Có một kiểu người “tàng hình” không hạnh phúc chốn văn phòng

5/5 - (1 vote)

Bên cạnh những người trẻ lúc nào cũng rực rỡ hút mắt, có những người vô tình trở nên “tàng hình” trong mắt những người khác. Không phải họ không có năng lực, cũng chẳng phải họ chọn “tàng hình”; nhưng vì tính cách, nhiều người vô tình trở thành kẻ ẩn mình trong đám đông.

người tàng hình chốn văn phòng 1

Vô tình “tàng hình” vì tính cách

Bạn có biết không, có những người nhận được năng lượng và cảm thấy hạnh phúc khi ở một mình. Điều này không có nghĩa là họ không thích giao tiếp hay tham gia các hoạt động tập thể. Họ có thể làm mọi thứ mà người hướng ngoại làm và thích làm điều đó. Tuy nhiên, phần lớn thời gian họ thích “một mình”. Vì năng lượng của họ tiêu hao nhanh chóng khi liên tục phải tương tác xã hội.

Chính vì thế, những người này thường từ chối tham gia phần lớn các cuộc vui, bao gồm những hoạt động chốn công sở. Nhưng điều đó vô tình khiến họ trở thành một kẻ “vô hình” trong mắt những người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm: Người hướng nội là ai? 6 dấu hiệu cho thấy bạn là người hướng nội 

Kẻ “tàng hình” chốn văn phòng – Họ có buồn không?

Không phải tất cả, nhưng phần lớn những người trở nên “tàng hình” chốn văn phòng không phải do họ tự mình lựa chọn. Chính vì thế, họ buồn chứ. Họ cũng cảm thấy tủi thân khi không được mọi người chú ý, khi ý kiến của họ không được lắng nghe và khi không có bất kỳ người bạn có thể tâm sự khi đi làm.

người tàng hình chốn văn phòng 2
Cô đơn, buồn lắm bạn có biết không!

Cách đây khoảng vài tuần, tôi từng tình cờ đọc được một bài chia sẻ trên Facebook có liên quan đến vấn đề này.

Chuyện kể rằng, ở một thành phố nọ, có một cô gái 25 tuổi trẻ trung, xinh đẹp và vô cùng giỏi giang. Cô có một công việc tốt, tại một tập đoàn lớn với mức lương lên tới 2.000USD. Không ít người cảm thấy hâm mộ, thậm chí ghen tị với sự thành công của cô.

Nhưng chỉ có cô biết, cô không hề hạnh phúc với công việc của mình. Với cô, mỗi ngày đi làm chẳng phải một ngày vui. Cô không áp lực vì công việc, cũng không áp lực từ KPI mà cô căng thẳng với các mối quan hệ nơi công sở của mình. Cô lạc lõng ngay giữa đám đông đầy ắp tiếng cười và “tàng hình” trong mắt đồng nghiệp. 

Sáng đến công ty sẽ chẳng có ai tặng cô một nụ cười thật tươi với lời chào hỏi tràn đầy năng lượng, trưa đến chẳng ai quan tâm cô ăn gì, giờ tan làm về cũng bị ngó lơ. Khi những người khác đạt thành tích tốt, nhận được phần thưởng của công ty, họ sẽ được đồng nghiệp cùng nhóm (thậm chí khác nhóm) trêu chọc; còn với cô, tiếng vỗ tay dường như cũng trở nên uể oải hơn.

Thành thực mà nói, cô hiểu lý do vì sao mọi người đối xử với cô như vậy. Cô thích về nhà; lý do một phần vì muốn ăn cơm cùng bố mẹ già, một phần vì cô hướng nội. Sau một ngày dài làm việc ở công ty, cô muốn ở một mình để nạp lại năng lượng.

Những buổi ăn nhậu, karaoke cô hiếm khi tham gia. Dần dần, mọi người bỏ qua cô và cô bỗng dưng trở thành một kẻ “tàng hình” chốn văn phòng.

Có thể bạn quan tâm: Top 5 công việc phù hợp nhất dành cho người hướng nội

Những người “tàng hình” chốn văn phòng – Đáng thương hơn đáng trách

Dưới chia sẻ của cô gái nọ, tôi thấy rất nhiều bình luận trái chiều. Nhưng phần đông cho rằng, rơi vào hoàn cảnh như vậy là lỗi của chính cô. Vì cô là người chủ động tách khỏi tập thể.

Nhận định này có đúng không? Đúng, tôi không phủ nhận điều này. Và chính cô ấy cũng nói rằng lý do cho mọi chuyện bắt nguồn từ bản thân.

người tàng hình chốn văn phòng 3
Làm thế nào để hạnh phúc khi làm chính mình?

Dẫu vậy, đối với tôi, thay vì trách cứ, tôi cảm thấy thương cô ấy hơn. Trong một thế giới dường như ưu ái cho những người hướng ngoại đầy năng lượng, người hướng nội có vẻ thiệt thòi.

Thích ở một mình, nhưng người hướng nội vẫn có nhu cầu hiện hữu và được yêu thương. Vì vậy, tôi biết rằng, có không ít người trong số họ đang phải gồng mình để sống dưới vỏ bọc của một người hướng ngoại. Điều đó giúp họ có nhiều bạn bè hơn. Nhưng, đáng buồn thay,… điều đó không khiến họ hạnh phúc.

Sự nổi bật giả tạo khiến họ cạn kiệt năng lượng

Người hướng nội dường như không có nhiều năng lượng như người hướng ngoại. Vì vậy, sau một ngày làm việc dài, họ cần về nhà; nghỉ ngơi, đọc sách, nghe nhạc,… hoặc làm một điều gì đó một mình,… để phục hồi năng lượng đã mất.

Nhưng khi sống dưới vỏ bọc của một người hướng ngoại, họ phải cố gắng tỏ ra vui vẻ, tích cực tham gia vào các cuộc vui,… Kết quả là họ bị kiệt sức.

Mất niềm tin với người khác

Một người “đeo mặt nạ” trong thời gian dài có thể nghĩ rằng những người khác cũng thế. Cuối cùng, họ cảm thấy mất niềm tin vào những người xung quanh và không thể có được những người bạn thực sự.

Không được đánh giá cao

Ngay cả “thiên tài diễn xuất” cũng không thể “đeo mặt nạ” suốt đời. Sự hướng ngoại giả tạo có thể đánh lừa mọi người trong một thời gian ngắn. Nhưng rồi… có một lúc nào đó, con người thật sẽ xuất hiện. Và khi nhận ra điều ấy, những người xung quanh sẽ nghĩ rằng họ là kẻ giả tạo, kẻ không đáng tin,… Những người vốn là bạn sẽ dần rời xa và trở thành người xa lạ.

Phải làm thế nào để những người hướng nội không trở nên “tàng hình” chốn văn phòng và có thể “sống thật” với bản chất trong thế giới đề cao những người hướng ngoại?

Bạn có câu trả lời không?

Đọc bài viết sau để có câu trả lời: 6 mẹo giúp bạn thành công với tư cách là người hướng nội ở nơi làm việc?

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: