Sáng nay, mình đọc được bài báo đăng tải chia sẻ của một CEO rằng không có khái niệm giữ chân nhân tài, rằng đó là việc làm rất mất thời gian. Vị CEO này còn nhấn mạnh việc xây dựng trải nghiệm cho nhân viên và xem việc đi hay ở của nhân viên là duyên.
Tuy nhiên, theo mình cần phải làm rõ thêm:
1. Nhân tài là ai?
Nhân tài (Talent) theo định nghĩa của Giáo sư Dave Ulrich thì gồm 03 yếu tố (gọi tắt là 3C) như sau: Talent =Competency (năng lực) X Contribution (Đóng góp) X Commitment (Cam kết). Khi một trong 03 yếu tố này bằng 0 thì không được xem là Nhân tài.
Ở đây, yếu tố 2C phía sau nhấn mạnh đến thời gian gắn bó đủ lâu, làm việc đủ sâu và mức độ đóng góp, tạo ra giá trị trong suốt quá trình làm việc tạ doanh nghiệp. Cho nên, muốn tạo ra được kết quả thì trước tiên cần gắn bó với doanh nghiệp.
2. Mục đích của trải nghiệm nhân viên
Mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng trải nghiệm là giúp cho Nhân viên hài lòng hơn, hạnh phúc hơn, năng suất lao động cao hơn, phát huy được năng lực của họ và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Điều này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có nhiều cơ hội giữ chân được nhân tài. Cho nên, xây dựng và thiết kế trải nghiệm nhân viên nên nhằm mục đích cuối cùng đó là vừa thu hút, vừa giữ chân nhân tài cho doanh nghiệp.
Ở đây, có thể CEO đã quên mất mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của trải nghiệm nhân viên.
3. Thu hút bao giờ cũng đi kèm với giữ
Đây là hai hoạt động gần như không thể tách rời trong hoạt động quản trị Nhân sự. Để trở thành người tài, người ta cần có thời gian để trưởng thành. Đồng thời, việc giữ chân được người tài cũng tạo nhiều niềm tin, giúp thu hút những ứng viên khác vào doanh nghiệp.
Nếu thu hút không đi kèm với giữ chân thì giống như đổ nước vào cái bình không đáy.
Và với những người được gọi là Nhân tài trong doanh nghiệp như mục 1 thì việc giữ chân là việc rất nên làm.
4. Công việc chứ không phải cảm xúc
Để chia sẻ thêm về quan điểm này, vị CEO còn lấy ví dụ: nắm tay lần đầu tiên với vợ, người yêu và sau đó 20 năm nữa. Đây là một ví dụ rất “không đúng” vì công việc vẫn là công việc và cảm xúc vẫn là cảm xúc. “Dân chuyên nghiệp” khi làm việc, họ rất khác chứ không có “cảm xúc”.
Thêm ví dụ về việc nhân viên chấm công vào lúc 6 giờ sáng để lấy giải thưởng. Đó không phải là trải nghiệm nhân viên thực sự mà chỉ là cảm xúc nhất thời. Công ty có văn hoá tốt và nhiều nhân tài, nhân viên không bao giờ cần phải chấm công nữa.
Cuối cùng, mình cũng từng có thời gian sử dụng dịch vụ bên đó nhưng tư duy và quan điểm làm dịch vụ không hợp, trải nghiệm cũng không hợp nên mình đã từ chối dùng. Sáng nay, vô tình đọc được bài viết lại thêm một lần suy nghĩ về việc mình làm Nhân sự cũng như bài viết có thể làm người đọc hiểu sai.
Chúc mọi người ngày mới vui vẻ và cùng chia sẻ thêm giúp Chung ý kiến về vấn đề này nhé ạ!
Tác giả: Bùi Đoàn Chung
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)