Hoàn toàn có thể, tuy nhiên các cơ hội, kỹ năng, kiến thức hay kinh nghiệm bạn nên tự chủ động. Bởi không phải môi trường nào cũng tạo điều kiện để nhân viên được học hỏi và phát triển.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: