Khi không có nhu cầu tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần. Vậy BHXH 1 lần là gì? Điều kiện và cách tính BHXH 1 lần online như thế nào? Tất cả những vấn đề này sẽ được JobsGO trả lời cụ thể trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. BHXH 1 lần là gì?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bù đắp 1 phần thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, thai sản, ốm đau và khi hết độ tuổi lao động hoặc tử tuất.
Và BHXH lãnh 1 lần cũng là chế độ được xây dựng trên cơ sở này. Trong một số trường hợp, những người tham gia đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được hưởng một khoản trợ cấp 1 lần sau một khoảng thời gian đóng BHXH.
Xem thêm: [Update] Quy định luật bảo hiểm xã hội mới nhất?
2. Điều kiện hưởng chế độ BHXH 1 lần
Theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH 2014, 6 những trường hợp dưới đây sẽ được hưởng chế độ bao gồm:
- Đối tượng đủ điều kiện về tuổi nhận lương hưu nhưng lại chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm
- Người lao động mắc một số bệnh hiểm nghèo như phong, ung thư, bại liệu, lao nặng, xơ gan cổ chướng, nhiễm HIV/AIDS,…
- Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc đóng BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục tham gia.
- Lao động nữ hoạt động chuyên trách ở phường, xã, thị trấn đủ 55 tuổi nhưng chưa đóng đủ 15 năm BHXH và không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện.
- Công an, bộ đội sau khi thôi việc, xuất ngũ, phục viên nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu.
- Ra nước ngoài để định cư.
3. Công thức tính BHXH 1 lần
Theo quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì cách tính sẽ căn cứ vào số năm đóng bảo hiểm. Cứ mỗi năm sẽ được tính bằng:
- 1,5 tháng lương bình quân đối với người tham gia bảo hiểm trước năm 2014
- 2 tháng lương bình quân đối với thời gian bảo hiểm xã hội sau năm 2014
Mức hưởng = [1,5 x M(BQTL) x T(trước 2014) + 2 x M(BQTL) x T(từ 2014)] |
Trong đó:
- M(BQTL): Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
- T(trước 2014): Là thời gian tham gia BHXH trước năm 2014.
- T (từ 2014): Là thời gian tham gia BHXH từ năm 2014 trở đi.
3.1 Tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Mức tiền lương bình quân tháng đóng BHXH sẽ được tính theo công thức sau:
M(BQTL) = [T(tháng) x TL(tháng) x M(đc)] / Tổng số tháng đóng BHXH |
T(tháng): Là số tháng đã tham gia BHXH.Trong đó:
- TL(tháng): Là tiền lương tháng đóng BHXH.
- M(đc): Là mức điều chỉnh hàng năm.
Lưu ý: Trường hợp chưa đóng đủ 1 năm bảo hiểm xã hội thì số tiền nhận được sẽ bằng 22% mức lương tiền lương bình quân đóng bảo hiểm. Và số tiền này sẽ không được vượt quá 2 tháng tiền lương bình quân.
3.2 Mức điều chỉnh thu nhập đã đóng BHXH
Theo quy định của Thông tư số 01/2023/TT-BLĐTBXH ngày 03/01/2023 đã được phát hành, vấn đề điều chỉnh mức tiền lương và thu nhập hàng tháng đã đóng BHXH theo bảng hệ số trượt giá tính BHXH cho năm 2023 như sau:
Đối với người tham gia BHXH bắt buộc:
Năm | Mức điều chỉnh | Năm | Mức điều chỉnh |
< 1995 | 5,26 | 2010 | 1,77 |
1995 | 4,46 | 2011 | 1,50 |
1996 | 4,22 | 2012 | 1,37 |
1997 | 4,09 | 2013 | 1,28 |
1998 | 3,80 | 2014 | 1,23 |
1999 | 3,64 | 2015 | 1,23 |
2000 | 3,70 | 2016 | 1,19 |
2001 | 3,71 | 2017 | 1,15 |
2002 | 3,57 | 2018 | 1,11 |
2003 | 3,46 | 2019 | 1,08 |
2004 | 3,21 | 2020 | 1,05 |
2005 | 2,96 | 2021 | 1,03 |
2006 | 2,76 | 2022 | 1,00 |
2007 | 2,55 | 2023 | 1,00 |
2008 | 2,07 | – | – |
2009 | 1,94 | – | – |
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện:
Năm | Mức điều chỉnh | Năm | Mức điều chỉnh |
2008 | 2,07 | 2017 | 1,15 |
2009 | 1,94 | 2018 | 1,11 |
2010 | 1,77 | 2019 | 1,08 |
2011 | 1,50 | 2020 | 1,05 |
2012 | 1,37 | 2021 | 1,03 |
2013 | 1,28 | 2022 | 1,00 |
2014 | 1,23 | 2023 | 1,00 |
2015 | 1,23 | – | – |
2016 | 1,19 | – | – |
3.3 Cách tính làm tròn thời gian tham gia BHXH
Hiện nay, để đơn giản việc tính toán số tiền hưởng BHXH 1 lần, thời gian đóng BHXH của người lao động sẽ được làm tròn theo nguyên tắc sau:
- Từ 01 đến 06 tháng sẽ được tính là nửa năm, tương đương 0,5 năm.
- Từ 07 đến 11 tháng sẽ được tính là một năm đầy, tương đương 1 năm.
Ví dụ:
Lao động B có thời gian tham gia đóng BHXH bắt buộc từ tháng 9/2017 đến tháng 11/2022 tại một số đơn vị như sau:
- Từ tháng 9/2017 đến tháng 12/2018: mức lương 5.000.000 đồng.
- Từ tháng 01/2019 đến tháng 06/2021: mức lương 7.000.000 đồng.
- Từ tháng 07/2021 đến tháng 11/2022: mức lương 9.000.000 đồng.
Lao động B có tổng thời gian tham gia BHXH là 5 năm 3 tháng và có dự định rút BHXH 1 lần. Để biết số tiền hưởng BHXH 1 lần của B là bao nhiêu, áp dụng công thức tính mức hưởng BHXH 1 lần như sau:
- Thời gian tham gia BHXH của B trước năm 2014 = 0 năm.
- Thời gian tham gia BHXH của B sau ngày 01/01/2014 từ năm 2017 đến năm 2022 là 5 năm 3 tháng = 63 tháng làm tròn = 5,25 năm.
- Mức bình quân tiền lương của B = [(16 * 5.000.000 * 1,08) + (31 * 7.000.000 * 1,05) + (17 * 7.000.000 * 1,03) + (3 * 1,00 * 9.000.000) + (2 * 1,00 * 9.000.000)] / 63 = 7.240.952 đồng.
Do thời gian đóng BHXH của B hoàn toàn sau năm 2014, công thức tính mức hưởng BHXH 1 lần là: 2 * Tổng thời gian đóng BHXH * Mức bình quân tiền lương.
Vậy, mức hưởng BHXH 1 lần của B là: 2 * 5,25 * 7.240.952 = 76.151.998 đồng,
Xem thêm: Quy định thanh lý bảo hiểm xã hội mới nhất 2023
4. Cách tính BHXH 1 lần online VssID
Nếu người lao động đáp ứng điều kiện để hưởng BHXH 1 lần, họ có thể sử dụng ứng dụng VssID để xem thông tin về quyền lợi này. Các bước thực hiện như sau:
- Đăng nhập vào ứng dụng VssID.
- Chọn mục “Thông tin hưởng”.
- Tại phần “Một lần”, người lao động sẽ có thể xem thông tin chi tiết về quyền lợi hưởng BHXH 1 lần.
Xem thêm: Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp có gì khác biệt?
5. Thủ tục nhận BHXH 1 lần
Để nhận BHXH 1 lần, người lao động phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và nộp cho cơ quan bảo hiểm như sau:
5.1 Hồ sơ hưởng BHXH 1 lần
- Sổ BHXH.
- Đơn đề nghị hưởng BHXH 1 lần do người lao động điền thông tin.
- Đối với người lao động đã ra nước ngoài để định cư, cần nộp thêm một trong các tài liệu sau (hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng):
- Bản sao hộ chiếu do nước ngoài cấp.
- Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp, có xác nhận cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.
- Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 5 năm trở lên do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
5.2 Thời hạn nộp hồ sơ
Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm người lao động đủ điều kiện và có yêu cầu hưởng BHXH 1 lần nộp hồ sơ quy định tại Điều 109, Luật BHXH cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
5.3 Nơi nộp hồ sơ
Người lao động có nhu cầu rút BHXH 1 lần thì nộp hồ sơ tới cơ quan BHXH cấp huyện nơi người lao động đang cư trú (bao gồm nơi đăng ký tạm trú hoặc đăng ký hộ khẩu thường trú theo quy định pháp luật).
6. Có nên rút BHXH 1 lần không?
Trong trường hợp người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc cần trang trải nhiều khoản chi phí thì có thể lựa chọn rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc nhận BHXH 1 lần sẽ khiến người lao động bị thiệt thòi về sau như:
- Số tiền BH nhận được sẽ ít hơn so với số tiền mà mình đã đóng BHXH.
- Không được cộng nối thời gian tham gia BHXH.
- Mất cơ hội có khoản thu nhập hàng tháng khi về già.
- Có thể không được cấp thẻ BHYT miễn phí.
- Mất khoản trợ cấp tử tuất và mai táng nếu chẳng may qua đời.
Do đó, nếu người lao động chưa đóng đủ năm đóng BHXH mà đã đến tuổi nghỉ hưu thì có thể đóng tiếp để đủ số năm hoặc xin ở lại làm thêm để đủ số năm tham gia BHXH theo quy định.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết về cách tính BHXH 1 lần online theo quy định 2023. Bạn có thể tham khảo để tính toán những khoản trợ cấp được hưởng. Ngoài ra, để tìm hiểu thêm về các quyền lợi của bảo hiểm thì các bạn truy cập website jobsgo.vn để cập nhập thông tin.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)