Chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số là quá trình mà tổ chức hoặc tổ chức chính phủ chuyển đổi các quy trình, sản phẩm, dịch vụ từ hình thức truyền thống sang mô hình số hóa. Trong bài viết hôm nay, JobsGO sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về chuyển đổi số.
Mục lục
- 1. Khái Niệm Chuyển Đổi Số Là Gì?
- 2. Ví Dụ Chuyển Đổi Số Trong Các Lĩnh Vực Khác Nhau
- 2.1. Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Ngân Hàng Và Tài Chính
- 2.2. Chuyển Đổi Số Là Gì Trong Lĩnh Vực Giáo Dục
- 2.3. Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Y Tế
- 2.4. Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Bán Lẻ
- 2.5. Chuyển Đổi Số Là Gì Trong Lĩnh Vực Sản Xuất
- 2.6. Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Giao Thông Vận Tải
- 2.7. Chuyển Đổi Số Trong Hoạt Động Của Các Cơ Quan Nhà Nước
- 3. Những Khái Niệm Liên Quan Tới Chuyển Đổi Số Là Gì?
- 4. Sự Khác Biệt Giữa Số Hóa Và Chuyển Đổi Số Là Gì?
- 5. Tại Sao Phải Chuyển Đổi Số?
- 6. Thực Trạng Chuyển Đổi Số Ở Việt Nam
- 7. Quy Trình Chuyển Đổi Số Trong Doanh Nghiệp
- 8. Các Yếu Tố Trụ Cột Trong Chuyển Đổi Số Là Gì?
- Câu hỏi thường gặp
1. Khái Niệm Chuyển Đổi Số Là Gì?
Chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số nghĩa là gì? Có nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số, tuy nhiên hiểu đơn giản nhất thì chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc tích hợp những đổi mới về công nghệ, kỹ thuật số vào các lĩnh vực của doanh nghiệp. Điều này làm thay đổi cách thức hoạt động, vận hành, mô hình kinh doanh của các đơn vị, tổ chức.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình doanh nghiệp hiện đại. Nó được thực hiện bằng việc áp dụng nhiều công nghệ, khoa học mới, điển hình như: Big data, IOT, Cloud,… Doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số làm thay đổi cách thức lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa công ty.
2. Ví Dụ Chuyển Đổi Số Trong Các Lĩnh Vực Khác Nhau
Để hiểu chuyển đổi số đang dần thay đổi những gì, chúng ta sẽ cùng nhau xem qua một số ví dụ cụ thể về chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nhau:
2.1. Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Ngân Hàng Và Tài Chính
- Ngân hàng số (Digital Banking): Các ngân hàng cung cấp dịch vụ trực tuyến như mở tài khoản, chuyển tiền, và thanh toán hóa đơn mà không cần phải đến chi nhánh. Ví dụ: Ngân hàng số Timo, VPBank NEO,…
- Ứng dụng thanh toán di động: Ví dụ như Momo, ZaloPay, ViettelPay cho phép người dùng thanh toán hóa đơn, chuyển tiền và mua sắm trực tuyến một cách dễ dàng.
2.2. Chuyển Đổi Số Là Gì Trong Lĩnh Vực Giáo Dục
- Học trực tuyến (E-learning): Các nền tảng như Coursera, Udemy, EdX,… cung cấp các khóa học trực tuyến từ các trường đại học và tổ chức hàng đầu. Ở Việt Nam cũng có các nền tảng E-learning nổi tiếng như Unica, Kyna, Edumall,…
- Phần mềm quản lý giáo dục: Các trường học sử dụng phần mềm quản lý như Schoology, Google Classroom,… để quản lý lớp học, bài tập và giao tiếp với học sinh, phụ huynh.
2.3. Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Y Tế
- Bệnh viện thông minh: Không ít bệnh viện tại Việt Nam, điển hình như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng hệ thống quản lý bệnh viện thông minh để theo dõi hồ sơ bệnh án điện tử, đặt lịch khám trực tuyến và tư vấn sức khỏe từ xa.
- Ứng dụng y tế di động: Ứng dụng như Doctor Anywhere, Jio Health cho phép người dùng đặt lịch hẹn với bác sĩ, nhận đơn thuốc và theo dõi sức khỏe từ xa.
2.4. Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Bán Lẻ
- Thương mại điện tử (E-commerce): Các trang web, ứng dụng mua sắm trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki,… cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến toàn diện từ chọn sản phẩm đến thanh toán và giao hàng.
- Phân tích dữ liệu khách hàng: Các doanh nghiệp bán lẻ đã sử dụng dữ liệu lớn (big data) để phân tích hành vi mua sắm của khách hàng, từ đó tối ưu hóa chiến lược kinh doanh và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm.
2.5. Chuyển Đổi Số Là Gì Trong Lĩnh Vực Sản Xuất
- Nhà máy thông minh (Smart Factory): VinFast áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô. Nhiều doanh nghiệp khác cũng sử dụng công nghệ IoT (Internet of Things) và AI để tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa hiệu suất,…
- Bảo trì dự đoán: Sử dụng cảm biến và phân tích dữ liệu để dự đoán, ngăn ngừa hỏng hóc thiết bị trước khi chúng xảy ra.
2.6. Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Giao Thông Vận Tải
- Hệ thống giao thông thông minh: Việt Nam đã ứng dụng công nghệ IoT để quản lý, tối ưu hóa hoạt động giao thông, giúp giảm thiểu tắc nghẽn và tai nạn giao thông. Ví dụ các hệ thống giám sát và điều khiển giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,…
- Dịch vụ chia sẻ xe: Các ứng dụng như Grab, Gojek,Be,… cung cấp dịch vụ gọi xe và giao hàng tiện lợi.
2.7. Chuyển Đổi Số Trong Hoạt Động Của Các Cơ Quan Nhà Nước
- Cổng Dịch vụ Công Quốc gia (dichvucong.gov.vn): Tích hợp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ khác nhau, từ tra cứu thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến đến nhận kết quả qua mạng.
- Hệ thống quản lý hồ sơ điện tử: Việt Nam đã thay thế hệ thống hồ sơ giấy bằng hồ sơ điện tử giúp giảm bớt thời gian xử lý, tăng tính minh bạch và dễ dàng tra cứu. Ví dụ, nhiều Sở Tư pháp đã triển khai hệ thống quản lý hồ sơ điện tử cho các thủ tục liên quan đến đất đai, hộ tịch, và tư pháp.
- Ứng dụng eTax Mobile: Ứng dụng eTax Mobile đã được phổ biến để người lao động có thể theo dõi, thực hiện các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến thuế.
- Ứng dụng GIS: Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh sử dụng GIS (Hệ thống thông tin địa lý) để quản lý bản đồ địa chính và theo dõi biến động đất đai.
Xem thêm: An Ninh Mạng Là Gì? Các Nguyên Tắc, Biện Pháp Bảo Vệ An Ninh Mạng Hiệu Quả
3. Những Khái Niệm Liên Quan Tới Chuyển Đổi Số Là Gì?
Trong quá trình tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “chuyển đổi số là gì?”, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những thuật ngữ sau:
- Công nghiệp 4.0: Còn được gọi là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là sự kết hợp của các công nghệ tự động hóa, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các hệ thống thông minh khác để tạo ra các quy trình sản xuất và kinh doanh hiệu quả hơn.
- Internet vạn vật (IoT): Là mạng lưới các thiết bị kết nối với nhau qua Internet, cho phép thu thập và trao đổi dữ liệu. IoT được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như nhà thông minh, thành phố thông minh, y tế và sản xuất.
- Dữ liệu lớn (Big Data): Là các tập dữ liệu lớn và phức tạp mà các công cụ xử lý dữ liệu truyền thống không thể xử lý được. Big Data đòi hỏi các kỹ thuật và công nghệ mới để lưu trữ, quản lý, phân tích, xử lý,…
- Trí tuệ nhân tạo (AI): Là lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các hệ thống máy tính có khả năng thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi trí tuệ của con người, như học tập, lý luận, lập kế hoạch và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
- Máy học (Machine Learning): Là một nhánh của AI, trong đó các hệ thống máy tính học hỏi từ dữ liệu để cải thiện hiệu suất mà không cần lập trình rõ ràng. Machine Learning được sử dụng rộng rãi trong phân tích dữ liệu, nhận diện hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
- Điện toán đám mây (Cloud Computing): Là việc cung cấp các dịch vụ tính toán qua Internet, bao gồm lưu trữ, xử lý và quản lý dữ liệu. Các dịch vụ đám mây giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư hạ tầng và tăng cường khả năng mở rộng.
- Blockchain: Là một công nghệ sổ cái phân tán, cho phép ghi lại các giao dịch một cách an toàn, minh bạch và không thể thay đổi. Blockchain được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý dữ liệu.
- Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA): Là việc sử dụng phần mềm robot để tự động hóa các quy trình lặp đi lặp lại, giúp giảm bớt công việc thủ công và tăng hiệu suất.
- Virtual Reality (VR – Thực tế ảo): Là công nghệ tạo ra một môi trường ảo hoàn toàn mà người dùng có thể tương tác.
- Augmented Reality (AR – Thực tế tăng cường): Là công nghệ kết hợp giữa thế giới thực và các yếu tố ảo, giúp tăng cường trải nghiệm thực tế.
- Chuyển đổi số toàn diện (Digital Transformation): Là quá trình thay đổi toàn diện cách thức hoạt động của tổ chức bằng cách áp dụng các công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh và quản lý.
- Chính phủ điện tử (E-Government): Là việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cải thiện hoạt động của chính phủ và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Xem thêm: Cơ sở dữ liệu là gì? Các loại cơ sở dữ liệu hiện nay
4. Sự Khác Biệt Giữa Số Hóa Và Chuyển Đổi Số Là Gì?
Dưới đây là bảng phân biệt giữa chuyển đổi số (Digital Transformation) và số hóa (Digitization):
Tiêu chí | Chuyển đổi số (Digital Transformation) | Số hóa (Digitization) |
Khái niệm | Quá trình thay đổi toàn diện cách thức hoạt động, kinh doanh và cung cấp giá trị bằng cách áp dụng công nghệ số. | Quá trình chuyển đổi dữ liệu từ dạng vật lý (giấy, băng cassette, đĩa từ, …) sang dạng kỹ thuật số. |
Phạm vi | Toàn diện, bao gồm tất cả các khía cạnh của tổ chức, từ quy trình, sản phẩm, dịch vụ đến mô hình kinh doanh. | Hạn chế trong việc chuyển đổi dữ liệu và tài liệu. |
Mục tiêu | Tăng cường hiệu quả hoạt động, tạo ra giá trị mới, nâng cao trải nghiệm khách hàng và cải tiến mô hình kinh doanh. | Tạo ra bản sao kỹ thuật số của dữ liệu vật lý để dễ dàng lưu trữ, truy cập và xử lý. |
Ví dụ | – Áp dụng IoT trong quản lý sản xuất. – Sử dụng AI để cá nhân hóa dịch vụ khách hàng. – Chuyển đổi toàn bộ quy trình kinh doanh sang nền tảng kỹ thuật số. | – Quét tài liệu giấy thành file PDF. – Chuyển băng cassette thành file MP3. – Nhập dữ liệu từ biểu mẫu giấy vào cơ sở dữ liệu. |
Tác động | Thay đổi sâu rộng và lâu dài đến cơ cấu tổ chức, quy trình làm việc và văn hóa doanh nghiệp. | Cải thiện khả năng lưu trữ, truy cập và xử lý dữ liệu, nhưng không thay đổi quy trình cốt lõi. |
Công nghệ sử dụng | Sử dụng đa dạng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, Blockchain, Big Data, Cloud Computing, … | Sử dụng các công cụ số hóa như máy quét, phần mềm OCR (Nhận dạng ký tự quang học), phần mềm chuyển đổi định dạng file. |
Cách tiếp cận | Chiến lược dài hạn, yêu cầu thay đổi văn hóa tổ chức, đào tạo nhân lực và đôi khi tái cấu trúc doanh nghiệp. | Thực hiện ngắn hạn, tập trung vào cải thiện quy trình lưu trữ và quản lý dữ liệu. |
5. Tại Sao Phải Chuyển Đổi Số?
5.1. Lợi Ích Của Chuyển Đổi Số Đối Với Chính Phủ
- Nâng cao hiệu quả quản lý: Chuyển đổi số giúp nhà nước tối ưu hóa các quy trình làm việc và giảm bớt thủ tục hành chính. Bằng cách áp dụng các hệ thống quản lý số, nhà nước có thể tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc xử lý các công việc hành chính, từ việc xử lý giấy tờ đến quản lý tài nguyên như đất đai, nhân sự.
- Cải thiện dịch vụ công: Chuyển đổi số có giúp cải thiện dịch vụ công, làm cho dịch vụ công trở nên minh bạch và dễ dàng tiếp cận hơn.
- Tăng cường an ninh và quốc phòng: Chuyển đổi số không chỉ giúp nhà nước bảo vệ hạ tầng thông tin quốc gia một cách hiệu quả hơn mà còn cung cấp công cụ để quản lý dữ liệu an ninh. Điều này bao gồm việc phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, đảm bảo an toàn cho thông tin quan trọng và nhạy cảm của quốc gia.
- Hỗ trợ ra quyết định: Chuyển đổi số cung cấp cho các cơ quan nhà nước công cụ để phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định một cách chính xác hơn. Bằng cách sử dụng Big Data và trí tuệ nhân tạo, nhà nước có thể phân tích xu hướng, dự đoán các tình huống phức tạp, từ đó đưa ra quyết định dựa trên số liệu.
5.2. Lợi Ích Của Chuyển Đổi Số Với Doanh Nghiệp
Chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, từ việc điều hành, quản lý đến hoạt động kinh doanh, phát triển, mở rộng quy mô. Cụ thể, chuyển đổi số giúp:
- Xóa bỏ khoảng cách phòng ban: Khi doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số đã tạo ra một nền tảng kết nối chung giữa các phòng với nhau. Các phòng thực hiện nhiệm vụ riêng, thế nhưng vẫn giao tiếp được với bộ phận khác. Đặc biệt, các vấn đề trong công ty đều được nhận dạng, phòng ngừa trước khi xảy ra và xử lý công việc nhanh chóng.
- Đảm bảo minh bạch, hiệu quả và sáng tạo trong hệ thống quản lý doanh nghiệp: Các hoạt động của doanh nghiệp như: Tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm, nhân viên bán hàng, kế toán tổng hợp doanh số, biến động về nhân sự ở các phòng,… sẽ được thể hiện trong phần mềm quản trị doanh nghiệp. Với phần mềm này, người lãnh đạo sẽ dễ dàng truy xuất báo cáo dễ dàng, từ đó hiệu quả quản lý cũng cao hơn nhiều.
- Tối ưu hóa hiệu quả làm việc của nhân viên: Theo một nghiên cứu của Microsoft ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, việc áp dụng chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc lên 21,85%. Đặc biệt khi có chuyển đổi số các công việc giá trị gia tăng thấp mà hệ thống tự thực hiện được thì công ty không cần chi trả công cho nhân viên. Bên cạnh đó, nhân viên cũng sẽ tập trung được vào chuyên môn của mình hơn, nâng cao nghiệp vụ, gia tăng hiệu quả công việc.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp: Nó giúp cho doanh nghiệp tương tác nhanh với khách hàng, chăm sóc khách hàng chu đáo hơn.
- Cắt giảm chi phí vận hành: máy móc, công nghệ hiện đại có thể thay con người làm rất nhiều việc. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu đội ngũ nhân sự, mọi người có thể tập trung vào chuyên môn công việc chính mà không cần phải kiêm nhiệm quá nhiều việc bên ngoài.
5.3. Lợi Ích Của Chuyển Đổi Số Đối Với Người Dân, Người Lao Động
- Dễ dàng tiếp cận dịch vụ và thông tin: Qua các nền tảng trực tuyến, người dân có thể truy cập các dịch vụ công và thông tin về các quy trình hành chính mọi lúc, mọi nơi.
- Tiết kiệm thời gian và công sức: Việc có thể hoàn thành các thủ tục hành chính trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức.
- Mở rộng cơ hội việc làm: Các nền tảng tuyển dụng trực tuyến và các hệ thống quản lý nhân sự số giúp người lao động tiếp cận với hàng ngàn cơ hội việc làm một cách nhanh chóng, thuận tiện.
- Tăng cơ hội kinh doanh: Với sự phát triển của kinh tế số, người dân có thể tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và các công cụ quảng cáo trực tuyến để khởi nghiệp.
- Tiện ích trong cuộc sống hàng ngày: Chuyển đổi số cung cấp nhiều tiện ích trong cuộc sống hàng ngày, từ việc đặt hàng trực tuyến đến thanh toán hoá đơn điện tử,… Những điều này mang đến sự thuận tiện và giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian.
- Tăng cường sự kết nối xã hội và giao tiếp: Mọi người có thể kết nối, giao tiếp với nhau một cách nhanh chóng, hiệu quả qua các nền tảng truyền thông xã hội và ứng dụng nhắn tin trực tuyến.
6. Thực Trạng Chuyển Đổi Số Ở Việt Nam
Có thể nói, ở nước ta quá trình chuyển đổi số đang diễn ra chậm hơn quá trình chuyển đổi số trên thế giới. Hiện nay nó mới chỉ xuất hiện ở một số ngành nghề, lĩnh vực như: Tài chính – ngân hàng, giao thông, du lịch,… Chính phủ cùng với chính quyền các cấp đang hướng tới xây dựng Chính phủ số. Có hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước đang xây dựng Smart City với công nghệ mới.
Thế nhưng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước ta vẫn chưa thật sự nhận thức chính xác vai trò của chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp. Thế nhưng trình độ khoa học công nghệ, đổi mới trong các công ty lại thấp, có khoảng 80 – 90% máy móc là nhập khẩu, gần 80% là công nghệ cũ từ lâu.
Mặc dù là vậy, thế nhưng các chỉ báo cũng cho thấy các doanh nghiệp này bước thay đổi. Họ đầu đầu tư vào 18% công nghệ đám mây, 12,7% an ninh mạng, 10,7% nâng cấp phần mềm và phần cứng để phục vụ chuyển đổi số.
7. Quy Trình Chuyển Đổi Số Trong Doanh Nghiệp
Để áp dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiệu quả cần phải thực hiện các bước sau:
- Bước 1- Lập kế hoạch: Trước khi áp dụng chuyển đổi số, ban lãnh đạo công ty cần thống nhất với nhau để đưa ra kế hoạch chi tiết, hoàn hảo nhất bao gồm: Mục tiêu chuyển đổi số, công việc cần làm, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành,…
- Bước 2 – Lập các chiến lược: Sau khi doanh nghiệp đã lên được kế hoạch thì phải có chiến lược cụ thể bằng cách tham khảo tài liệu của Bộ thông tin và truyền thông. Tiếp theo bạn sẽ phải dựa vào đặc điểm của công ty mình mà đưa ra chiến lược phù hợp.
- Bước 3 – Số hóa tài liệu và quy trình: Có thể nói bước 3 là bước rất quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển đổi số. Trong đó, đầu ra của số hóa là đầu vào cũng là nguyên liệu không thể thiếu.
- Bước 4 – Chuẩn bị nhân lực: Nhân lực chủ yếu trong quy trình này là người quản lý. Họ có vị thế và tầm ảnh hưởng trong doanh nghiệp.
- Bước 5 – Đầu tư công nghệ: Bạn cần đảm bảo công nghệ áp dụng phù hợp với nhân viên để họ thích nghi dễ dàng hơn.
Việc chuyển đổi số có vai trò cực kỳ quan trọng trong các doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao hiệu quả làm việc. Chính vì thế mà các doanh nghiệp nên áp dụng ngay quy trình này nhé.
8. Các Yếu Tố Trụ Cột Trong Chuyển Đổi Số Là Gì?
8.1. Văn Hóa Và Chiến Lược Số
Văn hóa và chiến lược số là nền tảng cơ bản, giúp xác định tư duy, hành vi trong tổ chức. Một văn hóa linh hoạt, sẵn lòng chấp nhận sự thay đổi; cùng với chiến lược rõ ràng sẽ giúp định hình hướng đi và mục tiêu của tổ chức trong quá trình chuyển đổi.
8.2. Gắn Kết Khách Hàng
Đây là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo rằng các giải pháp số được phát triển dựa trên nhu cầu và mong muốn của người sử dụng cuối cùng. Việc hiểu biết rõ về khách hàng và tạo ra trải nghiệm người dùng tốt sẽ giúp tăng cường sự hài lòng của họ.
8.3. Quy Trình Và Cải Tiến
Tổ chức cần liên tục đánh giá, điều chỉnh, cải thiện quá trình chuyển đổi số để đạt được hiệu quả cao hơn, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và môi trường kinh doanh. Cải tiến liên tục là chìa khóa để duy trì sự linh hoạt và thích ứng với môi trường kinh doanh đang thay đổi.
8.4. Công Nghệ
Công nghệ đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Việc lựa chọn và tích hợp các công nghệ phù hợp giúp tổ chức xây dựng một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và linh hoạt để hỗ trợ các hoạt động quản lý, kinh doanh.
8.5. Phân Tích Và Quản Lý Dữ Liệu
Phân tích và quản lý dữ liệu là yếu tố quan trọng để biến dữ liệu thành thông tin giá trị. Thu thập, phân tích, quản lý dữ liệu một cách an toàn, hiệu quả giúp tổ chức định hình chiến lược và ra quyết định thông minh dựa trên thông tin có cơ sở.
Như vậy, với các thông tin trên đây chắc hẳn bạn cũng đã hiểu hơn chuyển đổi số là gì cũng như quy trình chuyển đổi số ra sao. Rất mong bài viết của JobsGO có thể giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu thông tin.
Câu hỏi thường gặp
1. Chuyển Đổi Số Là Việc Của Ai?
Đây là quá trình thay đổi, chuyển đổi mang tính toàn diện, tổng thể. Nó chính là cuộc cách mạng của toàn dân, tất cả mọi người, đơn vị, tổ chức đều cần tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.
2. Khi Nào Nên Chuyển Đổi Số?
Thực tế, chuyển đổi số là một quá trình khách quan, dù chúng ta không muốn thì nó vẫn sẽ xảy ra. Vì vậy, mỗi người hãy thực hiện nó ngay lập từ bằng cách thay đổi tư duy, nhận thức, cách sống, cách làm việc,...
3. Chuyển Đổi Số Thực Hiện Như Thế Nào?
Quá trình chuyển đổi số là vô cùng đa dạng, không có bất kỳ quy tắc chung nào. Mỗi người, mỗi đơn vị, tổ chức sẽ cần tìm kiếm và lựa chọn cách phù hợp nhất cho mình. Ví dụ:
- Chính quyền số: chính quyền sẽ quyết định toàn bộ các hoạt động liên quan đến an toàn trong môi trường số, mô hình hoạt động dựa trên dữ liệu, công nghệ số,...
- Xã hội số: công dân tham gia vào quá trình y tế số, giao tiếp xã hội trong môi trường số, giáo dục số,...
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)