Chúng ta vẫn thường được nghe những đánh giá về genZ là một thế hệ năng động, phong cách, tài giỏi hơn người. Thế nhưng, genZ khi đi làm thì sẽ như thế nào? Có phải cái tôi của họ quá lớn và ảnh hưởng rất nhiều đến người khác? Để giải đáp cho những thắc mắc về “cái tôi của GenZ khi đi làm”, mời các bạn theo chân JobsGO nhé!
Mục lục
GenZ và những cái “tôi” khó chấp nhận
Dạo gần đây trên các trang mạng xã hội, có không ít vấn đề liên quan đến genZ được mang ra bàn luận, một trong số đó phải kể đến là cái “tôi” của genZ khi đi làm. Nhiều đàn anh, đàn chị thế hệ Y cho rằng, họ cảm thấy những cô cậu trẻ tuổi rất năng động, thông minh, tài giỏi, tự tin, sẵn sàng thể hiện bản thân chốn công sở. Thế nhưng, những điều này dường như đang vượt quá mức và trở nên dư thừa, khiến họ bị “ngộp thở” trong chính “cái tôi” của các bạn genZ này. Vậy những cái tôi đó là gì mà lại khó chấp nhận đến thế?
Sẵn sàng “đốp chát” với sếp, không chấp nhận mình sai
Theo chia sẻ từ chị Q – chuyên viên tổ chức sự kiện tại công ty TT: “Trong công ty hiện nay hầu hết là các bạn trẻ genZ với nguồn năng lượng cực tốt. Các bạn năng động, sáng tạo, thông minh và luôn mang đến điều thú vị, bất ngờ cho các dự án. Đây là điều mà có lẽ các công ty đều mong đợi, tìm kiếm. Thế nhưng, điểm chung của những bạn này chính là cái tôi quá lớn. Các bạn ít khi, thậm chí là không bao giờ nhận mình sai, không biết cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến. Có những lúc, các bạn có sẵn sàng để “bật” lại sếp chỉ vì không được chấp nhận quan điểm, ý kiến đóng góp. Dẫu biết rằng sáng tạo là tốt, song sự phù hợp vẫn phải được ưu tiên. Ấy vậy mà, các bạn trẻ lại không quan tâm đến mục tiêu, điều công ty cần, họ có thể ngay lập tức để “đốp chát” với sếp, quản lý của mình trong cuộc họp, cố gắng “cãi” tay đôi cho đến khi mọi người công nhận mình đúng thì mới thôi. Đây lại là mặt trái khá đáng buồn mà tôi thấy ở genZ hiện nay”.
Qua chia sẻ từ chị Q ở trên, chúng ta có thể thấy, đánh giá về genZ với cái tôi quá lớn là hoàn toàn có cơ sở. Không phải chúng ta đang nhìn một cách phiến diện mà chính người trong cuộc đã lên tiếng. Thực tế, sự giỏi giang thường sẽ đi kèm với cái tôi cao. Nhưng, mọi chuyện nếu dừng lại ở mức nhất định thì sẽ lại là một điều tuyệt vời. Ngược lại, nếu câu chuyện cứ đi quá xa, cái tôi đạt đến mức khổng lồ thì thật là điều đáng buồn với các bạn trẻ khi đi làm hiện nay.
👉 Xem thêm: Thế hệ Z và những điều mà các nhà tuyển dụng cần biết
“Xẵng giọng” thể hiện bản thân hơn người
Đặc trưng của thế hệ genZ hiện nay đó là năng động, thích được trải nghiệm, khám phá ngay từ khi còn rất trẻ. Sẽ không quá khó để chúng ta bắt gặp những bạn đi thực tập, làm thêm từ năm nhất đại học. Khi bản thân chưa có gì, các bạn sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách để có thêm kinh nghiệm, kiến thức ngoài xã hội. Đây là điều rất tốt, rất đáng được hoan nghênh, khuyến khích.
Tuy nhiên, có một thực tế như thế này, nhiều bạn sau khi ra trường với tấm bằng giỏi, bằng xuất sắc lại nghĩ bản thân hơn người, có mọi thứ trong tay. Một bạn sinh viên vừa chân ướt, chân ráo bước vào trường đời đã vội vênh mặt, xẵng giọng với người khác. Chưa cần biết kinh nghiệm như thế nào nhưng với cách cư xử này thì khó mà hòa đồng và nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ các đồng nghiệp.
Tự tin quá đà về năng lực của bản thân
Sự tự tin là điều rất quan trọng và cần thiết giúp chúng ta đạt được thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu tự tin và đề cao bản thân quá mức cũng sẽ là một điều đáng lo ngại.
Các bạn trẻ với sự ra đời, trải nghiệm sớm nên luôn nghĩ năng lực bản thân là tốt. Khi được giao cho một dự án, công việc nào đó, nhiều bạn tỏ ra biết tuốt, khoe khoang về những thành tích bản thân từng đạt được, tự tin rằng việc này mình sẽ làm tốt, thậm chí là xuất sắc. Thế nhưng, núi cao thì sẽ có núi cao hơn, các bạn biết 1 thì người ta có thể biết 10. Liệu bạn có đảm bảo được rằng những kiến thức, kinh nghiệm từ 3 – 4 năm trước khi đi thực tập của bạn sẽ phù hợp và áp dụng được cho các dự án được thực hiện ở thời điểm này hay không? Bạn lấy gì để tự tin một cách quá mức cho những tư duy lỗi thời, không còn phù hợp? Đây có lẽ là một thực trạng khá đáng buồn nhưng lại diễn ra rất phổ biến ở nhiều bạn genZ hiện nay.
👉 Xem thêm: Sự thật về văn hóa đi làm thích thì nghỉ của gen Z hiện nay
Đánh giá cái tôi của genZ, có nên quy chụp cho cả một thế hệ?
Có thể thấy, genZ khi đi làm thường có cái tôi khá lớn và đôi khi nó khiến người khác phải khó chịu, không chấp nhận được. Tuy nhiên, liệu chúng ta có đang đánh giá một cách quá phiến diện và quy chụp 1 vài trường hợp cho cả 1 thế hệ hay không? Có phải genZ nào cũng có cái tôi quá lớn, thể hiện bản thân quá mức hay không?
Thực tế, vẫn có rất nhiều bạn trẻ “biết người biết ta”, họ sống và làm việc có chừng mực, có mức độ. Mặc dù có thể rất giỏi, nhưng không phải ai cũng khoa trương và đề cao bản thân quá mức. Có những bạn vẫn rất biết điều, khiêm tốn, chăm chỉ, chịu khó học hỏi để phát triển. Họ cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu quý, hỗ trợ hay giúp đỡ từ sếp, từ đồng nghiệp xung quanh. Tùy vào từng cá nhân, tính cách của mỗi người mà họ sẽ có cách cư xử, thể hiện riêng. Và chúng ta không nên quy chụp, “vơ đũa cả nắm” để nhận định về cái tôi cho cả 1 thế hệ genZ khi đi làm.
👉 Xem thêm: Giải đáp cho 5 “lời đồn” về genZ chốn công sở
Hy vọng qua những chia sẻ trên đây, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về những vấn đề xoay quanh câu chuyện “cái tôi của genZ khi đi làm”. Mỗi người chúng ta đều có cá tính, điểm mạnh, điểm yếu riêng. Nếu biết cách phát huy điểm mạnh, chắc chắn các bạn sẽ có cơ hội để phát triển, thành công. Và một điều nên nhớ rằng, đừng để cái tôi quá lớn che lấp đi cánh cửa sự nghiệp phía trước nhé. Chúc các bạn thành công trên con đường mình lựa chọn.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)