Kế toán doanh nghiệp là gì? Công việc và cơ hội việc làm

Đánh giá post

Dù không trực tiếp tạo ra nguồn doanh thu, song kế toán doanh nghiệp lại là vị trí không thể thiếu, góp phần to lớn trong quá trình hoạt động, phát triển của các đơn vị, tổ chức. Vậy kế toán doanh nghiệp là gì? Cùng JobsGO tìm hiểu, giải đáp toàn bộ những vấn đề xoay quanh vị trí này nhé.

1. Thông tin cần biết về kế toán doanh nghiệp

1.1 Kế toán doanh nghiệp là gì?

Kế toán doanh nghiệp chính là người đảm nhiệm công việc thu thập, kiểm tra, phân tích, xử lý và cung cấp những thông tin liên quan đến tài chính, kinh tế dưới hình thức giá trị, hiện vật hay thời gian lao động trong doanh nghiệp.

Kế toán doanh nghiệp
Kế toán doanh nghiệp là gì?

Hiện nay, kế toán doanh nghiệp được chia thành 2 bộ phận:

  • Kế toán thuế: chịu trách nhiệm vận hành doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thực hiện đủ nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước.
  • Kế toán nội bộ/kế toán quản trị: chịu trách nhiệm tập hợp toàn bộ những vấn đề phát sinh của doanh nghiệp để đưa ra số liệu chính xác nhất.

1.2 Các thành phần chính của kế toán doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật hiện hành, kế toán doanh nghiệp sẽ có 3 thành phần chính:

  • Kế toán: gồm có kế toán bán hàng, nguyên vật liệu & sản phẩm, kế toán chi phí và hạch toán giá thành.
  • Giao dịch: quản lý, giám sát các giao dịch tiền mặt – tiền gửi, tài sản cố định vô hình – hữu hình, giao dịch ngoại tệ.
  • Hạch toán: hạch toán với đối tác, người lao động, người nhận tạm ứng và ngân sách.

>> Xem thêm: Hạch toán là gì?

1.3 Phương pháp hạch toán của kế toán doanh nghiệp

Kế toán doanh nghiệp thường sử dụng nhiều phương pháp hạch toán khác nhau tùy vào từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như:

  • Phương pháp chứng từ kế toán: phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo địa điểm, thời gian phát sinh các nghiệp vụ. Mục đích chính là cung cấp kịp thời các thông tin cho quản lý để họ có cơ sở ghi sổ kế toán.
  • Phương pháp tài khoản kế toán: cho phép doanh nghiệp phân loại các đối tượng kế toán để theo dõi cũng như phản ánh những biến động, phục vụ cho công tác quản lý và kế toán.
  • Phương pháp tính giá: sử dụng thước đo tiền tệ để đo lường giá trị của các đối tượng kế toán theo nguyên tắc.
  • Phương pháp tổng hợp cân đối kế toán: tổng hợp toàn bộ các số liệu từ tài khoản kế toán. Qua đó, doanh nghiệp sẽ nhìn thấy rõ tình hình tài sản, hiệu quả sử dụng vốn như thế nào.

2. Vai trò của kế toán doanh nghiệp

kế toán doanh nghiệp là gì
Vai trò của kế toán doanh nghiệp

Hiện nay, kế toán doanh nghiệp là bộ phận quan trọng, không thể thiếu đối với các đơn vị, tổ chức kinh doanh. Bộ phận này chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ toàn bộ hoạt động kinh tế, tài chính của doanh nghiệp.

Cụ thể, vai trò của kế toán doanh nghiệp thể hiện ở những khía cạnh sau:

  • Ghi chép, lưu trữ các tài liệu, chứng từ, đảm bảo hồ sơ luôn được bảo mật, đáng tin cậy.
  • Cung cấp thông tin tài chính – kinh doanh một cách đầy đủ, kịp thời và trung thực, công khai, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch, đưa ra các quyết định cần thiết.
  • Cung cấp cái nhìn tổng quan nhất về hoạt động cũng như báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong từng giai đoạn.
  • Lập kế hoạch và kiểm soát tài chính, tổ chức ngân sách phù hợp, giúp doanh nghiệp nắm rõ cũng như làm chủ được nguồn tài chính của mình.

>> Xem thêm: Việc làm kế toán tổng hợp

3. Công việc của kế toán doanh nghiệp

Kế toán doanh nghiệp sẽ đảm nhận những công việc chính đó là:

  • Thu thập số liệu, dữ liệu, kiểm tra tính hợp lệ của các chứng từ phát sinh, từ đó xử lý, tính toán, đối chiếu, ghi nhận và hạch toán các bút toán, công nợ của doanh nghiệp.
  • Kiểm tra, hạch toán và tiến hành in ấn, trình ký các chứng từ kế toán.
  • Sắp xếp, lưu trữ một cách khoa học, cẩn thận các chứng từ theo đúng nguyên tắc.
  • Lập báo cáo tài chính, báo cáo quản trị theo yêu cầu để phục vụ cho hoạt động lên kế hoạch, đưa ra quyết định của cấp trên.
  • Kê khai, báo cáo thuế theo định kỳ, trình lên cơ quan thuế và nộp thuế theo đúng nghĩa vụ, trách nhiệm.

Nhìn chung, công việc của kế toán doanh nghiệp khá giống với kế toán tổng hợp. Khối lượng công việc cũng tương đối nhiều, đòi hỏi người làm kế toán cần có chuyên môn, kỹ năng xử lý tốt để hoàn thành nhiệm vụ.

kế toán công ty
Công việc của kế toán doanh nghiệp trong phòng kế toán

4 .Quy trình làm việc của kế toán doanh nghiệp

Quy trình làm việc của kế toán doanh nghiệp gồm có 6 bước:

Bước 1: Tổng hợp các nghiệp vụ kinh tế phát sinh

Mục đích của bước này là tập hợp đầy đủ những phát sinh liên quan đến doanh thu, chi phí phát sinh trong kỳ báo cáo. Đồng thời, kế toán cũng sẽ kiểm tra được tính hợp lệ của các chứng từ trước khi đưa vào hạch toán.

Bước 2: Lập các chứng từ kế toán gốc

Chứng từ gốc gồm toàn bộ các giấy tờ như hóa đơn, phiếu xuất nhập vật tư, lệnh thu chi tiền mặt,…, được dùng để làm căn cứ xác thực các chứng từ phát sinh. Kế toán sẽ dựa vào những chứng từ này để xây dựng nên hồ sơ kế toán hoàn chỉnh.

Bước 3: Ghi sổ kế toán

Kế toán sẽ căn cứ vào các chứng từ gốc đã được đối chiếu, kiểm tra để hạch toán bút toán theo nguyên tắc, quy định của pháp luật. Hiện nay, hoạt động ghi sổ kế toán được hỗ trợ rất nhiều bởi các công cụ, phần mềm kế toán.

Bước 4: Thực hiện các bút toán điều chỉnh và kết chuyển

Vào cuối kỳ, kế toán sẽ phải thực hiện bút toán điều chỉnh để xác định, đo lường doanh thu, chi phí cũng như chuẩn bị các tài khoản sẵn sàng cho việc lập báo cáo tài chính. Bước này rất quan trọng và có ảnh hưởng đến các số liệu làm báo cáo sau này.

Bước 5: Lập bảng cân đối số phát sinh

Bước tiếp theo, kế toán sẽ phải dựa vào số liệu được ghi nhận để lập bảng cân đối số phát sinh theo mẫu có sẵn. Đây là tài liệu vô cùng quan trọng, phản ánh tổng quát tình hình biến động của tài sản, nguồn vốn trong kỳ báo cáo.

Bước 6: Lập bộ báo cáo tài chính và quyết toán thuế

Cuối cùng, kế toán sẽ cần lập tờ khai thuế, quyết toán thuế và lập báo cáo tài chính theo quy định của cơ quan Thuế hoặc cấp trên. Báo cáo tài chính phải được lập theo đúng quy định, chuẩn mẫu được ban hành và đang có hiệu lực.

nghiệp vụ kế toán doanh nghiệp
Quy trình làm việc của kế toán doanh nghiệp

5. Yêu cầu kiến thức, kỹ năng đối với kế toán doanh nghiệp

Để trở thành kế toán doanh nghiệp, bạn sẽ cần đảm bảo được những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cơ bản như sau:

  • Kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ kế toán tốt: đây là một nghề luôn đòi hỏi sự chính xác cao, có nguyên tắc và được quy định bởi pháp luật. Vậy nên một người làm kế toán chắc chắn sẽ cần nắm vững các kiến thức chuyên môn để quá trình làm việc không xảy ra sai sót.
  • Có tinh thần học hỏi, chủ động cập nhật thông tin, quy định mới của pháp luật: lĩnh vực kế toán có liên quan đến pháp luật nên việc thường xuyên tìm hiểu, trau dồi, tiếp thu những thông tư, nghị định mới là điều bắt buộc.
  • Khả năng tư duy logic, phân tích tốt: tính chất công việc của kế toán doanh nghiệp gắn liền với các con số, dữ liệu. Do đó, khả năng phân tích và tư duy tốt sẽ giúp cho quá trình làm việc được chính xác, hiệu quả.
  • Trình độ ngoại ngữ, tin học văn phòng cao: đây là kỹ năng cơ bản mà kế toán doanh nghiệp cần có. Bởi công việc chủ yếu sẽ thực hiện trên các công cụ, phần mềm máy tính như excel, powerpoint, word,… hay trong kế toán sẽ có nhiều thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành. Chính vì vậy mà các bạn phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi tốt 2 kỹ năng này.
  • Kỹ năng giao tiếp tốt: kế toán sẽ phải làm việc, báo cáo, thuyết trình với ban lãnh đạo khá nhiều nên kỹ năng giao tiếp sẽ rất quan trọng. Ngoài ra, nó còn là yếu tố giúp cải thiện mối quan hệ trong công ty.
  • Trung thực, cẩn thận, có trách nhiệm: người kế toán luôn phải đảm bảo đức tính trung thực, làm việc tỉ mỉ, cẩn thận, đặc biệt là với các con số, dữ liệu tài chính, kinh doanh, đảm bảo công việc được hoàn thành tốt nhất.

6. Cơ hội việc làm của kế toán doanh nghiệp

Từ xưa đến nay, kế toán doanh nghiệp vẫn luôn là ngành nghề được đánh giá cao và có nhiều người lựa chọn bởi cơ hội việc làm hấp dẫn. Bất kể doanh nghiệp nào cũng cần có ít nhất 1 nhân sự làm kế toán. Trong khi đó, tính đến năm 2022, cả nước có gần 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực ngành kế toán là vô cùng lớn, mở rộng cơ hội việc làm cho những ai theo đuổi ngành này.

 việc làm kế toán doanh nghiệp
Cơ hội việc làm kế toán doanh nghiệp

Bên cạnh đó, mức thu nhập trung bình của kế toán doanh nghiệp cũng khá tốt, khởi điểm là 7 – 9 triệu đồng/tháng. Với những người đã có nhiều năm kinh nghiệm, có chuyên môn sâu trong lĩnh vực kế toán thì có khả năng đạt đến vị trí cao trong doanh nghiệp, đồng thời thu nhập cũng có thể lên đến trên 20 triệu đồng/tháng.

7. Những thắc mắc liên quan đến kế toán doanh nghiệp

Ngoài những vấn đề trên, cũng có rất nhiều thắc mắc khác liên quan đến kế toán doanh nghiệp. Vậy thì JobsGO sẽ giúp các bạn giải đáp nhé.

7.1 Học kế toán doanh nghiệp ở đâu?

Hiện nay, có rất nhiều trường đào tạo ngành kế toán với chuyên ngành kế toán doanh nghiệp. Các bạn có thể tham khảo một số cái tên nổi bật dưới đây:

  • Đại học Tài chính – Marketing
  • Đại học Kinh tế TP.HCM
  • Học viện Ngân hàng
  • Học viện Tài chính
  • Đại học Thương mại
  • Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội
  • v.v…

7.2 Học kế toán doanh nghiệp có khó không?

Thực tế, bất kể ngành nào cũng sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt là giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu bạn vượt qua được những điều đó thì mọi thứ sẽ trở nên rất dễ dàng. Học kế toán doanh nghiệp cũng vậy.

Khi bắt đầu tiếp xúc với ngành này, chắc chắn các bạn sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ, xa lạ với những kiến thức, con số, dữ liệu,… Thế nhưng, chỉ cần bạn có niềm đam mê với ngành, học tốt các môn về tự nhiên, tính toán, có khả năng tư duy tốt kết hợp với sự cố gắng, nỗ lực thì đây sẽ không phải là ngành quá khó.

7.3 Sự khác nhau giữa kế toán doanh nghiệp và kế toán công là gì?

Trong ngành kế toán chung sẽ có kế toán doanh nghiệp và kế toán công. Nhiều người lầm tưởng đây là 2 chuyên ngành giống nhau, tuy nhiên sự thật lại không phải vậy.

  • Kế toán công có đối tượng theo dõi, phản ánh là tình hình hoạt động của các đơn vị, cơ quan, tổ chức xã hội mà không hướng đến doanh thu, lợi nhuận.
  • Kế toán doanh nghiệp có đối tượng theo dõi là tình hình hoạt động của doanh nghiệp và hướng đến doanh thu, các chi phí phát sinh, lợi nhuận.
kế toán doanh nghiệp và kế toán công
Sự khác nhau giữa kế toán doanh nghiệp và kế toán công

Bài viết trên đây JobsGO đã tổng hợp đến bạn đọc thông tin chi tiết nhất về kế toán doanh nghiệp cũng như các vấn đề xoay quanh vị trí này. Nếu bạn yêu thích nghề liên quan đến các con số, tính toán thì việc làm kế toán chính là một sự lựa chọn phù hợp đấy nhé.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: