Sinh viên ngành Luật ra trường làm gì?

Đánh giá post

Hiện nay, bất cứ công ti, tổ chức nào cũng đều cần người hiểu biết về pháp luật, từ đó mới có thể đảm bảo quá trình hoạt động của tổ chức diễn ra trơn tru, trôi chảy. Vì vậy, doanh nghiệp ngày càng chú trọng tuyển dụng bộ phận hỗ trợ pháp lý. Vậy các công việc mà người hiểu biết pháp luật phải làm là gì? Sinh viên ngành luật ra trường có dễ kiếm việc không? Nếu có thì mức lương là bao nhiêu? Hôm nay JobsGO sẽ cùng các bạn đi giải quyết những thắc mắc này nhé.

Sinh viên ngành Luật ra trường làm gì?

1. Ngành luật trang bị cho sinh viên những gì?

 

◼️ Ngành Luật thương mại

Ngành luật thương mại sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, thuế, đất đai và môi trường. Sinh viên tốt nghiệp ngành luật thương mại có thể làm cán bộ tư vấn pháp luật, cán bộ kinh doanh trong các cơ quan kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài,…

◼️ Ngành Luật dân sự

Ngành luật dân sự sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức liên quan đến các vấn đề dân sự như: Hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, thừa kế, thủ tục tố tụng dân sự, luật hôn nhân gia đình, các vấn đề về sở hữu công nghiệp…

◼️ Ngành Luật hành chính

Ngành luật hành chính cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về lý luận Nhà nước và pháp luật cũng như cơ cấu tổ chức và cách hoạt động của bộ máy nhà nước, bao gồm: công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo …

◼️ Ngành Luật quốc tế

Ngành luật quốc tế đào tạo 3 khối kiến thức cơ bản: Công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và luật Thương mại quốc tế. Mục tiêu đào tạo của ngành luật quốc tế là trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản liên quan đến chức năng đối ngoại của nhà nước trong quan hệ quốc tế, bao gồm: kỹ năng lựa chọn, vận dụng pháp luật các quốc gia, đàm phán hợp đồng ngoại thương, giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài…

◼️ Ngành Luật hình sự

Sinh viên chọn ngành luật hình sự sẽ được trang bị những kỹ năng nghiên cứu để vận dụng vào lĩnh vực tư pháp hình sự. Sau khi tốt nghiệp , sinh viên sẽ nắm vững các vấn đề của khoa học luật hình sự, khoa học luật tố tụng hình sự và khoa học luật thi hành án hình sự. Từ đó sinh viên sẽ có có khả năng nhận định, đánh giá và tham gia vào quá trình thực hiện pháp luật, phục vụ công tác điều tra và xử lý các vấn đề về tội phạm.

◼️ Ngành Quản trị – luật

Do nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức kinh doanh, ngành quản trị và luật đã ra đời nhằm tạo nền tảng hiểu biết cho các nhà quản trị và nhà tư vấn. Sinh viên ngành này có khả năng hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết các vấn đề quản trị và các vấn đề có liên quan đến các yếu tố pháp lý. 

◼️ Ngành Luật kinh doanh  

Ngành luật kinh doanh nhằm đào tạo các cử nhân luật có kỹ năng chuyên sâu về pháp luật trong kinh doanh, đồng thời xây dựng kiến thức cơ bản về kinh tế, quản trị kinh doanh, đủ khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước đối với nền kinh tế của Việt Nam.

Sinh viên học luật kinh doanh sẽ được trang bị các kỹ năng nghề nghiệp như: tư vấn, phát triển doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, thực hiện chức năng của chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Nhờ vậy, sinh viên có thể độc lập đưa ra các đề xuất giải quyết các tình huống pháp lý trong kinh doanh, nắm vững các thao tác nghiệp vụ khi doanh nghiệp tham gia vào các vụ tố tụng phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

>> Ngành luật là gì? Học ngành luật ra trường làm công việc gì?

Sinh viên ngành Luật ra trường làm gì?

2. Các cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Luật

 

2.1 Luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên


Khi nhắc tới “sinh viên ngành luật”, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến những công việc này đầu tiên. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là những nghề truyền thống, đã được nhiều người biết đến từ rất lâu. Nếu bạn có ước mơ sẽ trở thành luật sư, kiểm sát viên hay thẩm phán thì bạn nên biết đôi điều về những nghề nghiệp này.

Những công việc, chức danh này hường sẽ do Nhà nước quy định về tiêu chuẩn và quy trình cấp chứng chỉ hành nghề hay bổ nhiệm. Vì đây là những công việc khó, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng cao nên thời gian đào tạo thường lâu hơn so với các nghề khác. Ví dụ, để trở thành một luật sư, bạn phải có bằng cử nhân Luật, có chứng chỉ lớp đào tạo luật sư và tập sự một năm tại các tổ chức hành nghề luật sư mới đủ điều kiện dự thi để được cấp chứng chỉ hành nghề. Thời gian để học lấy chứng chỉ luật sư thường kéo dài 6 hay 7 năm, thậm chí còn lâu hơn nếu bạn không qua kỳ thì để lấy chứng chỉ hành nghề.

>> Mô tả công việc luật sư

2.2 Công chức nhà nước trong các Cơ quan nhà nước

Hiện các cơ quan Nhà nước các cấp từ cấp cơ sở đến cấp trung ương đều có nhu cầu tuyển dụng hàng năm. Nếu bạn muốn làm nhân viên Nhà nước, góp phần xây dựng đất nước thì bạn có thể lựa chọn con đường trở thành công chức. Đừng quá lo lắng về các chỉ tiêu tuyển dụng. Nếu bạn muốn trở thành công chức thì sẽ có rất nhiều vị trí cho bạn ứng tuyển đấy.

>> 4 bí kíp xin việc – “xin đâu trúng đó” bạn không nên bỏ qua

2.3 Pháp chế doanh nghiệp

Trong nền kinh tế mở cửa hiện nay, rủi ro về pháp lý trong kinh doanh là rất lớn. Vì thế, các doanh nghiệp thường ưu tiên tìm kiếm những người có hiểu biết về pháp luật. Tuy nhiên, việc có thể tiên liệu và phòng tránh rủi ro pháp lý không phải do một cá nhân mà là nhờ một đội ngũ am hiểu về pháp luật. 

Nếu muốn tham gia các hoạt động pháp chế doanh nghiệp, bạn hoàn toàn có thể tham gia đội ngũ pháp chế trong các ngân hàng thương mại. Hoạt động của ngân hàng thường gắn liền với hợp đồng, đầu tư,.. nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, các ngân hàng luôn cần những đội ngũ pháp chế để rà soát hợp đồng, đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu, bảo đảm những hoạt động của ngân hàng không vi phạm pháp luật. Không những thế, các ngân hàng thường có các phòng/ban khác ngoài pháp chế mà phải dùng đến nhân sự ngành Luật như: đầu tư, doanh nghiệp, thu hồi nợ, tố tụng…

>> Mô tả công việc tư vấn pháp luật

2.4 Công chứng viên

Công chứng viên là một nghề cần có chứng chỉ hành nghề, tức bạn cũng phải học một lớp đào tạo nghề công chứng, qua thời gian tập sự, qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự để được cấp chứng chỉ. Công chứng viên là người xác nhận những giao dịch, hợp đồng là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, nghề này đòi hỏi người thực hiện công chứng có sự hiểu biết về pháp luật và có tinh thần trách nhiệm cao.

2.5 Giảng viên luật

Việc giảng dạy về luật pháp cũng là một lựa chọn lí tưởng cho những ai vừa yêu thích pháp luật, vừa yêu thích giảng dạy. Việc giảng dạy ngành luật hiện nay mới chỉ được tổ chức ở một số trường đại học. Nhưng hầu hết, các trường đại học đều cần những giảng viên luật để dạy những bài giảng về pháp luật chung hay pháp luật về chuyên ngành cho những ngành không phải là Luật. Do đó, nhu cầu về giảng viên cũng ngày một tăng. Các trường có nhu cầu sẽ tổ chức các kỳ thi tuyển giảng viên để tuyển dụng. Làm giảng viên, bạn sẽ có nhiều thời gian và cơ hội để nghiên cứu luật chuyên sâu, đóng góp cho sự phát triển luật pháp của nước nhà.

2.6 Trợ giúp viên pháp lý

Trợ giúp viên pháp lý là những người được đào tạo về luật và có chức năng giúp đỡ, hỗ trợ các trường hợp cần được trợ giúp pháp luật. Công việc của trợ giúp viên pháp lý thường là tư vấn luật, hướng dẫn các đối tượng được trợ giúp thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính, hướng dẫn soạn thảo đơn từ, chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ…

Những người được trợ giúp pháp lý thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, thương binh, bệnh binh,… Họ là những người không có kiến thức pháp luật nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà không thuê được luật sư hoặc tư vấn pháp luật.

>> 6 sai lầm cần tránh khi tìm việc thực tập

Sinh viên ngành Luật ra trường làm gì?

3. Các trường đào tạo ngành Luật tốt nhất tại Việt Nam

 

3.1 Đại học Luật Hà Nội (Hanoi Law University)

 

Địa chỉ: 87 Nguyễn Chí Thanh, Thành Công, Đống Đa, Hà Nội

Đại học Luật Hà Nội là một trường đại học công lập của Việt Nam. Trường Đại học Luật Hà Nội hiện là trường đại học có quy mô đào tạo về ngành luật lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đất nước. 

Đại học Luật Hà Nội chú trọng việc tổ chức đào tạo các bậc đại học, cao học, và nghiên cứu sinh; Ngoài ra với nhu cầu của xã hội, Trường tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho nhiều đối tượng khác nhau.

3.2 Học viện Ngoại giao (Diplomatic Academy of Vietnam)

 

Địa chỉ: 69 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội 100000

Học viện Ngoại giao là trường đại học đào tạo chuyên ngành ngoại giao duy nhất ở Việt Nam, là cơ quan sự nghiệp tương đương cấp Tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Hiện khoa Luật quốc tế là một khoa mũi nhọn ở Học viện Ngoại giao, chuyên đào tạo kiến thức, kỹ năng về quan hệ quốc tế và tiếp cận các vấn đề quốc tế dưới góc độ pháp luật. Sinh viên theo đuổi chuyên ngành này sẽ được đào tạo chuyên sâu kĩ năng thực hành nghề luật, phát triển khả năng tư duy, phân tích và đánh giá đúng vấn đề pháp lý nói chung, từ đó biết cách áp dụng các kỹ năng để nhận diện và giải quyết các vấn đề pháp lý trong thực tiễn.

3.4 Đại học Công Đoàn (Vietnam Trade Union University)

 

Địa chỉ: 169 Tây Sơn, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội

Trường Đại học Công Đoàn là trường một Đại học công lập lâu đời trong hệ thống các trường Đại học Việt Nam. Trường là đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

So với mặt bằng chung, ngành Luật là một trong những ngành có điểm đầu vào tương đối cao của trường và cũng gần ngang bằng điểm đầu vào của các cơ sở đào tạo Luật có uy tín khác. Tính đến nay đã và đang đào tạo gần 4000 cử nhân Luật học. Khoa đang đảm nhiệm 3 học phần giảng dạy cho toàn trường, 36 học phần giảng dạy chuyên ngành Luật; quản lý 2127 sinh viên chính quy, 481 sinh viên song ngành Luật. Đã có 1603 cử nhân Luật đã tốt nghiệp ra trường.

 

Qua bài viết trên, JobsGO đã cung cấp bạn những kiến thức cơ bản về cơ hội làm việc cũng như những kiến thức hứa hẹn được trang bị khi lựa chọn trở thành sinh viên ngành luật. Tuy nhiên, dù là bất cứ ngành nghề nào thì điều kiện tiên quyết cho sự thành công của bạn vẫn nằm ở sự đam mê, sự kiên trì với nghề. Phải có vậy thì tấm bằng cử nhân luật mới có thể hỗ trợ bạn dễ thăng tiến hơn trong cuộc sống nhé!

 

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: