Giải Mã Từ Điển Ngôn Ngữ Gen Z Phổ Biến Hiện Nay

4.5/5 - (3 votes)

Với cá tính mạnh mẽ và phá cách, gen Z đang không ngừng sáng tạo, đổi mới trong việc tạo ra những từ ngữ dành riêng cho họ. Vậy nên, cùng JobsGO khám phá “từ điển ngôn ngữ gen Z phổ biến nhất hiện nay” để chống tối cổ nhé!

1. Ngôn Ngữ Gen Z Là Gì? Tại Sao Lại Xuất Hiện?

Nếu teencode là ngôn ngữ thịnh hành với thế hệ 8x, 9x thì thế hệ gen Z ngày nay được biết đến một một ngôn ngữ rất riêng – ngôn ngữ gen Z. Đó là ngôn ngữ được đổi khác từ tiếng Việt nguyên gốc hoặc là từ rút gọn, nói lái. Các từ này thường được viral trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok,… sau đó được các bạn trẻ gen Z ứng dụng thường xuyên vào cuộc sống thường ngày.

ngôn ngữ gen z
Ngôn Ngữ Gen Z Là Gì?

Sự xuất hiện của ngôn ngữ gen Z chủ yếu do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội, tạo ra nhu cầu giao tiếp nhanh chóng, sáng tạo. Nó cũng phản ánh xu hướng của Gen Z muốn tạo ra bản sắc riêng và cách thể hiện độc đáo. Ngôn ngữ này không chỉ là cách nói chuyện mà còn là một phần văn hóa, thể hiện tư duy và cách nhìn nhận thế giới của thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra khoảng cách giao tiếp với các thế hệ khác và đôi khi bị coi là không chính thống trong các môi trường truyền thống.

Xem thêm: Gen Z Là Gì? 07 Điểm Đặc Biệt Nhất Của Thế Hệ Gen Z

2. Khám Phá Từ Điển Ngôn Ngữ Gen Z Phổ Biến

Tham khảo ngay từ điển ngôn ngữ gen Z phổ biến nhất hiện nay để tránh biến mình thành người tối cổ nhé!

2.1 Chằm Zn Là Gì?

Chằm Zn hay còn gọi là chằm kèm, là cụm từ làm mưa làm gió trên mạng xã hội trong suốt thời gian vừa qua. Theo từ điển Gen Z, chằm Zn được đĩnh nghĩa là: Chằm Zn = Trằm Kẽm = Trầm Cảm.

Cụ thể, chằm là từ nói lái của “trầm” còn Zn chính là nguyên tố Kẽm trong bảng tuần hoàn hóa học. Chằm Zn được sáng tạo dựa trên từ gốc là trầm cảm, ý chỉ tâm trạng bất lực, bực dọc, chán nản của con người trong hoàn cảnh nào đó.

bảng ngôn ngữ gen z
Chằm Zn Là Gì?

2.2 Khum Là Gì?

Trong kho từ điểm gen Z, khum có nghĩa là không. Đây không phải là một từ khó đoán. Sử dụng từ lái “khum” khiến cho cuộc nói chuyện trở nên thân thiện, dễ thương hơn. Chính vì thế, đây là từ được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng sử dụng, bất kể là trên mạng xã hội hay trong cuộc sống hàng ngày.

2.3 Lemỏn Là Gì?

Lemỏn được hình thành dựa trên từ gốc “Lemon” trong tiếng Anh. Cụ thể, lemon là chanh, thêm vào dấu hỏi mang nghĩa “chảnh”.

Bạn có thể hiểu hơn từ Lemỏn qua công thức dưới đây:

Lemỏn = lemon + ? = chanh + ? = chảnh

Thay vì nói “Bạn chảnh quá!”, gen Z ngày nay nói rằng “Bạn lemỏn quá!”. Có thể thấy, sử dụng từ này trong câu giúp cuộc đối thoại trở nên vui vẻ, hài hước hơn.

Xem thêm: Đánh giá về cái tôi của GenZ khi đi làm, có nên quy chụp cho cả thế hệ?

2.4 Sin Lũi

Sin lũi có lẽ là từ khi nhắc đến mọi người đều có thể hiểu. Nó là cách nói lái của từ “xin lỗi”. Từ này tạo cảm giác dễ thương, đáng yêu cho người sử dụng, đồng thời giúp bầu không khí trở nên thoải mái hơn.

2.5 Fishu Là Gì?

Kết hợp tiếng Việt với tiếng Anh cũng là cách mà gen Z sử dụng để sáng tạo ra ngôn ngữ cho riêng mình. Và Fishu là ví dụ điển hình cho điều đó. Theo từ điển gen Z, Fishu được tạo nên từ Fish (cá) và u. Hay nói cách khác:

Fishu = Fish + u = Cá + u = Cáu

Fishu được gen Z sử dụng để biểu thị cảm xúc bực tức, cáu giận nhưng một cách khá tươi vui, giúp giúp hạn chế sự gay gắt giữa cho cuộc đối thoại.

2.6 Trmúa Hmề Là Gì?

Trmúa Hmề được tạo nên bằng việc thêm chữ cái “m” vào sau “tr” và “h” trong từ trúa hề, được lái đi từ nguyên gốc “chúa hề”. Không có một quy tắc, công thức cụ thể nào cho từ này. Có thể, việc thêm “m” vào từ chỉ đơn giản là vì gen Z thích vậy. Trmúa Hmề biểu thị ý nghĩa chỉ những người hài hước, tạo ra tiếng cười cho người khác.

2.7 Pềct/ Rếpct Là Gì?

Hai từ này được tạo nên đơn giản từ lỗi word telex. Từ gốc của Pềct và Rếpct lần lượt là Perfect (hoàn hảo) và Respect (khâm phục). Gen Z thường dùng chúng để bộc lộ cảm xúc cảm thán, ngưỡng mộ, ca ngợi một người nào đó.

Pềct = Perfect = Hoàn hảo

Rếpct = Respect = Thán phục

2.8 Mai Đẹt Ti Ni

“Mai đẹt ti ni” là cách phát âm tiếng Anh “destiny” theo kiểu Thái Lan, gắn liền với ý nghĩa tình yêu định mệnh. Thuật ngữ này trở nên phổ biến nhờ bộ phim Thái Lan “Ngược dòng thời gian để yêu anh”, trong đó nhân vật chính gọi người yêu là “mai đẹt-ti-ni”. Sự thành công của bộ phim tại Việt Nam đã góp phần lan truyền cụm từ này trên mạng xã hội. Giờ đây, giới trẻ Việt thường dùng “mai đẹt-ti-ni” như một cách hài hước để nói về tình yêu đích thực của mình.

2.9 Fourk

Fourk là từ ngữ được thế hệ gen Z dùng để chỉ từ “bóng”, với công thức cụ thể như sau:

Fourk = “Four” + “k” = “Bốn” + “k” = “Bốnk” = “Bóng”.

Xem thêm: Thấu hiểu để đào tạo một GenZ

2.10 U Là Trời Là Gì?

Nguyên mẫu của “U là trời” chính là từ “Úi trời”. Đây là từ cảm thán để bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ về một điều gì đó xảy ra. Ngày nay, “U là trời” không chỉ được sử dụng rất phổ biến trong các cuộc hội thoại mà còn được đưa vào nhiều tiêu đề của các bài báo viết về gen Z.

Dưới đây là công thức hình thành nên từ “U là trời” mà bạn có thể tham khảo:

Úi trời = U is trời = U là trời

giải mã ngôn ngữ gen z
U Là Trời Là Gì?

2.11 No Star Where

Có thể hiểu “No star where” là cách nói word by word được thế hệ gen Z áp dụng để biểu thị ý “Không sao đâu”, cụ thể:

No = Không

Star = Sao

Where = Đâu

2.12 Bigc Là Gì?

BigC trong từ điển gen Z không nói đến siêu thị BigC. Thay vào đó, BigC là cách chơi chữ với cách hiểu là: BigC = “Big” + “c” = “Bự” + “c” = “Bực”.

2.13 Phanh Xích Lô

Phanh xích lô cũng là một trong những từ ngữ được giới trẻ gen Z sử dụng hiện nay. Khi phanh xích lô sẽ tạo ra những tiếng kêu kít kít, nó đồng âm với từ “kiss” trong tiếng Anh nên “Phanh xích lô” đã được các bạn sáng tạo để nói về hành động hôn nhau.

2.14 Pha-Ke

Pha-ke là phiên bản được biến tấu từ Fake trong tiếng Anh. Nó được dùng để nói về hàng giả, hàng nhái… Cách đọc Việt hóa này khiến cho cuộc nói chuyện trở nên dễ thương và thú vị hơn.

2.15 Gòy Soq, Chếc Gồi

Những từ ngữ quen thuộc với đời sống hàng ngày được gen Z nói lái và viết với một cách thức rất độc đáo, chẳng hạn như:

Gòy soq = rồi xong

Chếc gồi = chết rồi

J z chòy = gì vậy trời

Pít òy = biết rồi

Vì không quá khác biệt với từ gốc nên mọi người đều có thể nghe hiểu điều mà gen Z muốn truyền đạt.

Xem thêm: 7 sự thật bất ngờ về Gen Z có thể thay đổi thị trường tuyển dụng

2.16 Xu Cà Na

Trong ngôn ngữ gen Z, xu cà ca để chỉ cho những gì đen đủi, xui xẻo, những điều không mong muốn.

Xu cà na = Xui xẻo.

2.17 Mlem Mlem

Mlem mlem là từ rất được ưa chuộng hiện nay. Nó được sử dụng để biểu đạt sự khen ngợi những thứ ngon, hấp dẫn.

2.18 Ủa Là Gì?

“Ủa” là từ cảm thán phổ biến trong giao tiếp hàng ngày và trên mạng xã hội của giới trẻ Việt Nam. Nó không chỉ thể hiện sự ngạc nhiên mà còn là cách mở đầu cuộc trò chuyện tự nhiên.

Trong văn hóa Gen Z, “Ủa” đóng vai trò tương tự như “miếng trầu” trong văn hóa truyền thống – một chất xúc tác giao tiếp. Đáng chú ý, cụm “ủa em?” trở thành trend nổi bật, thường được dùng trong tình huống bất ngờ hoặc khó xử, ví dụ như khi nhận phản hồi từ cấp trên tại nơi làm việc.

2.19 Ô Dề Là Gì?

Thuật ngữ này bắt nguồn từ một video TikTok viral (tháng 9/2021) của một phụ nữ mặc áo dài vàng. Cô ấy nói rằng làm gì đó quá mức sẽ trở nên “ô dề”, tức là lố lăng. Kể từ đó, giới trẻ thường dùng “ô dề” để chỉ trích hành vi thái quá hoặc kỳ quặc, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội.

2.20 Ét O Ét Là Gì?

Ét o ét cách đọc của từ SOS – một từ viết tắt để chỉ tình huống khẩn cấp, cần trợ cứu kịp thời. Nhưng khi được đưa vào từ điển gen Z, ét o ét biểu thị ý nghĩa khôi hài, được dùng để thông báo một tình huống nguy cấp, cần cấp cứu. Nhưng khi được gen Z sử dụng, nó còn mang hơi hướng khôi hài.

từ điển ngôn ngữ gen z
Ét O Ét Là Gì?

2.21 Chu Pa Pi Mô Nha Nhố

“Chu pa pi mô nha nhố” là phiên âm tiếng Việt của “chu papi muñeño” trong tiếng Tây Ban Nha. Nó được sử dụng trong bối cảnh khi một người bị bắt quả tang đang trêu chọc hoặc chơi khăm người khác. Ý nghĩa của cụm từ tương đương với việc giả vờ ngây thơ vô tội, như thể nói “Tôi đâu có làm gì đâu” khi bị phát hiện đang nghịch ngợm. Cách nói này thường được dùng một cách hài hước để thoái thác trách nhiệm khi bị bắt gặp đang làm điều gì đó tinh quái.

2.22 Ăn Nói Xà Lơ

Cụm từ “ăn nói xà lơ” bắt nguồn từ một sự nhầm lẫn ngôn ngữ thú vị. Nó là cách đọc sai của “sai lơ”, một thuật ngữ địa phương. Cụm từ này trở nên phổ biến sau khi xuất hiện trong một buổi livestream bán hàng, khi người bán hàng nhắc nhở con mình về cách nói chuyện không phù hợp.

Hiện nay, nó thường được sử dụng để chỉ trích một cách hài hước khi ai đó nói năng thiếu chuẩn mực hoặc không đúng đắn. Ví dụ, người ta có thể nói: “Sao lại nói kiểu đó? Ăn nói xà lơ quá!”

2.23 Mãi Mận, Mãi Kem

“Mãi mận” là cách nói lái của “mãi mặn”, nghĩa là luôn hấp dẫn hoặc thú vị. Cụm từ này phổ biến trên mạng xã hội, đặc biệt trong cộng đồng fan Kpop, để khen ngợi thần tượng hoặc cặp đôi yêu thích. Nó cũng được dùng để ca ngợi thành tích bền bỉ, như trường hợp bài hát “Spring Day” của BTS. Gen Z thường biến tấu cụm từ này thành các phiên bản như “mãi mận xoài cóc ổi mít” hoặc “mãi mận mãi kem” để tăng tính hài hước và sáng tạo.

2.24 Flex Là Gì?

“Flex” trong ngôn ngữ Gen Z Việt Nam chỉ hành động khoe khoang, thường là trên mạng xã hội. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Anh, nhưng đã được biến đổi ý nghĩa. Nó trở nên phổ biến nhờ cộng đồng “Flex đến hơi thở cuối cùng” trên Facebook, nơi mọi người tự do chia sẻ thành tích cá nhân. Hiện tượng này thu hút cả người nổi tiếng và thương hiệu tham gia, phản ánh nhu cầu thể hiện bản thân trong xã hội hiện đại.

2.25 Cpink Là Gì?

Trong khi thế hệ 8x và 9x sử dụng “ck” và “vk” làm từ viết tắt cho “chồng” và “vợ”, Gen Z đã sáng tạo ra thuật ngữ mới là “cpink” để chỉ “chồng”.

Thuật ngữ này là sự kết hợp thông minh giữa chữ cái đầu “c” của từ “chồng” và từ tiếng Anh “pink” (nghĩa là màu hồng). Cách chơi chữ này tạo ra một cách gọi độc đáo và hài hước cho “chồng” trong ngôn ngữ trẻ hiện đại.

2.26 Hay Ra Dẻ Quá À

Hay ra dẻ quá à” là biến thể hài hước của “hay ra vẻ quá à” trong phương ngữ miền Nam. Cụm từ này trở nên viral sau khi diễn viên Lê Dương Bảo Lâm sử dụng trong một chương trình truyền hình “2 ngày 1 đêm”. Gen Z nhanh chóng áp dụng cụm từ này để chỉ trích nhẹ nhàng những người có hành vi giả vờ hoặc thể hiện quá mức. Mặc dù mang hàm ý phê phán, “hay ra dẻ quá à” thường được dùng trong bối cảnh đùa vui, không mang tính chỉ trích nặng nề.

2.27 Ú Òa

Cụm từ “ú òa” trở nên phổ biến trong giới trẻ Việt Nam sau khi ca sĩ Mono sử dụng nó trong một màn trình diễn tại Miss Grand Vietnam 2022. Khi hát “Waiting for You”, anh che mặt rồi bất ngờ mở ra kèm theo câu “ú òa”, tạo nên một khoảnh khắc đáng yêu. Hành động này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, với Gen Z sử dụng cụm từ này trong nhiều tình huống để thể hiện sự bất ngờ hoặc tạo điểm nhấn thú vị trong giao tiếp.

2.28 Còn Cái Nịt

Cụm từ “còn cái nịt” trở nên viral sau một buổi livestream của Tiến Bịp vào tháng 5/2021. “Cái nịt” ở đây chỉ dây thun buộc tóc hoặc tiền. Cụm từ này được dùng theo nghĩa bóng để diễn tả tình trạng mất sạch, không còn gì ngoài món đồ vô giá trị nhất. Ý nghĩa hài hước và cách dùng linh hoạt đã khiến cụm từ này nhanh chóng được cộng đồng mạng ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày.

2.29 Luật Hoa Quả

Gen Z đã sáng tạo ra “luật hoa quả” như một cách nói hài hước thay cho “luật nhân quả”. Cụm từ này ám chỉ mỗi hành động đều có hệ quả tương ứng, nhưng thường được sử dụng trong những tình huống vui vẻ, không mang tính nghiêm túc.

Trong cùng mạch ý tưởng này, “quả báo” được chuyển thành “quả táo” hoặc “quả táo nhãn lồng”, tạo nên một “vũ trụ hoa quả” độc đáo trong cách diễn đạt của giới trẻ.

2.30 Thai Ợt

“Thai ợt” là một thuật ngữ đang được Gen Z ưa chuộng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và TikTok. Mặc dù nghe có vẻ liên quan đến việc mang thai, nhưng thực tế đây là cách phiên âm sáng tạo của từ tiếng Anh “tired” (mệt mỏi). Cách chơi chữ này đã trở thành một trào lưu ngôn ngữ phổ biến, thể hiện sự sáng tạo và hài hước trong cách diễn đạt của giới trẻ hiện nay.

2.31 Gwen Cha Na

“Gwenchana” là cụm từ tiếng Hàn có nghĩa “không sao đâu”, trở nên phổ biến sau bộ phim “Nhà trọ Waikiki”. Gen Z Việt Nam đã tiếp nhận và biến tấu cụm từ này, sử dụng nó trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Thay vì ý nghĩa gốc tích cực, giới trẻ thường dùng “Gwenchana” với sắc thái hài hước, tự trào, ám chỉ tình huống “không ổn chút nào”. Cụm từ này thường xuất hiện trong các video ngắn kèm nhạc nền đặc trưng.

2.32 Nói Đi Keo

“Nói đi keo” là một thuật ngữ đang thịnh hành trong cộng đồng Gen Z Việt Nam, đặc biệt trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, TikTok và Instagram. Cụm từ này được sử dụng như một cách hài hước để thúc giục ai đó nhanh chóng chia sẻ suy nghĩ, ý kiến hoặc đưa ra quyết định. Nó thể hiện sự sốt ruột hoặc mong muốn được nghe phản hồi nhanh chóng từ đối phương trong các cuộc trò chuyện trực tuyến hoặc tình huống giao tiếp hàng ngày.

Xem thêm: Giải đáp cho 5 “lời đồn” về genZ chốn công sở

3. Ngôn Ngữ Gen Z: Sáng Tạo Hay Biến Chất Của Tiếng Mẹ Đẻ?

ngôn ngữ gen z là gì
Ngôn Ngữ Gen Z: Sáng Tạo Hay Biến Chất Của Tiếng Mẹ Đẻ?

Nhìn nhận một cách khách quan, ngôn ngữ Gen Z có những mặt tích cực nhất định. Nó thể hiện sự sáng tạo, tư duy ngôn ngữ linh hoạt và khả năng bắt kịp xu hướng của giới trẻ. Ngôn ngữ Gen Z cũng góp phần làm phong phú thêm kho tàng từ vựng tiếng Việt, tạo nên sự đa dạng trong cách sử dụng ngôn ngữ.

Thế nhưng, bên cạnh những ưu điểm, ngôn ngữ Gen Z cũng tiềm ẩn một số nguy cơ nhất định. Việc sử dụng ngôn ngữ một cách quá đà, lạm dụng từ ngữ tiếng lóng có thể dẫn đến tình trạng giao tiếp thiếu hiệu quả, gây khó khăn cho việc hiểu nhau, đặc biệt là giữa các thế hệ. Hơn nữa, việc sử dụng sai ngữ pháp, chính tả có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng ngôn ngữ chuẩn của giới trẻ, lâu dần dẫn đến sự “biến chất” của tiếng mẹ đẻ.

Vậy, ngôn ngữ Gen Z là sáng tạo hay biến chất của tiếng mẹ đẻ? Câu trả lời không đơn giản và không thể khẳng định được nó có làm biến chất tiếng mẹ đẻ hay không. Ngôn ngữ là một sinh thể sống, luôn vận động và phát triển theo thời gian. Sự xuất hiện của ngôn ngữ Gen Z là một minh chứng cho sự sáng tạo và năng động của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ, chúng ta cần sử dụng ngôn ngữ một cách hợp lý, đúng chuẩn, đồng thời khuyến khích giới trẻ sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo sự trong sáng, chính xác.

Điều quan trọng là cần có sự kết nối và thấu hiểu giữa các thế hệ để có thể dung hòa những cách sử dụng ngôn ngữ khác nhau, hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ và phát triển tiếng Việt một cách hiệu quả nhất.

Xem thêm: Tại sao Gen Z thích kinh doanh online?

4. Nên Sử Dụng Ngôn Ngữ Gen Z Như Thế Nào?

Việc sử dụng ngôn ngữ Gen Z cần được cân nhắc kỹ lưỡng tùy theo bối cảnh và đối tượng giao tiếp.

Trong môi trường thân thiện, hài hước, vui vẻ như trò chuyện với bạn bè cùng lứa hoặc trên mạng xã hội cá nhân, việc sử dụng ngôn ngữ này có thể tạo sự gần gũi và thú vị. Tuy nhiên, trong các tình huống truyền thống, nghiêm túc như học tập, công việc, hay giao tiếp với người lớn tuổi, bạn nên hạn chế sử dụng để đảm bảo tính chuyên nghiệp và tôn trọng. Bạn phải hiểu rõ ý nghĩa và cách dùng đúng của từng cụm từ, tránh sử dụng sai lệch gây hiểu lầm.

Ngoài ra, bạn cũng cần nhận thức rằng ngôn ngữ Gen Z thường xuyên thay đổi, nên cập nhật liên tục để sử dụng phù hợp. Và dù sử dụng ngôn ngữ nào, việc duy trì sự tôn trọng, lịch sự trong giao tiếp vẫn là yếu tố then chốt.

Chắc hẳn, với từ điển ngôn ngữ gen Z phổ biến nhất hiện nay ở trên, các bạn đã có thể hòa nhập và thấu hiểu hơn thế hệ trẻ nhiệt huyết, sáng tạo này. Theo dõi JobsGO để đọc nhiều bài viết hay và bổ ích hơn nữa nhé!

Câu hỏi thường gặp

1. Ngôn Ngữ Gen Z Có Ảnh Hưởng Gì Đến Việc Giao Tiếp Giữa Các Thế Hệ?

Ngôn ngữ Gen Z có thể tạo ra khoảng cách giao tiếp giữa các thế hệ do sự khác biệt trong cách sử dụng từ ngữ và biểu đạt. Tuy nhiên, nó cũng có thể là cơ hội để các thế hệ học hỏi và hiểu nhau hơn thông qua việc tìm hiểu ngôn ngữ của nhau.

2. Tại Sao Ngôn Ngữ Gen Z Thường Xuyên Thay Đổi?

Sự thay đổi nhanh chóng của ngôn ngữ Gen Z phản ánh đặc tính năng động và sáng tạo của thế hệ này. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xu hướng văn hóa, cùng với nhu cầu tạo ra bản sắc riêng của giới trẻ.

3. Ngôn Ngữ Gen Z Có Thể Ảnh Hưởng Đến Sự Phát Triển Nhận Thức Của Trẻ Em Như Thế Nào?

Ngôn ngữ Gen Z có thể kích thích sự sáng tạo và linh hoạt trong tư duy của trẻ em. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây khó khăn trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp chính thống nếu trẻ quá phụ thuộc vào ngôn ngữ này.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: