Quy định về nghỉ việc trong thời gian thử việc

Đánh giá post

Thử việc là khoảng thời gian để công ty đánh giá năng lực của ứng viên; đồng thời cũng là giai đoạn để ứng viên xem xét hoạt động, môi trường làm việc,… để đưa ra quyết định có gắn bó lâu dài với công ty hay không. Nếu cảm thấy không phù hợp, bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc trong thời gian thử việc.

1. Nghỉ việc trong thời gian thử việc – quy định của pháp luật

Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước không? Tự ý nghỉ trong thời gian thử việc có phải bồi thường không? Nghỉ việc trong thời gian thử việc có được trả lương hay không? Hãy cùng JobsGO tìm hiểu câu trả lời cho những câu hỏi này nhé!

Xem thêm: Thời gian báo trước khi nghỉ việc là bao nhiêu?

1.1 Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước?

Điều 27 Bộ luật lao động 2019 đã quy định rằng, sau khi kết thúc thử việc nếu người lao động không đạt tiêu chuẩn thì hợp đồng thử việc đã ký sẽ chấm dứt.

nghỉ việc trong thời gian thử việc
Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước?

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có trường hợp người lao động cảm thấy mình không phù hợp với công việc hoặc văn hoá công ty mà muốn nghỉ việc. Điều 27 Bộ luật lao động 2019 cũng nêu rõ: “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”

Do vậy, người lao động hoàn toàn có quyền tự nghỉ việc trong thời gian thử việc. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng có quyền chấm dứt hợp đồng thử việc với người lao động mà không cần báo trước…

Xem thêm: 3 mẫu viết đơn xin nghỉ việc chuyên nghiệp, đơn giản, tinh tế

1.2 Nghỉ việc trong thời gian thử việc có phải bồi thường?

Như điều 27 Bộ luật lao động 2019 đã nêu rõ ở trên, người lao động sẽ không phải bồi thường cho người sử dụng lao động nếu nghỉ trong thời gian thử việc. Đây là điểm khác biệt nổi bật đáng chú ý so với Bộ luật lao động 2012, vốn không nhắc tới việc tự nghỉ trong thời gian này có phải bồi thường hay không.

Xem thêm: Các quy định về nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng

1.3 Nghỉ việc trong thời gian thử việc có được trả lương?

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi đứng trước quyết định xin nghỉ trong thời gian thử việc. Theo điều 26 Bộ luật lao động 2019 quy định “Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.” và Cũng theo quy định tại Điều 27, Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) về việc kết thúc thời gian thử việc:

“Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”

Như vậy, trong thời gian thử việc, người lao động hoàn toàn có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không phải bồi thường cho công ty. Công ty vẫn có nghĩa vụ trả tiền lương những ngày người lao động đi làm trong thời gian thử việc, và với mức lương hai bên đã thỏa thuận trước đó, nếu không có thỏa thuận, thì phải trả cho người lao động ít nhất bằng 85% mức lương của công việc đó.

thử việc nghỉ báo trước bao nhiêu ngày
Nghỉ việc trong thời gian thử việc có được trả lương?

Tóm lại, khi bạn ký vào Hợp đồng mà ghi rõ 2 mục này:

  • Người lao động muốn nghỉ việc trong thời gian thử việc phải báo trước 3 ngày.
  • Công ty không trả lương nếu người lao động không làm đủ 1 tháng thử việc.

Thì đồng nghĩa với việc bạn đồng ý với các quy định của công ty. Nếu bạn muốn xin nghỉ, bạn cần phải báo trước và nếu bạn không làm đủ 1 tháng, công ty có quyền không trả lương cho bạn.

Xem thêm: Nghỉ việc không báo trước phải bồi thường bao nhiêu?

1.4 Các quy định chung về thử việc

Người lao động trước khi bắt đầu thử việc tại một doanh nghiệp nào đó thì nên nắm được cơ bản các quy định về vấn đề thử việc (theo Bộ luật lao động 2019), cụ thể như sau:

Người lao động và chủ doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau về nội dung thử việc, được trình bày rõ trong hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thử việc riêng.

Về thời gian thử việc sẽ do 2 bên tự thỏa thuận với nhau, tùy vào từng vị trí, tính chất công việc mà thời gian sẽ khác. Tuy nhiên chỉ được thử việc duy nhất một lần cho một vị trí làm việc, đồng thời phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Đối với vị trí quản lý doanh nghiệp, thử việc không quá 180 ngày.
  • Với công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trình độ từ cao đẳng trở lên, thời gian thử việc không quá 60 ngày.
  • Với vị trí công việc cần có trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, nhân viên nghiệp vụ, thời gian thử việc không quá 30 ngày.
  • Các công việc khác không quá 6 ngày thử việc.
  • Vấn đề tiền lương trong thời gian thử việc sẽ được thỏa thuận bởi hai bên (doanh nghiệp và người lao động) thế nhưng thấp nhất phải bằng 85% lương của công việc đó.
  • Khi hết thời gian thử việc, chủ doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động biết về kết quả thử việc.
  • Nếu như người lao động đạt yêu cầu về thử việc thì người sử dụng lao động phải tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc giao kết một hợp đồng mới.
  • Nếu như thử việc không đạt thì chủ doanh nghiệp sẽ chấm dứt hợp đồng với lao động tại thời điểm đó.

2. Không trả lương cho NLĐ khi thử việc, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì người sử dụng lao động không trả lương cho người lao động theo thỏa thuận thì bị xử phạt như sau:

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. (Nguồn: theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP người sử dụng lao động sẽ phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này (Nguồn: theo khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Tóm lại, nếu không trả lương cho người lao động thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền và phải bồi thường cho người lao động.

xin nghỉ việc trong thời gian thử việc
Không trả lương cho NLĐ khi thử việc, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào?

3. Cách xin nghỉ trong thời gian thử việc chuyên nghiệp

Trong quá trình thử việc bạn cũng có thể nghỉ nếu cảm thấy bản thân không phù hợp hoặc có bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, xin nghỉ như thế nào để thể hiện sự tôn trọng và chuyên nghiệp của mình? Cùng theo dõi tips mà JobsGO mách bạn dưới đây.

3.1 Thông báo nghỉ trước một khoảng thời gian

Nếu bạn đã chắc chắn muốn nghỉ trong quá trình thử việc thì hãy thông báo với người quản lý về điều này trước 4 – 5 ngày. Khi làm điều này, doanh nghiệp sẽ cảm thấy rằng bạn là một người làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm và đáng để tin cậy. Đồng thời khoảng thời gian đó cũng vừa đủ để họ tìm một người thay thế vị trí của bạn.

Đôi khi thử việc tại một số doanh nghiệp không có hợp đồng ràng buộc, thế nhưng bạn cũng đừng vội vàng nghỉ không thông báo nhé. Bạn hãy học cách làm quen với quy trình làm việc chuyên nghiệp.

3.2 Đề nghị hỗ trợ công việc khi cần thiết

Khi bạn thông báo chính thức với người quản lý về vấn đề xin nghỉ thì bạn cũng nên hỏi về tình hình công việc hiện tại xem có cần hỗ trợ gì thêm không. Nếu như công ty không cần hỗ trợ thì bạn có thể đề xuất xin nghỉ sớm hơn thời gian dự định để tìm công việc khác phù hợp hoặc dành thời gian cho học tập.

Còn trong trường hợp công ty cần hỗ trợ thì bạn hãy thể hiện sự chuyên nghiệp của mình bằng cách vui vẻ, dốc sức hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, cho dù bạn nghỉ thì cũng vẫn giữ được ấn tượng tối với công ty, có thể từ đây sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội mới cho bạn.

3.3 Tổng hợp toàn bộ tài liệu cần bàn giao

Trong khoảng thời gian thử việc nhiều doanh nghiệp vẫn sẽ đưa cho bạn các tài liệu, văn bản liên quan trực tiếp đến công việc. Khi đã xin nghỉ thì bạn hãy lập danh sách công việc, tài liệu cần bàn giao và hoàn thành nó trước thời gian nghỉ. Điều này sẽ giúp cho việc bàn giao không bị thiếu sót, đặc biệt bạn cũng không phải tốn thời gian quay lại công ty lần nữa.

3.4 Lý do xin nghỉ việc

Lý do xin nghỉ việc cũng khá quan trọng, nó khiến cho người quản lý có thể đánh giá về con người của bạn ngay lập tức. Vì vậy, cho dù bạn có đang bất mãn với công việc, đồng nghiệp, chế độ chính sách của công ty… thì cũng đừng vội nổi nóng. Bạn không nên than thở về công việc, môi trường,… bởi vì nó sẽ không dễ dàng để thay đổi văn hóa của một doanh nghiệp dưới sự đóng góp của bạn. Vì vậy bạn nên học cách vui vẻ, nhẹ nhàng đón nhận.

Bạn hãy bình tĩnh nói về lý do mình muốn nghỉ như: Không phù hợp với văn hóa, môi trường công ty, công việc chưa thật sự phù hợp, chưa đáp ứng được kỳ vọng của bạn,…. Nó vừa giúp bạn thể hiện sự chân thật lại vừa tôn trọng công ty.

3.5 Không hạ thấp bản thân

Khi bạn đến với bất kỳ một doanh nghiệp nào, được thông qua phỏng vấn và thử việc tại công ty là do sự nỗ lực và khả năng của bạn. Đặc biệt, mối quan hệ giữa bạn và doanh nghiệp đều dựa trên quyền lợi và nghĩa vụ. Vì vậy, kể cả khi nghỉ việc thì bạn cũng không cần cảm thấy quá có lỗi và hạ thấp bản thân.

Lúc này bạn chỉ cần viết email hoặc gặp trực tiếp với người quản lý để trình bày vấn đề và xin nghỉ. Bạn cũng chỉ cần xin lỗi một lần và đề nghị giúp đỡ nếu cần thiết. Bạn đừng khúm lúm xin lỗi quá nhiều lần và cũng đừng nghĩ doanh nghiệp sẽ đánh giá đó là thái độ tốt nhé.

Nghỉ việc trong thời gian thử việc là một quyết định khó khăn nhưng điều đó có thể mang lại hạnh phúc và những cơ hội tốt hơn dành cho bạn.

Xem thêm: Nghỉ việc bao lâu thì lấy được tiền bảo hiểm xã hội?

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: