Xuất khẩu lao động hiện đang là sự lựa chọn của rất nhiều người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ. Vậy tại sao họ lại chấp nhận đến một nơi đất khách quê người để làm việc? Những nỗi khổ nào mà họ phải gánh chịu khi đưa ra quyết định này? Hãy cùng JobsGO tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
- 1. Xuất Khẩu Lao Động Là Gì?
- 2. Đặc Điểm Của Xuất Khẩu Lao Động
- 3. Các Hình Thức Xuất Khẩu Lao Động
- 4. Lợi Ích Của Xuất Khẩu Lao Động?
- 5. Thách Thức Khi Xuất Khẩu Lao Động
- Câu hỏi thường gặp
- 1. Điều Kiện Để Tham Gia Xuất Khẩu Lao Động Là Gì?
- 2. Làm Thế Nào Để Tìm Kiếm Thông Tin Về Xuất Khẩu Lao Động Một Cách An Toàn?
- 3. Chi Phí Xuất Khẩu Lao Động Bao Gồm Những Gì?
- 4. Thủ Tục Cần Thiết Để Xuất Khẩu Lao Động Là Gì?
- 5. Sau Khi Hết Hạn Hợp Đồng Xuất Khẩu Lao Động, Người Lao Động Có Thể Làm Gì?
- 6. Làm Sao Để Bảo Vệ Quyền Lợi Của Người Lao Động Khi Xuất Khẩu Lao Động?
- 7. Xuất Khẩu Lao Động Có Phải Là Một Con Đường Dài Hạn?
1. Xuất Khẩu Lao Động Là Gì?
Xuất khẩu lao động là quá trình mà một quốc gia đưa người lao động của mình ra nước ngoài để làm việc theo các hợp đồng lao động, thường là trong một khoảng thời gian nhất định. Người lao động sẽ thực hiện công việc tại quốc gia tiếp nhận lao động và nhận được lương cùng các quyền lợi theo hợp đồng đã ký kết.
Xuất khẩu lao động thường được thực hiện theo các chương trình hợp tác giữa các chính phủ hoặc thông qua các công ty tư nhân chuyên về tuyển dụng lao động quốc tế. Việc xuất khẩu lao động không chỉ giúp giải quyết vấn đề việc làm trong nước mà còn mang lại nguồn thu nhập ngoại tệ cho quốc gia thông qua kiều hối (tiền người lao động gửi về nước).
Hiện nay, với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế thì hình thức cung ứng lao động – xuất khẩu lao động ngày càng phổ biến. Rất nhiều người đã lựa chọn rời xa quê hương, đến nơi xứ người để làm việc với mong muốn có thu nhập tốt, tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân trong tương lai.
Và trong một vài năm trở lại đây, xu hướng này càng gia tăng mạnh mẽ với số lượng người đăng ký tham gia xuất khẩu ra nước ngoài vô cùng đông đảo. Theo thống kê thì phần lớn người lao động Việt Nam lựa chọn sang các nước có kinh tế phát triển để làm việc như là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc,…
Xem thêm: Có nên đi xuất khẩu lao động Nhật Bản hay không?
2. Đặc Điểm Của Xuất Khẩu Lao Động
Xuất khẩu lao động có một số đặc điểm chính như sau:
- Tính chất tạm thời: Phần lớn các hợp đồng lao động xuất khẩu đều có thời hạn cụ thể, thường từ 1 đến 3 năm, sau đó người lao động có thể trở về nước hoặc gia hạn hợp đồng.
- Chênh lệch về thu nhập: Người lao động thường nhận được mức lương cao hơn so với làm việc trong nước.
- Chênh lệch văn hóa và ngôn ngữ: Người lao động xuất khẩu thường phải đối mặt với các thách thức về sự khác biệt văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ tại nước tiếp nhận.
- Hỗ trợ từ chính phủ và doanh nghiệp: Chính phủ và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thường cung cấp hỗ trợ về đào tạo kỹ năng, ngôn ngữ và thủ tục hành chính để người lao động có thể thích nghi nhanh chóng với môi trường làm việc mới.
- Xuất khẩu lao động có tính chất hai chiều: Tính chất hai chiều của xuất khẩu lao động thể hiện rõ ràng trong việc cả hai bên – quốc gia gửi và quốc gia nhận – đều nhận được lợi ích, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức cụ thể.
3. Các Hình Thức Xuất Khẩu Lao Động
Xuất khẩu lao động có nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và đặc điểm của người lao động. Dưới đây là các hình thức chính:
3.1. Xuất Khẩu Lao Động Theo Hợp Đồng
Đây là hình thức phổ biến nhất, trong đó người lao động ký hợp đồng với các công ty hoặc tổ chức chuyên về xuất khẩu lao động. Hợp đồng này thường có thời hạn cụ thể, từ 1 đến 3 năm, với các điều khoản về lương, điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động. Các công ty này sẽ chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo, chuẩn bị giấy tờ, hỗ trợ người lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài.
3.2. Xuất Khẩu Lao Động Theo Diện Tự Do
Khi xuất khẩu lao động theo diện tự do, người lao động tự liên hệ và ký hợp đồng trực tiếp với nhà tuyển dụng ở nước ngoài mà không cần thông qua các công ty môi giới. Hình thức này đòi hỏi người lao động phải có sự hiểu biết sâu rộng về thị trường lao động quốc tế, pháp lý cùng các thủ tục hành chính liên quan. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì người lao động không có sự bảo vệ từ các tổ chức trong nước.
3.3. Xuất Khẩu Lao Động Theo Diện Tu Nghiệp Sinh
Đây là hình thức trong đó người lao động ra nước ngoài dưới dạng học việc hoặc tu nghiệp, thường là trong các ngành công nghiệp hoặc sản xuất. Người lao động sẽ vừa làm việc vừa được đào tạo nâng cao tay nghề. Sau khi hoàn thành chương trình tu nghiệp, họ có thể trở về nước hoặc tiếp tục làm việc tại nước ngoài nếu có cơ hội. Hình thức này phổ biến ở các nước có nhu cầu cao về lao động kỹ thuật như Nhật Bản và Hàn Quốc.
3.4. Xuất Khẩu Lao Động Theo Chương Trình Hợp Tác Quốc Tế
Nhiều quốc gia ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động với nhau, tạo điều kiện cho người lao động của một quốc gia làm việc ở quốc gia khác. Hình thức xuất khẩu lao động theo chương trình hợp tác quốc tế có sự quản lý chặt chẽ từ chính phủ hai bên, đảm bảo quyền lợi, điều kiện làm việc của người lao động. Các chương trình này thường tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, y tế hoặc xây dựng, tùy theo nhu cầu của quốc gia tiếp nhận lao động.
4. Lợi Ích Của Xuất Khẩu Lao Động?
Xuất khẩu lao động mang lại rất nhiều lợi ích khác nhau như:
4.1. Thu Nhập Hấp Dẫn
Lý do đầu tiên và lớn nhất khiến nhiều người lựa chọn đi xuất khẩu đó chính là vấn đề thu nhập. Có thể thấy, hầu hết những người lựa chọn đi xuất khẩu nước ngoài đều có hoàn cảnh không quá tốt, hay thậm chí là rất nghèo khó. Họ mong muốn được đến một môi trường làm việc dù vất vả một chút nhưng đổi lại là mức lương, thu nhập cao. Trong khi đó, các quốc gia phát triển trên thế giới có mức sống rất cao, đồng tiền của họ rất có giá. Do vậy, cùng một công việc, mức lương các công ty nước ngoài trả cho người lao động có thể gấp 3 – 4 lần tại Việt Nam.
Tùy vào từng lĩnh vực, công việc và quốc gia khác nhau mà mức lương sẽ có sự chênh lệch. Tuy nhiên, theo thống kê chung thì người lao động đi xuất khẩu tại nước ngoài sẽ nhận được mức lương từ 30 – 40 triệu đồng/tháng. Đây là con số mơ ước của rất nhiều người mà đôi khi làm “quần quật” ở Việt Nam 10 – 20 năm cũng không thể có được. Chính bởi vậy mà nhiều người đã cố gắng để được đưa sang nước ngoài làm việc.
4.2. Nâng Cao Hiểu Biết
Ngoài ra, với một số người thì đi xuất khẩu còn giúp họ có thể mở mang được hiểu biết, được trải nghiệm những điều mới mẻ tại một quốc gia phát triển. Không ít bạn trẻ khi ở Việt Nam sống một cuộc sống khá an toàn, “thu mình trong vỏ ốc” và không giao tiếp với xã hội. Tuy nhiên, sau khi đi ra nước ngoài, họ đã trưởng thành, phát triển và trở nên khác hoàn toàn so với trước đây.
4.3. Mở Rộng Cơ Hội Việc Làm
Xuất khẩu lao động mang lại cơ hội việc làm cho nhiều người. Khi tham gia xuất khẩu lao động, người lao động có thể tìm được công việc phù hợp khả năng, nguyện vọng của mình, đồng thời tiếp cận với nhiều ngành nghề khác nhau như xây dựng, y tế, nông nghiệp, dịch vụ, công nghệ thông tin. Điều này sẽ giúp giảm áp lực về việc làm trong nước, đồng thời mở ra những cơ hội mới để người lao động phát triển kỹ năng, tay nghề trong môi trường quốc tế. Với mức lương cao hơn cùng điều kiện làm việc tốt hơn, xuất khẩu lao động trở thành giải pháp hiệu quả để cải thiện thu nhập cá nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
4.4. Chuyển Dịch Công Nghệ
Xuất khẩu lao động không chỉ là việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc mà còn là cơ hội để tiếp cận và chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển. Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người lao động có thể học hỏi các kỹ thuật, quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến. Những kiến thức, kỹ năng này khi được mang về áp dụng tại quê nhà sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, thúc đẩy sự đổi mới trong các ngành công nghiệp trong nước. Ngoài ra, những người lao động trở về với kinh nghiệm quốc tế có thể trở thành nhân tố quan trọng trong việc khởi nghiệp và phát triển các ngành công nghệ cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Xem thêm: Kỹ sư cơ điện tại Nhật Bản – Vị trí vàng cho lao động Việt
5. Thách Thức Khi Xuất Khẩu Lao Động
Có thể thấy, xuất khẩu lao động mang đến khá nhiều lợi ích dành cho người lao động. Tuy nhiên, để có được cuộc sống tốt đẹp về sau, những người này đã phải đánh đổi rất nhiều, chịu muôn vàn khó khăn, trắc trở nơi đất khách quê người như là:
5.1. Xa Nhà Vì Những Hứa Hẹn Có Một Cuộc Sống Tốt Hơn
Bạn đã bao giờ tưởng tượng một thân một mình nơi đất khách quê người sẽ như thế nào chưa? Đây thực sự là một ác mộng, nhất là với những ai sống tình cảm, từ nhỏ đã được ở bên cạnh gia đình.
Khi đi xuất khẩu lao động, tùy vào hợp đồng đã ký mà bạn sẽ phải sống, làm việc ở nước ngoài từ 1 – 3 năm, thậm chí là hơn. Như vậy, vào những dịp lễ, Tết, nhìn thấy người người, nhà nhà đều có gia đình hạnh phúc bên cạnh, chắc chắn bạn sẽ không thể tránh khỏi sự chạnh lòng. Chưa kể, sống một mình, mọi vấn đề ăn uống, sức khỏe, ốm đau,… đều tự bản thân mình lo liệu. Bạn có thể không còn phải bận tâm về kinh tế, vật chất nhưng về tinh thần thì sẽ là một nỗi khổ tâm rất lớn.
5.2. Thời Gian Làm Việc Nhiều, Liên Tục
Đi xuất khẩu lao động, tức là những công việc chân tay là chủ yếu. Để có được một mức lương tốt thì bạn sẽ phải làm việc rất nhiều, không phải 8 tiếng/ngày mà có khi làm cả 14 – 16 tiếng/ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc, lương cao thì bạn sẽ phải đánh đổi thời gian, sức khỏe của bản thân mình.
5.3. Mức Sống Ở Nước Ngoài Cao
Nhiều người nghe đến con số 30 – 40 triệu đồng/tháng cảm thấy rất cao, chắc chỉ cần đi làm 1 năm là dư giả nhiều. Thế nhưng, đời sống tại các quốc gia khác rất tốt, cao gấp 3 – 4 lần so với ở Việt Nam. Do đó, nếu không biết cách chi tiêu, tiết kiệm thì số tiền đó thậm chí là còn không đủ để bạn sống.
Xem thêm: Lao động phổ thông là gì? Cơ hội cho người làm lao động phổ thông
5.4. Không Được Từ Bỏ Giữa Chừng
Với những đối tượng đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng với các công ty thì sẽ phải làm đủ thời gian như đã thỏa thuận, ký kết. Cho dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến đâu thì cũng không được phép từ bỏ trở về nước. Có những trường hợp làm việc ngày đêm cực nhọc, bị đánh đập, chèn ép nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng, không thể làm gì khác. Đây chính là một nỗi khổ vô cùng lớn mà chỉ những ai đi xuất khẩu lao động mới có thể biết được.
Xuất khẩu lao động – con đường làm giàu tưởng chừng đơn giản mà lại vô vàn khó khăn, trắc trở. Hy vọng rằng những thông tin trên đây của JobsGO sẽ hữu ích, giúp cho các bạn có thể đưa ra sự lựa chọn việc làm đúng đắn, phù hợp với bản thân mình nhé.
Câu hỏi thường gặp
1. Điều Kiện Để Tham Gia Xuất Khẩu Lao Động Là Gì?
Điều kiện để tham gia xuất khẩu lao động thường bao gồm độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi (tùy từng ngành nghề và quốc gia), có sức khỏe tốt, không có tiền án tiền sự, đáp ứng được yêu cầu về trình độ học vấn, tay nghề của công việc cụ thể. Một số ngành nghề cũng yêu cầu người lao động có kỹ năng ngoại ngữ nhất định.
2. Làm Thế Nào Để Tìm Kiếm Thông Tin Về Xuất Khẩu Lao Động Một Cách An Toàn?
Người lao động nên tìm kiếm thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ hoặc các công ty môi giới lao động uy tín, đã được cấp phép. Bạn cần tránh những công ty có dấu hiệu lừa đảo như yêu cầu nộp tiền trước mà không cung cấp thông tin chi tiết về công việc.
3. Chi Phí Xuất Khẩu Lao Động Bao Gồm Những Gì?
Chi phí xuất khẩu lao động thường bao gồm phí môi giới, phí đào tạo, chi phí làm thủ tục visa, vé máy bay, các chi phí khác như bảo hiểm y tế. Tổng chi phí có thể khác nhau tùy thuộc vào quốc gia và công việc cụ thể.
4. Thủ Tục Cần Thiết Để Xuất Khẩu Lao Động Là Gì?
Thủ tục xuất khẩu lao động thường bao gồm việc đăng ký tại các công ty môi giới lao động hoặc trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia khóa đào tạo (nếu cần), hoàn tất các giấy tờ như hộ chiếu, visa, hợp đồng lao động và kiểm tra sức khỏe.
5. Sau Khi Hết Hạn Hợp Đồng Xuất Khẩu Lao Động, Người Lao Động Có Thể Làm Gì?
Sau khi hết hạn hợp đồng, người lao động có thể chọn trở về nước hay tiếp tục làm việc ở nước ngoài bằng cách gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới nếu được phép. Một số người lao động có thể dùng kinh nghiệm, số vốn tích lũy được để khởi nghiệp hoặc tìm công việc mới tại quê nhà.
6. Làm Sao Để Bảo Vệ Quyền Lợi Của Người Lao Động Khi Xuất Khẩu Lao Động?
Người lao động nên tìm hiểu kỹ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình theo hợp đồng lao động, tuân thủ pháp luật của nước sở tại và liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài khi gặp phải vấn đề.
7. Xuất Khẩu Lao Động Có Phải Là Một Con Đường Dài Hạn?
Xuất khẩu lao động thường là một giải pháp tạm thời để cải thiện thu nhập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, người lao động nên có kế hoạch dài hạn cho tương lai, bao gồm việc phát triển sự nghiệp sau khi trở về nước hoặc tiếp tục làm việc ở nước ngoài nếu có cơ hội phù hợp.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)