Dân chuyên nghiệp: Hiểu như nào cho đúng?

4.5/5 - (1 vote)

Có thể “dân” chuyên nghiệp chưa phải là những người giỏi nhất nhưng cũng được đảm bảo về mặt uy tín cá nhân.

dân chuyên nghiệp

Những năm đầu của thời sinh viên, tôi đọc về đội ngũ những người “làm thuê chuyên nghiệp” vì họ giỏi và mức lương ngàn đô. Đó là một tiêu chuẩn và là mơ ước của nhiều người, trong đó có tôi. Sau này tôi luôn cố gắng để được mục tiêu “chuyên nghiệp”.

Tôi vẫn thường hỏi ứng viên của mình rằng: Theo bạn, như thế nào là môi trường chuyên nghiệp hoặc bạn đã làm gì để trở nên chuyên nghiệp? Đây không phải là một câu hỏi đóng mà là một câu hỏi giúp tôi có thể hiểu được trong suy nghĩ của các bạn thì “chuyên nghiệp” được định nghĩa như thế nào. Thật tốt vì có nhiều bạn trả lời một cách đầy đủ, thuyết phục. Khi đi làm các bạn cũng thể hiện rõ điều đó khiến tôi tin vào hai từ “chuyên nghiệp”.

Nếu công ty là một đội bóng, thì các cầu thủ nên là những cầu thủ chuyên nghiệp. Bạn theo đọc nhiều, xem nhiều về bóng đá chuyên nghiệp thì sẽ thấy rất rõ sự khác biệt giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư. Vì vậy, người với người sẽ đối xử, hành xử, làm việc hay đối đãi với nhau theo những cách chuyên nghiệp nhất.

Tôi vẫn thường khuyên các bạn làm tuyển dụng nếu có điều kiện thì nên tuyển “dân chuyên nghiệp”. Họ còn là niềm tự hào của công ty, vừa giúp công ty thu hút những người tài khác và ai cũng muốn được làm việc với những người như thế.

Theo quan điểm cá nhân, “dân chuyên nghiệp” có những đặc điểm như sau:

1 – Về tư duy và nhận thức: Họ tự ý thức được tính “chuyên nghiệp”, hình ảnh và uy tín cá nhân, xem đó là mục tiêu phấn đấu, hoàn thiện và được thừa nhận.

2 – Về năng lực: Họ có chuyên môn tốt, là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Họ khiến người khác phải nể phục bằng năng lực làm việc, hoàn thành công việc, kỹ năng bổ trợ và kiến thức liên quan. Họ cũng được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu và sự sáng tạo.

3 – Về hành vi, thái độ:

  • Họ đề cao uy tín cá nhân, xem đó là yếu tố sống còn. Họ luôn làm việc hết mình để chứng minh điều đó. Dù nghỉ việc, họ vẫn chủ động làm việc chăm chỉ, bàn giao mọi việc đầy đủ cho đến giây cuối cùng.
  • Họ có thái độ tích cực, hành vi, giao tiếp, ứng xử chuẩn mực: khả năng kiểm soát cảm xúc cá nhân, rạch ròi chuyện công việc, cá nhân, công việc là công việc, nghe nhiều hơn nói, khả năng quan sát.
  • Họ đề cao tính kỷ luật, tính nguyên tắc, sự nhất quán: kế hoạch, quản lý thời gian, sự tập trung.
  • Họ đề cao tính trung thực và tính chủ động, nói đi đôi với làm.
  • Họ sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm tới cùng, quyết tâm mang lại kết quả, họ tạo được sự tin tưởng và an tâm.
  • Họ luôn luôn là tấm gương về sự trung thành và tận tuỵ trong công việc.

Và một số đặc điểm khác, mọi người liệt kê giúp Chung ở bình luận nhé.

Cuối cùng, “dân chuyên nghiệp” họ dễ dàng đạt được thành công và có uy tín cao trong lĩnh vực mà họ tham gia.

Chúc mọi người luôn thành công theo những cách mà “dân chuyên nghiệp” thường làm nhé.

Tác giả: Bùi Đoàn Chung

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: