Người tham chiếu là một trong những thông tin cần thiết trong CV mà nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cung cấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn lựa chọn đúng người tham chiếu, được họ đưa ra nhận xét, đánh giá tốt trước nhà tuyển dụng. Vậy làm gì khi bị người tham chiếu nói xấu? Nếu bạn đang hoang mang, lo lắng và chưa biết cách xử lý như thế nào, hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Tại sao nhà tuyển dụng cần thông tin người tham chiếu trong CV?
Mặc dù không phải là thông tin chính, song người tham chiếu vẫn là thông tin quan trọng, giúp nhà tuyển dụng có thể đánh giá và đưa ra quyết định cuối cùng về việc có lựa chọn ứng viên hay không? Vậy cụ thể, họ cần điều gì ở người tham chiếu?
Xác thực các thông tin của ứng viên
Để tạo ấn tượng và dễ dàng trúng tuyển, không ít ứng viên đã đưa thông tin sai thực tế, đánh bóng bản thân vào CV. Hơn nữa, thời gian phỏng vấn cũng không quá dài, nhà tuyển dụng chưa thể hiểu rõ về năng lực, trình độ của ứng viên như thế nào? Lúc này, người tham chiếu sẽ đóng vai trò trong việc kiểm chứng, xác thực các thông tin mà ứng viên đưa ra có chính xác hay không?
Khám phá thêm các khía cạnh khác về ứng viên
30 – 40 phút phỏng vấn ngắn ngủi không đủ để nhà tuyển dụng hiểu hết về ứng viên. Liệu rằng tính cách, con người, sở thích,… của ứng viên có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không? Ứng viên có thực sự cầu tiến, năng nổ trong công việc không?,… Và tất cả những điều này nhà tuyển dụng đều có thể khám phá thêm qua người tham chiếu.
Ngoài ra cũng có trường hợp, ứng viên được người khác giới thiệu vào công ty mới, chính người giới thiệu này cũng sẽ đóng vai trò tham chiếu về năng lực, tính cách của ứng viên.
👉 Xem thêm: Người tham chiếu là gì? Lưu ý gì khi chọn người tham chiếu?
Phải làm gì khi bị người tham chiếu nói xấu?
May mắn lựa chọn đúng người tham chiếu, cơ hội có được việc làm của các bạn sẽ rất cao. Thế nhưng bạn chọn sai người, rất có thể sẽ bị chính họ nói xấu, đưa ra những thông tin không đúng sự thật và qua đây, nhà tuyển dụng sẽ có cái nhìn không thiện cảm về bạn. Vậy phải làm sao nếu bị người tham chiếu nói xấu?
Luôn giữ bình tĩnh để tìm hiểu, giải quyết vấn đề
Thực tế, việc đưa người tham chiếu vào CV xin việc là cần thiết nhưng nó cũng chỉ mang tính chất tham khảo, giúp nhà tuyển dụng chứng thực thông tin. Những gì người tham chiếu cung cấp chỉ ảnh hưởng khoảng 20% đến thái độ của nhà tuyển dụng với bạn. Điều quan trọng ở đây là bạn phải chứng minh được trình độ, năng lực thực sự của mình, thái độ tìm việc thông qua cách giao tiếp, ứng xử với nhà tuyển dụng.
Bởi vậy, dù bị nói xấu, bạn vẫn luôn phải giữ bình tĩnh, tìm hiểu và giải quyết vấn đề. Trường hợp người tham chiếu nói sai về năng lực chuyên môn, bạn có thể chứng minh bằng cách hỏi về bài test nghiệp vụ để bác bỏ thông tin sai lệch đó. Còn nếu họ cho rằng bạn làm việc thiếu hiệu quả, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể lên kế hoạch làm việc mỗi ngày, trình bày chi tiết về cách bạn thực hiện.
Với tất cả những điều đó, bạn dường như đưa ra được lời đáp trả đanh thép cho việc cung cấp thông tin không đúng sự thật từ người tham chiếu. Và nhà tuyển dụng cũng sẽ có con mắt tinh tường, đủ kinh nghiệm để nhận ra được đâu mới là thông tin đúng, đâu mới là dối trá.
👉 Xem thêm: 6 kiểu người bạn nên cân nhắc khi chọn làm “người tham khảo” trong CV
Không nói xấu lại người tham chiếu
Có một điều bạn đặc biệt cần lưu ý chính là dù người tham chiếu có đặt điều, nói xấu như thế nào, bạn cũng không nên nói xấu lại họ. Thông thường, khi gặp phải tình huống bất ngờ, ngoài ý muốn này, nhiều ứng viên sẽ kích động mà dùng lời lẽ tiêu cực để nói về người tham chiếu. Tuy nhiên, hành động này sẽ chỉ khiến bản thân các bạn chịu thiệt thòi, bất lợi và bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp.
Mục tiêu của nhà tuyển dụng khi gặp gỡ ứng viên trong vòng phỏng vấn chính là muốn tìm hiểu xem cách ứng viên xử lý tình huống như thế nào? Vì vậy, bạn hãy bình tĩnh tiếp nhận thông tin, không nói xấu, hạ bệ người khác để giữ được hình ảnh, ấn tượng tốt nhất trong mắt nhà tuyển dụng nhé.
Thể hiện sự chân thành, cầu việc của mình
Bạn cần tìm việc làm và muốn phát triển sự nghiệp trong tương lai. Bởi thế, dù quá khứ chưa hoàn thiện, mắc sai lầm đi chăng nữa thì nó cũng không quá quan trọng, ảnh hưởng đến sự cố gắng, nỗ lực tiến về phía trước của bạn. Và bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy được sự chân thành, nhiệt huyết, tinh thần cầu tiến của mình.
Chẳng hạn như bạn sẽ nói với nhà tuyển dụng rằng “Tôi rất thích môi trường làm việc này, tôi tin bản thân có đủ khả năng, năng lực để phát huy, mang lại giá trị cho công ty nếu có cơ hội được làm việc tại đây”. Hoặc bạn cũng có thể đưa ra một số câu hỏi cho nhà tuyển dụng dạng “khi nào sẽ có kết quả phỏng vấn vậy ạ?”, “tôi sẽ liên lạc lại sau 2 ngày để hỏi về kết quả phỏng vấn được không ạ?”,… Dù chỉ là những câu nói, câu hỏi đơn giản nhưng cũng thể hiện được thiện chí muốn được làm việc của bạn. Và chắc chắn nhà tuyển dụng cũng sẽ có hứng thú với những ứng viên tích cực, luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, ý chí trong công việc như vậy.
👉 Xem thêm: Những kinh nghiệm hay giúp bạn vượt qua vòng phỏng vấn tuyển dụng
Có thể thấy, việc lựa chọn được người tham chiếu phù hợp không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, nếu vô tình chọn sai, các bạn cũng nên bình tĩnh, áp dụng những cách mà JobsGO chia sẻ trên đây nhé. Chúc các bạn may mắn, thành công trong hành trình chinh phục việc làm.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)