Hiện nay, mạng xã hội là một trong những công cụ vô cùng hữu ích không chỉ với các cá nhân mà còn cả doanh nghiệp. Thế nhưng, rất nhiều tổ chức lại không mấy quan tâm và mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi tiếp cận, sử dụng các thành tựu công nghệ này. Và trong bài viết dưới đây, JobsGO sẽ chia sẻ đến bạn đọc 5 sai lầm trên mạng xã hội doanh nghiệp cần tránh, cùng theo dõi nhé.
Mục lục
Từ chối tham gia mạng xã hội
Trong thời đại công nghệ phát triển, khi ứng viên thấy tin tuyển dụng hay nhận được một email, cuộc gọi mời phỏng vấn, họ sẽ có thói quen tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp trước. Điều này giúp họ có thể hiểu rõ hơn về lĩnh vực hoạt động, văn hóa doanh nghiệp, từ đó xem xét bản thân mình có thực sự phù hợp với môi trường hay không?
Do đó, việc từ chối tham gia mạng xã hội là một sai lầm khá lớn, khiến các doanh nghiệp không nhận được nhiều sự quan tâm từ ứng viên. Để có thể tuyển dụng được một nhân viên giỏi, tài năng, đặc biệt là nhân sự trẻ, các doanh nghiệp sẽ cần phải tạo được ấn tượng ban đầu tốt, trước hết là qua mạng xã hội. Đây cũng chính là lý do tại sao nhiều công ty còn xây dựng thêm trang tuyển dụng riêng, bên cạnh trang chính chủ trên mạng xã hội. Thậm chí, có những nhà lãnh đạo cũng dùng mạng xã hội để quảng bá cho hoạt động kinh doanh, chia sẻ những kinh nghiệm và tìm kiếm nhân sự.
👉 Xem thêm: 5 sai lầm trên mạng xã hội có thể cản trở sự nghiệp của bạn
Thương hiệu không có sự nhất quán
Một sai lầm trên mạng xã hội doanh nghiệp cần tránh đó là không có sự thống nhất, nhất quán về thương hiệu. Ví dụ, tên chính thức của doanh nghiệp là “Công ty Cổ phần ABC” nhưng tên trên Facebook lại là “Công ty ABC”, còn trên Linkedin lại là “ABC chính hãng”,…
Vấn đề có thể nhận thấy ở đây là doanh nghiệp đang quá tham lam trong việc giới thiệu điểm nổi bật của công ty. Điều này khiến họ đưa ra quyết định sai lầm là đặt nhiều tên khác nhau trên mạng xã hội.
Mục tiêu quan trọng hàng đầu mà doanh nghiệp cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội đó là làm sao giúp cho ứng viên, người dùng có thể ghi nhớ được thương hiệu. Phương án an toàn nhất là doanh nghiệp nên dùng một tên chính, ngắn gọn, dễ nhớ, thống nhất trên tất cả các nền tảng mạng xã hội. Những thông tin, yếu tố đặc thù như văn hóa, kinh nghiệm, thành tích,… thì doanh nghiệp nên đưa vào các bài đăng sẽ phù hợp hơn.
👉 Xem thêm: Mạng xã hội – Cầu nối hiệu quả giữa ứng viên và nhà tuyển dụng
Không tạo được sự chân thành, gần gũi
Một tài khoản mạng xã hội đại diện cho cả một thương hiệu, một doanh nghiệp nhưng lại không đáng tin thì sẽ như thế nào?
Chắc hẳn các bạn đã quá quen thuộc với những Influencer (người có ảnh hưởng) trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram, Tiktok,… rồi phải không? Họ có thể là những người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên, người mẫu,…), họ cũng có thể là người bình thường, nhờ vào khả năng sáng tạo nội dung mà tác động đến mọi người, được biết đến rộng rãi. Vậy điều gì giúp cho họ đạt được thành công này?
Thực tế, yếu tố giúp cho những người này nổi tiếng chính là họ mang đến cảm nhận mang tính xác thực, sự tin tưởng, thể hiện bản thân mình đã được trải nghiệm về sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp hiện nay thì lại đang thiếu sót yếu tố này. Họ chỉ lập ra các trang mạng xã hội, đăng tải nội dung nhưng chưa mang lại được sự gần gũi, chân thành, dẫn đến lượng tiếp cận, tương tác kém. Để khắc phục điểm hạn chế đó, doanh nghiệp có thể dùng chính tài khoản mạng xã hội để đi “comment dạo” vào các bài đăng hữu ích, giải trí phù hợp, khiến cho người dùng, ứng viên có cảm giác là thương hiệu cũng có cá tính, điểm đặc biệt.
Số lượng bài đăng dày đặc
Có một tài khoản và hoạt động tích cực trên mạng xã hội là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, việc đăng tải quá nhiều và liên tục các bài viết không thực sự hữu ích lại là một sai lầm doanh nghiệp cần phải tránh.
Trừ khi công ty bạn đang hoạt động trong lĩnh vực giải trí, showbiz,… cần cập nhật thông tin hot hit, còn lại nếu là lĩnh vực kinh doanh, sản xuất bình thường, không có nhiều nội dung thực sự hấp dẫn, có ích cho người dùng thì không nên cập nhật quá nhiều. Điều này sẽ khiến cho mọi người cảm thấy phiền, thậm chí họ sẽ bỏ theo dõi để tránh gặp phải những bài đăng này.
Vậy nên, khi sử dụng mạng xã hội, doanh nghiệp cũng cần phải đầu tư đội ngũ nhân viên nội dung, sáng tạo những câu chuyện, hình ảnh “bắt trend”, hấp dẫn, phù hợp và có tác động tích cực đến đối tượng người dùng mình hướng tới. Mỗi ngày, doanh nghiệp chỉ cần đăng 1 – 2 bài, đúng thời điểm để bài viết trở nên ý nghĩa hơn.
👉 Xem thêm: Kết bạn với đồng nghiệp trên mạng xã hội, nên hay không?
Chia sẻ thông tin cảm tính
Đối với các doanh nghiệp, mọi thông tin được chia sẻ lên mạng xã hội sẽ cần phải đảm bảo tính chính xác, chuẩn chỉnh. Sẽ rất rắc rối nếu như bạn sử dụng tài khoản của công ty để đăng tải phát ngôn về các vấn đề chính trị, xã hội, hiện tượng,… mà ngay cả bản thân mình còn chưa nắm rõ, tất cả chỉ là cảm tính. Có rất nhiều trường hợp các công ty bị ném đá chỉ vì một cá nhân trong tổ chức dùng tài khoản công ty và mắc phải sai lầm “vạ miệng”. Chưa kể, doanh nghiệp của bạn có thể sẽ bị phạt vì vi phạm Luật An ninh mạng do đưa thông tin sai lệch.
Sử dụng mạng xã hội đối với doanh nghiệp là điều cần thiết, có thể mang đến những tác động tích cực cho hoạt động tuyển dụng hay kinh doanh. Song, đây cũng là một “con dao hai lưỡi”, nếu không biết cách áp dụng thì sẽ gây nên rất nhiều phiền toái. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với bạn đọc.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)