Giai đoạn vừa tốt nghiệp hay mới tập tễnh bước chân vào nghề Marketing, có lẽ ai cũng đã từng được trải nghiệm môi trường Startup, các công quy mô nhỏ phải không? Bởi thực tế, khi chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, đây chính là sự lựa chọn để các bạn có thể học hỏi, tiếp thu phát triển bản thân, là bước đệm cho tương lai, sự nghiệp sau này. Tuy nhiên, có những nỗi khổ khi làm Marketing trong doanh nghiệp nhỏ mà bạn phải trải qua. Hãy cùng JobsGO phân tích, tìm hiểu chi tiết hơn về những nỗi khổ đó nhé.
Mục lục
Ngân sách khá hạn hẹp
Đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhất là các Startup thì tài chính là vấn đề khá nhạy cảm, luôn được xem xét, cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng. Toàn bộ các hoạt động Marketing phải được thực hiện làm sao cho phù hợp, không sử dụng ngân sách quá lớn mà vẫn mang lại kết quả tốt, doanh thu bán hàng, độ nhận diện thương hiệu vẫn tăng,… Các yêu cầu của doanh nghiệp cho khoản đầu tư Marketing phải thật chính xác, không thể “bỏ sông bỏ biển” được.
Và chắc chắn ngân sách hạn hẹp cùng những yêu cầu “khó nhằn” trên chính là một khó khăn lớn đối với bộ phận Marketing. Ví dụ như có những chiến dịch quảng cáo, công ty A chỉ cho 15 triệu đồng, nhân viên phải làm brochure bằng word, sử dụng công cụ gửi email miễn phí để tiết kiệm tối đa chi phí,… Mặc dù “cái khó ló cái khôn”, những thử thách này giúp cho các Marketer có thể sáng tạo, phát triển ý tưởng mới nhưng họ lại bị hạn chế cơ hội tham gia các dự án, chiến dịch lớn, đòi hỏi nhiều tư duy, kỹ năng chuyên môn. Cũng vì vậy mà không ít bạn trẻ đã lựa chọn rời bỏ môi trường làm việc khá ổn định để trải nghiệm tại các doanh nghiệp lớn.
👉 Xem thêm: Giải quyết các vấn đề trong Startup dưới góc độ Content Marketing
Không có chiến lược triển khai rõ ràng
Nhiều doanh nghiệp nhỏ không có chiến lược cụ thể, rõ ràng cho hoạt động Marketing. Điều đó khiến nhân viên không biết phải làm gì, triển khai theo mục tiêu, định hướng như thế nào?
Một số đơn vị vì không có chiến lược lâu dài mà phát sinh ý tưởng nào, triển khai ngay ý tưởng đó. Mọi thứ được thực hiện không theo kế hoạch nào và dẫn đến chồng chéo, dở dang các chiến dịch, dự án.
Thậm chí, có những đơn vị, nhân viên Marketing phải tự đề xuất toàn bộ kế hoạch Marketing, không có trưởng phòng, leader dẫn dắt, định hướng. Mặc dù qua đó, các Marketer có thể phát triển được nhiều kỹ năng, song nó cũng khiến không ít người cảm thấy áp lực, mệt mỏi và không học hỏi được quá nhiều điều.
Hoạt động Marketing rời rạc, thiếu nhất quán
Hãy thử tưởng tượng, bạn nảy ra ý tưởng trong đầu nhưng không được viết ra giấy, trình bày trên file thì sẽ như thế nào? Chắc chắn nó sẽ không được sắp xếp theo thứ tự, không logic và thiếu thống nhất khi triển khai.
Các doanh nghiệp nhỏ rất hay sử dụng cách làm Marketing nhỏ giọt, rời rạc để rồi cuối cùng dẫn đến thiếu nhất quán. Tức là chỉ khi nào có sản phẩm, dịch vụ mới hay sự kiện đặc biệt mới làm quảng cáo, Marketing để gây sự chú ý. Còn thời gian còn lại, họ chỉ tập trung vào sales, bán hàng, tư vấn,… Và quan trọng là các lãnh đạo vẫn luôn phàn nàn rằng “tại sao mọi hoạt động Marketing đều tốn kém mà không mang lại hiệu quả tốt?”.
Thực tế, truyền thông, Marketing là cả một quá trình dài. Doanh nghiệp không thể lúc làm lúc dừng hay không có chiến lược, kế hoạch cụ thể mà vẫn muốn thay đổi nhận thức khách hàng, tạo sự tin tưởng với họ. Vì sau mỗi đợt quảng cáo, khách hàng sẽ quên đi nhanh chóng nếu doanh nghiệp không triển khai thêm bất kỳ hoạt động nào khác. Đây chính là một trong những nỗi khổ, là khó khăn lớn mà các Marketer phải trải qua khi làm việc trong doanh nghiệp nhỏ.
👉 Xem thêm: Làm nhân viên tại doanh nghiệp lớn hay quản lý tại doanh nghiệp nhỏ?
Không có chiến lược xây dựng thương hiệu
Hình ảnh, thương hiệu là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự tin tưởng, lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của khách hàng. Thế nhưng, các doanh nghiệp nhỏ thường bỏ qua điều này, chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh, bán hàng, nhìn vào cái lợi trước mắt.
Vậy nhưng, việc tạo nên thương hiệu tốt sẽ giúp doanh nghiệp tạo được dấu ấn, giúp khách hàng nhớ về sản phẩm, dịch vụ mỗi khi nhắc đến. Và tất nhiên, khi có nhu cầu, họ cũng sẽ ưu tiên chọn sản phẩm của doanh nghiệp bạn vì thương hiệu lớn, uy tín. Điều này mang đến kết quả là doanh nghiệp sẽ có được vị trí nhất định trên thị trường.
Tuy nhiên, có những doanh nghiệp không chú trọng, đầu tư phát triển thương hiệu nhưng lại muốn mong muốn bộ phận Marketing đạt hiệu quả tốt, mang đến doanh thu cao. Đây quả là một thử thách lớn khiến không ít Marketer đau đầu đến “trầm cảm”.
>>>>> Tuyển dụng nhân viên Marketing không yêu cầu kinh nghiệm.
Luôn trong tình trạng “3 đầu 6 tay”
Như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp nhỏ thì ngân sách, nhân lực sẽ luôn hạn chế. Họ sẽ không tuyển quá nhiều nhân viên, thậm chí cả phòng Marketing chỉ có 1 – 2 người. Điều đó đồng nghĩa là nếu làm nhân viên Marketing trong các công ty này, bạn sẽ luôn ở trong tình trạng “3 đầu 6 tay”, lo liệu hầu hết các đầu việc của phòng.
Ví dụ nhân viên Content Marketing nhưng phải kiêm thêm cả công việc thiết kế ảnh, chạy quảng cáo, lên ý tưởng các chiến dịch, làm SEO, tổ chức sự kiện,… Xét theo hướng tích cực thì đây cũng là cơ hội để các bạn được học hỏi, phát triển nhiều kiến thức, kỹ năng. Song đến cuối cùng, bạn sẽ không thể nào ôm được mãi một lúc nhiều việc như vậy. Bạn có thể sẽ thường xuyên phải tăng ca cho kịp tiến độ, cô đơn sớm tối với văn phòng và quan trọng là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
👉 Xem thêm: Nên làm việc ở Start up hay doanh nghiệp lớn? Đâu là lựa chọn chính xác?
Lương thưởng không như “lời đồn”
Có nhiều lời đồn rằng làm Marketing giàu lắm, lương cao lắm,… Thế nhưng, những ai làm trong nghề, nhất là làm trong công ty nhỏ mới biết được thực hư ra sao?
Mang tiếng là các Marketer làm “full stack”, có đầy đủ các kỹ năng nhưng lương lại không hề cao. Thậm chí, mức lương các bạn nhận được còn thấp hơn một nhân viên Content, nhân viên Digital Marketing,… trong các công ty lớn. Đến khi nghỉ việc, đi phỏng vấn vào công ty khác, nghe thì có vẻ nhiều kinh nghiệm, biết làm nhiều mảng nhưng thực tế, các bạn lại không chuyên sâu ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Như vậy, làm Marketing trong doanh nghiệp nhỏ, các bạn sẽ phải trải qua khá nhiều thử thách, khó khăn, nỗi khổ tâm mà không phải ai cũng biết. Nếu bạn cũng đang làm việc trong lĩnh vực này, hãy luôn cố gắng, nỗ lực để có cơ hội được làm việc cho các đơn vị lớn nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)