Đạo đức nghề nghiệp là gì? Vai trò và ví dụ về đạo đức nghề nghiệp

5/5 - (1 vote)

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng giúp chúng ta đạt đến thành công. Vậy bạn đã hiểu rõ đạo đức nghề nghiệp là gì chưa? Nếu chưa thì đừng bỏ lỡ những thông tin trong bài viết dưới đây nhé.

1. Đạo đức nghề nghiệp là gì? Ví dụ

1.1 Đạo đức nghề nghiệp là gì?

Đạo đức nghề nghiệp là gì? Đạo đức nghề nghiệp là một khái niệm đề cập đến những nguyên tắc và giá trị đạo đức mà người làm việc trong một nghề nghiệp cần tuân thủ. Nó đặt ra các tiêu chuẩn đạo đức và đạo đức học trong lĩnh vực công việc cụ thể, có thể khác nhau tùy thuộc vào nghề nghiệp, ngữ cảnh văn hóa.

Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm việc trong một nghề cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức như trung thực, trách nhiệm, sự tôn trọng, công bằng và đồng cảm. Đây là những giá trị và hành vi đạo đức quan trọng giúp xây dựng một môi trường làm việc chất lượng và đáng tin cậy.

đạo đức nghề nghiệp là gì
Đạo đức nghề nghiệp là gì?

Đạo đức nghề nghiệp cũng đưa ra quy định những người làm việc cần thể hiện sự chuyên nghiệp, tôn trọng đối tác, khách hàng, đồng nghiệp, tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến nghề nghiệp của mình, không lợi dụng quyền hạn cá nhân để gây hại cho người khác hoặc lợi ích của tổ chức.

Đạo đức nghề nghiệp còn bao gồm việc phát triển các kỹ năng đạo đức, như giải quyết mâu thuẫn đạo đức, đưa ra quyết định đạo đức và khắc phục hậu quả đạo đức trong quá trình làm việc.

Hiện nay, trong các tổ chức, doanh nghiệp đều sẽ có những quy định đưa ra nhằm mục đích đảm bảo nhân viên thực hiện nhiệm vụ đúng, phù hợp với chuẩn mực cũng như văn hóa công ty. Toàn bộ những quy định, chuẩn mực đạo đức nơi công sở đều hướng đến kết quả cuối cùng là giúp công ty phát triển tốt hơn, vững mạnh hơn.

1.2 Một số ví dụ về đạo đức nghề nghiệp

Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về đạo đức nghề nghiệp, JobsGO sẽ đưa ra một số ví dụ như sau:

Ví dụ 1:

“Lời thề Hippocrate được thực hiện bởi các bác sĩ khi họ được khen thưởng bằng cấp về y học. Lời thề này là một trong những đạo đức phải tuân theo trước khi hành nghề y.

Họ sẽ tuyên thệ trước khi tham gia với tư cách là một chuyên viên. Đó là họ sẽ không bao giờ làm hại một người, họ sẽ điều trị tốt nhất có thể cho bệnh nhân của mình,… Những gì họ nói trong lễ tuyên thệ chính là đạo đức nghề nghiệp của họ. Đó là những nguyên tắc hoặc hướng dẫn mà họ nhất định phải tuân theo”.

Ví dụ 2:

Quy tắc 2 trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư có nội dung: “Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hay bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Hoặc trong quy tắc 7 quy định:

  • Luật sự có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý.
  • Luật sư có trách nhiệm yêu cầu đồng nghiệp liên quan và nhân viên cam kết không tiết lộ những bí mật mà họ biết được. Đồng thời luật sư cũng phải giải thích rõ nếu tiết lộ thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Ví dụ 3:

Một nhân viên ngân hàng đạo đức nghề nghiệp bằng cách đảm bảo tính trung thực và minh bạch trong giao dịch tài chính, không lợi dụng thông tin nội bộ hoặc vị trí của mình để gây hại cho khách hàng, tuân thủ các quy định và luật pháp liên quan đến an toàn tài chính, bảo vệ lợi ích khách hàng.

2. Tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp

quy tắc đạo đức nghề nghiệp
Tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp

Đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với chúng ta trong công việc cũng như cuộc sống. Cụ thể nó giúp:

  • Xây dựng niềm tin: Khi người làm việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, họ tạo ra một hình ảnh tích cực về chính mình và tổ chức mà họ đại diện, từ đó gây dựng lòng tin và sự tín nhiệm.
  • Đảm bảo chất lượng và an toàn: Người làm việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp sẽ thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp, từ đó bảo vệ sự an toàn, lợi ích của khách hàng và xã hội.
  • Xây dựng môi trường làm việc tích cực: Việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp khuyến khích sự hợp tác, sự tôn trọng đồng nghiệp, đối tác, giúp tạo ra một môi trường làm việc hài lòng, khuyến khích sự phát triển cá nhân và chuyên môn.
  • Xây dựng uy tín cá nhân và chuyên môn: Sự tuân thủ đạo đức nghề nghiệp thể hiện tầm quan trọng và tôn trọng công việc, làm tăng khả năng tạo ra giá trị và nâng cao đội ngũ chuyên môn.
  • Xây dựng lòng tự trọng và danh dự: Khi người làm việc tuân thủ đạo đức, họ có thể tự hào về công việc của mình và giữ được lòng tự trọng. Họ cũng đạt được danh dự từ cộng đồng, xã hội do sự đáng tin cậy, trung thực trong hành vi và quyết định.
  • Tạo sự bền vững và phát triển: Việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp đảm bảo sự cân nhắc và tôn trọng các giá trị xã hội, môi trường và lợi ích lâu dài. Điều này góp phần vào sự phát triển toàn diện, kéo dài của cả cá nhân, xã hội.
  • Tạo sự tương tác và hòa giải: Việc áp dụng đạo đức nghề nghiệp giúp xây dựng một môi trường tương tác lành mạnh, khuyến khích sự hòa giải và thúc đẩy sự phát triển cộng đồng.
  • Đáp ứng nhu cầu và mong đợi của khách hàng: Khi người làm việc tuân thủ đạo đức, họ đảm bảo rằng sự phục vụ khách hàng được thực hiện một cách tốt nhất, đúng theo các tiêu chuẩn chất lượng và đạo đức.

3. Nguyên tắc của đạo đức nghề nghiệp

Việc thực hành đạo đức nghề nghiệp sẽ có sự khác nhau đối với từng ngành nghề. Nhưng nhìn chung, tất cả các ngành nghề đều cần những phẩm chất phù hợp với quy chuẩn và được xã hội thừa nhận đó là:

  • Độc lập, tự lực cánh sinh, làm đúng nhiệm vụ, chức trách của mình.
  • Khách quan và chính trực, đánh giá, nhìn nhận mọi thứ một cách công tâm nhất.
  • Bản thân mỗi người cần không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ, kiến thức, khẳng định năng lực chuyên môn.
  • Đảm bảo tính chuyên nghiệp, tư cách nghề nghiệp của một người khi làm việc.
  • Tuân thủ các chuẩn mực, quy định chung, hành xử có nguyên tắc.
  • Liêm chính, không vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến tập thể.
  • Làm việc phù hợp với năng lực, làm hết sức mình và tập trung cao độ trong công việc.
  • Tôn trọng mọi người xung quanh, hòa thuận, biết lắng nghe ý kiến từ người khác.
  • Cống hiến hết mình, trung thành khi làm việc trong tổ chức, cơ quan.

4. Đạo đức nghề nghiệp trong các ngành nghề

vai trò đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức nghề nghiệp trong các ngành nghề

Tùy vào từng ngành nghề mà nguyên tắc, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp sẽ có sự khác nhau. Trong bài viết này, JobsGO sẽ đề cập đến một số nghề tiêu biểu.

4.1 Đạo đức nghề nghiệp ngành giáo viên

Theo Thông tư liên tịch năm 2015/TTLT-BGDĐT-BNV, đạo đức nghề nghiệp ngành giáo viên được quy định như sau:

  • Với giáo viên mầm non:
Điều 3. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp

1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.

2. Quý trẻ, yêu nghề; kiên nhẫn, biết tự kiềm chế; có tinh thần trách nhiệm cao; có kiến thức, kỹ năng cần thiết; có khả năng sư phạm khéo léo.

3. Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp.

4. Các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khác của giáo viên quy định tại Luật Giáo dục và Luật Viên chức.

  • Với giáo viên tiểu học:
Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên tiểu học

1. Có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh.

2. Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

3. Các tiêu chuẩn đạo đức khác của giáo viên quy định tại Luật Giáo dục và Luật Viên chức.

  • Với giáo viên THCS:
Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở

1. Có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

2. Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

3. Các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khác của giáo viên quy định tại Luật Giáo dục và Luật Viên chức.

  • Với giáo viên THPT:
Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông

1. Có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh.

2. Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

3. Các tiêu chuẩn đạo đức khác của giáo viên quy định tại Luật Giáo dục và Luật Viên chức.

4.2 Đạo đức nghề nghiệp cán bộ

Đối với các cán bộ, quy định về đạo đức nghề nghiệp gồm:

  • Trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
  • Cán bộ phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân, phục vụ, bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của dân.
  • Trong công tác, cán bộ phải có trách nhiệm, sáng tạo, kỷ cương, tận tụy, chí công vô tư.
  • Với đồng nghiệp, cán bộ luôn phải thân ái, đoàn kết, hợp tác để cùng tiến bộ.
  • Với bản thân, các cán bộ luôn phải cần, kiệm, liêm chính, thượng tôn pháp luật.

4.3 Đạo đức nghề nghiệp của viên chức

Theo quy định trong Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của viên chức như sau:

  • Luôn tâm huyết với nghề, giữ gìn danh dự, uy tín, phẩm chất, lương tâm của nhà giáo.
  • Có tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ mọi người trong công việc và cuộc sống.
  • Có lòng bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với học sinh, sinh viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng.
  • Tận tụy với công việc, thực hiện theo đúng các quy chế, nội quy, điều lệ của cơ sở giáo dục.
  • Luôn công bằng trong quá trình giảng dạy, giáo dục, đánh giá đúng năng lực của học sinh, chống tham nhũng, bệnh thành tích,…
  • Một số tiêu chuẩn khác được quy định tại khoản 4 Điều 53 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014.

4.4 Đạo đức nghề nghiệp truyền thông

Báo chí là cơ quan ngôn luận được người dân tin tưởng, giúp họ có những thông tin nhanh chóng, chính xác. Do đó, người làm nghề báo sẽ cần phải đảm bảo trung thực, nỗ lực tìm kiếm sự thật, bảo vệ những điều đúng đắn.

Nhà báo luôn phải công tâm khi đưa ra ý kiến của mình để định hướng dư luận hoặc duy trì niềm tin của công chúng.

4.5 Đạo đức nghề nghiệp ngành bất động sản

Bất động sản là ngành vô cùng hot nhưng cũng thường xuyên xuất hiện hiện tượng gian lận, chiếm dụng tài sản. Vậy nên, làm trong ngành này, các bạn phải luôn chú ý đảm bảo sự uy tín, trung thành với lợi ích của người tiêu dùng.

4.6 Đạo đức nghề nghiệp ngành kỹ thuật

Kỹ thuật là ngành có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của xã hội. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều hành vi làm trái đạo đức nghề nghiệp, lừa đảo tinh vi để xâm phạm quyền riêng tư qua Internet.

Chính vì vậy, người làm trong ngành này sẽ cần phải đảm bảo tôn trọng người sử dụng ứng dụng, thiết bị điện tử, kỹ thuật, có trách nhiệm với các sản phẩm của mình.

4.7 Đạo đức nghề nghiệp ngành luật

tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức nghề nghiệp ngành luật

Trong ngành luật, đạo đức nghề nghiệp là tôn trọng quyền và nghĩa vụ đối với khách hàng, tuân thủ quy tắc đạo đức, pháp luật, tôn trọng hệ thống pháp luật và tòa án, cung cấp tư vấn chính trực, trung thực cho khách hàng. Điều này đảm bảo sự công bằng, trung thực và đáng tin cậy trong hệ thống pháp luật.

4.8 Đạo đức nghề nghiệp ngành Y

Trong ngành Y, đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế, tôn trọng quyền và nhu cầu của bệnh nhân. Đó là việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức như đảm bảo an toàn, chất lượng trong quá trình điều trị, tôn trọng quyền riêng tư, bí mật y tế, cung cấp thông tin chính xác và không thiên vị, không lợi dụng vị trí của mình vì lợi ích cá nhân.

Đạo đức nghề nghiệp trong ngành Y giúp xây dựng lòng tin, uy tín và lòng tự trọng cá nhân, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của bệnh nhân, góp phần vào sự phát triển toàn diện, bền vững của cả cá nhân, xã hội.

4.9 Đạo đức nghề nghiệp ngành tài chính

Trong ngành tài chính, đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính trung thực, minh bạch và đáng tin cậy trong các giao dịch tài chính. Đó là việc tuân thủ các quy tắc đạo đức như không vi phạm quyền riêng tư và tin cậy của khách hàng, tuân thủ các quy định luật pháp liên quan đến an toàn tài chính, không lợi dụng thông tin nội bộ hoặc vị trí của mình để gây hại cho khách hàng. Đạo đức nghề nghiệp trong ngành tài chính đóng góp vào sự tạo dựng lòng tin và danh tiếng, đáp ứng nhu cầu, mong đợi của khách hàng, đóng phần trong sự bền vững và phát triển của cả cá nhân, cộng đồng tài chính.

5. Đạo đức nghề nghiệp nơi công sở như thế nào?

Đạo đức nơi công sở đóng vai trò không thể thiếu trong việc phát triển doanh nghiệp. Vậy bạn có nắm rõ được những biểu hiện của nó để phát huy hay không? Nếu còn suy nghĩ về điều này thì hãy cùng cập nhật ngay những thông tin dưới đây nhé.

5.1 Làm việc theo nguyên tắc

Đây là một trong những biểu hiện tiêu biểu của đạo đức nghề nghiệp nơi công sở. Dù bạn làm việc ở vị trí nào, chức vụ ra sao thì cũng đều cần có nguyên tắc, tác phong nghiêm chỉnh.

Nguyên tắc này thể hiện ở thái độ nghiêm túc, tập trung làm việc, tuân thủ quy định của công ty,… để không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng cũng như tập thể.

5.2 Xây dựng quan hệ tốt với đồng nghiệp

Mọi việc sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nếu có sự đồng lòng, đồng sức của đồng nghiệp. Đây chính là những người cùng hoạt động trong một lĩnh vực, ngành nghề, cùng hợp tác để công việc đạt hiệu quả tốt.

Chính vì vậy, tạo dựng, duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong công ty cũng là một biểu hiện của đạo đức nghề nghiệp. Điều này vừa giúp bạn được tôn trọng, vừa khẳng định giá trị đạo đức của bản thân, giúp tập thể phát triển nền văn hóa lành mạnh.

5.3 Đức tính trung thực

Từ xưa đến nay, đức tính trung thực luôn được con người, xã hội tôn trọng. Và trong công việc, sự trung thực được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Chẳng hạn như bạn trung thực khi được hỏi về trình độ chuyên môn, nói đúng lý do không hoàn thành công việc, tự nhận lỗi khi vi phạm nội quy công ty,…

6. Mối liên hệ giữa đạo đức nghề nghiệp và đạo đức cá nhân

ví dụ đạo đức nghề nghiệp
Mối liên hệ giữa đạo đức nghề nghiệp và đạo đức cá nhân

Bên cạnh đạo đức nghề nghiệp, đạo đức cá nhân cũng được đề cập khá nhiều trong cuộc sống, công việc. Vậy chúng có mối liên hệ như thế nào với nhau?

  • Đạo đức cá nhân thường chỉ đạo đức của một người xác định đối với mọi người cũng như các tình huống mà họ đối phó hàng ngày.
  • Đạo đức nghề nghiệp nói đến việc một người phải tuân thủ với những tương tác, giao dịch kinh doanh của họ trong công việc, nghề nghiệp.

Trong một số trường hợp, 2 loại này có thể xung đột. Ví dụ như: một bác sĩ có thể không tin rằng liệu trình điều trị y tế do bệnh nhân chọn là đúng đắn. Song, theo quy tắc Đạo đức của Hiệp hội Y khoa New Zealand thì bác sĩ buộc phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn của bệnh nhân đó.

7. Một số hành vi trái với đạo đức nghề nghiệp

Thực tế, có người làm tốt thì cũng có người đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ như một số hành vi sau:

7.1 Xử lý công việc thiếu trách nhiệm

Có những cá nhân làm việc rất qua loa, thiếu trách nhiệm, hay nói cách khác là chống đối. Điều này dẫn đến hậu quả năng suất công việc giảm sút, công ty khó phát triển.

Ngoài ra, một số người còn lạm dụng thời gian làm việc tại công ty để thực hiện những lợi ích cá nhân. Hành vi đó không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm mà còn trái ngược với đạo đức nghề nghiệp.

7.2 Lạm dụng của công

Khi tiếp nhận công việc, các nhân viên thường sẽ được hỗ trợ một số tài sản để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nhưng, một số người lại sử dụng chúng cho mục đích cá nhân. Điều này dù không gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc nhưng lại gây tổn hại đến các tài sản và thể hiện người đó thiếu đạo đức nghề nghiệp.

8. Làm sao để phát triển đạo đức nghề nghiệp?

Khái niệm đạo đức nghề nghiệp
Làm sao để phát triển đạo đức nghề nghiệp?

Để phát triển đạo đức nghề nghiệp, có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Tìm hiểu và nắm vững nguyên tắc đạo đức: Học và hiểu rõ các nguyên tắc đạo đức liên quan đến ngành nghề của bạn. Điều này có thể bao gồm việc đọc sách, tài liệu, quy định nghề nghiệp và tham gia vào các khóa đào tạo về đạo đức nghề nghiệp.
  • Xây dựng ý thức đạo đức: Phát triển ý thức về tầm quan trọng của đạo đức trong công việc của bạn. Hãy nhận thức rõ ràng hành động đúng đạo đức không chỉ tạo niềm tin và tôn trọng từ người khác, mà còn giúp bạn tự hào về công việc của mình.
  • Áp dụng các nguyên tắc đạo đức vào thực tế: Hãy đảm bảo rằng bạn áp dụng các nguyên tắc đạo đức vào công việc hàng ngày. Điều này có thể bao gồm việc tránh vi phạm quyền riêng tư, đảm bảo tính trung thực trong giao tiếp và quyết định và luôn đặt lợi ích của khách hàng, xã hội lên hàng đầu.
  • Tạo môi trường làm việc đạo đức: Hãy xây dựng một môi trường làm việc đạo đức bằng cách khuyến khích và đề cao các giá trị đạo đức. Điều này có thể đòi hỏi việc tạo ra chính sách và quy trình đạo đức, đào tạo nhân viên về đạo đức nghề nghiệp, xây dựng một văn hóa tổ chức đạo đức.
  • Tự đánh giá và phát triển bản thân: Thường xuyên tự đánh giá và cải thiện mình về mặt đạo đức, đặt câu hỏi cho bản thân về những hành động và quyết định có tuân thủ đạo đức hay không, tìm cách để cải thiện, phát triển trong lĩnh vực này.
  • Xem các tình huống đạo đức là cơ hội học tập: Hãy nhìn vào các tình huống đạo đức là một cơ hội để học hỏi và phát triển. Đối mặt với những thách thức đạo đức và tìm cách giải quyết chúng một cách công bằng, trung thực sẽ giúp bạn trưởng thành và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của mình.
  • Xây dựng mạng lưới và tham gia cộng đồng: Kết nối với những người có cùng quan điểm về đạo đức và tham gia vào các cộng đồng liên quan. Thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những người khác sẽ làm gia tăng nhận thức, kiến thức của bạn về đạo đức nghề nghiệp.
  • Thực hiện đạo đức trong mọi khía cạnh của cuộc sống: Đạo đức không chỉ áp dụng trong công việc mà còn phải tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Áp dụng các nguyên tắc đạo đức trong giao tiếp, quan hệ cá nhân và hành động xã hội để trở thành một cá nhân đạo đức trong mọi khía cạnh.
  • Liên tục cải thiện và cập nhật kiến thức: Hãy duy trì sự tò mò và sẵn lòng học hỏi, cập nhật kiến thức và theo dõi sự phát triển trong lĩnh vực của bạn. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về các vấn đề đạo đức mới nổi lên và áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức mới nhất vào công việc của mình.

9. Một số câu hỏi liên quan đến đạo đức nghề nghiệp

Ngoài những vấn đề trên, cũng có rất nhiều câu hỏi khác về đạo đức nghề nghiệp được đặt ra. Hãy cùng JobsGO tìm hiểu đáp án cho những câu hỏi này bạn nhé.

9.1 Thế nào là chuẩn mực đạo đức?

Chuẩn mực đạo đức là tổng hợp toàn bộ các quy tắc, yêu cầu của xã hội đối với con người. Chuẩn mực này xác định tính chất, mức độ, phạm vi, giới hạn cho những điều có thể/không thể/bắt buộc phải thực hiện của mỗi người, nhằm đảm bảo sự ổn định, giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội.

9.2 Công chức có đạo đức nghề nghiệp như thế nào?

Với công chức, quy định về đạo đức nghề nghiệp gồm:

  • Rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, luôn sáng tạo, nhạy bén trong tham mưu cho lãnh đạo.
  • Chấp hành nghiêm chỉnh các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
  • Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nghiêm túc với các quy chế, kỷ luật của cơ quan.
  • Các cán bộ văn phòng luôn phải ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn.
  • Nêu cao tinh thần trách nhiệm, khiêm tốn, thận trọng trong thực hiện nhiệm vụ.

Qua những chia sẻ trên đây, các bạn đã hiểu rõ về “đạo đức nghề nghiệp là gì?” rồi phải không? Chúc các bạn có thể rèn luyện và đáp ứng được các chuẩn mực này tại nơi làm việc nhé.

Xem thêm: Tố chất là gì? Nhà tuyển dụng thực sự cần gì ở ứng viên?

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: