5 KỸ NĂNG GIAO TIẾP KHIẾN AI CŨNG THÍCH BẠN

Đánh giá post

Bạn đã từng cảm thấy bế tắc và không biết phải nói gì trong những cuộc trò chuyện? Bạn cảm thấy bản thân không thể gây ấn tượng khi giao tiếp? Thực tế thì không phải ai cũng có kỹ năng giao tiếp tốt. Tuy nhiên với 5 “bí kíp” dưới đây bạn hoàn toàn có thể thêm gia vị cho cuộc trò chuyện với người đối diện.

1. Hình dung về cuộc trò chuyện trong đầu

Có hai lý do khiến cuộc trò chuyện trở nên nhàm chán đó là những người đối thoại không còn gì để nói và những gì nói ra đã quá nhàm chán. Lúc này việc bạn có thể làm là tách một nhánh trong cuộc trò chuyện ra và bắt đầu theo một cách tiếp cận khác để khiến cuộc trò chuyện có thể tiếp tục một cách thú vị hơn. Để làm được điều này bạn cần sơ đồ hóa cuộc trò chuyện trong đầu, xác định trọng tâm và mục đích của cuộc thảo luận. Đây là một kỹ năng giao tiếp vô cùng hiệu quả mà bạn nên thực hành thường xuyên để có thể áp dụng một cách tự nhiên nhất.

2. Sử dụng óc hài hước

Sự hài hước khiến một cuộc nói chuyện khô khan trở nên thú vị, một cuộc tranh luận trở nên hòa nhã hơn và sẽ khiến bạn gây ấn tượng sâu sắc với người đối diện. Cách tiếp cận vấn đề pha chút hài hước còn khiến người nghe cảm giác nửa đùa nửa thật khá thú vị. Ví dụ thay vì muốn nói một người sếp quá chi li với nhân viên bạn có thể nói vui rằng “anh ta còn biết cả thời gian mọi người đi vệ sinh nữa”, tất nhiên điều này khó xảy ra trên thực tế vì vậy sẽ tạo ra sự hài hước cho người nghe.

3. Ngắt lời một cách thông minh

Thông thường việc ngắt lời người khác khi đang nói không được khuyến khích. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khi người đối diện nói lạc đề hoặc nói quá dài làm mất thời gian buộc chúng ta phải ngắt lời. Tuy nhiên ngắt lời một cách khéo léo để không làm mất lòng lại là một kỹ năng giao tiếp không phải ai cũng nắm được. Để không tỏ ra bất lịch sự, bạn hãy kiên nhẫn và dùng các cụm từ như “tôi nghĩ…”, “vâng…”, “nhưng mà…” “bạn có nghĩ rằng…” khi cần thiết phải ngắt lời người đối diện với một thái độ lịch sự và tôn trọng.

4. Nói “không” khéo léo

Câu nói “không” hoặc “tôi không đồng ý” thường mấy được chào đón trong các cuộc hội thoại. Nói “không” thế nào để không mất lòng người đối diện? Đầu tiên, cần thật nhã nhặn, lịch sự. Thay vì nói: “Điều đó sai hoàn toàn”, hãy nói: “Đó không phải là quan điểm duy nhất về vấn đề này”. Thay vì nói: “Cách lập luận như vậy không logic chút nào”, hãy thay bằng: “Có thể có một cách khác để nhìn nhận vấn đề này”. Ngoài ra bạn có thể áp dụng cách nói “công nhận một phần” quan điểm của người khác, thay vì không chấp nhận hoàn toàn bạn hãy tìm ra một vài trường hợp có thể đúng với quan điểm đó là làm ví dụ.

5. Làm gì khi không phải là người “biết tuốt”

Trong nhiều trường hợp bạn sẽ tham dự vào những cuộc trò chuyện không chuyên, chẳng hạn bạn đến tham dự một bữa tiệc và mọi người nói về việc đầu tư chứng khoán. Bạn biết bao nhiêu kiến thức về lĩnh vực này? Và tất nhiên tính chất của cuộc nói chuyện là qua lại. Trong trường hợp này bạn có thể lắng nghe để tổng hợp lại kiến thức và đặt câu hỏi một cách thông minh, bạn sẽ được đánh giá cao về mức độ tiếp nhận kiến thức của mình.

Ngoài ra, hãy luôn không ngừng học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới vốn đã sẵn có trên internet để trau dồi vốn hiểu biết của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong kỹ năng giao tiếp.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: