Mô hình AIDA trong Marketing là gì? Cách ứng dụng như thế nào?Mô hình AIDA đang được áp dụng rất phổ biến trong hầu hết các chiến lược Marketing. Bởi AIDA thể hiện gần như toàn bộ diễn biến tâm lý đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp đang nhắm đến. Hãy cùng JobsGO tìm hiểu kỹ hơn về mô hình AIDA trong Marketing trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
- 1. Mô Hình AIDA Trong Marketing Là Gì?
- 2. Nguồn Gốc Của Mô Hình AIDA
- 3. Ưu Điểm Của Mô Hình AIDA
- 4. Vai Trò Của Mô Hình AIDA Trong Marketing
- 5. Các Giai Đoạn Của Mô Hình AIDA Trong Marketing
- 6. Cách Ứng Dụng Mô Hình AIDA Trong Marketing Hiệu Quả
- 7. Tìm Hiểu Mô Hình AIDA Mở Rộng
- 8. So Sánh Mô Hình AIDA Và AISAS
- 9. Một Số Lưu Ý Khi Áp Dụng Mô Hình AIDA
- 10. Ví Dụ Mô Hình AIDA Thành Công
- Câu hỏi thường gặp
1. Mô Hình AIDA Trong Marketing Là Gì?
Có thể hiểu, mô hình AIDA là một khung lý thuyết nổi bật trong lĩnh vực Marketing, được sử dụng để phân tích, mô tả hành trình mà khách hàng trải qua khi tiếp cận một sản phẩm hoặc dịch vụ. Mô hình này được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20 và vẫn giữ được tính ứng dụng cao trong các chiến dịch Marketing hiện đại.
Để hiểu hơn về AIDA, bạn có thể tham khảo ví dụ sau:
Khách hàng đang tìm kiếm sản phẩm đồng hồ mà trang web của bạn lại đang ở vị trí top 1. Khách hàng bị thu hút bởi tiêu đề hấp dẫn, kích thích, khiến họ phải click vào trang web để đọc thông tin. Khi khách hàng truy cập vào website, họ cảm thấy thích thú, ấn tượng với thông điệp của công ty bạn. Mặc dù ở thời điểm đó họ chưa đưa ra quyết định mua nhưng họ cũng đã và đang có tín hiệu quan tâm đến sản phẩm của công ty bạn.
Nhân một dịp đặc biệt nào đó, công ty bạn gửi thông điệp thuyết phục hơn để tiếp cận lại vị khách đó. Cuối cùng là một mã giảm giá để khách hàng đưa ra quyết định mua sản phẩm. Đó chính là mô hình AIDA phễu Marketing.
Cách này khá hiệu quả nếu như doanh nghiệp áp dụng đúng thời điểm và đúng đối tượng khách hàng.
2. Nguồn Gốc Của Mô Hình AIDA
Theo nghiên cứu, lý thuyết về mô hình AIDA được đưa ra lần đầu tiên bởi E.St.Elmo Lewis – một nhà quảng cáo và bán hàng người Mỹ. Ông đã đưa ra 3 nguyên tắc để một chiến dịch quảng cáo thành công như sau: “Nhiệm vụ của một quảng cáo là thu hút người đọc để anh ấy xem và bắt đầu đọc nó; sau đó quan tâm đến anh ta, để anh ấy tiếp tục theo dõi nó; cuối cùng thuyết phục người nọ để sau khi đọc quảng cáo, anh ta sẽ tin điều đó. Nếu một chiến dịch tiếp thị có đủ ba phẩm chất thành công này, thì đó là một quảng cáo thành công”.
Tiếp đó vào khoảng cuối năm 1899, đầu năm 1900, trong cuộc thi quảng cáo được tổ chức bởi công ty Bissell Carpet Sweeper (Mỹ), bài dự thi của các thí sinh đã được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau:
- Quảng cáo phải nhận được “Chú ý”
- Sau khi thu hút được sự chú ý, nó phải tạo ra “Sở thích” nơi người xem
- Sở thích này sau đó phải kích thích được “Mong muốn mua”
- Mong muốn mua sẽ dẫn đến “Quyết định” mua
Phải đến năm 1921, khái niệm về mô hình AIDA mới chính thức được hình thành bởi C.P. Russell. Và hiện nay, AIDA đang ngày càng được áp dụng phổ biến trong cuộc sống hiện nay.
Xem thêm: 4P trong Marketing là gì? Cách ứng dụng chiến lược 4P hiệu quả
3. Ưu Điểm Của Mô Hình AIDA
Mô hình AIDA được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn áp dụng trong 4P Marketing bởi những ưu điểm vượt trội sau:
3.1. Cấu Trúc Rõ Ràng
Mô hình AIDA trong Marketing cung cấp một cấu trúc mạch lạc gồm bốn giai đoạn: Attention (Chú ý), Interest (Thích thú), Desire (Khao khát) và Action (Hành động). Cấu trúc này giúp Marketer dễ dàng theo dõi hành trình khách hàng và tổ chức nội dung một cách hợp lý. Mỗi giai đoạn tương ứng với một mục tiêu cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng phát triển các chiến lược để đạt được mục tiêu đó.
3.2. Tập Trung Vào Khách Hàng
Một trong những ưu điểm lớn nhất của AIDA là việc nhấn mạnh vào việc hiểu rõ nhu cầu, tâm lý của khách hàng. Mỗi giai đoạn trong mô hình yêu cầu doanh nghiệp phải xem xét cách mà khách hàng nghĩ, cảm nhận. Điều này thúc đẩy việc phát triển các thông điệp Marketing mà khách hàng cảm thấy gần gũi, quen thuộc, từ đó tăng cường sự kết nối với thương hiệu.
3.3. Dễ Dàng Thực Hiện
Mô hình AIDA có thể áp dụng cho nhiều hình thức Marketing khác nhau, bao gồm quảng cáo truyền hình, Marketing qua Email, nội dung trên mạng xã hội và các chiến dịch trực tiếp. Sự linh hoạt này cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh mô hình theo nhu cầu cụ thể của họ và ứng dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau.
3.4. Khuyến Khích Sáng Tạo
Mô hình AIDA trong Marketing không chỉ cung cấp hướng dẫn mà còn khuyến khích các Marketer tư duy sáng tạo. Với việc tập trung vào từng giai đoạn, họ có thể phát triển những nội dung độc đáo, hấp dẫn, từ quảng cáo đến bài viết blog. Sự sáng tạo này không chỉ thu hút khách hàng mà còn tạo ấn tượng tích cực về thương hiệu.
3.5. Dễ Dàng Đo Lường
Mô hình AIDA cung cấp khung để đo lường hiệu suất của các chiến dịch Marketing. Các chỉ số KPI có thể được thiết lập cho từng giai đoạn, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi sự tiến triển của khách hàng và xác định được giai đoạn nào cần cải thiện. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa ngân sách, tăng hiệu quả của các chiến dịch trong tương lai.
4. Vai Trò Của Mô Hình AIDA Trong Marketing
Mô hình AIDA là một công cụ quan trọng trong Marketing, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược tiếp thị, xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khách hàng.
4.1. Xác Định Quá Trình Tương Tác
Mô hình AIDA trong Marketing xác định hành trình của khách hàng từ lúc lần đầu tiên họ nhận biết đến khi thực hiện hành động mua hàng. Nó chia nhỏ quá trình tương tác thành bốn giai đoạn: Attention (thu hút sự chú ý), Interest (tạo sự quan tâm), Desire (kích thích mong muốn) và Action (thúc đẩy hành động). Điều này cho phép doanh nghiệp hình dung rõ ràng các bước khách hàng trải qua và điều chỉnh chiến lược Marketing tại từng điểm để nâng cao trải nghiệm, gia tăng khả năng chuyển đổi. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể hiểu rõ sự phức tạp của quá trình ra quyết định của khách hàng, từ sự tò mò ban đầu cho đến khi họ thực sự hành động.
4.2. Tạo Chiến Lược Tiếp Thị
AIDA là công cụ hữu hiệu mà doanh nghiệp có thể sử dụng để xây dựng chiến lược tiếp thị toàn diện với cấu trúc rõ ràng. Ở mỗi giai đoạn của mô hình, doanh nghiệp sẽ sử dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau, hướng tới đạt được những mục tiêu cụ thể: thu hút sự chú ý ban đầu qua quảng cáo sáng tạo, duy trì sự quan tâm bằng nội dung giàu thông tin, kích thích mong muốn mua sản phẩm thông qua các lợi ích nổi bật, cuối cùng là tạo ra lời kêu gọi hành động mạnh mẽ. Nhờ có AIDA, chiến lược tiếp thị trở nên mạch lạc, dễ dàng điều chỉnh dựa trên phản ứng của khách hàng tại mỗi giai đoạn.
4.3. Tạo Nội Dung Hiệu Quả
Mô hình AIDA trong Marketing đóng vai trò định hướng cách tạo nội dung tiếp thị theo từng giai đoạn tương tác của khách hàng. Ở giai đoạn Attention, nội dung phải sáng tạo, hấp dẫn và gây ấn tượng nhanh chóng. Đến giai đoạn Interest, nội dung cần chi tiết và cung cấp thông tin hữu ích để giữ chân khách hàng. Khi đến giai đoạn Desire, nội dung phải tập trung vào việc khơi gợi nhu cầu, thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm sẽ mang lại lợi ích cho họ. Cuối cùng, trong giai đoạn Action, nội dung cần tạo ra một lời kêu gọi hành động rõ ràng, thuyết phục, thúc đẩy khách hàng thực hiện hành vi mua sắm.
4.4. Tăng Hiệu Quả Quảng Cáo
Quảng cáo theo mô hình AIDA được tối ưu hóa để dẫn dắt khách hàng qua từng giai đoạn của hành trình mua sắm. Nếu ở giai đoạn Attention, quảng cáo được thiết kế để gây ấn tượng nhanh chóng với hình ảnh hoặc thông điệp nổi bật thì trong giai đoạn Interest, quảng cáo cần phải giữ sự quan tâm của khách hàng bằng cách cung cấp thông tin hoặc lý do để khách hàng tìm hiểu thêm. Tiếp đến, doanh nghiệp cần nhấn mạnh các lợi ích cụ thể mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại nhằm kích thích mong muốn mua hàng. Các quảng cáo thúc đẩy khách hàng thực hiện hành động thông qua việc tạo ra cảm giác cấp bách hoặc đưa ra các ưu đãi hấp dẫn sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn cuối cùng là Action.
4.5. Đo Lường Hiệu Suất
Mô hình AIDA trong Marketing cung cấp một khung logic giúp doanh nghiệp dễ dàng đo lường hiệu quả của từng giai đoạn trong chiến dịch tiếp thị. Mỗi giai đoạn (Attention, Interest, Desire, Action) có thể được theo dõi bằng các chỉ số cụ thể như số lần hiển thị, số lượt tương tác hoặc tỷ lệ chuyển đổi. Điều này giúp doanh nghiệp phân tích hiệu suất của chiến dịch tiếp thị một cách chi tiết hơn, từ đó có thể điều chỉnh chiến lược hoặc tối ưu hóa nội dung để đạt được kết quả tốt hơn. Việc đo lường từng giai đoạn không chỉ giúp cải thiện hiệu quả Marketing mà còn cung cấp thông tin quan trọng về hành vi của khách hàng.
4.6. Tạo Kết Nối Sâu Sắc
Bên cạnh việc giúp doanh nghiệp thúc đẩy hành vi mua sắm, mô hình AIDA trong Marketing còn tạo điều kiện để xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khách hàng. Qua việc hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở từng giai đoạn, doanh nghiệp có thể tạo ra sự kết nối bền vững. Sự chú ý, quan tâm ban đầu sẽ dẫn đến việc khách hàng nhận thức rõ giá trị của sản phẩm, từ đó phát triển mong muốn, lòng trung thành. Hơn nữa, với mỗi lần khách hàng thực hiện hành động mua hàng, doanh nghiệp có thể xây dựng mối liên kết lâu dài bằng cách tiếp tục cung cấp giá trị, duy trì tương tác sau bán hàng. Có thể nói, áp dụng mô hình AIDA cũng là cách giúp doanh nghiệp làm Branding Marketing hiệu quả.
5. Các Giai Đoạn Của Mô Hình AIDA Trong Marketing
Mô hình AIDA trong Marketing sẽ được triển khai theo các giai đoạn sau đây:
5.1. A – Attention (Thu Hút Khách Hàng)
Giai đoạn này tập trung vào việc thu hút sự chú ý của khách hàng giữa vô số thông điệp tiếp thị. Trong một thế giới đầy rẫy thông tin, điều quan trọng là làm sao để sản phẩm hoặc dịch vụ nổi bật giữa đám đông. Các doanh nghiệp thường sử dụng các yếu tố gây ấn tượng như tiêu đề giật gân, hình ảnh bắt mắt, câu chuyện lôi cuốn để thu hút sự chú ý. Steve Jobs từng nói, “Innovation distinguishes between a leader and a follower” – sự sáng tạo trong cách thu hút sự chú ý chính là điểm khác biệt của những người dẫn đầu. Việc gây chú ý không chỉ đơn thuần là quảng cáo mà còn tạo ra một lý do để khách hàng tò mò, muốn tự tìm hiểu thêm.
5.2. I – Interest (Gây Tò Mò, Thích Thú Cho Khách Hàng)
Sau khi thu hút được sự chú ý, bước tiếp theo là doanh nghiệp cần giữ chân khách hàng bằng cách khơi dậy sự quan tâm của họ. Ở giai đoạn Interest, doanh nghiệp cần cung cấp nội dung có giá trị, trả lời những câu hỏi hoặc giải quyết các vấn đề mà khách hàng có thể gặp phải. Việc trình bày những thông tin hữu ích về sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ giúp khách hàng cảm thấy hào hứng, muốn tìm hiểu thêm. Các phương pháp như cung cấp mô tả sản phẩm chi tiết, hướng dẫn sử dụng hay đưa ra các ví dụ thực tế về lợi ích của sản phẩm đều có thể được áp dụng để tăng cường sự quan tâm, giữ chân khách hàng tiềm năng.
5.3. D – Desire (Khao Khát)
Giai đoạn Desire là bước tiếp theo, khi doanh nghiệp chuyển từ việc tạo ra sự quan tâm sang kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp cần tạo ra cảm giác rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của họ có thể thỏa mãn nhu cầu hoặc mong muốn cụ thể của khách hàng. Nội dung quảng cáo hoặc tiếp thị sẽ tập trung vào các lợi ích cụ thể, những giá trị vượt trội mà sản phẩm mang lại. Các yếu tố như sự độc đáo, tính năng đặc biệt, chất lượng cao, các đánh giá tích cực từ người dùng sẽ giúp tăng cường sự khao khát sở hữu sản phẩm từ phía khách hàng, khiến họ cảm thấy rằng họ cần sản phẩm để giải quyết vấn đề của mình.
“We are what we repeatedly do. Excellence, then, is not an act, but a habit” – triết lý của Aristotle cho thấy rằng mong muốn không chỉ đến từ sự thuyết phục ngắn hạn mà còn từ niềm tin lâu dài về giá trị của sản phẩm. Giai đoạn này nhắm đến việc biến sự quan tâm thành khao khát, tạo ra một cảm giác rằng khách hàng thực sự cần sản phẩm để cải thiện cuộc sống của mình.
5.4. A – Action (Đưa Ra Quyết Định)
Cuối cùng, khi sự khao khát đã đủ mạnh, doanh nghiệp cần thúc đẩy khách hàng hành động, thường là mua sản phẩm. Đây là lúc họ đưa ra quyết định. Doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng thực hiện hành động này bằng cách cung cấp thông tin rõ ràng, dễ tiếp cận, có thể khuyến khích qua các ưu đãi, giảm giá, hoặc thông điệp thúc giục như “mua ngay”.
Napoleon Hill từng nói, “Do not wait; the time will never be ‘just right.’ Start where you stand, and work with whatever tools you may have at your command” – thúc đẩy hành động ngay tại thời điểm quyết định là yếu tố cốt lõi của thành công trong tiếp thị.
6. Cách Ứng Dụng Mô Hình AIDA Trong Marketing Hiệu Quả
Mô hình AIDA trong Marketing chỉ có một, thế nhưng cách áp dụng mô hình này với các doanh nghiệp lại khác nhau. Vậy bạn cần làm cách nào để hiệu quả nhất?
6.1. Trong Giai Đoạn Thu Hút
Doanh nghiệp nên nghiên cứu cảm xúc của đối tượng khách hàng đang hướng đến. Tiếp theo cần tạo ra những bài content chất lượng, giải quyết toàn bộ vấn đề khách hàng đang gặp phải. Đồng thời phải đánh vào tâm lý, cảm xúc của khách hàng. Các phương pháp cụ thể bao gồm:
- Quảng cáo trên mạng xã hội: Sử dụng hình ảnh, video chất lượng cao cùng với tiêu đề hấp dẫn để tạo ấn tượng ngay lập tức. Việc sử dụng định dạng quảng cáo động hoặc carousel trên các nền tảng như Facebook, Instagram… có thể tăng tỷ lệ tương tác.
- SEO và Content Marketing: Tối ưu hóa từ khóa trong nội dung bài viết blog giúp người dùng dễ dàng tìm thấy thông tin khi họ tìm kiếm trên Google. Nội dung có giá trị, được tối ưu hóa sẽ thu hút không chỉ sự chú ý mà còn giữ chân người đọc lâu hơn.
- Video Marketing: Sử dụng video ngắn, hấp dẫn, đặc biệt là dạng video giải trí hoặc có thông điệp mạnh mẽ sẽ có khả năng thu hút sự chú ý cao. Quảng cáo video trên YouTube, TikTok… với nội dung sáng tạo, độc đáo có thể nhanh chóng tạo ra ấn tượng mạnh.
- Email Marketing: Tiêu đề email gây chú ý, thân thiện có thể tạo ra tỷ lệ mở email cao. Sử dụng emoji hoặc câu hỏi kích thích sự tò mò để khuyến khích người nhận mở, đọc nội dung bên trong.
6.2. Trong Giai Đoạn Tạo Sự Hấp Dẫn
Theo mô hình AIDA trong Marketing, khi khách hàng bị thu hút bởi sản phẩm của bạn, họ sẽ có xu hướng tìm hiểu nhiều hơn về các vấn đề như: Thương hiệu, lợi ích nhận được,… Để tiếp cận và giải quyết vấn đề cho khách hàng, bạn cần phải tuyên bố sứ mệnh của mình trên trang web, giải thích chính xác, đầy đủ những gì bạn đang làm.
- Cung cấp nội dung hữu ích: Tạo ra các bài viết, hướng dẫn, video chi tiết giải thích về sản phẩm, cách sử dụng, lợi ích cụ thể. Nội dung này không chỉ giúp khách hàng hiểu rõ sản phẩm mà còn xây dựng lòng tin với thương hiệu.
- Chia sẻ câu chuyện thương hiệu: Storytelling là một công cụ mạnh mẽ để kết nối cảm xúc với khách hàng. Kể những câu chuyện về cách sản phẩm đã giúp đỡ người tiêu dùng hoặc những thách thức mà thương hiệu đã vượt qua, giúp khách hàng cảm thấy gần gũi hơn với thương hiệu.
- Sử dụng Social Proof: Đưa ra các đánh giá từ khách hàng, lời chứng thực hoặc case study. Việc có người tiêu dùng thực tế chia sẻ trải nghiệm tích cực sẽ làm tăng sự quan tâm của khách hàng mới, tạo cảm giác tin tưởng, an tâm.
- Tương tác trực tiếp: Khuyến khích người dùng tham gia bình luận, đặt câu hỏi hoặc tham gia các cuộc khảo sát trên mạng xã hội, diễn đàn. Sự tương tác này không chỉ giữ chân khách hàng mà còn giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu của họ.
6.3. Trong Giai Đoạn Khuyến Khích Mong Muốn Của Khách Hàng
Để thúc đẩy khách hàng đưa ra hành động, bạn cần phải nắm chắc hứng thú của họ đã đạt một mức độ nhất định nào đó. Để đạt được điều đó, bạn cần cung cấp cho website của mình nhiều thông tin hữu ích. Khi khách hàng tương tác nhiều, họ sẽ tin tưởng với thương hiệu của bạn hơn. Từ đó, khả năng mua hàng của họ cũng tăng lên nhiều.
- Tạo ra các ưu đãi hấp dẫn: Các chương trình giảm giá, khuyến mãi hoặc tặng quà có thể làm gia tăng cảm giác khao khát sản phẩm. Ví dụ, các ưu đãi “mua 1 tặng 1” hoặc giảm giá cho lần đầu tiên mua hàng thường rất hiệu quả.
- Nhấn mạnh lợi ích độc đáo: Làm nổi bật những tính năng vượt trội hoặc giá trị mà sản phẩm mang lại. Việc sử dụng hình ảnh, thông điệp để minh họa rõ ràng những lợi ích này có thể tạo ra sự hấp dẫn mạnh mẽ.
- Chia sẻ trải nghiệm khách hàng: Sử dụng video hoặc bài viết từ người dùng trước đó để giúp khách hàng tương lai hình dung rõ hơn về trải nghiệm tích cực. Những câu chuyện thành công thực tế thường có sức thuyết phục mạnh mẽ.
- Xây dựng cảm giác khan hiếm: Thông báo rằng sản phẩm có số lượng có hạn hoặc ưu đãi chỉ có trong thời gian ngắn sẽ tạo ra cảm giác cấp bách, khiến khách hàng cảm thấy họ cần phải hành động ngay để không bỏ lỡ cơ hội.
6.4. Trong Giai Đoạn Thúc Đẩy Hành Động
Trong giai đoạn thúc đẩy hành động cuối cùng, bạn nên để thúc đẩy hành động mua sắm của khách hàng bằng những cách sau:
- Lời kêu gọi hành động rõ ràng: Sử dụng các nút “Mua ngay”, “Đăng ký ngay” hoặc “Nhận ưu đãi” để hướng dẫn khách hàng thực hiện hành động cụ thể. Những lời kêu gọi này cần được đặt ở vị trí dễ thấy và gây ấn tượng.
- Cung cấp trải nghiệm mua hàng dễ dàng: Đảm bảo rằng quy trình thanh toán đơn giản, rõ ràng, thân thiện với người dùng. Các bước thanh toán nên được tối ưu hóa để giảm thiểu tỷ lệ bỏ khỏi giỏ hàng.
- Theo dõi và nhắc nhở: Sử dụng email nhắc nhở cho những khách hàng đã bỏ giỏ hàng hoặc đã quan tâm nhưng chưa mua. Những email này nên cá nhân hóa và có thể bao gồm các ưu đãi để khuyến khích khách hàng hoàn thành giao dịch.
- Khuyến khích đăng ký hoặc tham gia: Tạo cơ hội cho khách hàng tham gia vào các chương trình khách hàng thân thiết hoặc đăng ký nhận bản tin để giữ liên lạc. Điều này không chỉ tăng cường mối quan hệ mà còn mở ra cơ hội bán hàng trong tương lai.
Xem thêm: Mô hình SWOT là gì?
7. Tìm Hiểu Mô Hình AIDA Mở Rộng
Mô hình AIDA trong Marketing được cải tiến và mở rộng với nhiều biến thể khác nhau, chẳng hạn như:
- Acknowledge – Tìm hiểu: Khách hàng tìm hiểu về các yếu tố của thương hiệu, ví dụ như kích thước, màu sắc, giá cả, tính khả dụng,…
- Liking – Thích: Khách hàng nhìn nhận được một số lợi ích tích cực liên quan đến thương hiệu.
- Preference – Ưu tiên: Người tiêu dùng ưu tiên việc mua sản phẩm của doanh nghiệp so với các đối thủ.
- Conviction- Thuyết phục: Thuyết phục những khách hàng có sự quan tâm tới sản phẩm nhưng vẫn chưa chuyển đổi thành hành vi mua.
- Satisfaction – Sự hài lòng: Cung cấp các dịch vụ hậu mãi để duy trì khách hàng trung thành cho doanh nghiệp. Đồng thời, Marketer cần thông qua các kênh chăm sóc khách hàng để khảo sát sự hài lòng của khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
8. So Sánh Mô Hình AIDA Và AISAS
Mô hình AIDA trong Marketing và mô hình AISAS đều là những mô hình tập trung khai thác hành trình của khách hàng. Tuy nhiên, 2 mô hình này lại có sự khác biệt, cụ thể là:
Yếu tố | Mô hình AIDA | Mô hình AISAS |
Định nghĩa | AIDA là mô hình mô tả hành trình mua hàng của khách hàng từ lúc nhận biết đến hành động mua. | AISAS là mô hình mô tả hành trình của khách hàng từ việc tìm kiếm thông tin đến hành động mua hàng, tập trung vào chia sẻ thông tin. |
Cấu trúc | Attention (Chú ý) → Interest (Thích thú) → Desire (Khao khát) → Action (Hành động) | Attention (Chú ý) → Interest (Thích thú) → Search (Tìm kiếm) → Action (Hành động) → Share (Chia sẻ) |
Tập trung | Tập trung vào việc dẫn dắt khách hàng đến hành động mua hàng. | Tập trung vào việc khuyến khích khách hàng tìm kiếm thông tin và chia sẻ trải nghiệm của họ. |
Giai đoạn Tìm kiếm | Không có giai đoạn cụ thể về tìm kiếm thông tin. | Giai đoạn tìm kiếm thông tin rất quan trọng, nhấn mạnh việc sử dụng công cụ tìm kiếm. |
Giai đoạn Chia sẻ | Không có giai đoạn chia sẻ thông tin. | Giai đoạn chia sẻ cho phép khách hàng chia sẻ trải nghiệm và thông tin về sản phẩm, tạo ra sự tương tác xã hội. |
Ứng dụng | Thường được sử dụng trong các chiến dịch quảng cáo và Marketing truyền thống. | Phù hợp với Marketing online, đặc biệt trong môi trường mạng xã hội và thương mại điện tử. |
Chiến lược | Nhấn mạnh vào việc thuyết phục và chuyển đổi khách hàng. | Nhấn mạnh vào việc tạo ra nội dung có thể chia sẻ và tăng cường tương tác xã hội. |
Mục tiêu | Thúc đẩy hành động mua hàng ngay lập tức. | Khuyến khích việc tìm kiếm, chia sẻ thông tin trước và sau khi mua hàng. |
9. Một Số Lưu Ý Khi Áp Dụng Mô Hình AIDA
Để có thể áp dụng mô hình AIDA trong Marketing một cách hiệu quả nhất, bạn nên tránh xa những sai lầm sau đây:
9.1. Không Nên Chỉ Tập Trung Vào Một Phần
Một số doanh nghiệp có thể chỉ tập trung vào một giai đoạn nhất định của mô hình AIDA trong Marketing, như chỉ chú trọng đến việc thu hút sự chú ý mà bỏ qua các giai đoạn tiếp theo. Điều này có thể dẫn đến việc khách hàng không có động lực để tiến xa hơn trong hành trình mua sắm. Khi không phát triển đầy đủ các giai đoạn, khách hàng có thể cảm thấy thiếu thông tin hoặc không được thuyết phục đủ để thực hiện hành động mua hàng. Kết quả là tỷ lệ chuyển đổi sẽ giảm. Vậy nên, bạn phải đảm bảo mỗi giai đoạn đều được phát triển đồng bộ, liên kết chặt chẽ với nhau, tạo ra một hành trình mượt mà từ giai đoạn này sang giai đoạn khác để dẫn dắt khách hàng đến hành động.
9.2. Mỗi Phần Trong Mô Hình AIDA Cần Đạt Đến Mức Độ Tiêu Chuẩn
Đôi khi, doanh nghiệp có thể đang thực hiện các phần của mô hình AIDA một cách hời hợt hoặc không đủ mạnh mẽ. Ví dụ, nội dung ở giai đoạn “Interest” không đủ hấp dẫn hoặc không rõ ràng, khiến khách hàng mất hứng thú. Nếu một phần không đạt yêu cầu, toàn bộ quy trình có thể bị ảnh hưởng. Khách hàng có thể nhanh chóng mất hứng thú và từ bỏ hành trình mua hàng. Điều bạn cần làm là hãy đánh giá, cải thiện từng phần của mô hình AIDA trong Marketing một cách tỉ mỉ, đảm bảo rằng mỗi giai đoạn đều được thực hiện với chất lượng cao, mang lại giá trị cho khách hàng.
9.3. Tiêu Đề Và Nội Dung Cần Đồng Nhất
Một sai lầm phổ biến mà nhiều doanh nghiệp gặp phải là sử dụng tiêu đề thu hút nhưng nội dung lại không phù hợp hoặc không liên quan. Điều này có thể khiến khách hàng cảm thấy bị lừa dối hoặc không được thông tin đầy đủ. Khi tiêu đề không khớp với nội dung, khách hàng có thể cảm thấy thất vọng, không tin tưởng vào thương hiệu, dẫn đến việc họ từ bỏ không chỉ sản phẩm đó mà còn cả thương hiệu. Chính vì thế, khi áp dụng mô hình AIDA trong Marketing, bạn phải đảm bảo rằng tiêu đề cùng nội dung đồng nhất,à nhất quán. Tiêu đề nên phản ánh chính xác nội dung mà người đọc sẽ nhận được, giúp xây dựng lòng tin, sự tin tưởng từ phía khách hàng.
Xem thêm: Mô hình VRIO là gì? Điều gì làm doanh nghiệp của bạn trở nên độc nhất
9.4. Hiểu Rõ Đối Tượng Khách Hàng
Doanh nghiệp cần phân khúc thị trường để có thể xác định các nhóm khách hàng cụ thể, từ đó tiếp cận một cách hiệu quả hơn. Điều này bao gồm việc nghiên cứu các yếu tố nhân khẩu học như độ tuổi, giới tính, thu nhập và trình độ học vấn, từ đó xây dựng bức tranh rõ ràng về đối tượng mục tiêu. Đồng thời, phân tích hành vi mua sắm, thói quen tiêu dùng cũng rất quan trọng, vì nó giúp doanh nghiệp nắm bắt được cách khách hàng tương tác với sản phẩm, dịch vụ của họ. Thấu hiểu tâm lý, giá trị sống của khách hàng sẽ góp phần tạo ra những thông điệp phù hợp, tăng khả năng thu hút, giữ chân khách hàng.
9.5. Xây Dựng Mối Quan Hệ
Giao tiếp liên tục với khách hàng là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng, duy trì mối quan hệ. Doanh nghiệp nên sử dụng Email Marketing để gửi thông tin định kỳ về sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi hoặc các tin tức liên quan, giúp khách hàng luôn được cập nhật. Ngoài ra, tương tác nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội cũng rất cần thiết, vì nó không chỉ giúp trả lời các câu hỏi mà còn tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với khách hàng. Khi khách hàng cảm thấy họ được quan tâm, lắng nghe, họ sẽ có xu hướng trung thành với thương hiệu hơn.
10. Ví Dụ Mô Hình AIDA Thành Công
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được sự thành công thông qua việc áp dụng mô hình AIDA trong Marketing, trong đó phải kể đến:
10.1. Netflix
- Attention: Netflix thu hút sự chú ý của khách hàng bằng cách sử dụng hình ảnh bắt mắt, nội dung quảng cáo hấp dẫn trên các nền tảng truyền thông xã hội cùng với các chiến dịch quảng cáo truyền hình nổi bật. Những poster phim độc đáo, các trailer gay cấn đã giúp thu hút đông đảo người xem.
- Interest: Sau khi đã thu hút được sự chú ý, Netflix tạo ra hứng thú thông qua việc cung cấp các bộ phim, chương trình truyền hình chất lượng cao, phù hợp với sở thích của từng đối tượng. Các tính năng như “Xem tiếp” và “Gợi ý cho bạn” dựa trên lịch sử xem giúp giữ chân người dùng lâu hơn.
- Desire: Netflix tạo ra mong muốn thông qua việc giới thiệu nội dung độc quyền như các series nổi tiếng như “Stranger Things” và “The Crown”. Những nội dung này không chỉ độc quyền mà còn được xây dựng rất công phu, khiến người xem cảm thấy cần phải trải nghiệm ngay lập tức.
- Action (Hành động): Cuối cùng, Netflix khuyến khích hành động bằng cách cung cấp các gói đăng ký linh hoạt và ưu đãi cho người dùng mới, như dùng thử miễn phí trong một tháng. Điều này giúp giảm rào cản gia nhập, thúc đẩy người dùng đăng ký ngay lập tức.
10.2. Coca Cola
- Attention: Coca Cola luôn sử dụng hình ảnh vui vẻ, màu sắc rực rỡ trong các chiến dịch quảng cáo của mình để thu hút sự chú ý. Những quảng cáo sáng tạo trong các sự kiện lớn như World Cup hay Giáng sinh đã tạo được sự chú ý mạnh mẽ từ công chúng.
- Interest: Công ty tạo ra sự thích thú thông qua các chiến dịch tương tác, chẳng hạn như chiến dịch “Share a Coke” (Chia sẻ Coca Cola) khi mà tên người tiêu dùng được in trên chai. Điều này không chỉ kích thích sự tò mò mà còn khuyến khích người tiêu dùng tìm kiếm những chai có tên của họ hoặc bạn bè.
- Desire: Coca Cola khơi gợi khao khát bằng cách liên kết sản phẩm với những khoảnh khắc hạnh phúc, vui vẻ trong cuộc sống. Những quảng cáo thường gợi nhớ đến những kỷ niệm đáng nhớ khi thưởng thức Coca Cola bên gia đình và bạn bè.
- Action (Hành động): Cuối cùng, Coca Cola khuyến khích hành động thông qua việc cung cấp nhiều kênh phân phối, cho phép doanh nghiệp mua sản phẩm ở mọi nơi, từ cửa hàng tiện lợi đến siêu thị. Họ cũng thường xuyên có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích thích nhu cầu mua sắm.
10.3. Francesco Group
- Attention: Francesco Group – một chuỗi salon tóc đã thu hút sự chú ý bằng cách sử dụng hình ảnh chất lượng cao, các video hướng dẫn trên các nền tảng truyền thông xã hội. Họ cũng tổ chức các sự kiện, buổi trình diễn thời trang để tạo sự chú ý từ công chúng.
- Interest (Thích thú): Họ tạo ra sự thích thú bằng cách chia sẻ các mẹo làm đẹp, xu hướng mới trong ngành tóc, giúp khách hàng cảm thấy được kết nối, quan tâm đến các sản phẩm, dịch vụ của họ.
- Desire (Khao khát): Francesco Group kích thích khao khát thông qua việc giới thiệu các dịch vụ độc quyền, sản phẩm chăm sóc tóc chất lượng cao. Họ thường xuyên cập nhật các chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá đặc biệt cho những dịch vụ mới.
- Action (Hành động): Cuối cùng, họ khuyến khích hành động bằng cách tạo ra một hệ thống đặt lịch trực tuyến dễ dàng, cùng với các ưu đãi cho khách hàng đặt lịch hẹn lần đầu tiên. Điều này giúp tăng cường tỷ lệ đặt lịch hẹn, giữ chân khách hàng.
Có thể thấy mô hình AIDA trong Marketing đem lại rất nhiều lợi thế cho doanh nghiệp hiện nay. Thế nhưng để áp dụng hiệu quả bạn cần phải thật sự hiểu về AIDA. JobsGO mong rằng với những chia sẻ trong nội dung này sẽ giúp ích nhiều cho bạn.
Câu hỏi thường gặp
1. Mô Hình AIDA Có Thể Áp Dụng Ở Đâu?
Mô hình AIDA có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ Digital Marketing, truyền thông xã hội, Email Marketing và bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc bán hàng hoặc giao tiếp với khách hàng.
2. Làm Thế Nào Để Đo Lường Hiệu Quả Của Mô Hình AIDA?
Doanh nghiệp có thể theo dõi các chỉ số KPI cho từng giai đoạn, chẳng hạn như tỷ lệ nhấp chuột (CTR) cho giai đoạn chú ý, thời gian tương tác cho giai đoạn thích thú, tỷ lệ chuyển đổi cho giai đoạn hành động.
3. Các Sai Lầm Thường GDặp Khi Áp ụng Mô Hình AIDA Là Gì?
Một số sai lầm phổ biến bao gồm: Chỉ tập trung vào một phần của mô hình, nội dung không phù hợp giữa các giai đoạn, thiếu sự cá nhân hóa và kết nối với khách hàng…
4. Mô Hình AIDA Có Thể Kết Hợp Với Các Mô Hình Khác Không?
Có, mô hình AIDA có thể được kết hợp với các mô hình Marketing khác như AISAS (Attention, Interest, Search, Action, Share) để tạo ra chiến lược Marketing toàn diện hơn.
5. Ai Nên Sử Dụng Mô Hình AIDA?
Mô hình AIDA có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai làm trong lĩnh vực Marketing, bán hàng, hoặc bất kỳ ai muốn hiểu rõ hơn về hành trình của khách hàng, bao gồm cả doanh nhân, Marketer, nhà phân tích.
6. Có Những Tài Nguyên Nào Để Tìm Hiểu Thêm Về Mô Hình AIDA?
Có nhiều tài nguyên như sách, bài viết blog, video hướng dẫn, khóa học trực tuyến về Marketing và mô hình AIDA mà bạn có thể tìm kiếm để mở rộng kiến thức.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)