Bạn nghĩ rằng sếp sai và muốn nói điều đó cho anh ấy/ cô ấy biết? Nhưng bạn nên nói điều đó thế nào để sếp không phật lòng?
Mục lục
Điều quan trọng: Đừng bao giờ nói với sếp rằng họ đã sai
Nếu “sếp sai” là vì “bạn nghĩ”, thì đừng đến trước mặt anh ấy/ cô ấy và nói rằng “anh/ chị sai rồi”.
Trên thực tế, sếp có nhiều thông tin hơn so với những gì bạn biết. Và rất có thể, những thông tin mật mà anh ấy/ cô ấy có là nguyên nhân khiến anh ấy/ cô ấy đưa ra quyết định như bạn thấy.
Không chỉ thế, về mặt tâm lý, khi bạn nói với ai đó – một người có chức vụ cao và nhiều kinh nghiệm hơn bạn rằng: anh/ chị làm sai rồi, người đó có thể cảm thấy bị xúc phạm. Từ đó, thay vì nhìn nhận vấn đề một cách khách quan để phát hiện khiếm khuyết, anh ấy/ cô ấy sẽ chỉ cố gắng tìm cách để bảo vệ quan điểm của mình và chứng minh rằng bạn đang “trứng đòi khôn hơn vịt”.
👉 Xem thêm: Trái ý sếp! Có nên không? Nghệ thuật giao tiếp với sếp thông minh
5 bước cần làm khi bạn nghĩ rằng “sếp sai”
Vậy phải làm gì khi bạn thực sự cho rằng sếp sai và quyết định của anh ấy/ cô ấy có thể ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của công ty. Dưới đây là những gì bạn cần làm.
Bước 1: Thay đổi tư duy
Thay vì nghĩ rằng sếp phạm sai lầm, bạn nên thay đổi tư duy rằng: bạn chưa hiểu vấn đề và muốn làm rõ hơn quyết định của sếp. Khi suy nghĩ thay đổi, cách mà bạn nói chuyện với sếp cũng sẽ trở nên khác biệt.
Nếu nhận định ai đó sai, chúng ta thường không tự chủ được dùng ngôn ngữ để chứng minh mình đúng. Trong trường hợp nói chuyện với sếp, điều này giống như bạn đang cố gắng tỏ ra bạn giỏi hơn đối phương.
Ngược lại, nếu nghĩ rằng mình chưa hiểu vấn đề, hầu hết chúng ta sẽ sử dụng ngôn ngữ của vai dưới để nói chuyện. Điều đó khiến sếp cảm thấy được tôn trọng và cho rằng mình đang chia sẻ kiến thức, hướng dẫn cấp dưới thay vì bị chất vấn. Lúc này, sếp sẽ thoải mái khi trao đổi vấn đề với bạn.
Bước 2: Chuẩn bị đầy đủ thông tin
Trước khi bước vào cuộc nói chuyện với sếp để làm rõ quyết định của anh ấy/ cô ấy, bạn cần chuẩn bị đầy đủ thông tin. Trong quá trình tìm hiểu, rất có thể bạn sẽ thấy rằng những điều sếp bạn làm là đúng. Và tất nhiên sẽ không có buổi trao đổi nào sau đó.
Ngược lại, nếu dữ liệu bạn thu thập được vẫn cho thấy quyết định của sếp có gì đó bất ổn, thì tất nhiên nó sẽ trở thành thông tin để bạn nói với sếp trong cuộc họp.
👉 Xem thêm: Cách giải quyết bất đồng quan điểm với sếp trong công việc?
Bước 3: Chọn đúng thời điểm để trao đổi với sếp
Chọn đúng thời điểm để nói chuyện với sếp là điều rất quan trọng. Đừng mong đợi rằng bạn có thể mở cửa phòng sếp bất cứ lúc nào với một danh sách các vấn đề khiến bạn cho rằng “sếp sai”. Bạn cũng đừng nghĩ rằng bạn sẽ được cảm ơn khi chỉ ra lỗi sai của sếp trong một buổi họp đông người.
Tốt hơn hết, bạn nên xin sếp một cuộc hẹn riêng khoảng 15 – 30 phút để trao đổi về các công việc mà bạn cần thực hiện liên quan đến quyết định của anh ấy/ cô ấy.
Bước 4: Nói chuyện với sếp một cách chân thành và cởi mở
Như tôi đã nói ngay từ đầu, có thể người sai chính là bạn. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải trao đổi một cách chân thành và cởi mở; tuyệt đối đừng sử dụng ngôn ngữ công kích. Khi bạn có thái độ tốt, tất nhiên, sếp cũng sẽ không tỏ ra khó chịu với bạn.
Và nếu bạn muốn cùng sếp tìm hiểu rằng anh ấy/ cô ấy có thực sự mắc sai lầm hay không, tôi có một bí quyết dành cho bạn: HÃY HỎI, ĐỪNG NÓI.
Theo đó, khi trao đổi với sếp, bạn hãy tỏ ra thật tò mò và thường xuyên đặt các câu hỏi “tại sao” để thăm dò quan điểm của đối phương. Những câu hỏi bắt đầu với từ “tại sao” thường giúp chúng ta đào sâu và hiểu vấn đề kỹ càng hơn. Bằng cách trả lời các câu hỏi của bạn, sếp có thể tự khám phá ra lỗ hổng trong ý tưởng của anh ấy/ cô ấy. Như vậy, kết quả là sếp tự phát hiện vấn đề, chứ không phải bạn chứng minh rằng đối phương sai.
Hơn nữa, những câu hỏi thăm dò thường là biểu hiện của sự ham học hỏi và sếp sẽ vui mừng khi nhân viên của mình tích cực học tập như thế.
Bước 5: Báo cáo cấp cao hơn hoặc chuẩn bị rời đi nếu sếp biết sai nhưng không sửa
Sếp có thể đúng, có thể sai. Nếu sếp đúng, việc bạn cần làm lúc này là thực hiện thật tốt những việc sếp giao. Ngược lại, nếu sếp sai, sếp phải thay đổi để không gây hại cho kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Khi sếp đã nhận thấy mình sai, nhưng vẫn không chịu sửa đổi; điều bạn cần làm là báo cáo lên cấp cao hơn hoặc chuẩn bị rời đi. Nếu báo cáo lên cấp cao hơn, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
(1) Sếp trực tiếp của bạn nghỉ việc và bạn tiếp tục làm việc tại đó.
(2) Sếp của bạn bị phạt nhưng không nghỉ việc và anh ấy có thể gây khó dễ cho bạn trong thời gian sau đó; lúc này điều bạn cần làm vẫn là tìm bến đỗ mới.
👉 Xem thêm: Nghệ thuật giao tiếp: 15 mẹo đơn giản giúp mọi người yêu quý bạn
Kết luận:
Giao tiếp với sếp đã khó, nói “sếp sai rồi” lại càng khó hơn và chứng minh lỗi sai của sếp có thể khiến bạn đối mặt với tình trạng mất việc. Dẫu vậy, đừng bao giờ im lặng, sự im lặng trước sai lầm không chỉ gây hại cho công ty mà còn ngăn cản sự phát triển của chính bạn.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)