Kiểm toán là gì? Ý nghĩa, bản chất và chức năng của kiểm toán

Đánh giá post

Kiểm toán là hoạt động quan trọng trong quy trình quản lý, điều hành, kiểm soát các hoạt động kinh tế – tài chính. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết kiểm toán là gì? Ý nghĩa và quy trình kiểm toán ra sao? Nếu bạn cũng đang tìm hiểu các vấn đề liên quan đến kế toán, đừng bỏ lỡ bài viết này nhé!

1. Kiểm toán là gì?

Kiểm toán là gì? Chính là công việc xác minh và kiểm định tính trung thực trong các báo cáo tài chính. Từ đó đưa ra được kết luận chuẩn xác nhất về tình hình tài chính của một công ty, doanh nghiệp.

Có thể hiểu đơn giản thì kiểm toán là quá trình thu thập thông tin về tài chính, tiến hành đánh giá nó nhằm xác định độ phù hợp và đúng đắn của thông tin so với chuẩn mực được thiết lập nên.

Ngành kiểm toán hiện nay là một ngành đào tạo gắn liền với kế toán trong các trường đại học, cao đẳng. Theo học ngành này, các bạn sẽ được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện nghề được hiệu quả nhất.

kiểm toán là gì
Kiểm toán là gì?

2. Ý nghĩa của kiểm toán

Hoạt động kiểm toán mang lại rất nhiều giá trị cho tổ chức, doanh nghiệp.

  • Giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng quy định về việc doanh nghiệp buộc phải kiểm toán và nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán.
  • Giúp doanh nghiệp tự nhìn nhận, đánh giá xem liệu những thông tin được trình bày trên báo cáo tài chính đã thực sự đúng về bản chất chưa. Liệu những thông tin, số liệu nào chưa đúng, có thể đưa đến sự hiểu nhầm cho người đọc.
  • Giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Báo cáo tài chính đầy đủ thông tin luôn mang lại sự an tâm, tín nhiệm của người đọc, nhà đầu tư.
  • Giúp doanh nghiệp kịp thời phát hiện các sai sót trọng yếu, các lỗ hổng về mặt tài chính kế toán, kiểm soát nội bộ. Qua đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những biện pháp khắc phục, điều chỉnh kịp thời.

3. Phân loại kiểm toán

Trong phần này, JobsGO sẽ cùng bạn tìm hiểu về 3 loại kiểm toán: kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ.

3.1 Kiểm toán độc lập là gì?

Kiểm toán độc lập được thực hiện bởi chính các công ty chuyên về dịch vụ kiểm toán. Họ sẽ thực hiện công tác kiểm toán theo yêu cầu của khách hàng. Để hoạt động, kiểm toán độc lập cần có sự tin cậy từ nhà đầu tư hoặc các bên thứ ba.

3.2 Kiểm toán nhà nước là gì?

Đây là loại kiểm toán được tiến hành bởi cơ quan kiểm toán Nhà nước. Họ thực hiện theo luật định được ban hành và không hề thu phí khi tiến hành công tác. Đối tượng được sử dụng loại kiểm toán này thường là các doanh nghiệp nhà nước.

3.3 Kiểm toán nội bộ là gì?

Họ là kiểm toán viên làm việc trong chính công ty hoặc doanh nghiệp nào đó. Khi được các thành viên trong hội đồng quản trị hoặc ban giám đốc yêu cầu, họ sẽ tiến hành kiểm toán nội bộ tổ chức. Báo cáo của họ chỉ nhận được sự tin cậy của nội bộ chứ ít được bên ngoài tin cậy về độ chính xác.

👉 Xem thêm: Kiểm soát nội bộ là gì? Tại sao doanh nghiệp cần kiểm soát nội bộ?

4. Nhiệm vụ của kiểm toán

Kiểm toán viên có nhiệm vụ gì? Cùng JobsGO tìm hiểu ngay!

4.1 Lập kế hoạch kiểm toán

Lập kế hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà kiểm toán viên cần thực hiện. Khâu này có vai trò định hướng cho toàn bộ hoạt động sau đó. Nếu kế hoạch tốt, công việc sẽ diễn ra một cách suôn sẻ và ngược lại, kế hoạch không tốt khiến bạn tốn thêm nhiều thời gian để hoàn thành từng nhiệm vụ và có thể gặp sai sót trong quá trình làm việc.

4.2 Xây dựng chương trình kiểm toán

Chương trình kiểm toán là những dự kiến chi tiết, tỉ mỉ về nội dung, trình tự công việc kiểm toán chi tiết cho từng tài khoản hay từng thông tin tài chính cần được kiểm toán.

Việc xây dựng chương trình kiểm toán giúp kiểm toán viên thực hiện công việc chính xác và chặt chẽ hơn.

Audit
Kiểm toán viên có nhiệm vụ ra sao?

4.3 Thu thập thông tin bằng phương pháp kiểm toán

Có nhiều phương pháp kiểm toán khác nhau được áp dụng để thu thập thông tin.

  • Kiểm toán cân đối: dựa trên các phương trình kế toán và các cân đối khác để kiểm tra các quan hệ nội tại của các yếu tố cấu thành quan hệ cân đối đó.
  • Đối chiếu trực tiếp: so sánh, đối chiếu trị số (về mặt lượng) của cùng một chỉ tiêu trên các nguồn tài liệu khác nhau.
  • Đối chiếu logic: đối chiếu trị số của các chỉ tiêu có quan hệ với nhau theo xu hướng nhất định hay tỉ lệ nhất định.
  • Điều tra: tiếp cận, đánh giá những đối tượng đang được kiểm toán.
  • Trắc nghiệm: mô phỏng hoạt động nghiệp vụ để kiểm tra lại kết quả của sự việc đã diễn ra trong quá khứ.

4.4 Ghi chép thông tin

Kế toán viên cần ghi chép lại tất cả các thông tin thu thập được một cách đầy đủ, chính xác. Dữ liệu mà kế toán viên ghi chép sẽ được sử dụng làm căn cứ, bằng chứng để đưa ra kết luận, viết báo cáo.

4.5 Kết luận, báo cáo

Cuối cùng, từ những thông tin đã có được, kiểm toán viên cần tổng hợp, phân tích để đưa ra kết luận kiểm toán. Kết luận này sau đó được trình dưới dạng biên bản hoặc báo cáo kiểm toán. Cuối cùng, kế toán viên cần đưa ra được kết luận về báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

5. Chức năng của kiểm toán

Các chức năng chính của kiểm toán bao gồm:

  • Xác minh tính trung thực, hợp pháp của báo cáo tài chính.
  • Đưa ra ý kiến về tính trung thực, mức độ hợp lý của các thông tin tài chính, kế toán.
  • Chỉ ra những sai sót đang tồn tại trong thông tin tài chính, kế toán và tư vấn cho nhà quản lý biện pháp khắc phục phù hợp, qua đó giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn.

6. Quy trình tiến hành cuộc kiểm toán chuẩn

Khi triển khai một quy trình kiểm toán, các kiểm toán viên sẽ thực hiện theo các bước như sau:

  • Bước 1: Ban lãnh đạo công ty, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị báo cáo tài chính của tổ chức mình. Báo cáo này phải đảm bảo đáp ứng đúng về chuẩn mực và yêu cầu liên quan đến pháp lý.
  • Bước 2: Giám đốc đứng đầu tổ chức sẽ tiến hành phê duyệt đối với báo cáo tài chính trên.
  • Bước 3: Kiểm toán viên bắt đầu nhập cuộc, triển khai kiểm tra thông qua các nghiệp vụ chuyên môn để xem xét báo cáo tài chính trong các kỳ hoạt động kinh doanh của tổ chức.
  • Bước 4: Kiểm toán viên đánh giá về rủi ro hoặc những ảnh hưởng trọng yếu qua phân tích báo cáo tài chính được doanh nghiệp thống kê và cung cấp. Thông qua đó đưa ra một số giải pháp để giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro.
  • Bước 5: Kiểm toán viên sẽ đánh giá về tình hình thực hiện của doanh nghiệp thông qua các bằng chứng hỗ trợ.
  • Bước 6: Kiểm toán viên đưa ra đánh giá về tính trung thực của kết quả tài chính trong báo cáo.
  • Bước 7: Kiểm toán sẽ lập báo cáo kiểm toán và đưa ra ý kiến của mình trước thành viên tổ chức hoặc hội đồng cổ đông của doanh nghiệp.
kiểm toán
Quy trình kiểm toán gồm 7 bước chính.

7. Một số khái niệm, câu hỏi liên quan đến kiểm toán

7.1 Kiểm toán tuân thủ là gì?

Kiểm toán tuân thủ hay Compliance Audit là một loại kiểm toán xem xét và kiểm tra cho chính các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực kiểm toán xem có tuân thủ các quy định được ban hành hay không. Thông qua đó để mới có thể đánh giá chính xác về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ của công ty đó có đảm bảo theo quy định không.

7.2 Kiểm toán năng lượng là gì?

Đây là một loại kiểm toán thực hiện các công việc khảo sát, kiểm tra và tiến hành phân tích về các dòng năng lượng. Thông qua hoạt động này giúp tối ưu hóa nguồn năng lượng đầu vào mà vẫn đảm bảo đầu ra chất lượng đối với một hệ thống, một quá trình hoặc vận hành của một tòa nhà.

Hiểu đơn giản thì kiểm toán năng lượng chính là kiểm tra, tính toán đối với nguồn năng lượng điện tiêu thụ của một công trình nào đó. Công trình này có thể là một toà nhà, một cơ quan, doanh nghiệp hoặc nhà máy sản xuất. Thông qua hoạt động này, giảm nguồn năng lượng nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư.

7.3 Quy định chung về kiểm toán là gì?

Kiểm toán được tiến hành bởi nhiều chủ thể. Chính vì vậy, tùy thuộc vào loại kiểm toán mà quyền và nghĩa vụ của chủ thể thực hiện kiểm toán và đối tượng bị kiểm toán có sự khác nhau.

Dựa trên tư cách pháp lý của chủ thể tiến hành kiểm toán và giá trị pháp lý của hoạt động kiểm toán, kiểm toán được phân loại thành:

7.4 Nội dung kiểm toán của kiểm toán nhà nước gồm những gì?

Nội dung kiểm toán nhà nước được quy định tại điều 32, Luật kiểm toán nhà nước 2015 số 81/2015/QH13.

Nội dung kiểm toán bao gồm:

  • Kiểm toán tài chính: việc kiểm toán để đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán.
  • Kiểm toán tuân thủ: việc kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.
  • Kiểm toán hoạt động: việc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Kết luận:

Như vậy, bài viết trên không chỉ giúp bạn hiểu “kiểm toán là gì?” mà còn mang đến nhiều kiến thức bổ ích khác. Kiểm toán hiện là một ngành đòi hỏi cao về chuyên môn và nghiệp vụ. Tuy nhiên đổi lại các bạn có được mức thu nhập hấp dẫn (12 – 20 triệu/tháng với những kiểm toán viên có từ 2 – 5 năm kinh nghiệm).

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: