Thẩm Phán Là Gì? Quy Định Năm 2024 Về Quyền & Nghĩa Vụ Của Thẩm Phán

Đánh giá post

Trở thành là ước mơ của rất nhiều sinh viên khi theo đuổi ngành Luật. Với vị trí, vai trò không thể thay thế, Thẩm phán được xem là người tạo thế cân bằng cho cán cân công lý, bảo vệ sự bình đẳng và trong sạch, bền vững của xã hội. Vậy thực chất Thẩm phán là gì? Có những quy định gì về Thẩm phán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Cùng JobsGO tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Thẩm Phán Là Gì?

Khoản 1 Điều 65 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định: Thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử.

thẩm phán
Thẩm Phán Là Gì?

Dựa vào chức danh và nhiệm vụ, quyền hạn, có thể hiểu đơn giản Thẩm phán là một vị trí quan trọng trong hệ thống tư pháp. Đây là người được nhà nước bổ nhiệm để xét xử các vụ án và đưa ra phán quyết dựa trên luật pháp và bằng chứng. Thẩm phán là người duy trì trật tự trong phiên tòa, lắng nghe lập luận của các bên, đánh giá chứng cứ một cách công bằng và đưa ra phán quyết cuối cùng. Thẩm phán đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, duy trì trật tự xã hội và thượng tôn pháp luật.

2. Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Của Thẩm Phán

tòa án nhân dân cấp tỉnh
Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Của Thẩm Phán

Khoản 2 Điều 65 và Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định Thẩm phán là một bộ phận quan trọng trong hệ thống Tòa án nhân dân với những nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

  • Thẩm phán có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thẩm phán cùng Tòa án Nhân dân góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
  • Thẩm phán thực hiện xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật. Thẩm phán cũng cần xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng. Căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, Thẩm phán thực hiện quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.
  • Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền:
  • Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án.
  • Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp.
  • Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
  • Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
  • Ra quyết định để thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
  • Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.
  • Xử lý vi phạm hành chính; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.

3. Quy Định Về Tiêu Chuẩn Của Thẩm Phán

tòa án huyện
Quy Định Về Tiêu Chuẩn Của Thẩm Phán

Để trở thành Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp trong hệ thống xét xử Việt Nam, bạn cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện tiêu chuẩn như sau:

  • Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
  • Có trình độ cử nhân luật trở lên.
  • Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.
  • Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.
  • Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

4. Điều Kiện Bổ Nhiệm Thẩm Phán

Bên cạnh các tiêu chuẩn cơ bản nhất để trở thành Thẩm phán, pháp luật còn quy định những điều kiện để bổ nhiệm Thẩm phán ở 4 ngạch chính là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.

chánh án tòa án nhân dân tối cao
Điều Kiện Bổ Nhiệm Thẩm Phán

4.1 Thẩm Phán Tòa Án Nhân dân Tối Cao

Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 67 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

  • Đã là Thẩm phán cao cấp từ đủ 05 năm trở lên.
  • Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của luật tố tụng.

Đối với người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, có những quy định để được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:

  • Là người am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao.
  • Có thể là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức.
  • Là người có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của luật tố tụng.

4.2 Thẩm Phán Cao Cấp

Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 67 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp thuộc Tòa án quân sự:

  • Đã là Thẩm phán trung cấp từ đủ 05 năm trở lên.
  • Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp cao, của Tòa án quân sự trung ương theo quy định của luật tố tụng.
  • Đã trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán cao cấp.

Trường hợp do nhu cầu cán bộ của Tòa án nhân dân, người chưa là Thẩm phán trung cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp thuộc Tòa án quân sự:

  • Có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 67 của Luật này.
  • Đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 18 năm trở lên.
  • Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự trung ương theo quy định của luật tố tụng.
  • Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn vào ngạch Thẩm phán cao cấp.

Trong trường hợp đặc biệt, những đối tượng đáp ứng các điều kiện dưới đây có thể tham gia xét tuyển Thẩm phán cao cấp:

  • Là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
  • Người tuy chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật nhưng có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và điều kiện quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 68 về Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp.
  • Nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì cũng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp các Tòa án quân sự.

4.3 Thẩm Phán Trung Cấp

  • Đã là Thẩm phán sơ cấp từ đủ 05 năm trở lên.
  • Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của luật tố tụng.
  • Đã trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp.

Trường hợp do nhu cầu cán bộ của Tòa án nhân dân, người chưa là Thẩm phán sơ cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thuộc Tòa án quân sự:

  • Có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 67 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
  • Đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 13 năm trở lên.
  • Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của luật tố tụng.
  • Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn vào ngạch Thẩm phán trung cấp.

4.4 Thẩm Phán Sơ Cấp

Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 67 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp thuộc Tòa án quân sự:

  • Có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên.
  • Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của luật tố tụng.
  • Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp

5. Thẩm Phán Không Được Làm Những Gì?

thẩm quyền
Thẩm Phán Không Được Làm Những Gì?

Điều 77, Chương VII, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định những việc mà Thẩm phán không được làm như sau:

  • Thứ nhất, những việc pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm, bao gồm:
  • Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
  • Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.
  • Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.
  • Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
  • Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
  • Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
  • Cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
  • Thứ hai, Thẩm phán không được tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật.
  • Thứ ba, Thẩm phán không được phép can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án.
  • Thứ tư, thẩm phán không được đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
  • Thứ năm, thẩm phán không được tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định.

Vai trò của Thẩm phán trong xã hội hiện đại là không thể thay thế bởi Thẩm phán không chỉ là người giải quyết tranh chấp mà còn là biểu tượng của công lý và pháp quyền. Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai các Thẩm phán đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc tuyển chọn, đào tạo và bổ nhiệm chức vụ này. Để có thể trở thành một Thẩm phán liêm chính và sáng suốt, các ứng viên cần không ngừng trau dồi bản thân về cả bản lĩnh chính trị, đạo đức cùng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ.

Câu hỏi thường gặp

1. Chánh Án Và Thẩm Phán Ai Có Chức Danh Cao Hơn?

Chánh án có chức vụ cao hơn Thẩm phán vì Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam là chức vụ đứng đầu Tòa án nhân dân Tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. 

2. Lương Thẩm Phán Là Bao Nhiêu?

Theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát ban hành kèm theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11, mức lương của Thẩm phán được quy định theo cấp bậc, dao động từ 5 – 18 triệu đồng/tháng.

3. Thẩm Phán Học Ngành Gì?

Để làm Thẩm phán, bạn cần có bằng cử nhân trở lên của ngành Luật.

4. Hội Đồng Thẩm Phán Có Bao Nhiêu Người?

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bao gồm từ 13 đến 17 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *