Agile là gì? Scrum là gì? Sự giống và khác nhau của Agile và Scrum

Đánh giá post

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp phát triển phần mềm được áp dụng. Nổi bật trong đó phải kể đến chính là Agile và Scrum. Vậy bạn đã hiểu rõ về Agile và Scrum là gì chưa? Điểm giống và khác nhau giữa chúng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc liên quan.

1. Agile là gì?

1.1 Khái niệm

agile và scrum
Agile là gì?

Có rất nhiều người tò mò, thắc mắc không biết thực chất Agile là gì? Hiểu một cách đơn giản nhất thì Agile chính là phương pháp sử dụng để phát triển phần mềm linh hoạt. Nó dùng để định hướng, giúp chúng ta tiếp cận được rõ ràng, cụ thể những vấn đề trong quản lý dự án phần mềm. Nhờ có phương pháp này mà các sản phẩm có thể được hoàn thiện tốt hơn, đưa đến tay người dùng theo cách nhanh chóng, hữu dụng nhất.

Thực tế cũng đã có rất nhiều phương pháp được sử dụng cho phát triển phần mềm nhưng ở dạng truyền thống. Với những cách này thì còn khá nhiều nhược điểm kèm theo thất bại cho các dự án. Và nhờ có sự nhìn nhận kịp thời, các cá nhân, tổ chức đã tìm ra được phương pháp hiện đại hơn, thích ứng được với tình hình mới. Đó chính là Agile.

Thông qua phương pháp Agile, các vấn đề phát sinh như chia sẻ, hướng phát triển, kỹ thuật, công cụ, sự cộng tác,… đều được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

Với Agile, quy chuẩn hoạt động của nó sẽ dựa vào những tiêu chí như sau:

  • Các cá nhân cùng sự tương tác được coi trọng, đánh giá cao hơn là công cụ hay quy trình thực hiện.
  • Có phần mềm chạy tốt hơn so với các tài liệu truyền thống là đủ.
  • Có thể cộng tác được với khách hàng là điều quan trọng hơn là đàm phán hợp đồng.
  • Nhanh chóng phản hồi lại về các vấn đề thay đổi tốt hơn là việc bám theo kế hoạch.

>> Xem thêm: Kanban là gì? Ứng dụng Kanban trong công việc hiệu quả

1.2 Tuyên ngôn Agile là gì?

Tuyên ngôn Agile hay “Tuyên ngôn Phát triển phần mềm linh hoạt” (Manifesto for Agile Software Development) trình bày các giá trị cốt lõi nhất mà những người theo đuổi phương pháp Agile cần tuân thủ.

Tuyên ngôn Agile cụ thể như sau:

Manifesto for Agile Software Development

 

We are uncovering better ways of developing

software by doing it and helping others do it.

Through this work we have come to value:

 

Individuals and interactions over processes and tools

Working software over comprehensive documentation

Customer collaboration over contract negotiation

Responding to change over following a plan

 

That is, while there is value in the items on the right, we value the items on the left more.

Tuyên ngôn về Phát triển Phần mềm Agile

 

Chúng tôi đang khám phá ra những cách tốt hơn để phát triển phần mềm bằng cách thực hiện nó và giúp những người khác làm điều đó.

Thông qua công việc này, chúng tôi đã nhận ra giá trị:

Các cá nhân và sự tương tác hơn là quy trình và công cụ

Phần mềm sử dụng được tốt hơn là tài liệu đầy đủ

Sự hợp tác của khách hàng hơn là quá trình đàm phán hợp đồng

Thích nghi với sự thay đổi tốt hơn việc tuân theo một kế hoạch

 

Có nghĩa là, mặc dù các mục ở bên phải có giá trị, nhưng chúng tôi đánh giá cao các mục bên trái hơn.

>> Xem thêm: Ngành CNTT gồm những chuyên ngành nào?

1.3 12 nguyên lý sau tuyên ngôn Agile 

Bên cạnh tuyên ngôn, các nhà phát triển còn nhấn mạnh 12 nguyên lý giúp mọi người vận dụng Agile trong thực tế.

#1. Làm hài lòng khách hàng thông qua việc giao hàng sớm và liên tục

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là làm hài lòng khách hàng thông qua việc phân phối sớm và liên tục phần mềm có giá trị”.

Việc giao hàng sớm và liên tục làm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và góp phần tạo ROI nhanh hơn.

#2. Chào đón các yêu cầu thay đổi ngay cả khi đã muộn

“Chào đón các yêu cầu thay đổi, ngay cả khi nó đến vào giai đoạn sau của quá trình phát triển phần mềm. Các quy trình Agile khai thác sự thay đổi vì lợi thế cạnh tranh của khách hàng”.

Trong quản lý dự án truyền thống, bất kỳ thay đổi nào ở giai đoạn cuối cũng được coi là điều không hay vì nó thường khiến mọi nỗ lực trước đó trở nên vô nghĩa và dẫn đến chi phí cao hơn. Tuy nhiên, trong Agile, các nhà phát triển thừa nhận rằng ngay cả một sự thay đổi muộn màng vẫn có thể mang lại nhiều giá trị cho khách hàng cuối cùng. Do bản chất của quy trình lặp đi lặp lại, Agile giúp các nhà phát triển nhanh chóng phản ứng kịp thời với những thay đổi.

#3. Thường xuyên cung cấp giá trị

“Cung cấp phần mềm hoạt động thường xuyên, từ vài tuần đến vài tháng, với ưu tiên khoảng thời gian ngắn hơn”.

Nguyên tắc này trở nên cần thiết do lượng tài liệu phong phú là một phần của quá trình lập kế hoạch phát triển phần mềm vào cuối thế kỷ 20. Bằng cách ghi nhớ nó, bạn sẽ giảm thời gian bạn lập kế hoạch và dành nhiều thời gian hơn cho các dự án của mình. Nói cách khác, nhóm của bạn có thể lập kế hoạch nhanh hơn.

#4. Hợp tác mỗi ngày

“Nhà kinh doanh và nhà phát triển phải làm việc cùng nhau hàng ngày trong suốt dự án”.

Agile hướng tới việc tạo ra sự hợp tác chặt chẽ người lập kế hoạch, nhà phát triển phần mềm, nhà kinh doanh,… Bằng cách này, hiệu suất làm việc sẽ được cải thiện.

#5. Xây dựng dự án xung quanh những người có động lực

“Xây dựng các dự án quanh những cá nhân có động lực. Cho họ môi trường và sự hỗ trợ họ cần và tin tưởng họ có thể hoàn thành công việc”.

Nguyên tắc thứ 5 của Agile hướng tới mục tiêu giảm quản lý vi mô và trao quyền cho các thành viên trong nhóm. Khi đó, dự án sẽ được hoàn thành nhanh hơn với chất lượng tốt hơn. Việc tin tưởng vào các thành viên trong nhóm là đặc biệt quan trọng.

#6. Cách giao tiếp hiệu quả nhất là mặt đối mặt

“Phương pháp hiệu quả nhất để truyền tải thông tin đến và trong nhóm phát triển là trò chuyện trực tiếp”.

Vào năm 2001, nguyên tắc này đã được thực hiện. Bằng cách giao tiếp trực tiếp, bạn giảm thời gian giữa việc đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời. Tuy nhiên, hiện tại, khi làm việc từ xa trở nên phổ biến, nguyên tắc này tồn tại một hạn chế nghiêm trọng.

#7. Phần mềm hoạt động tốt là thước đo chính của sự tiến bộ

Nguyên tắc cốt lõi thứ 7 của Agile rất dễ hiểu. Theo đó, không quan trọng bạn đã đầu tư bao nhiêu giờ làm việc, bạn đã sửa được bao nhiêu lỗi, bạn đã viết bao nhiêu dòng mã,… Nếu phần mềm không hoạt động, có nghĩa là bạn đang làm việc không hiệu quả.

#8. Duy trì nhịp độ làm việc bền vững

“Các quy trình Agile thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các nhà tài trợ, nhà phát triển và người dùng  có thể duy trì một nhịp độ liên tục không giới hạn”.

Nguyên tắc này có nghĩa là, khi áp dụng Agile vào thực tiễn, mục tiêu của bạn là tránh bị quá tải và tối ưu hóa cách bạn làm việc. Điều này giúp bạn có thể thường xuyên cung cấp cho thị trường và phản ứng với sự thay đổi một cách nhanh chóng.

#9. Gia tăng sự linh hoạt nhờ kỹ thuật và thiết kế tốt

“Liên tục quan tâm đến các kĩ thuật và thiết kế tốt để gia tăng sự linh hoạt.”

Nguyên tắc này cho phép các nhóm phát triển tạo ra những phần mềm không chỉ hoạt động mà còn hoạt động ổn định.

#10. Sự đơn giản là điều cần thiết

“Sự đơn giản – nghệ thuật tối đa hóa khối lượng công việc chưa hoàn thành – là điều cần thiết”.

Nếu bạn có thể làm điều gì đó một cách đơn giản, tại sao lại lãng phí thời gian để làm phức tạp nó? Khách hàng của bạn không phải trả tiền cho số công sức bạn đầu tư. Họ đang mua một giải pháp cho một vấn đề cụ thể.

#11. Các nhóm tự chủ hoàn toàn tạo ra sản phẩm có giá trị nhất

“Các kiến trúc tốt nhất, yêu cầu tốt nhất và thiết kế tốt nhất được tạo ra bởi các nhóm tự chủ hoàn toàn”.

Nếu bạn phải thúc đẩy nhóm của mình và “thúc đẩy họ tiến lên”, có thể bạn chưa sẵn sàng cho Agile, hoặc bạn cần thực hiện một số thay đổi đối với phong cách lãnh đạo của mình.

#12. Thường xuyên phản ánh và điều chỉnh cách làm việc để tăng hiệu quả

“Trong khoảng thời gian đều đặn, nhóm phản ánh về cách trở nên hiệu quả, sau đó điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp”.

Điều này có nghĩa là, bạn cần liên tục thử nghiệm và cải thiện hiệu suất của mình. Nếu mọi thứ không diễn ra như bạn đã lên kế hoạch, bạn có thể thảo luận về những gì đã xảy ra và điều chỉnh cách làm để đạt được mục tiêu.

1.4 Đặc trưng của Agile

Tính lặp (Iterative)

Dự án sẽ được thực hiện trong các phân đoạn lặp đi lặp lại (được gọi là Iteration hoặc Sprint) diễn ra trong khoảng 4 tuần. Trong mỗi phân đoạn, nhóm phát triển cần thực hiện đầy đủ công việc cần thiết để cho ra phần nhỏ của sản phẩm.

agile and scrum
Agile bao gồm các phân đoạn được lặp đi lặp lại.

Tính tiệm tiến (Incremental) và tiến hóa (Evolutionary)

Sản phần cuối cùng thường được chia nhỏ thành các phần. Các phần nhỏ này thường được hoàn thiện vào cuối mỗi phân đoạn. Và chúng có khả năng hoạt động tốt. Theo thời gian, phân đoạn này tiếp nối phân đoạn kia, các phần nhỏ của sản phẩm được tích lũy dần. Và khi phân đoạn cuối cùng được hoàn thành thì sản phẩm (theo yêu cầu của khách hàng) cũng được hoàn thiện.

Tính thích ứng (adaptive)

Vì các phân đoạn thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nên việc thay đổi trong quá trình phát triển đều có thể được đáp ứng. Và yêu cầu thay đổi đối với phân đoạn này, thường không ảnh hưởng tới các phân đoạn khác.

Nhóm tự chủ hoàn toàn và liên chức năng

Cấu trúc nhóm Agile thường là liên chức năng và tự chủ hoàn toàn. Theo đó, các nhóm sẽ tự thực hiện việc phân công công việc mà không dựa trên các mô tả cứng nhắc về chức danh hay làm việc dựa trên sự phân cấp rõ ràng trong tổ chức.

Các nhóm tự chủ hoàn toàn bao gồm các thành viên có đủ kỹ năng cần thiết cho việc phát triển phần mềm. Vì vậy, các thành viên có thể tự ra quyết định, tự quản lý, tự thực hiện công việc của mình để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Quản lý tiến trình thực nghiệm (Empirical Process Control)

Các nhóm hoạt động theo phương pháp Agile đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tiễn thay vì dựa trên lý thuyết hay các tiền giả định. Nhờ đó, Agile rút ngắn vòng đời phản hồi, nhờ đó nhóm có thể kiểm soát tiến trình và nâng cao năng suất làm việc.

Giao tiếp trực diện (face-to-face communication)

Agile khuyến khích các nhóm phát triển sản phẩm nói chuyện trực tiếp với khách hàng để hiểu rõ hơn khách hàng cần gì. Trong hoạt động nội bộ, lập trình viên và kỹ sư nên trao đổi trực tiếp thay vì làm việc thông qua bản thiết kế.

Phát triển dựa trên giá trị (value-based development)

Đặc trưng này dựa trên nguyên tắc Agile thứ 7. Theo đó, Agile khuyến khích các nhà phát triển phần mềm loại bỏ các công việc dư thừa không mang lại giá trị cho sản phẩm.

2. Scrum là gì?

2.1 Khái niệm

agile vs scrum
Scrum là gì?

Đây là một thành viên của họ Agile. Scrum được xây dựng dựa trên lý thuyết quản lý tiến trình thực nghiệm (Empirical process control), hay còn gọi là thực nghiệm luận (Empiricism). Lý thuyết này chỉ ra rằng tri thức đến từ kinh nghiệm và việc ra quyết định được dựa trên những gì đã biết. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tăng tính chính xác đặc biệt là trong môi trường phát triển phần mềm nhiều biến động. Ví dụ đơn giản nhất cho khái niệm Scrum đó là những đàn chim di cư. Chúng không hề có kế hoạch chi tiết cho hành trình của mình nhưng vẫn vượt qua được hàng chục nghìn km mỗi năm qua những vùng đất xa lạ nhờ việc quan sát và thích nghi liên tục với điều kiện khí hậu thức ăn hay nơi trú ngụ của từng vùng,…

2.2 Khung làm việc Scrum

Ba yếu tố nòng cốt tạo thành một mô hình quản lý tiến trình thực nghiệm gồm: sự minh bạch (transparency), thanh tra (inspection) và thích nghi (adaptation).

  • Minh bạch: Các khía cạnh quan trọng của tiến trình phải được hiển thị rõ ràng cho những người có trách nhiệm với thành quả của tiến trình đó. Sự minh bạch yêu cầu các yếu tố này cần được định nghĩa theo một tiêu chuẩn để những người quan sát có thể hiểu những gì họ thấy theo cùng một cách.
  • Thanh tra: Người sử dụng Scrum phải thường xuyên thanh tra các tạo tác và tiến độ đến đích để phát hiện các bất thường không theo ý muốn. Tần suất thanh tra không nên quá dày để khỏi ảnh hưởng đến công việc. Công tác thanh tra có ích nhất khi được thực hiện bởi người có kĩ năng tại các điểm quan trọng của công việc.
  • Thích nghi: Nếu một người thanh tra xác định được rằng có vấn đề nào đó vượt quá giới hạn cho phép, và hậu quả của vấn đề đó đối với sản phẩm là không thể chấp nhận được, thì quy trình hoặc các vật liệu được xử lý (processed material) phải được điều chỉnh. Sự điều chỉnh phải được tiến hành càng sớm càng tốt để giảm thiểu các sai sót khác có thể xảy ra.

Để đảm bảo việc triển khai Scrum mang lại lợi ích cao nhất thì bạn phải đảm bảo cả ba trụ cột trên trong một thể thống nhất. Thiếu một trong số đó sẽ gây ra hậu quả nghiệm trọng và dễ dẫn đến thất bại.

2.3 Các vai trò chính trong Scrum

scrum and agile
Một nhóm Scrum gồm có 3 vai trò chính.

Trong Scrum, đội ngũ phát triển phần mềm được chia thành 3 vai trò chính với công việc, trách nhiệm cụ thể để đảm bảo tối ưu hóa công việc:

  • Scrum Master: người chịu trách nhiệm đảm bảo nhóm Scrum hoạt động hiệu quả nhất. Người này giữ cho nhóm đi đúng hướng, lập kế hoạch, dẫn dắt các cuộc họp, tìm ra những khó khăn mà nhóm gặp phải. Scrum Master vừa là người lãnh đạo, vừa là người hỗ trợ hậu trường, do đó, họ thường được mô tả là “người lãnh đạo đầy tớ” của nhóm Scrum.
  • Product Owner (chủ sản phẩm): Người này hiểu nhu cầu kinh doanh của sản phẩm, cũng như kỳ vọng của khách hàng và xu hướng thị trường. Chủ sở hữu sản phẩm thường giữ liên lạc với người quản lý sản phẩm và các bên liên quan khác. Product Owner là người định nghĩa các yêu cầu và đánh giá sản phẩm cuối cùng.
  • Development Team (nhóm phát triển): Nhóm này gồm các chuyên gia thực hiện công việc thực hành để hoàn thành các nhiệm vụ trong các phân đoạn Scrum. Điều này có nghĩa là các thành viên trong nhóm phát triển có thể là kỹ sư máy tính, nhà thiết kế, nhà văn, nhà phân tích dữ liệu hoặc bất kỳ vai trò nào khác cần thiết để đạt được mục tiêu. Nhóm phát triển không chỉ chờ đơn đặt hàng; họ thường cộng tác để vạch ra các mục tiêu và kế hoạch đạt được chúng.

2.4 3 công cụ Scrum

Scrum sử dụng các công cụ rất đơn giản nhưng hiệu quả cho công việc.

  • Product backlog: Danh sách ưu tiên các tính năng hoặc đầu ra khác của dự án. Bạn có thể hiểu Product backlog là danh sách các yêu cầu của dự án. Product Owner là người chịu trách nhiệm sắp xếp độ ưu tiên cho từng hạng mục.
  • Sprint backlog: Bản kế hoạch cho một phân đoạn. Product Owner sẽ kết hợp với các thành viên trong nhóm phân tích yêu cầu về sản phẩm và sắp xếp các yêu cầu đó theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Qua đây, các mục trong Product backlog sẽ được chuyển đổi thành danh sách công việc (Todo List).
  • Burndown Chart: Biểu đồ thể hiện xu hướng của dự án dựa trên lượng thời gian cần thiết còn lại để hoàn tất công việc. Nó được sử dụng để theo dõi tiến độ của các phân đoạn hoặc của cả dự án.

2.5 Quy trình vận hành của Scrum

Theo scrumstudy.com, tổng cộng có 19 quy trình Scrum được nhóm thành 5 giai đoạn.

Khởi đầu

Giai đoạn này bao gồm các quy trình liên quan đến việc bắt đầu một dự án.

  • Tạo tầm nhìn dự án.
  • Xác định Scrum Master và (các) bên liên quan
  • Tạo biểu mẫu nhóm Scrum.
  • Phát triển (các) câu chuyện.
  • Tạo Product backlog được ưu tiên.
  • Tiến hành lập kế hoạch phát hành.

Lập kế hoạch và ước tính

Giai đoạn này liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động để tạo ra sản phẩm của dự án.

  • Tạo bản tóm tắt yêu cầu người dùng (đảm bảo rằng yêu cầu của khách hàng được mô tả rõ ràng và tất cả các bên liên quan có thể hiểu).
  • Đánh giá yêu cầu người dùng: Nhóm Crum được Scrum Master để đánh giá câu chuyện của người dùng và xác định những điều cần làm để phát triển sản phẩm đúng với mô tả.
  • Cam kết yêu cầu người dùng: Trong bước này, Product Owner phê duyệt các yêu cầu của người dùng cho phân đoạn. Sau đó Scrum Master và nhóm Scrum ước tính những việc cần thực hiện để phát triển sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
  • Tạo nhiệm vụ: Nhu cầu của người dùng được phê duyệt, đánh giá, cam kết thực hiện được chia nhỏ và tổng hợp thành danh sách các nhiệm vụ.
  • Ước tính nhiệm vụ: Các thành viên nòng cốt của Scrum ước tính những điều cần làm để hoàn thành từng nhiệm vụ trong danh sách.
  • Tạo Sprint Backlog: Các thành viên cốt lõi của Scrum tổ chức một cuộc họp lập kế hoạch Sprint Backlog.

Thực hiện

Giai đoạn này liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động để tạo ra sản phẩm của dự án.

  • Tạo ra các sản phẩm bàn giao dự án (Deliverables).
  • Tiến hành các cuộc họp nhóm hàng ngày để cập nhật về tiến độ công việc và các khó khăn mà thành viên nhóm đang gặp phải.
  • Chỉnh sửa (xem xét, tinh chỉnh và cập nhật) Product Backlog theo định kỳ.

Đánh giá

Giai đoạn này liên quan đến việc xem xét các phân đoạn đã hoàn thành, công việc đã được thực hiện, phương pháp được sử dụng để hoàn thành phân đoạn và cách để cải thiện quy trình làm việc.

  • Tập trung Scrum của các Scrum (một kỹ thuật để triển khai Scrum cho những nhóm lớn).
  • Chứng minh và xác thực phân đoạn.
  • Đánh giá phân đoạn.

Phát hành

Giai đoạn này nhấn mạnh vào việc cung cấp các sản phẩm đã hoàn thiện cho khách hàng; xác định, lập hồ sơ và nội dung hóa các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án.

  • Chuyển giao sản phẩm cho các bên liên quan.
  • Đánh giá lại dự án và rút ra kinh nghiệm.

3. So sánh giữa Agile và Scrum

scrum agile
Agile và Scrum: Giống nhau ở đâu, khác nhau thế nào?

Hiện nay, có 2 phương pháp phát triển phần mềm được sử dụng phổ biến nhất đó chính là Agile và Scrum. Tùy vào từng đơn vị, tổ chức hay trường hợp cụ thể mà lựa chọn phương pháp phù hợp. Vậy bạn đã phân biệt được Agile và Scrum chưa? Nếu chưa thì theo dõi ngay những thông tin dưới đây nhé.

3.1 Điểm giống nhau giữa Agile và Scrum

Đều là 2 phương pháp áp dụng trong phát triển các phần mềm công nghệ, do đó Agile và Scrum sẽ có những điểm tương đồng nhất định. Cụ thể, những điểm giống nhau đó là:

  • Agile và Scrum đều được áp dụng cơ chế lặp đi lặp lại kèm theo sự tăng trưởng. Chính vì vậy mà cả 2 phương pháp này đều nhấn mạnh vào vấn đề vừa thúc đẩy phát triển các phần mềm, vừa điều chỉnh theo các phản hồi.
  • Agile và Scrum đều có mục tiêu chung bởi thực tế, phương pháp Scrum được xây dựng dựa trên Agile. Cả 2 đều nhằm tối đa hóa các giá trị mà mỗi phương pháp sẽ tạo ra cho khách hàng, doanh nghiệp.

Tóm lại, điểm giống nhau cơ bản giữa Agile và Scrum chính là đều đang cố gắng để chuyển giao sản phẩm công nghệ của dự án trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, Agile và Scrum còn nhấn mạnh về yếu tố quản lý hiệu quả, sự hợp tác cũng như giao tiếp cởi mở.

3.2 Điểm khác nhau giữa Agile và Scrum

Bên cạnh những điểm tương đồng trên, Agile và Scrum còn có nhiều điểm khác biệt, thể hiện được đặc trưng và những điểm ưu việt của riêng mình. Chi tiết về sự khác nhau đó như sau:

Phương pháp Agile Phương pháp Scrum
Đây là phương pháp luận bao gồm rất nhiều nguyên tắc khác nhau. Là 1 trong những mô hình sử dụng để làm việc, áp dụng và triển khai ra các nguyên tắc của Agile.
Phạm vi của phương pháp này rất rộng bởi nó là phương pháp luận. Phạm vi áp dụng của phương pháp này bị hạn chế hơn vì nó chỉ là 1 trong những mô hình thuộc phương pháp Agile.
Agile chú trọng vào vấn đề giao tiếp trực tiếp, sự tương tác tương quan giữa tất cả các thành viên có trong 1 nhóm. Scrum thì thực hiện việc trao đổi, thỏa thuận các vấn đề hàng ngày, tuần và có lịch trình rõ ràng, cụ thể.
Phương pháp này có thể cần phải thay đổi về quy trình, cách thức tổ chức khi mới bắt đầu hoặc là trước khi bước vào 1 dự án nào đó. Phương pháp này thì không cần thiết phải thay đổi quá nhiều quy trình hay là cách tổ chức khi thực hiện các dự án.
Agile thường xuyên có xu hướng chuyển giao sản phẩm khi chuẩn bị kết thúc 1 dự án phần mềm nào đó. Scrum thì cung cấp bản tổng hợp increment về các hạng mục trước cho khách hàng sau mỗi vòng sprint.
Các nhóm trưởng sẽ có vai trò quan trọng, không thể thiếu, chịu trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành toàn bộ công việc của nhóm. Các nhóm Scrum thì đa chức năng hơn, có khả năng tự quản lý, tổ chức và định hướng trong công việc.
Thường xuyên, liên tục giám sát các phần mềm như là phân tích, thiết kế,… cho sản phẩm. Hoạt động giám sát diễn ra sau khi đã tổng hợp toàn bộ các tính năng thay vì sau mỗi vòng sprint.

Trên đây là tổng hợp các thông tin giải đáp Agile và Scrum là gì cũng như so sánh điểm giống, khác nhau giữa 2 phương pháp này. Hy vọng rằng qua bài viết của JobsGO, các bạn đã nắm rõ về Agile và Scrum, từ đó phân biệt để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất cho các dự án phát triển phần mềm của mình nhé.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: