Một bài tiểu luận hay và trình bày đúng chuẩn sẽ góp phần quan trọng vào trong việc gây ấn tượng cũng như cải thiện điểm số của bạn. Nếu bạn đang loay hoay không biết cách trình bày tiểu luận chuẩn như thế nào thì bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc đó.
Mục lục
- 1. Bài Tiểu Luận Là Gì?
- 2. Quy Định Chung Về Trình Bày Tiểu Luận
- 3. Hướng Dẫn Cách Trình Bày Tiểu Luận Chuẩn
- 4. Lưu Ý Khi Trình Bày Tuyển Luận
- Câu hỏi thường gặp
1. Bài Tiểu Luận Là Gì?
Tiểu luận là một dạng bài viết có tính hệ thống và phân tích sâu về một vấn đề cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu, văn hóa, xã hội hoặc khoa học. Tiểu luận thường có mục đích trình bày và phân tích ý kiến, lập luận và quan điểm cá nhân của người viết về một vấn đề cụ thể. Nó yêu cầu người viết tìm hiểu kỹ lưỡng về chủ đề, thu thập, phân tích thông tin, sau đó đưa ra luận điểm dựa trên bằng chứng và logic hợp lý.
Một tiểu luận thường có cấu trúc gồm: mở đầu (giới thiệu vấn đề và mục đích), phần thân (thảo luận, phân tích, bình luận về vấn đề), và kết luận (tóm tắt ý chính, đưa ra kết quả hoặc nhận định cuối cùng).
Tiểu luận đòi hỏi người viết có khả năng tổ chức thông tin, sử dụng ngôn từ chính xác và trình bày ý kiến một cách logic, rõ ràng. Thông tin được trình bày trong tiểu luận cũng cần có sự tham khảo từ các nguồn tin đáng tin cậy và tuân thủ nguyên tắc về trích dẫn, tham khảo tài liệu đã sử dụng.
Tiểu luận hiện nay được nhiều trường đại học và cao đẳng lựa chọn để kết thúc học phần, tiêu chuẩn cho một bài tiểu luận thường rơi vào 5-20 trang. Còn đối với tiểu luận tốt nghiệp sẽ yêu cầu cao hơn, khoảng 30-50 trang tùy theo chủ đề mà bạn lựa chọn.
Xem thêm: Thực tập sinh là gì? Những yêu cầu cơ bản đối với vị trí thực tập sinh
2. Quy Định Chung Về Trình Bày Tiểu Luận
Để đạt điểm cao bạn không những đáp ứng được mặt nội dung mà còn về mặt hình thức. Dưới đây là một số quy định chung về cách trình bày tiểu luận chuẩn.
- Tiểu luận yêu cầu trình bày trên khổ giấy A4 (210 x 297 mm), kiểu trang đứng (portrait).
- Định dạng lề: bottom, top: 2.0 – 2,5cm, right: 2,0 cm, left: 3.0-3,5 cm.
- Font chữ: Times new Roman.
- Bảng mã: Unicode. Cỡ chữ (phần nội dung): 12.
- Cách dòng: 1.2-1.3 lines.
- Độ dài tiểu luận tối thiểu: Ít nhất 5 trang (không tính phụ lục).
- Độ dài của một bài tiểu luận: tối đa 20 trang (không tính phụ lục).
- Đính kèm thêm một trang tiêu đề ghi rõ tên, MSSV, mã môn học và đề bài/câu hỏi của tiểu luận.
- Có đánh số trang
Lưu ý: Khi viết cần trình bày nội dung một cách ngắn gọn, rõ ràng, súc tích.
Xem thêm: 10 Mẫu lời cảm ơn trong tiểu luận hay và chuyên nghiệp nhất
3. Hướng Dẫn Cách Trình Bày Tiểu Luận Chuẩn
3.1 Bố Cục Bài Tiểu Luận
Một bài tiểu luận thường được trình bày với bố cụ như sau:
- Trang bìa: Bao gồm các thông tin như tên trường, tên bài luận, họ tên tác giả, họ tên người hướng dẫn,… Thông thường, mỗi trường sẽ có một mẫu bìa tiểu luận riêng. Bạn nên tìm form mẫu của trường để làm trang bìa cho chuẩn. Khi in tiểu luận, trang bìa nên được in bằng giấy màu cứng. Trang phụ bìa là trang được in sau trang bìa chính hoặc trang lót (nếu có).
- Trang phụ bìa có thiết kế và nội dung giống hệt trang chính, tuy nhiên sẽ được in đen trắng bằng giấy thông thường. Trang phụ bìa không phải là nội dung bắt buộc nên có thể có hoặc không.
- Trang nhận xét của Giảng viên hướng dẫn: Đây là trang cung cấp thông tin phản hồi của Giảng viên hướng dẫn về tiểu luận của bạn. Thông qua trang này, giảng viên có thể cung cấp đánh giá và gợi ý về việc cải thiện tiểu luận của bạn. Đây không phải là nội dung bắt buộc.
- Lời cảm ơn: Đây là nội dung tùy chọn, nhưng thường được sử dụng để bạn có thể thể hiện lòng biết ơn đến những người đã giúp đỡ, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho bạn trong quá trình nghiên cứu và viết tiểu luận.
- Mục lục: Mục lục liệt kê các phần chính của tiểu luận và trang tương ứng của chúng. Mục lục giúp độc giả có cái nhìn tổng quan về cấu trúc và nội dung của tiểu luận, qua đó họ có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin mà họ quan tâm trong tài liệu. Nội dung: Đây là phần nội dung chính và quan trọng nhất trong tiểu luận. Phần này bao gồm thông tin về cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu, đề tài nghiên cứu, kết luận,… liên quan đến chủ đề chính của tiểu luận.
- Trang phụ lục: Trang phụ lục gồm các thông tin về tài liệu bổ sung, như biểu đồ, bảng biểu, ảnh, công thức, hoặc các dữ liệu chi tiết khác mà không thuộc trực tiếp vào phần chính của tiểu luận. Trang phụ lục giúp làm rõ và minh họa các thông tin hỗ trợ cho nội dung chính của tiểu luận. Thông thường, trang phụ lục được đánh số riêng và được đặt sau phần kết luận và trước trang tham khảo.
- Trang thông tin tham khảo: Trang thông tin tham khảo là nơi liệt kê các nguồn tài liệu mà bạn đã tham khảo và trích dẫn trong tiểu luận. Các nguồn tham khảo bao gồm sách, bài báo, bài viết từ các tạp chí, hội nghị, trang web, tài liệu học thuật,… Trang thông tin tham khảo thường được đặt ở cuối tập tiểu luận và được định dạng theo một hệ thống tham chiếu cụ thể, như APA, MLA, Chicago, Harvard,…
- Các trang khác có thể bổ sung vào tập tiểu luận như: Trang tổng quan (giới thiệu ngắn gọn về tiểu luận), Trang tóm tắt (một tóm tắt ngắn gọn về nội dung và kết quả của tiểu luận),…
Cấu trúc và yêu cầu về các trang có thể thay đổi tùy theo quy định của trường đại học, khoa, hoặc yêu cầu cụ thể của bài tiểu luận. Vì vậy, bạn cần kiểm tra và tuân thủ cách trình bày tiểu luận theo hướng dẫn của giảng viên hoặc người hướng dẫn.
3.2 Nội Dung Bài Tiểu Luận
Nội dung của tiểu luận cần liên quan chặt chẽ đến đề tài nghiên cứu và mục tiêu đã đặt ra. Khi trình bày tiểu luận, nội dung cần được sắp xếp theo một cấu trúc logic, có liên kết với nhau.
Dưới đây là các chương chính thường có trong một bài tiểu luận.
3.2.1 Chương 1: Mở Đầu
Phần giới thiệu trình bày vấn đề nghiên cứu, mục tiêu và hướng tiếp cận trong tiểu luận. Nó giúp người đọc hiểu về ngữ cảnh và tầm quan trọng của vấn đề.
3.2.2 Chương 2: Cơ Sở Lý Thuyết
Phần cơ sở lý thuyết trình bày các khái niệm, quan điểm của các nhà khoa học và các nghiên cứu trước đó liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Nếu nội dung quá dài, bạn cần lựa chọn những lý thuyết chính để đưa vào phần này và đưa các lý thuyết bổ sung vào phần Phụ lục.
3.2.3 Chương 3: Nội Dung Và Phương Pháp Nghiên Cứu
Phần này trình bày chi tiết về phương pháp nghiên cứu được sử dụng, bao gồm cách thu thập dữ liệu, quy trình phân tích, công cụ và kỹ thuật sử dụng. Nó giúp người đọc hiểu cách bạn đã thực hiện nghiên cứu và thu thập dữ liệu.
3.2.4 Chương 4: Kết Quả Nghiên Cứu Và Đánh Giá
Phần này cung cấp thông tin về các kết quả thu được từ nghiên cứu và phân tích dữ liệu. Nó giúp người đọc hiểu về những phát hiện chính và ý nghĩa của chúng. Phần này thường đi kèm với việc thảo luận, so sánh kết quả với các nghiên cứu trước đó, đưa ra giải thích và phân tích chi tiết về kết quả.
3.2.5 Chương 5: Kết Luận
Phần kết luận tóm tắt lại ý chính và kết quả của tiểu luận. Đồng thời, nó cũng mô tả một cách ngắn gọn về ý nghĩa và hạn chế của nghiên cứu. Phần kết luận cũng có thể bao gồm đề xuất cho các nghiên cứu tương lai hoặc hướng đi tiếp theo trong lĩnh vực đó.
Xem thêm: Mẫu đơn xác nhận đơn vị thực tập tốt nghiệp 2024
3.3 Phương Pháp Trình Bày Tiểu Luận
Đề mục | Cỡ chữ | Định dạng | Canh lề trang |
Tên chương | 14 | In hoa in đậm | Giữa |
Tên tiểu mục mức 1 | 13 | In hoa in đậm | Trái |
Tên tiểu mục mức 2 | 13 | Chữ thường in đậm | Trái |
Tên tiểu mục mức 3 | 13 | Chữ thường, nghiêng | Trái |
Nội dung | 13 | Normal | Đều |
Tên khóa học | 13 | Nghiêng | Đều |
Bảng (Table) | 12 | Normal | Trái |
Chú thích bảng | 10 | Nghiêng | Trái, dưới bảng |
Tên bảng | 11 | Đậm | Trái, trên bảng |
Tên hình | 11 | Đậm | Trái, dưới hình |
Tài liệu tham khảo | 11 | Xem mục E | Chú thích bên dưới |
3.4 Đánh Số Trang Cho Bài Tiểu Luận
- Thông thường các mục trước phần nội dung chính thường đánh theo số tự La Mã. Ví dụ: I, II, III,…
- Còn đối với các chương mục các bạn nên đánh theo số tự nhiên. Ví dụ: 1,2,3 hoặc 1.1; 1.2,…
Lưu ý: Các bạn chỉ nên đánh số tối đa 3 cấp theo quy định mà thôi.
3.5 Quy Định Về Tài Liệu Tham Khảo Trong Bài Tiểu Luận
Việc sắp xếp tài liệu tham khảo logic sẽ giúp bài luận văn trở nên chuyên nghiệp hơn. Dưới đây là một số trật tự sắp xếp cơ bản.
(1) Tài liệu tham khảo là sách
Tên của tác giả hoặc nơi phát hành, năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn). Tên sách (viết in nghiêng, có dấu phẩy cuối tên sách), lần xuất bản (lần xuất bản thứ hai trở đi mới ghi), nhà xuất bản (có dấu phẩy cuối tên), nơi xuất bản (Tên thành phố, có dấu chấm cuối tên).
Ví dụ:
|
(2) Tài liệu tham khảo là tạp chí, bài báo
- Nếu là tạp chí nước ngoài thì tuân theo cấu trúc sau: Họ, tên gọi và tên đệm (viết tắt).
- Nếu là tạp chí trong nước thì viết đầy đủ họ tên như bình thường.
Ví dụ:
|
(3) Tài liệu tham khảo từ nguồn Internet
Trên thực tế, bài luận của bạn sẽ không được đánh giá cao khi các tài liệu tham khảo của bạn lấy từ nguồn Internet bởi ở đó chứa rất nhiều những thông tin gây nhiễu.
Trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể sắp xếp bằng cách sau:
- Tên tác giả, năm. Tên tài liệu tham khảo, thời gian trích dẫn.
Ví dụ: Bảo Danh, 2022. Hướng dẫn cách trình bày tiểu luận chuẩn nhất từ A-Z, 26/6/2023. |
3.6 Mục Lục Bài Tiểu Luận
Nhìn chung, để trình bày tiểu luận, bạn chỉ cần liệt kê những danh mục quan trọng, thường là những mục lớn và luận điểm chính của từng phần. Sau đó, sắp xếp chúng đúng theo cấu trúc của bài.
Ngoài ra, bạn không nên quá ôm đồm mà trình bày mục lục tiểu luận một cách quá chi tiết. Hãy lựa chọn và sắp xếp những hạng mục mà bạn cho rằng khi nhìn vào đó, thầy cô sẽ nắm được vấn đề và cách triển khai vấn đề của bạn.
Dưới đây là ví dụ về mục lục giúp bạn hiểu hơn về cách trình bày tiểu luận.
Xem thêm: [Hỏi & Đáp] Sinh viên có nên đi thực tập sớm không?
4. Lưu Ý Khi Trình Bày Tuyển Luận
- Có thể thay đổi cỡ chữ, nhưng không dùng nhiều màu chữ: Khi trình bày tiểu luận, bạn có thể thay đổi cỡ chữ, in đậm, in nghiêng sao cho khoa học và dễ nhìn nhất. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi trình bày tiểu luận không nên màu mè bằng cách thay đổi nhiều màu chữ. Thay vào đó hãy trình bày một cách lịch sự, trang trọng.
- Sử dụng tính năng tạo mục lục tự động: Để tiết kiệm thời gian bạn có thể tận dụng các thao tác tạo mục lục trong Word thay vì làm thủ công vừa dễ gây nhầm lẫn, vừa không đẹp mắt.
- Cấu trúc bài luận rõ ràng: Khi trình bày tiểu luận, bạn cần xác định cấu trúc thông tin một cách rõ ràng. Hãy đảm bảo rằng mỗi phần đều có sự kết nối logic với nhau.
- Sử dụng bằng chứng để chứng minh lập luận: Mỗi ý kiến và lập luận trong tiểu luận cần được chứng minh bằng bằng chứng hợp lý. Bạn hãy sử dụng dữ liệu, tài liệu tham khảo, nghiên cứu trước đó hoặc ví dụ cụ thể để hỗ trợ ý kiến của bạn.
- Sử dụng ngôn ngữ rõ ràng và mạch lạc: Bạn cần tránh sử dụng ngôn ngữ phức tạp, mơ hồ hoặc không rõ nghĩa.
- Luôn kiểm tra và chỉnh sửa trước khi nộp bài: Sau khi hoàn thành tiểu luận, bạn hãy kiểm tra và chỉnh sửa kỹ lưỡng để đảm bảo tài liệu không có lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp hoặc sai sót khác.
Hy vọng thông qua bài viết này của JobsGO đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan và khái quát nhất về cách trình bày tiểu luận. Chúc các bạn sẽ sớm hoàn thiện sản phẩm của mình một cách hoàn hảo và vừa ý nhất nhé.
Câu hỏi thường gặp
1. Cách Trích Dẫn Tài Liệu Tham Khảo Bằng Tiếng Anh Trong Tiểu Luận Cần Tuân Thủ Quy Chuẩn Nào?
Hiện nay, các trường đều yêu cầu trích dẫn tài liệu theo quy chuẩn APA đối với hầu hết các ngôn ngữ. Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của giảng viên, bạn nên hỏi kỹ về các yêu cầu trước khi bắt tay vào xây dựng một bài tiểu luận.
2. Các Bước Chọn Đề Tài Cho Bài Tiểu Luận?
Dưới đây là các bước cơ bản để chọn đề tài cho bài tiểu luận:
- Xác định lĩnh vực nghiên cứu
- Thu thập thông tin ban đầu
- Đánh giá tính khả thi của đề tài
- Lựa chọn đề tài
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)