Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Là Gì? Ra Trường Làm Gì? Lương Bao Nhiêu?

Đánh giá post

Ngành Kỹ thuật hạt nhân là một lĩnh vực đầy tiềm năng với các ứng dụng quan trọng trong nhiều ngành nghề từ năng lượng tới y học. Học ngành này không chỉ mở ra cho bạn nhiều cơ hội việc làm với thu nhập hấp dẫn mà còn cho phép bạn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội thông qua các công nghệ hiện đại và an toàn.

1. Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Là Gì?

Ngành Kỹ thuật hạt nhân là một lĩnh vực kỹ thuật chuyên sâu, tập trung vào việc ứng dụng và nghiên cứu về các hiện tượng, quá trình liên quan đến năng lượng hạt nhân. Trong ngành này, các chuyên gia sẽ tập trung vào việc tìm hiểu, phát triển các công nghệ liên quan đến sự phân hạch hạt nhân, tạo ra năng lượng hạt nhân và các ứng dụng khác của công nghệ hạt nhân.

Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Là Gì?
Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Là Gì?

Các lĩnh vực chính của ngành Kỹ thuật hạt nhân bao gồm:

  • Năng lượng hạt nhân: Nghiên cứu, phát triển và vận hành các loại lò phản ứng hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nhân tạo để sản xuất điện năng.
  • Y học hạt nhân: Sử dụng các phương pháp và công nghệ hạt nhân trong việc chẩn đoán, điều trị các bệnh lý y khoa, cắt lớp ảnh CT, cắt lớp ảnh PET, liệu pháp bức xạ,…
  • An toàn hạt nhân: Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp để đảm bảo an toàn cho các hoạt động liên quan đến vật lý hạt nhân, bao gồm cả vận hành lò phản ứng hạt nhân và xử lý chất thải hạt nhân.
  • Ứng dụng khác: Bao gồm quá trình bức xạ ion hóa, lưu chuyển nhiệt trong các hệ thống hạt nhân; nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí.

Ngành Kỹ thuật hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng, cũng như trong việc cải thiện phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh tật trong y học. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những lo ngại liên quan đến vấn đề an toàn và môi trường.

2. Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Học Những Gì?

Mỗi trường đại học sẽ có chương trình học Kỹ thuật hạt nhân khác nhau. Dưới đây là một số môn học phổ biến trong ngành này:

  • Lý luận chính trị và Pháp luật đại cương: Cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của chính trị, pháp luật.
  • Giáo dục thể chất: Đảm bảo sinh viên có đủ sức khỏe để học tập và làm việc.
  • Tiếng Anh: Phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu trong môi trường quốc tế.
  • Toán và Khoa học cơ bản: Bao gồm các môn như Toán cao cấp, Vật lý, Hóa học và các môn khoa học cơ bản khác; chúng cung cấp kiến thức nền tảng để sinh viên có thể hiểu sâu về lĩnh vực hạt nhân.
  • Các môn cơ sở và cốt lõi của ngành: Bao gồm các môn như Vật lý hạt nhân, Lò phản ứng hạt nhân, Quản lý chất thải hạt nhân, An toàn hạt nhân và các môn khác liên quan đến công nghệ, quản lý trong lĩnh vực hạt nhân.
  • Các môn theo định hướng ứng dụng: Các môn như Kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Vật lý y học, Năng lượng hạt nhân,… tập trung vào việc áp dụng kiến thức hạt nhân vào các lĩnh vực cụ thể.
  • Thực tập: Cung cấp cơ hội cho sinh viên áp dụng kiến thức được học vào thực tế, để phát triển kỹ năng, kinh nghiệm làm việc trong ngành Kỹ thuật hạt nhân.
Ngành Kỹ thuật hạt nhân học gì?
Ngành Kỹ thuật hạt nhân học gì?

3. Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Học Ở Đâu? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?

Ngành Kỹ thuật hạt nhân học ở đâu? Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật hạt nhân là bao nhiêu? Thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời cho những câu hỏi này.

Tên trường Tên khoa Khối thi Điểm chuẩn năm 2023
Đại học Bách khoa Hà Nội Kỹ thuật hạt nhân A00; A01; A02 22.31
Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQGHCM Kỹ thuật hạt nhân A00; A01; A02; D90 17
Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân A00; A01; B00; C01 21.3
Trường Đại học Đà Lạt Kỹ thuật hạt nhân A00; A01; D01; D90 16

4. Học Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Ra Làm Gì?

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hạt nhân, sinh viên có thể theo đuổi nhiều hướng nghề nghiệp khác nhau trong các lĩnh vực liên quan đến hạt nhân và bức xạ.

4.1. Kỹ Sư Tại Các Phòng Khám Y Học Và Cơ Sở Chăm Sóc Sức Khỏe

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các phòng xạ trị ung bướu, phóng xạ hình chẩn đoán hình ảnh và bộ phận Y học hạt nhân trong các cơ sở y tế. Công việc bao gồm thiết kế, vận hành, bảo trì các thiết bị y tế sử dụng bức xạ và công nghệ hạt nhân, như máy chụp X-quang, máy cắt lớp ảnh CT, máy PET-CT, máy điều trị bằng bức xạ.

4.2. Cán Bộ Quản Lý Và Nghiên Cứu Về Bức Xạ, Hạt Nhân

Cử nhân ngành Kỹ thuật hạt nhân có thể làm việc trong các tổ chức nghiên cứu, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân hoặc các công ty công nghệ y tế. Công việc tại vị trí này liên quan đến đánh giá, quản lý rủi ro liên quan đến bức xạ, phát triển các biện pháp an toàn để áp dụng vào quy trình làm việc, thực hiện nghiên cứu về ứng dụng mới của công nghệ hạt nhân trong y học và công nghiệp,… Đồng thời, người làm việc cũng có thể phụ trách nhiệm vụ đào tạo, giáo dục cộng đồng các kiến thức cơ bản liên quan đến bức xạ và công nghệ hạt nhân.

4.3. Giảng Viên, Nhà Khoa Học Tại Các Viện Nghiên Cứu, Trường Đại Học, Cao Đẳng

Sau khi tốt nghiệp, người học ngành Kỹ thuật hạt nhân có thể trở thành giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng hoặc nhà nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu,… Nhiệm vụ chính của giảng viên, nhà khoa học là dạy học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia vào các dự án nghiên cứu, viết và xuất bản kết quả nghiên cứu.

Trở thành Giảng viên Kỹ thuật hạt nhân, tại sao không?
Trở thành Giảng viên Kỹ thuật hạt nhân, tại sao không?

4.4. Cán Bộ Kỹ Thuật

Cử nhân ngành Kỹ thuật hạt nhân có thể trở thành cán bộ kỹ thuật trong các công ty, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ. Những người làm việc tại vị trí này sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ bao gồm thiết kế, vận hành và bảo trì các hệ thống, thiết bị liên quan đến công nghệ hạt nhân, đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn an toàn, tham gia vào các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực hạt nhân.

5. Mức Lương Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Cao Không?

Là một ngành đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và kỹ năng đặc biệt nên kỹ sư hạt nhân hiện đang được trả mức lương tương đối cao. Mức thu nhập của những người làm việc trong lĩnh vực này phổ biến trong khoảng 10 – 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người lao động làm công việc liên quan tới Vật lý nguyên tử và hạt nhân còn được hưởng phụ cấp từ 30 – 70% mức lương được nhận.

Cũng cần lưu ý rằng, mức lương ngành Kỹ thuật hạt nhân có thể thay đổi tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm cũng như vị trí làm việc cụ thể của từng người.

6. Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Có Được Ưa Chuộng?

Ngành Kỹ thuật hạt nhân hiện chưa nhận được sự chú ý như các ngành học phổ biến khác (chẳng hạn Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Marketing,…). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lực chuyên môn trong ngành này, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng công nghệ hạt nhân trong Y học, xạ trị, vận hành máy gia tốc,…

Tuy nhiên, điều này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ nhanh nhạy và có tầm nhìn. Với sự cần thiết và tiềm năng phát triển của ngành Kỹ thuật hạt nhân, người trẻ có thể tận dụng lợi thế này để xây dựng sự nghiệp, cũng như đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

7. Tố Chất Cần Có Để Học Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân

7.1. Nền Tảng Kiến Thức Khoa Học Tự Nhiên

Để cơ cơ hội trở thành sinh viên ngành Kỹ thuật hạt nhân, bạn cần giỏi các môn khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học. Vì điểm số của những môn học này sẽ được sử dụng làm điểm tuyển sinh.

7.2. Khả Năng Giao Tiếp Tốt

Trong ngành Kỹ thuật hạt nhân, bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều đối tượng khác nhau. Khả năng giao tiếp hiệu quả cho phép bạn truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, trao đổi ý kiến một cách mạch lạc và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

7.3. Khả Năng Tư Duy Logic

Ngành Kỹ thuật hạt nhân đòi hỏi người học phải có khả năng tư duy logic và phân tích sâu sắc. Bạn cần có khả năng suy luận logic để hiểu rõ vấn đề đang gặp phải, từ đó đưa ra giải pháp có tính khả thi và đảm bảo tính an toàn.

7.4. Khả Năng Sắp Xếp Thông Tin

Là nhân sự ngành Kỹ thuật hạt nhân, bạn sẽ phải tiếp nhận rất nhiều thông tin phức tạp. Để hiểu và làm việc hiệu quả, bạn cần biết cách sắp xếp thông tin một cách rõ ràng, hợp lý. Điều này giống như việc sắp xếp các mảnh ghép để hiểu nhìn thấy bức tranh tổng thể.

7.5. Khả Năng Làm Việc Nhóm

Trong ngành Kỹ thuật hạt nhân, bạn rất khó đạt được thành tựu khi chỉ làm việc một mình. Chính vì vậy, bạn cần học cách chia sẻ ý kiến, hỗ trợ và làm việc với những người khác để đạt được mục tiêu chung.

7.6. Khả Năng Giải Quyết Vấn Đề

Không có con đường nào là dễ dàng, nhất là khi bạn đang đi trên một con đường mới như Kỹ thuật hạt nhân. Trong quá trình làm việc, bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau. Để đặt chân tới điểm đích, bạn cần có kỹ năng tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết vấn đề.

Cần có tố chất gì để làm trong ngành hạt nhân?
Cần có tố chất gì để làm trong ngành hạt nhân?

8. Cơ Hội Việc Làm Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Như Thế Nào?

Cơ hội việc làm trong ngành Kỹ thuật hạt nhân là rất đa dạng. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành này có thể tìm được việc làm tại nhiều đơn vị khác nhau, điển hình như:

  • Viện nghiên cứu hạt nhân: Tại đây, bạn sẽ tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.
  • Công ty công nghiệp năng lượng hạt nhân: Các công ty trong ngành năng lượng hạt nhân cần các chuyên gia để thiết kế, xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, cũng như phát triển các công nghệ mới.
  • Đơn vị quản lý và an toàn hạt nhân: Có nhiều cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý, giám sát về an toàn và bảo vệ môi trường liên quan đến hạt nhân.
  • Các lĩnh vực kỹ thuật khác: Cử nhân ngành Kỹ thuật hạt nhân có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau như cơ khí, điện tử, vật liệu,…

Bạn có muốn có một tương lai tươi sáng với cơ hội việc làm rộng mở cùng mức thu nhập hấp dẫn? Bạn có muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội? Nếu câu trả lời là có, đừng ngần ngại tìm hiểu thêm về ngành Kỹ thuật hạt nhân, bạn nhé!

Câu hỏi thường gặp

1. Có Nên Học Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Không?

Học ngành Kỹ thuật hạt nhân có thể là một lựa chọn tốt với nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực năng lượng, y học, nghiên cứu,... Tuy nhiên, câu trả lời nên học ngành này hay không tùy thuộc vào sở thích và mục tiêu nghề nghiệp của bạn.

2. Tìm Việc Ngành Kỹ Thuật Hạt Nhân Bằng Cách Nào?

Để tìm việc trong ngành Kỹ thuật hạt nhân, bạn có thể sử dụng các website việc làm uy tín như JobsGO, truy cập vào các group tuyển dụng trên Facebook, sử dụng LinkedIn và tham gia các hội thảo, sự kiện chuyên ngành,...

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: