Thông dịch viên là ngành nghề phù hợp với những bạn trẻ nhiệt huyết và có năng khiếu ngoại ngữ. Vậy thông dịch viên làm gì? Nếu muốn theo đuổi ngành này, bạn cần học khối nào, và định hướng công việc ra sao?
Mục lục
Thông dịch viên là nghề như thế nào?
Thông dịch viên là công việc chuyển đổi ngôn ngữ dạng nói từ ngôn ngữ của quốc gia này sang ngôn ngữ của quốc gia khác nhằm mục đích duy trì sự thông hiểu giữa những người không nói cùng một dạng thức ngôn ngữ. Một thông dịch viên là một công việc đòi hỏi trình độ ngoại ngữ cao, kiến thức chuyên sâu và những kỹ năng bổ trợ để truyền đạt ý nghĩa hội thoại một cách chính xác và chân thực nhất.
Trên thực tế, thông dịch viên là một nhánh thuộc khối ngành ngôn ngữ bên cạnh công việc biên – phiên dịch. Nếu biên dịch là hình thức dịch ngôn ngữ dạng văn bản, thì thông dịch và phiên dịch là hình thức dịch ngôn ngữ dạng hội thoại (nói). Giữa thông dịch và phiên dịch có sự khác biệt rất nhỏ, vậy nên trong thực tế công việc hiện tại, mọi người thường đồng nhất công việc của thông dịch và phiên dịch viên.
Muốn làm thông dịch viên thì học khối nào?
Để trở thành thông dịch viên, điều kiện tiên quyết chính là việc thông thạo những ngôn ngữ của các quốc gia. Chính vì vậy, đây là chuyên ngành và là lợi thế của sinh viên khối ngành ngôn ngữ. Ngoài ra, một thông dịch viên cũng cần có kiến thức chuyên sâu về văn hóa, ngôn ngữ học, lịch sử,… Vậy nên nhiều sinh viên một số ngành khoa học xã hội cũng hoàn toàn có khả năng “đá chéo sân” với công việc thông dịch viên. Một số chuyên ngành khoa học xã hội có thể lấn sân sang lĩnh vực thông dịch như:
- Ngành Quan hệ quốc tế
- Ngành Quốc tế học
- Ngành Ngôn ngữ học
- Ngành Đông Phương học
Nhìn chung, để theo đuổi công việc thông dịch viên, các bạn cần học chuyên sâu về khối D, A1 và khối C, đồng thời chú trọng việc học ngoại ngữ làm trọng yếu.
Cần rèn luyện kỹ năng, tố chất gì để trở thành một thông dịch viên giỏi?
Thông dịch viên là một công việc nhiều thú vị nhưng cũng không thiếu những áp lực. Vậy nên để trở thành một thông dịch viên giỏi cần rất nhiều kỹ năng bổ trợ bên cạnh một kiến thức ngôn ngữ và văn hóa vững chắc.
Kỹ năng xử lý thông tin nhanh
Khả năng xử lý thông tin là một trong những kỹ năng tiên quyết đối với một thông dịch viên. Thông dịch viên khi học chuyên ngành sẽ được đào tạo kỹ năng này, tuy nhiên, bản thân người làm nghề cũng cần rèn luyện thường xuyên. Công việc của một thông dịch viên ngày càng đòi hỏi cả vấn đề tốc độ và sự chính xác trong việc truyền tải thông tin, vậy nên kỹ năng này trở nên rất quan trọng.
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp sẽ giúp công việc thông dịch viên trở nên giá trị hơn. Một thông dịch viên có kỹ năng giao tiếp tốt có thể truyền tải thông tin một cách khôn khéo và ít gây ra tình huống khó xử trong hội thoại. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp cũng giúp thông dịch viên tạo dựng mối quan hệ tốt với khách hàng. Việc gây dựng được hình ảnh tốt trong ngành có thể giúp cho sự nghiệp của thông dịch viên phát triển tốt hơn.
Kỹ năng xử lý tính huống
Nghề thông dịch trên thực tế gặp khá nhiều rủi ro. Khi một thông dịch viên gặp những sự cố nghề nghiệp, nếu không có khả năng xử lý tình huống tốt, họ có thể để lại hình ảnh xấu trong sự nghiệp của mình. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của người làm thông dịch, một trong những yếu tố được khách hàng rất xem trọng. Các tình huống bất người có thể do yếu tố chủ quan và khách quan, vậy nên kỹ năng xử lý tình huống là một kỹ năng cần có của một thông dịch viên.
Khả năng nắm bắt tâm lý
Khả năng nắm bắt tâm lý giúp thông dịch viên truyền đạt hội thoại một cách đúng nghĩa và hợp ngữ cảnh hơn. Bên cạnh đó, việc nắm bắt tốt tâm lý khách hàng sẽ giúp bạn để lại được hình ảnh tốt và tạo điều kiện cho những lần hợp tác tiếp theo. Nghề thông dịch cũng là nghề tiếp xúc với nhiều người, vậy nên kỹ năng này cũng giúp bạn phát triển được nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Thái độ tích cực và trung lập
“Không để tình cảm cá nhân chi phối công việc” là một trong những tôn chỉ của ngành thông dịch. Việc điều chỉnh tốt trạng thái tâm lý của bản thân giúp thông dịch viên truyền đạt thông tin chính xác hơn, tránh trường hợp gây nhiễu hội thoại vì lỗi dịch ý.
Đạo đức nghề nghiệp
Bất cứ một ngành nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là những ngành nghề liên quan đến thông tin. Thông dịch viên là người nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn, lúc này, họ cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp để không bị mê hoặc bởi những công việc phạm pháp như: Làm sai lệch thông tin, bán thông tin, gây mâu thuẫn hội thoại,…
? Xem thêm: Khối ngành ngoại ngữ ra trường không chỉ làm biên-phiên dịch
Thông dịch viên làm việc ở đâu?
Thông dịch viên là một công việc đòi hỏi sự năng động và ưa di chuyển, Môi trường làm việc của thông dịch viên rất đa dạng, có thể nhóm thành 3 khu vực chính sau:
Hội thảo, hội nghị
Tại các hội thảo hội nghị, công việc của thông dịch viên là dịch ca-bin. Họ sẽ ngồi trong một ca-bin được cách âm với dụng cụ hỗ trợ để dịch các thông tin qua micro và truyền đạt qua tai nghe đến mọi người.
Dịch hội thoại gặp mặt
Thông dịch viên trong trường hợp này làm công việc dịch đuổi. Họ sẽ dịch theo sau câu nói của những người tham gia cuộc gặp mặt. Với công việc này, thông dịch viên thường phải đến nhiều cuộc gặp mặt hoặc các sự kiện ở nhiều nơi.
Dịch radio
Dịch radio cũng gần giống như công việc dịch ca-bin, điểm khác ở chỗ người thông dịch viên làm việc với các cơ quan truyền thông, truyền hình. Thông dịch viên sẽ dịch các thông tin nói ở trên các chương trình. bản tin để truyền đạt nội dung đến người xem, người nghe.
Một số thông tin thị trường lao động ngành thông dịch viên
Trong phần này, JobsGO xin cung cấp cho bạn đọc một số thông tin quan trọng về thị trường lao động ngành thông dịch viên trong tương lai.
Nhu cầu nhân lực ngành thông dịch viên
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM, đến năm 2025, mỗi năm thị trường cần 1000 biên-phiên dịch viên để đảm bảo nhu cầu trao đổi thông tin và mở rộng quan hệ quốc tế. Như vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên chuyên ngành thông dịch trong tương lai là vô cùng rộng mở. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực chất lượng cao có chuyên môn sâu về văn hóa, kiến thức chuyên ngành cũng ngày càng được chú trọng. Các bạn có thể tham khảo thêm các thông tin tuyển dụng thông dịch viên trên trang web và app tìm việc JobsGO để hiểu rõ hơn về thị trường lao động này.
Mức lương ngành thông dịch viên
Mức lương của thông dịch viên thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là kinh nghiệm và danh tiếng, cũng như ngôn ngữ dịch. Ở thị trường Việt Nam hiện nay, mức lương này thường có sự khác nhau giữa các ngôn ngữ và kinh nghiệm của phiên dịch viên. Nhìn chung, mức lương đối với một thông dịch viên mới ra trường sẽ dao động từ 6 – 8 triệu đồng/tháng, Đối với những chương trình thông dịch yêu cầu độ khó cao và thông dịch viên nhiều kinh nghiệm, mức lương thường dao động từ 200 – 500 USD/ngày. Nếu là công việc chính thức, lúc này thông dịch viên có thể nhận được mức lương hơn 40 triệu đồng/tháng.
Môi trường đào tạo thông dịch viên tại Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay, môi trường đào tạo thông dịch viên vô cùng đa dạng từ cấp tốc đến chuyên sâu. Như chúng mình đã nói ở phần trên, các bạn sinh viên có thể theo học chuyên ngành ngôn ngữ tại các trường đại học chuyên ngữ hoặc một số trường, ngành chuyên sâu về khoa học xã hội. Bên cạnh đó, các trung tâm, học viện, các khóa học biên phiên dịch cũng được mở ra rất nhiều nhằm phục vụ nhu cầu của những bạn trẻ yêu thích ngôn ngữ.
? Xem thêm: Làm thế nào để trở thành biên-phiên dịch chuyên nghiệp?
Nhìn chung, công việc thông dịch viên là một công việc không ngừng thay đổi và nhiều thử thách. Nếu bạn là một người trẻ đam mê ngôn ngữ và ưa thích sự giao tiếp, di chuyển, hãy thử sức với lĩnh vực đầy thú vị này ngay nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)