Review Lương Cuối Năm – 05 Điều Bạn Cần Chuẩn Bị Để Gặt Hái Thành Công

Đánh giá post

Review lương có ảnh hưởng quan trọng tới mức thu nhập mà bạn sẽ nhận được trong tương lai. Cần phải lưu ý điều gì khi ngồi với nhà quản lý để nhìn nhận lại mức lương mà bạn đang có? Hãy cùng JobsGO tìm hiểu nhé!

1. Review Lương Là Gì?

Review lương là quá trình đánh giá và xem xét lại mức lương của nhân viên trong một công ty. Quá trình này có thể xảy ra định kỳ, hoặc đột ngột để đảm bảo rằng mức lương phản ánh đúng giá trị và đóng góp của nhân viên cho tổ chức.

Trong quá trình review lương, các yếu tố như hiệu suất làm việc, kỹ năng, kinh nghiệm và thành tựu cá nhân của nhân viên thường được xem xét. Người quản lý và bộ phận nhân sự có thể tổ chức cuộc họp để đề xuất điều chỉnh lương phù hợp.

Ngoài ra, review lương cũng liên quan đến việc xem xét tình hình thị trường để đảm bảo rằng mức lương của công ty vẫn hấp dẫn với người lao động. Mục tiêu của quá trình này là duy trì sự công bằng và tạo động lực cho nhân viên, đồng thời giúp công ty giữ chân những nhân sự giỏi, có hiệu suất cao.

Xem thêm: Nằm lòng 10 điều không nên nói trong kỳ review cuối năm

review lương
Review Lương Là Gì?

2. Mục Đích Và Lợi Ích Của Review Lương

Việc review lương một cách hợp lý mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cũng như người lao động.

2.1. Đảm Bảo Mức Lương Phản Ánh Năng Lực Và Giá Trị Của Người Lao Động

Một trong những lợi ích quan trọng nhất của quá trình đánh giá lương là đảm bảo rằng số tiền bạn được nhận hàng tháng tương ứng với giá trị mà bạn mang lại cho công ty. Chính vì lý do này nên không phải ai cũng được tăng lương sau kỳ đánh giá. Mức lương của một số người không thay đổi, thậm chí có thể giảm so với trước đó.

2.2. Công Nhận Sự Đóng Góp Của Người Lao Động

Một trong những mục đích quan trọng của việc thực hiện review lương là để công nhận những đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp. Trong quá trình này, những cống hiến, nỗ lực và thành tích của bạn sẽ được đưa ra để đánh giá một cách công bằng. Điều này không chỉ mang đến cho bạn thu nhập hàng tháng cao hơn mà còn là cơ hội để bạn “tỏa sáng”.

2.3. Tạo Ra Môi Trường Làm Việc Tốt

Trong kỳ review lương, người lao động có cơ hội nói chuyện với nhà quản lý về mọi khía cạnh, từ mục tiêu công việc tương lai cho đến những điều doanh nghiệp nên thay đổi,… Điều này góp phần tạo ra một môi trường làm việc tích cực – nơi mà mọi người cảm thấy được lắng nghe và có cơ hội để phát triển.

2.4. Giữ Chân Người Lao Động Giỏi

Bạn muốn làm việc tại một công ty như thế nào? Đó có phải là nơi mà mức lương thể hiện được năng lực của bạn? Đó có phải là nơi mà những đóng góp của bạn được nhìn nhận và đánh giá cao? Đó có phải nơi ý kiến của bạn được lắng nghe? Ai đi làm cũng đều muốn được làm việc trong môi trường như thế – nơi mà kỳ đánh giá lương được tổ chức một cách hợp lý, công bằng.

3. Khi Nào Sẽ Được Review Lương?

Review lương là gì
Khi Nào Sẽ Được Review Lương?

Thời điểm đánh giá lương có thể thay đổi tùy thuộc vào chính sách và quy định của từng công ty. Nhưng điều này thường được thực hiện theo chu kỳ cố định hoặc khi có sự kiện quan trọng diễn ra. Dưới đây là một số thời điểm review lương phổ biến tại Việt Nam:

  • Định kỳ hàng năm: Nhiều công ty thực hiện đánh giá lương 1 – 2 lần trong năm. Thời điểm phổ biến là vào cuối năm tài chính hoặc vào đầu năm mới.
  • Theo năm làm việc của nhân viên: Một số công ty thực hiện đánh giá lương sau một khoảng thời gian làm việc của người lao động, phổ biến là sau 1 năm kể từ ngày nhân viên gia nhập công ty hoặc 1 năm kể từ ngày ký hợp đồng lao động.
  • Thay đổi vai trò hoặc trách nhiệm: Kỳ đánh giá lương thường được tổ chức khi người lao động thăng chức, hạ chức hoặc chuyển sang làm tại một vị trí khác. Mức lương mới sẽ phản ánh sự thay đổi này.
  • Thời kỳ đặc biệt hoặc thị trường lao động có sự biến động: Sự biến động lớn trong thị trường lao động hoặc nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành đột ngột thay đổi có thể làm phát sinh nhu cầu review lương.
  • Khi nhân viên có biểu hiện đặc biệt: Khi nhân viên đạt được thành tích xuất sắc, doanh nghiệp có thể tổ chức buổi đánh giá lương bổ sung như một cách công nhận giá trị mà người lao động mang lại. Ngoài ra, nếu nhân sự có biểu hiện làm việc quá kém, doanh nghiệp cũng có thể review giảm lương một cách thích hợp.

4. Cần Chuẩn Bị Gì Cho Quá Trình Review Lương?

Dưới đây là 5 điều bạn cần thực hiện để chuẩn bị cho một kỳ đánh giá lương thuận lợi.

4.1. Hiểu Mục Tiêu Của Công Ty Và Xác Định Mục Tiêu Cá Nhân

Trước khi bước vào quá trình đánh giá lương, bạn cần hiểu rõ chiến lược phát triển của công ty. Ngoài ra, bạn cũng cần tự đặt ra những câu hỏi như “Tôi muốn đạt được điều gì trong tương lai?” hoặc “Làm thế nào tôi có thể đóng góp nhiều giá trị hơn cho công ty?”.

Qua đó, bạn có thể thảo luận với người quản lý về những gì bạn có thể làm để góp phần giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu đã đề ra.

4.2. Liệt Kê Các Thành Tích Cá Nhân Trong Công Việc

Việc chuẩn bị danh sách chi tiết về các thành tích cá nhân trong công việc là một bước quan trọng. Nó có thể bao gồm các dự án bạn đã tham gia, các mục tiêu cá nhân bạn đã đạt được và những đóng góp đặc biệt mà bạn mang lại cho tổ chức. Những thông tin này sẽ trở thành “bằng chứng” xác thực cho thấy bạn xứng đáng được tăng lương.

4.3. Đánh Giá Sự Tiến Bộ Và Giá Trị Của Bạn Trong Công Việc

Trước buổi review, bạn cần nhìn nhận lại sự tiến bộ cá nhân và giá trị bạn đem lại cho công ty. Bạn có thể tự đặt câu hỏi như: “Tôi đã phát triển những kỹ năng gì từ khi bắt đầu công việc?” hoặc “Tôi đã đóng góp những gì vào thành công của công ty?”. Bằng cách này, bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt cho cuộc trò chuyện với người quản lý.

Kinh nghiệm review lương
Cần Chuẩn Bị Gì Cho Quá Trình Review Lương?

4.4. Chuẩn Bị Câu Hỏi

Trước khi tham gia buổi đánh giá lương, bạn cần chuẩn bị tất cả các câu hỏi mà bạn muốn hỏi nhà quản lý. Điều này có thể bao gồm:

  • Tôi cần cải thiện điều gì?
  • Cơ hội thăng tiến của tôi ở vị trí này như thế nào?

Ngoài ra, bạn cũng có thể suy nghĩ trước về những điều nhà quản lý sẽ hỏi bạn và chuẩn bị sẵn câu trả lời phù hợp. Chẳng hạn như:

  • Trong năm vừa qua bạn đã có những thành tích gì nổi bật?
  • Tại sao bạn nghĩ mình xứng đáng được tăng lương?
  • Bạn muốn nhận được mức lương thế nào sau buổi review này?

4.5. Nghiên Cứu Mức Lương Trên Thị Trường

Trước khi tham gia buổi review lương, các bạn cũng cần tìm hiểu thông tin về mức lương cho vị trí mình đang đảm nhận. Trong doanh nghiệp thì mức lương có thể sẽ không khác nhau nhiều, tuy nhiên nếu so sánh với bên ngoài, chắc chắn sẽ có sự chênh lệch lớn hơn.

Có rất nhiều cách để bạn biết được mức lương ngoài thị trường như thế nào, ví dụ:

  • Tham khảo trên các website tuyển dụng, trang tra cứu lương trực tuyến. Chẳng hạn như Tra cứu lương của JobsGO.
  • Hỏi bạn bè, người quen làm ở công ty khác.
  • Hỏi qua các hội nhóm trên mạng xã hội.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu thông tin này rất quan trọng, nó giúp bạn xác định được bản thân có đang hưởng mức lương quá thấp hay không? Từ đó, bạn có thể đưa ra một con số phù hợp.

Xem thêm: Mẫu email xin tăng lương chuẩn nhất giúp bạn thuyết phục cấp trên

5. Review Lương Tăng Bao Nhiêu Là Hợp Lý?

Không có câu trả lời cụ thể nào để trả lời cho câu hỏi này. Mức tăng lương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm hiệu suất làm việc, tình hình kinh doanh của công ty, tình hình thị trường lao động, ngân sách cho việc tăng lương,…

Nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, có lợi nhuận cao và bạn có đóng góp quan trọng cho điều đó, bạn hoàn toàn có thể nhận được mức lương gấp đôi, gấp rưỡi so với trước. Nhưng nếu tình hình kinh tế khó khăn, mức lương của bạn có thể chỉ tăng 5% – 15%.

Review lương cuối năm
Review Lương Tăng Bao Nhiêu Là Hợp Lý?

6. Những Điều Không Nên Làm Khi Review Lương

Trong quá trình đánh giá lại mức lương, có một vài điều bạn không nên thực hiện.

6.1. Không Nên So Sánh Lương Với Đồng Nghiệp

Bạn không nên so sánh mức lương của bản thân với lương của đồng nghiệp. Mỗi nhân viên trong doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm và đóng góp riêng biệt. Do đó, lương của mỗi người là không giống nhau. Việc so sánh không mang lại lợi ích, thậm chí còn khiến bạn thêm khó chịu.

6.2. Không Nên Yêu Cầu Mức Lương Quá Cao So Với Năng Lực

Việc yêu cầu mức lương quá cao so với giá trị và đóng góp thực tế cho thấy bạn thiếu khả năng tự đánh giá. Điều đó có thể dẫn tới tình trạng nhà quản lý cảm thấy nghi ngờ về năng lực của bạn.

Bạn hãy đề xuất một mức lương hợp lý, dựa trên hiệu suất làm việc và tình hình thị trường lao động. Điều đó tạo ra cuộc trò chuyện tích cực hơn và đề xuất tăng lương của bạn có khả năng được chấp nhận nhanh hơn.

6.3. Không Nên Nôn Nóng Khi Review Lương

Nghĩ về việc mức lương sẽ thay đổi có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng và trở nên nôn nóng. Nhưng sự nôn nóng sẽ khiến bạn trở nên thiếu tỉnh táo, đầu óc hoạt động thiếu linh hoạt. Bạn đừng nên quên rằng, trong mọi tình huống, sự bình tĩnh luôn mang lại thành công.

6.4. Không Nên Tự Ti

Tự tin là yếu tố quan trọng trong quá trình review lương. Chính vì thế, bạn không nên tự ti hoặc đánh giá thấp bản thân. Bạn hãy tập trung vào các thành tựu, kỹ năng và đóng góp mà bạn mang lại cho doanh nghiệp. Tự tin làm tăng khả năng thuyết phục và chứng minh rằng bạn là người xứng đáng với mức lương cao hơn.

7. Các Câu Hỏi Liên Quan Đến Review Lương

7.1. Bao Lâu Được Review Lương?

Không có mốc thời gian cụ thể cho điều này. Thời gian review phụ thuộc vào quy định của công ty.

7.2. Có Phải Cứ Review Lương Là Được Tăng Lương Không?

Không phải cứ review là được tăng lương. Nếu trong năm vừa qua bạn không có những thành tựu xuất sắc, mức lương của bạn có thể sẽ không thay đổi.

7.3. Nhân Viên Có Được Tham Gia Vào Quá Trình Review Lương Không?

Điều này phụ thuộc vào quy định của công ty. Tại một số doanh nghiệp, nhân viên được trao đổi với nhà quản lý về mức lương hiện tại của mình. Tại một số doanh nghiệp khác, mức lương sau review được quyết định từ trước.

Năm mới sắp đến, một kỳ review lương mới cũng đang tới gần. JobsGO chúc bạn có được mức lương như ý và thành công trong công việc, cũng như trong cuộc sống.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: