Thăng chức là một trong những cách nhà lãnh đạo ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực và tài năng của nhân viên trong quá trình làm việc, cống hiến cho công ty. Tuy nhiên, nếu thăng chức “sai người” thì lại có thể khiến công ty rơi vào khó khăn. Trong bài viết này, JobsGO sẽ tổng hợp đến bạn đọc 6 kiểu thăng chức gây hại cho cả công ty và nhân viên mà nhà lãnh đạo cần hết sức lưu ý.
Mục lục
Nhân viên làm việc lâu năm
Những nhân viên có thời gian gắn bó lâu năm với công ty thường được yêu quý và dễ dàng được thăng chức. Đơn giản, sếp thấy nhân viên đã dành thời gian cống hiến, dành nhiều tâm huyết cho công ty trong suốt thời gian dài. Họ cho rằng nhân viên đó đủ hiểu về phương hướng hoạt động, văn hóa công ty và có thể truyền đạt được những điều đó cho thế hệ đi sau.
Tuy nhiên, cách làm này là khá cảm tính, đôi khi đưa cả công ty và nhân viên vào tình thế khó. Vì một nhân viên làm lâu năm, có kinh nghiệm ở vị trí nhất định nhưng chưa chắc đã đủ giỏi hay có kỹ năng quản lý, lãnh đạo. Trong suốt quá trình làm việc, nhân viên đó chỉ biết hoàn thành công việc theo KPI được giao, ngoài ra không có điểm gì nổi bật, xuất sắc. Vậy thì việc thăng chức này sẽ không mang lại lợi ích gì cho công ty.
👉 Xem thêm: Yếu tố nào giữ chân nhân viên?
Nhân viên có mối quan hệ
Thăng chức, trọng dụng nhân viên có mối quan hệ có lẽ là vấn đề không còn quá xa lạ trong các doanh nghiệp hiện nay. Đó là việc nhân viên A quen với trưởng phòng B, giám đốc C,… và việc được đưa lên một vị trí trong ban lãnh đạo là điều rất dễ dàng. Tuy nhiên, khi được lựa chọn dựa vào quan hệ thì cách mà những người này quản lý, điều hành công việc cũng sẽ được thực hiện theo đúng kiểu quan hệ. Có nghĩa là, ai khiến họ vui, hài lòng về mặt cá nhân, họ sẽ thích và ưu ái.
Vậy là, cách thăng chức này vô tình đưa bộ máy hoạt động của công ty đi vào 1 vòng tròn của quan hệ. Điều này có ảnh hưởng khá tiêu cực đến kết quả chung của cả công ty.
Nhân viên giỏi bán hàng/chuyên môn
Kiểu thăng chức này xuất hiện ở rất nhiều công ty, nhất là những công ty quy mô nhỏ. Nhân viên bán hàng giỏi, có chuyên môn tốt là sếp sẽ tính đến chuyện “so bó đũa chọn cột cờ”. Họ sẽ nhanh chóng nâng nhân viên lên vị trí cao hơn vì sợ họ sẽ rời đi mà không nghĩ đến việc kỹ năng làm quản lý, lãnh đạo khác với kỹ năng bán hàng. Việc thăng chức nhưng không cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng sẽ vô tình dồn nhân viên vào rủi ro bỏ việc vì không chịu được sức ép doanh số, không biết cách quản lý nhân viên dưới quyền,…
👉 Xem thêm:
Nhân viên có thành tích xuất sắc dù thời gian làm việc ngắn
Trong quá trình hoạt động, việc nhân viên đạt được doanh số cao, tăng vọt trong thời gian ngắn chắc chắn sẽ khiến sếp cảm thấy phấn khởi. Họ sẽ đánh giá rất cao nhân viên góp phần mang lại thành quả đáng tự hào này. Họ ghi nhận sự cố gắng bằng việc tăng lương, thậm chí là thăng chức cho nhân viên đó dù thời gian làm việc không quá dài.
Thế nhưng, thực tế có rất nhiều cách để tăng doanh số trong 1 – 2 tháng. Nhiều trường hợp nhân viên vì biết nếu liên tục vượt KPI sẽ được thăng chức nên cố tình tìm đủ mọi cách, thậm chí cầm cố tài sản để mua hàng, làm báo cáo giả gửi về công ty,… Điều này không khác gì gia đình đầu tư cả trăm triệu đồng chỉ để con cái được vào làm việc trong cơ quan nhà nước chứ không phải họ đi lên bằng thực lực. Và tất nhiên, việc thăng chức như vậy sẽ chỉ khiến công ty rơi vào khó khăn, trì trệ hơn về sau.
>>>Có thể bạn quan tâm: Sai lầm trong quy trình đào tạo nhân sự mới
Nhân viên ngoan, chỉn chu trong công việc
Có được những nhân viên ngoan, làm việc chăm chỉ, chỉn chu là điều mà các sếp đều mong muốn. Đó là những người luôn đi làm đúng giờ, hoàn thành KPI, báo cáo đầy đủ,… và chính họ góp phần tạo nên một văn hóa công ty tốt.
Vậy nhưng, thái độ tốt không đồng nghĩa với trình độ, năng lực cao. Thường những nhân viên “ngoan” khá trầm tính, không có nhiều đột phá, nổi bật trong công việc. Họ sẽ chỉ làm theo trách nhiệm, nhiệm vụ được giao mà không mang lại những ý kiến đóng góp, giúp công ty đổi mới, phát triển. Việc thăng chức cho những nhân viên kiểu này dường như chỉ giúp sếp có thêm một thư ký chứ không phải là một người quản lý, lãnh đạo đội ngũ nhân viên cấp dưới giúp họ.
Nhân viên lớn tuổi
Có một kiểu thăng chức cũng xuất hiện ở khá nhiều công ty đó là “ưu ái” cho những nhân viên lớn tuổi. Lúc này, việc nâng chức tưởng chừng như là một phần thưởng vì nhân viên đã lớn tuổi, dù chưa có thành tích gì nổi bật trong quá trình làm việc. Hay nhân viên đã nhiều tuổi quá rồi mà chưa có tên tuổi, vị trí nhất định trong công ty thì mọi người sẽ xem thường, trong khi đó sếp lớn lại còn khá trẻ,…
👉 Xem thêm: Quản lý nhân viên lớn tuổi? Mẹo lãnh đạo dành cho “sếp trẻ”
Có thể thấy, thăng chức cho nhân viên, thay đổi bộ máy nhân sự là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cần phải lưu ý, xem xét thật kỹ lưỡng, lựa chọn những nhân viên thực sự ưu tú, phù hợp để đưa vào các vị trí cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng kết quả hoạt động chung của công ty mà còn cả các nhân viên khi tiếp nhận vị trí công việc mới.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)