5 sai lầm trên mạng xã hội có thể cản trở sự nghiệp của bạn

Đánh giá post

Tính đến 6/2021 có gần 76 triệu người Việt Nam đang sử dụng Facebook, hơn 10,7 triệu người sử dụng Instagram,… Và mạng xã hội đã trở thành phương tiện thúc đẩy sự nghiệp của không ít người lên tầm cao mới. Tuy nhiên, đối với một số người khác, nó có thể là dấu chấm hết của sự nghiệp.

Nhà tuyển dụng có thực sự quan tâm đến hoạt động mạng xã hội của ứng viên?

sai lầm trên mạng xã hội cản trở sự nghiệp 1
Nhà tuyển dụng đang sử dụng nhiều thông tin trên mạng xã hội để đánh giá ứng viên.

Bạn nghĩ rằng nhà tuyển dụng không thực sự có thời gian để tìm kiếm và đánh giá ứng viên trên mạng xã hội? Thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì bạn nghĩ.

Mạng xã hội (Facebook, LinkedIn, Instagram,…) là một trong những kênh tuyển dụng hiệu quả nhất hiện nay. Nơi đây không chỉ cho phép HR tiếp cận với lượng lớn ứng viên. Hơn hết, nó còn cho phép các nhà tuyển dụng nhìn thấy một phần con người của ứng viên thông qua các bài viết công khai trên trang cá nhân của ứng viên đó. Theo Forbes, hơn 1/3 nhà tuyển dụng sàng lọc ứng viên tiềm năng dựa trên nội dung được đăng tải trên mạng xã hội; con số này đang tiếp tục tăng lên. Đó cũng là lý do ngày càng có nhiều người xây dựng thương hiệu cá nhân trên Facebook, Instagram,…

👉 Xem thêm: Sự nghiệp là gì?

5 sai lầm trên mạng xã hội có thể phá hủy sự nghiệp của bạn

Để không trở thành một phần của nhóm người thứ 2, bạn nên tránh mắc phải 5 sai lầm dưới đây.

Phàn nàn về công việc hoặc sếp của bạn

sai lầm trên mạng xã hội cản trở sự nghiệp 2
Đừng chia sẻ những bài viết phàn nàn về sếp, công việc,… trên trang cá nhân của bạn.

Để cho cả thế giới biết bạn đang khó chịu với một điều gì đó chưa bao giờ là điều đúng đắn; nhất là khi vấn đề liên quan đến công việc hoặc sếp của bạn. Ngay cả bạn đã chặn không để sếp xem được bài viết đó, thì đồng nghiệp của bạn cũng có thể chụp ảnh màn hình và gửi nó cho những người khác, cuối cùng câu chuyện vẫn có thể đến tai sếp bạn.

Cho dù lời phàn nàn đó không ảnh hưởng đến công việc bây giờ của bạn, thì nó cũng có thể thành “vệt đen” xấu xí ám ảnh bạn trong tương lai. Có thể bạn đã biết, nhà tuyển dụng không đánh giá cao những người nói xấu công ty cũ. Vì vậy, khi họ đọc được bài viết của bạn trên Facebook, Instagram,… họ hoàn toàn có thể đánh trượt bạn.

Chia sẻ thư mời làm việc lên mạng xã hội

Thư mời làm việc (Offer Letter) đôi khi được bảo mật. Bạn nhận được thư mời làm việc không có nghĩa là bạn đã chính thức trở thành nhân viên của công ty. Nhà tuyển dụng có thể từ chối bạn vì cho rằng bạn là một người không đáng tin cậy khi có thể chia sẻ mọi điều cho những người khác biết.

👉 Xem thêm: Offer Letter là gì? Trả lời Offer Letter thế nào? 

Chế giễu khách hàng của bạn

sai lầm trên mạng xã hội cản trở sự nghiệp 3
Chế giễu khách hàng trên mạng xã hội cũng tệ như việc phàn nàn về sếp.

Giống như phàn nàn về sếp, chế giễu khách hàng trên mạng xã hội cũng có thể gây ra những hậu quả vô cùng tồi tệ. Khi bạn là nhân viên của một công ty, lời nói, hành vi của bạn không chỉ thuộc về riêng bạn mà còn đại diện cho cả một tập thể. Một hành động, một câu nói không hay đối với khách hàng có thể làm xấu hình ảnh công ty bạn. Và không một nhà tuyển dụng nào muốn tuyển dụng một người có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp theo cách không hay.

Chia sẻ những bài viết mang tính tiêu cực

Những gì bạn làm, những điều bạn nói đều thể hiện con người bạn. Chính vì vậy, mọi người thường cố gắng làm việc hay, nói lời đẹp để không bị đánh giá xấu.

Bạn cũng nên tuân thủ “quy tắc” này khi hoạt động mạng xã hội trong thời điểm hiện tại. Cách đây chục năm, mạng xã hội chỉ đơn thuần là nơi để chúng ta tương tác, kết nối với bạn bè; nhiều người coi nó như nhật ký và viết trên đó đủ mọi điều từ vui vẻ đến tồi tệ. Nhưng ngày nay, các trang mạng xã hội không còn được sử dụng với mục đích đơn thuần như thế nữa. Vì vậy, bạn vẫn có thể chia sẻ những hình ảnh vui chơi cá nhân, chia sẻ những bài viết mà bạn thấy đồng ý với quan điểm của tác giả; nhưng đừng đăng tải những nội dung mang tính tiêu cực như:

  • Phân biệt vùng miền
  • Phân biệt giới tính
  • Hình ảnh đi bar sàn
  • Hình ảnh mang tính gợi cảm

Nếu bạn do dự về tính chất của một bài viết nào đó, hoặc nghĩ rằng bài viết đó có thể khiến mọi người có suy nghĩ xấu về bạn, tốt hơn hết, bạn nên giữ lại nó cho riêng mình thay vì chia sẻ nó trên các nền tảng xã hội. Đừng để các nhà tuyển dụng bắt gặp một nội dung “có vẻ độc hại” từ bạn. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng, chia sẻ, trả lời bất cứ điều gì.

👉 Xem thêm: Tiêu cực là gì? Làm sao để đánh bay cảm xúc tiêu cực nơi công sở?

Viết sai chính tả

sai lầm trên mạng xã hội cản trở sự nghiệp 4
Viết đúng chính tả luôn là lựa chọn thông minh.

So với những vấn đề nói trên, sai chính tả không phải là điều gì đó quá tồi tệ. Tuy nhiên, trừ trường hợp sai chính tả có mục đích (chẳng hạn như: “cột sống” thay vì “cuộc sống”, “trầm Zn” thay vì “trầm cảm”, “dzui dzẻ” thay vì “vui vẻ”,…), bạn nên cố gắng viết đúng ngữ pháp và chính tả. Vì “khi sai chính tả, mọi lập luận của bạn đều trở nên vô nghĩa” (bạn có biết câu nói nổi tiếng trên mạng xã hội này không?). Hơn hết, các nhà tuyển dụng nói rằng, sai chính tả và ngữ pháp cho thấy rằng ứng viên đó là một người thiếu cẩn trọng và dễ mắc sai lầm trong công việc.

Bạn có bài viết nào không hay trên trang cá nhân Facebook, Instagram,… của mình không? Nếu có, hãy xóa hoặc cài đặt trạng thái riêng tư cho chúng ngay bây giờ nhé. Đừng để những nội dung “xấu xí” ảnh hưởng tới sự nghiệp của bạn.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: