Đến công ty để làm việc nhưng bỗng dưng bị biến thành “ô sin bất đắc dĩ”, bạn có đang gặp phải tình trạng này không? Sếp trả lương cho bạn để làm công việc A nhưng trong to – do list của bạn lại xuất hiện thêm các công việc B, C, D,… từ đồng nghiệp khác, bạn cần phải làm gì? Nếu còn đang quay cuồng trong mớ hỗn độn và chưa biết phải xử lý như thế nào, hãy tham khảo bài viết dưới đây của JobsGO các bạn nhé.
Mục lục
Trở thành ô sin – thực trạng phổ biến nơi công sở hiện nay
Hiện nay, trong môi trường công sở thường xuyên xảy ra những cảnh tượng bắt nạt, sai vặt, nhờ vả một cách thái quá,… khiến nhiều người vô tình trở thành “ô sin bất đắc dĩ” cho các đồng nghiệp khác, nhất là nhân viên mới.
Thực tế, việc tỏ ra thân thiện, giúp đỡ mọi người là điều rất tốt, cần thiết để xây dựng, duy trì các mối quan hệ nơi công sở. Tuy nhiên, việc quá nhiệt tình đôi khi sẽ biến bạn thành “người giúp việc chung” cho cả công ty. Có những kẻ xấu lợi dụng bạn không từ chối, được nước làm tới, “sẵn tiện” mà sai bảo, yêu cầu bạn làm hết việc này đến việc kia.
Điển hình như câu chuyện của “Mỹ Ngọc (33 tuổi, nhân viên thiết kế nội thất) là một cô gái ưa chuộng châm ngôn “dĩ hòa vi quý”. Vừa vào công ty mới, cô luôn tỏ ra dễ chịu trong mắt mọi người và tránh tối đa việc làm mích lòng các “ma cũ” trong công ty. Nhờ hiền lành và có vẻ dễ chịu, mới vào công ty được một tuần nhưng mọi người đều yêu quý và xem Ngọc như “chị em trong nhà”. Mà đã là chị em trong nhà thì đôi khi người ta lại ít tính toán với nhau.
Sáng đầu tuần thứ Hai, Ngọc được bà chị lớn phòng tài chính kế toán nhờ chở đi nộp báo cáo thuế vì “sẵn tiện” Ngọc đi công việc. Đến chiều, cô lại được cô em nhỏ cùng tổ nhờ lấy giúp mẫu sản phẩm chụp hình trong một chiều mưa tầm tã vì “em bận tay quá, chị giúp em với. Chị em với nhau mà”. Kết cuộc là cô bạn phải loay hoay với xe bị chết máy giữa đường trong làn nước ngập lênh láng, phần đồ án của mình vẫn chưa xong trong khi cô em ở văn phòng vừa nhởn nhơ check mail và… ăn chè cùng các đồng nghiệp khác. Chỉ vì mang tiếng “chị em với nhau” mà Ngọc ngại từ chối những lời nhờ vả”. (nguồn: Plo.vn).
👉 Xem thêm: Nhẫn nhịn nơi công sở, nên hay không?
Tại sao bạn bị biến thành ô sin nơi công sở?
Trở thành ô sin, làm những công việc không công, không tên, lo cả cho người khác trong khi bản thân không được hưởng bất kỳ lợi lộc gì chắc chắn là điều không ai mong muốn khi đi làm. Thế nhưng, chuyện gì cũng có lý do của nó và việc bạn bỗng dưng trở thành “người giúp việc cho công ty” thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Tính cách quá hiền lành, cả nể
Trong môi trường công sở, việc quá hiền lành, cả nể không phải là tốt, đôi khi nó còn khiến bạn phải chịu thiệt thòi. Đồng nghiệp nhờ vả gì cũng làm, không bao giờ dám từ chối dù bản thân không muốn, sợ nếu từ chối sẽ bị đồng nghiệp, sếp ghét bỏ,… Thế nhưng, nếu cứ mãi sống như vậy, bạn sẽ không thể nào thoát khỏi cái mác “ô sin” nơi công sở.
Thiếu các kỹ năng nơi công sở
Có thể bạn không phải là người quá hiền, dễ bị bắt nạt nhưng vẫn không thể thoát khỏi cảnh làm ô sin nơi công sở chỉ vì thiếu các kỹ năng quan trọng. Đối với nơi làm việc, từ chối lời nhờ vả, yêu cầu giúp đỡ từ người khác đôi khi cũng cần có nghệ thuật. Bạn không thể cứ thế thẳng thừng nói rằng “tôi không thích”, “tôi không làm”,… Điều này sẽ khiến mối quan hệ với đồng nghiệp trở nên tệ hơn và bản thân bạn sẽ chịu thiệt thòi trong công việc, con đường thăng tiến. Cũng chính vì thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử, không biết cách để nói lời từ chối như thế nào cho hợp lý nên nhiều người vẫn phải chịu đựng và làm những công việc “trên trời rơi xuống”.
👉 Xem thêm: Lối sống an toàn nơi công sở – Lựa chọn đúng đắn hay ngây thơ?
Làm sao để bản thân không trở thành “ô sin bất đắc dĩ” nơi công sở?
Để giúp bản thân không còn phải sống trong cảnh làm ô sin cho người khác tại nơi công sở, các bạn cần phải thật mạnh mẽ, cứng rắn, áp dụng các biện pháp dưới đây:
Biết nói lời từ chối
Từ chối khi cần thiết cũng là một kỹ năng mà bạn cần có khi làm việc tại môi trường công sở. Thay vì nói thẳng thừng thì bạn có thể viện một số lý do như “tôi đang bận chuyện A, chuyện B” hay “tôi có việc cần phải đi gấp”,… Đồng nghiệp khi thấy bạn bận thì chắc chắn sẽ ái ngại hơn và không ai lại ép bạn phải làm việc hay giúp đỡ họ lúc đó cả.
Giúp đỡ lần đầu nhưng có yêu cầu cho lần sau
Một cách khác để đồng nghiệp không “được nước làm tới”, nhờ vả, sai bảo bạn quá nhiều lần đó chính là đưa ra yêu cầu ngay cho lần sau. Ví dụ, bạn có thể nói là “việc này dù hơi bất tiện cho tôi nhưng tôi sẽ cố gắng giúp bạn một lần xem sao”. Đây dường như là một lời “mở đường” cho những lần từ chối sau này và cũng có ý nhắc đồng nghiệp không nên nhờ quá nhiều lần như vậy.
👉 Xem thêm: [Nhật ký công sở] 1001+ việc tạo nên một ngày “khó thở” nơi công sở
“Ngó lơ” khi cần thiết
Với những yêu cầu sai bảo, nhờ vả quá vô lý và bạn không muốn thực hiện, hãy “ngó lơ” để bản thân không gặp phải những rắc rối về sau. Bạn có thể tỏ ra không nghe thấy gì, cười trừ,… khi đồng nghiệp đưa ra lời đề nghị. Thà bạn bị mang tiếng vô tâm còn hơn trở thành “ô sin” cho người khác.
Như vậy, những chia sẻ trên đây của JobsGO chắc hẳn đã giúp các bạn biết cách để thoát khỏi cảnh làm “ô sin nơi công sở” rồi phải không? Để cập nhật thêm các mẹo công sở khác, mời các bạn ghé qua Blog JobsGO thường xuyên nhé!
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)