Con người chúng ta cần rất nhiều kỹ năng để phát triển và hoàn thiện bản thân, trong số đó có tư duy phản biện. Vậy bạn đã thực sự hiểu tư duy phản biện là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn trong nội dung bài viết nhé.
- 1. Tư duy phản biện là gì?
- 2. Tại sao cần có tư duy phản biện?
- 3. Các loại tư duy phản biện
- 4. Các cấp độ của tư duy phản biện
- 5. 5 kỹ năng tư duy phản biện giúp bạn thông minh hơn
- 6. Cách rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện
- 6.1 Luôn kiểm tra thông tin với con mắt thận trọng
- 6.2 Nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ
- 6.3 Lắng nghe tích cực
- 6.4 Thu thập thông tin bổ sung nếu cần
- 6.5 Đặt nhiều câu hỏi mở
- 6.6 Tìm các nguồn thông tin uy tín
- 6.7 Đặt dấu hỏi cho những tin tức trên mạng xã hội
- 6.8 Học cách phát hiện tin tức giả
- 6.9 Hãy đặt câu hỏi về thành kiến của bạn
- 6.10 Hình thành ý kiến của riêng bạn
- 7. Top 10 sách hay về tư duy phản biện
1. Tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện là gì? Là một khái niệm phong phú đã được phát triển trong suốt hơn 2000 năm qua. Thuật ngữ “tư duy phản biện” có nguồn gốc từ giữa cuối thế kỷ 20. Rất nhiều người cho rằng chỉ có kỹ năng này thì mới có thể hoàn thiện bản thân và thành công. Thế nhưng, phần lớn mọi người đều chưa thật sự hiểu bản chất của nó là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất thì tư duy phản biện là quá trình phản biện gồm các bước như: phân tích, đánh giá. Từ những thông tin tiếp nhận đó sẽ đưa ra câu hỏi, chất vấn về giả thiết của vấn đề ban đầu. Tóm lại, bạn có thể hiểu như sau:
- Là sự tiếp nhận và khả năng bao quát thông tin.
- Thực hiện phân tích và đánh giá hệ tư tưởng được tiếp nhận.
- Thực hiện đánh giá và chất vấn về giả thiết ban đầu.
Theo cách hiểu trong triết học, tư duy phản biện còn được hiểu là:
- Khả năng suy nghĩ và tư duy rõ ràng của con người.
- Khả năng giao tiếp và diễn đạt, lập luận vấn đề chính xác nhất.
Kỹ năng tư duy phản biện cho phép bạn hiểu và giải quyết các tình huống dựa trên tất cả các dữ kiện và thông tin có sẵn. Sử dụng tư duy phản biện bao gồm việc sắp xếp các dữ kiện, dữ liệu và phân tích để xác định vấn đề, phát triển các giải pháp hiệu quả.
Có thể nói tư duy phản biện sẽ thúc đẩy quá trình suy nghĩ của các cá nhân và nó còn làm nâng cao khả năng phản biện của môi người. Tư duy phản biện còn được ví như một chiếc nam châm hướng bạn đến những mục đích đúng đắn.
Bạn có thể tham khảo một ví dụ cụ thể về tư duy phản biện như sau:
- A nói: 5 + 5 = 10, B nói 5 + 5 = 11, thì đây không phải tư duy phản biện.
- A nói rằng “trong tháng này C chưa hoàn thành tốt các công việc được giao”. B lại nói rằng “C là một nhân viên tốt, gương mẫu trong công việc. Do C chưa có nhiều kinh nghiệm cũng mới làm quen công việc nên tốc độ còn chưa nhanh bằng các bạn khác. Thế nhưng C đều đã hoàn thành công việc được giao.” Đây mới là tư duy phản biện vì B đang nói dựa trên những lý lẽ và bằng chứng thực tế.
2. Tại sao cần có tư duy phản biện?
Tư duy phản biện là điều cần thiết trong mọi ngành nghề, ở mọi cấp độ nghề nghiệp. Những người có tư duy phản biện tốt có thể làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm rất hiệu quả. Một khi bạn có suy nghĩ độc lập, không dựa dẫm, ỷ lại vào quan điểm của người khác thì lúc này bạn đã có thể quan sát, đưa ra ý kiến cá nhân. Cũng nhờ vậy mà bạn có được sự tự tin, khả năng học hỏi từ sai lầm, đem đến hiệu quả cao trong công việc.
2.1 Kích thích tinh thần học hỏi
Một người có khả năng này chắc chắn sẽ không ngừng học hỏi điều mới trong cuộc sống. Họ luôn tò mò và ham muốn khám phá những thứ bản thân chưa biết đến. Hàng loạt câu hỏi vì sao được sinh ra và tư duy phản biện sẽ kích thích họ đi tìm câu trả lời.
2.2 Khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác
Cuộc sống hàng ngày khiến chúng ta phải tự đưa ra hàng ngàn quyết định lớn nhỏ. Có những quyết định khó khăn buộc bạn phải suy nghĩ nhiều hơn và đưa ra lựa chọn đúng đắn. Lúc này, tư duy phản biện sẽ giúp cho bạn có suy nghĩ độc lập sáng suốt và có thể nhận định vấn đề dựa trên kinh nghiệm bản thân.
2.3 Hình thành những lập luận thuyết phục
Tư duy phản biện cho phép bạn tạo ra một lập luận thuyết phục dựa trên bằng chứng thực tế. Nó cho phép bạn trình bày một quan điểm khách quan thông qua tất cả các góc độ.
Lập luận chỉ thể hiện quan điểm mà không có bằng chứng thường dễ dàng bị loại bỏ. Kỹ năng này rất hữu ích khi viết luận, tranh luận hay thuyết phục người khác.
3. Các loại tư duy phản biện
Tư duy phản biện có thể được chia làm 2 loại chính:
- Tư duy phản biện tự điều chỉnh: là quá trình bản thân tự tranh luận với những quan điểm của chính mình trong nội tâm. Trước một vấn đề nào đó, mỗi người sẽ có những suy nghĩ, ý kiến riêng; chúng có thể đúng hoặc sai. Người có tư duy phản biển tự điều chỉnh sẽ tự đánh giá, phản bác lại các ý kiến đó để tự hoàn thiện và đưa ra ý kiến phản biện mà bản thân cảm thấy hoàn chỉnh nhất.
- Tư duy phản biện ngoại cảnh: Mỗi cá nhân đều có cách suy nghĩ, lập luận khác nhau; từ đó hình thành quan điểm, ý kiến lệch nhau và có thể lệch đi so với chân lý. Tư duy ngoại cảnh hình thành để giải quyết vấn đề đó theo trình tự 3 bước: nhận thức – đánh giá – phản biện vấn đề.
4. Các cấp độ của tư duy phản biện
Tư duy phản biện trải qua 6 cấp độ từ không nhận biết được những vấn đề trong suy nghĩ đến trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.
4.1 Cấp độ 1: The Unreflective Thinker
Trong giai đoạn này, chúng ta không nhận biết được những vấn đề trong tư duy của mình. Do đó, ý kiến và quyết định của chúng ta thường được đưa ra dựa trên những định kiến và quan niệm sai lầm.
The Unreflective Thinker thiếu các kỹ năng quan trọng để đánh giá suy nghĩ của bản thân.
4.2 Cấp độ 2: The Challenged Thinker
Bước sang giai đoạn thứ 2, chúng ta đã thừa nhận suy nghĩ của mình không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, chúng ta thường chưa xác định được tất cả các vấn đề. Cũng trong lúc này, con người biết rằng những sai lầm trong suy nghĩ có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng.
Các nhà tâm lý học nhấn mạnh, để giải quyết một vấn đề, trước hết bạn phải thừa nhận rằng vấn đề đó đang tồn tại trong bạn.
4.3 Cấp độ 3: The Beginning Thinker
Trong giai đoạn thứ 3, chúng ta cảm thấy như mình đang bơi trong biển vấn đề và chúng ta cố gắng cải thiện tư duy nhưng không thường xuyên. Chính ở giai đoạn này, nền móng của tư duy phản biện đã được hình thành.
4.4 Cấp độ 4: The Practicing Thinker
Ở giai đoạn này, chúng ta chẳng những nhận thấy các khiếm khuyết của bản thân mà còn có kỹ năng để đối phó với chúng. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa hiểu được suy nghĩ của mình một cách hệ thống và có thể trở thành con mồi việc “tự lừa dối bản thân”.
Theo các nhà khoa học, một người thường không đến được giai đoạn này cho đến khi học đại học.
4.5 Cấp độ 5: The Advanced thinker
Khi bước vào giai đoạn 5, chúng ta cảm thấy thoải mái với việc tự phê bình và thường xuyên tìm cách cải thiện những vấn đề trong tư tưởng. Các đặc điểm chính trong cấp độ này là:
- Trí tuệ sáng suốt: để phát triển thói quen suy nghĩ mới.
- Trí tuệ liêm chính: để nhận ra những điều mâu thuẫn trong tư tưởng, hành vi và cuộc sống.
- Sự đồng cảm: để đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu họ.
- Dũng khí: để đối đầu với những ý tưởng và niềm tin sai lầm.
4.6 Cấp độ 6: The Master Thinker
Trong giai đoạn này, tư duy phản biện đã trở thành thói quen. Chúng ta đã có khả năng hoàn toàn kiểm soát cách bản thân xử lý thông tin và đưa ra quyết định. Chúng ta cũng liên tục tìm cách cải thiện kỹ năng tư duy; kiểm tra lại các giả định để tìm ra điểm yếu, thành kiến đang tồn tại trong suy nghĩ của mình.
5. 5 kỹ năng tư duy phản biện giúp bạn thông minh hơn
Tư duy phản biện bao gồm những kỹ năng nhỏ vô cùng quan trọng. Chúng không chỉ hoàn thiện tư duy phản biện mà còn giúp bạn định hướng suy nghĩ một cách thông minh hơn. Rèn luyện những kỹ năng này và đừng quên “show” ra trong CV hay buổi phỏng vấn nữa nhé.
5.1 Kỹ năng quan sát
Kỹ năng quan sát là điểm khởi đầu cho tư duy phản biện. Những người tinh ý có thể nhanh chóng cảm nhận và xác định một vấn đề. Một khi có kỹ năng quan sát họ cũng có khả năng hiểu vấn đề ở đâu và tại sao. Họ thậm chí có thể dự đoán khi nào một vấn đề có thể xảy ra dựa trên kinh nghiệm.
Cải thiện kỹ năng quan sát của bạn bằng cách giảm tốc độ xử lý thông tin và chú ý hơn đến môi trường xung quanh. Hãy lắng nghe nhiều hơn, suy nghĩ kỹ hơn về sự vật, sự viện. Sau đó, chọn lọc những dữ liệu, thông tin hữu ích có thể giúp bạn giải quyết vấn đề.
5.2 Kỹ năng phân tích
Khi một vấn đề đã được xác định, kỹ năng phân tích trở nên cần thiết. Khả năng phân tích, đánh giá một tình huống khi biết những dữ kiện, dữ liệu là rất quan trọng. Điều này cũng bao gồm việc thu thập các nghiên cứu, đặt các câu hỏi về dữ liệu để đảm bảo tính chính xác và đánh giá một cách khách quan.
Cải thiện kỹ năng phân tích của bạn bằng cách tiếp thu những kinh nghiệm, kiến thức mới. Ví dụ: bạn có thể đọc một cuốn sách về một khái niệm mà bạn chưa biết đến, thúc đẩy bản thân suy nghĩ theo cách mới và có những ý tưởng mới. Điều đó giúp bạn xây dựng kỹ năng diễn giải thông tin để đưa ra quyết định hợp lý dựa trên phân tích hợp lý.
5.3 Kỹ năng suy luận
Suy luận là một kỹ năng liên quan đến việc đưa ra kết luận về thông tin bạn thu nhận. Bạn có thể phải có kiến thức hoặc kinh nghiệm về kỹ thuật hoặc ngành cụ thể. Khi bạn đưa ra suy luận, điều đó có nghĩa là bạn đang phát triển câu trả lời dựa trên thông tin hạn chế. Ví dụ: một thợ sửa xe có thể cần phải suy đoán điều gì khiến động cơ ô tô bị dừng vào những thời điểm dường như ngẫu nhiên dựa trên thông tin có sẵn.
Cải thiện kỹ năng suy luận của bạn bằng cách tập trung vào việc đưa ra các phỏng đoán có căn cứ hơn là vội vã kết luận. Điều này đòi hỏi bạn phải tìm kiếm cẩn thận và xem xét càng nhiều căn cứ càng tốt (chẳng hạn như hình ảnh, dữ liệu hoặc báo cáo).
5.4 Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp rất quan trọng khi cần giải thích, phân tích về các vấn đề cũng như giải pháp khả thi. Không chỉ trong các cuộc thảo luận nội bộ mà còn giúp bạn thuyết phục khách hàng, đối tác.
Cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn dựa trên tư duy phản biện bằng cách tham gia vào các cuộc tranh luận. Ví dụ, trong các tình huống khi bạn và người tham gia khác có thể không quan điểm. Ngoài ra, bạn nên duy trì các thói quen giao tiếp tốt, chẳng hạn như lắng nghe và tôn trọng. Nếu cần nêu ý kiến đối lập thì hãy giải thích ý tưởng của bạn một cách bình tĩnh, hợp lý.
5.5 Kỹ năng giải quyết vấn đề
Sau khi bạn đã xác định và phân tích một vấn đề, chọn giải pháp, bước cuối cùng là thực hiện giải pháp của bạn. Tư duy phản biện giúp thực hiện giải pháp tốt nhất và xem xét tính hiệu quả của nó.
Cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn bằng cách đặt mục tiêu rõ ràng, hợp lý. Giải quyết vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn thực sự hiểu mọi thông tin liên quan.
6. Cách rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện
Bạn hãy thực hành những mẹo dưới đây mỗi ngày để cải thiện kỹ năng tư duy phản biện của mình, bạn nhé!
6.1 Luôn kiểm tra thông tin với con mắt thận trọng
Hãy kiểm tra mọi thông tin mà bạn đang tiếp nhận. Bạn nên tự trả lời cho câu hỏi “Thông tin này có đầy đủ và cập nhật không?”, “Bằng chứng nào được sử dụng để chứng minh điều đó?”.
6.2 Nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ
Mọi người đều có quan điểm của riêng mình. Ngay cả những nhà bác học đưa ra những lập luận có vẻ hợp lý cũng có những quan điểm và thành kiến cá nhân định hình suy nghĩ của họ. Vì vậy, khi nghe, thấy một thông tin nào đó, bạn hãy cố gắng nhìn nhận vấn đề dưới những góc độ khác.
6.3 Lắng nghe tích cực
Lắng nghe cẩn thận những gì người khác nói sẽ giúp bạn xây dựng một bức tranh rõ ràng về quan điểm của họ. Bạn hãy cố gắng lắng nghe mà không phán xét – hãy nhớ rằng, tư duy phản biện là giữ tư duy cởi mở.
6.4 Thu thập thông tin bổ sung nếu cần
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy băn khoăn, nghi ngờ về những điều bạn đọc được/nghe thấy; bạn nên tự nghiên cứu để có thêm thông tin và tự giải đáp thắc mắc của mình.
6.5 Đặt nhiều câu hỏi mở
Sự tò mò là đặc điểm chính của những người có tư duy phản biện. Vì vậy, hãy để đứa trẻ trong bạn thức dậy và đặt ra thật nhiều câu hỏi.
6.6 Tìm các nguồn thông tin uy tín
Bạn nên đọc thông tin từ những nguồn chính thống; tránh nội dung ẩn danh hoặc nội dung đến từ những người/trang tin có nhiều tranh cãi.
Bạn cũng cần lưu ý luôn kiểm tra các thông tin mà mình nhận được. Hãy nhớ rằng, thông tin cũ có thể chỉ đúng tại thời điểm nó được công bố và không phù hợp với thời điểm hiện tại.
6.7 Đặt dấu hỏi cho những tin tức trên mạng xã hội
Nếu bạn thấy một điều gì đó được chia sẻ trên Facebook, Tiktok,… đừng tin tưởng vào nó ngay lập tức. Hãy kiểm tra độ chính xác của câu chuyện trước khi chia sẻ nó.
6.8 Học cách phát hiện tin tức giả
Không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện ra nội dung sai lệch hoặc gây hiểu lầm. Nhưng một nguyên tắc chung mà bạn có thể áp dụng cho mọi trường hợp là xem xét ngôn ngữ, cảm xúc và giọng điệu của người nói/bài viết. Đừng quá tin tưởng vào những bài viết mang tính cảm xúc và cố gắng điều hướng suy nghĩ của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét các nguồn dữ liệu, số liệu, hình ảnh và trích dẫn.
6.9 Hãy đặt câu hỏi về thành kiến của bạn
Mọi người đều có thành kiến và bạn cũng thế. Để phát triển tư duy phản biện, bạn nên suy nghĩ một cách khách quan về những điều bạn thích, không thích và niềm tin của bạn. Tiếp đó, bạn hãy xem xét những điều này có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn như thế nào.
6.10 Hình thành ý kiến của riêng bạn
Tư duy phản biện là suy nghĩ một cách độc lập. Vì vậy, khi bạn đã đánh giá tất cả các thông tin, hãy hình thành kết luận của riêng bạn về vấn đề đó.
7. Top 10 sách hay về tư duy phản biện
Trong phần này, JobsGO sẽ giới thiệu với bạn top 10 sách về tư duy phản biện được nhiều người đánh giá tốt nhất.
- Tư duy phản biện – Zoe Mckey: Cuốn sách này được coi là chìa khóa để bạn thoát khỏi lối suy nghĩ bế tắc và giải quyết các vấn đề khó khăn một cách hiệu quả.
- Kỹ năng tư duy phản biện của người Nhật – Kanagawa Akinori: Cuốn sách này cung cấp cho bạn một phương thức tư duy mới lạ. Bạn sẽ tạo được thói quen đặt câu hỏi và có cái nhìn khách quan về cách sự vật, hiện tượng.
- Tư duy nhanh và chậm – Daniel Kahneman: Bạn tư duy nhanh hay chậm? Bạn đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc hay tư duy. “Tư duy nhanh và chậm” của Daniel Kahneman sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về 2 hệ tư duy tác động đến con đường nhận thức của con người.
- Phá tan sự ngụy biện – M.Neil Browne & Stuart M.Keeley: Sách này giúp bạn hiểu sâu những giả định, quy trình ẩn sau những ý kiến, tư tưởng mà bạn cần tương tác. Qua đó, bạn có thể thấu suốt bí mật của ngôn từ, những sự giả định hay ngụy biện và có thể đưa ra lập luận chặt chẽ.
- Bạn không thông minh lắm đâu – David McRaney: Bạn cảm thấy mình giỏi khi chơi thắng các trò chơi? Bạn luôn tin rằng mình sẽ chiến thắng khi có cơ hội? Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ biết được một sự thật là bạn khá kém trong việc đánh giá khả năng của bản thân cũng như độ khó về một công việc phức tạp.
- Lối mòn của tư duy cảm tính – Ori & Rom: Đây là một cuốn sách hay nhưng “khó nuốt” vì nó cung cấp rất nhiều thông tin. Trong mỗi chương sách, thông qua các sự kiện cụ thể và các nghiên cứu đã được thực hiện, 2 tác giả phân tích cho chúng ta những hiện tượng tâm lý, những lối mòn tư duy và hành vi cảm tính mà chúng ta có thể mắc phải. Những lối mòn tư duy cảm tính này tác động đến cách mà chúng ta hành động. Và kết quả của nó đôi khi không hề tốt đẹp.
- Cẩm nang tư duy phản biện – Richard Paul & Linda Elder: Cuốn sách này tập trung vào bản chất, kỹ năng tư duy phản biện. Những kỹ năng chung của cẩm nang được áp dụng cho mọi chủ đề. Khi sử dụng nguyên tắc này một cách thuần thục, bạn sẽ đạt được thành công.
- Nghệ thuật tư duy rành mạch – Rolf Dobelli: Cuốn sách rèn tư duy phản biện, giúp bạn thay đổi suy nghĩ, hạn chế những quyết định vội vàng. Ngoài ra, nó còn giúp bạn đưa ra các quyết định sáng suốt trong mọi trường hợp.
- Kỹ năng tư duy logic – Shibamoto Hidenori: Thay vì đưa ra những lời truyền cảm hứng khiến bạn “ảo tưởng” rằng mình đã tốt lên, cuốn sách này hướng dẫn kỹ năng tư duy một cách rất chi tiết và tỉ mỉ. “Kỹ năng tư duy logic” được viết để làm sáng tỏ những thắc mắc “Làm thế nào để tư duy tốt?” hay “Phải luyện tập tư duy như thế nào?”.
- Tư duy biện luận – Nghĩ hay hơn hay nghĩ – Đỗ Thị Diệu Ngọc & Nguyễn Huy Cường: Nội dung được trình bày trong cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn kiến thức nền tảng nhất: khái niệm, yếu tố căn bản của lập luận và những lỗi ngụy biện phổ biến. Cùng với đó, cuốn sách cũng hướng dẫn bạn phương pháp rèn luyện tư duy qua những tình huống đa dạng, sinh động trong đời sống.
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu rất nhiều khía cạnh về tư duy phản biện là gì? Hãy hình thành cho mình thói quen và thực hành về tư duy phản biện để giải quyết vấn đề đúng đắn hơn.
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)