Truyền thông quốc tế hiện đang là một ngành học xu hướng thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Vậy bạn đã biết ngành Truyền thông quốc tế học ở đâu? Có những vị trí công việc hấp dẫn nào sau khi tốt nghiệp? Theo dõi bài viết dưới đây để có được câu trả lời nhé.
Mục lục
- 1. Tìm hiểu chung về ngành Truyền thông quốc tế
- 2.Ngành Truyền thông quốc tế học những gì?
- 3. Ngành Truyền thông quốc tế có được ưa chuộng?
- 4. Cách xác định bạn có phù hợp với ngành Truyền thông quốc tế
- 5. Ngành Truyền thông quốc tế thi khối gì?
- 6. Học Truyền thông quốc tế tại trường nào?
- 7. Học ngành Truyền thông quốc tế ra trường làm gì?
- 8. Mức lương dành cho ngành Truyền thông quốc tế
1. Tìm hiểu chung về ngành Truyền thông quốc tế
Ngành Truyền thông quốc tế là một mảng thuộc lĩnh vực Truyền thông với mục đích quảng bá, truyền tải thông tin đến các nhóm đối tượng đa quốc gia, xuyên biên giới. Để làm tốt những mục tiêu của ngành, người học không chỉ nắm vững kiến thức trên trường, lớp mà còn phải am hiểu các khía cạnh khác như văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế,… Hoạt động này được thực hiện thông qua sự tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên quốc tế hay nhà Truyền thông.
2.Ngành Truyền thông quốc tế học những gì?
Tương tự như sinh viên hầu hết các trường Đại học hiện nay, sinh viên ngành Truyền thông quốc tế học các môn thuộc nhiều khối kiến thức khác nhau như sau:
- Khối kiến thức giáo dục đại cương bao gồm các môn:
- Khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (Triết học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam,…).
- Khoa học xã hội và nhân văn (Pháp luật đại cương, Chính trị học, Xây dựng Đảng,…).
- Tin học ứng dụng.
- Ngoại ngữ tự chọn (Tiếng Anh hoặc Tiếng Trung).
- Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp:
- Khối kiến thức cơ sở ngành: Lý thuyết Truyền thông, Đối ngoại công chúng, Công chúng báo chí – Truyền thông, Quan hệ công chúng và quảng cáo,…
- Kiến thức ngành: Cơ sở Truyền thông quốc tế, Giao tiếp và đàm phán quốc tế, Thông tin đối ngoại Việt Nam, Lý luận báo chí quốc tế, Luật pháp quốc tế, Chính luận báo chí đối ngoại,…
- Kiến thức bổ trợ: Tiếng Anh chuyên ngành, Biên phiên dịch Tiếng Anh chuyên ngành.
- Khối kiến thức chuyên ngành: Các loại hình Truyền thông quốc tế, Quản trị Truyền thông quốc tế, Lao động nhà báo quốc tế, Tổ chức hoạt động đối ngoại, Kỹ năng giao tiếp liên văn hóa,…
3. Ngành Truyền thông quốc tế có được ưa chuộng?
Với nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế như hiện nay, ngành Truyền thông quốc tế dần trở thành xu hướng. Mang nhiệm vụ cung cấp cho đất nước và xã hội nhân sự cao trong các ngành thông tin đối ngoại, báo chí, Truyền thông, ngoại giao văn hóa,… ngành học này không chỉ là xu thế được ưa chuộng mà còn có chỗ đứng vững chắc đối với các Bộ, Ban, Ngành, doanh nghiệp,…
Hơn hết, khi Việt Nam dần có tiếng nói trong khu vực và quốc tế, ngành Truyền thông quốc tế càng được khẳng định được tầm quan trọng và vị thế. Điểm chuẩn ngành học liên tục tăng trong những năm gần đầy càng thể hiện nhu cầu và mong mỏi tìm kiếm đội ngũ nhân lực chất lượng phát triển các hoạt động quảng bá, truyền tải thông tin xuyên quốc gia,… của Việt Nam.
4. Cách xác định bạn có phù hợp với ngành Truyền thông quốc tế
Truyền thông quốc tế là ngành học đem đến cho bạn cơ hội làm việc trong các môi trường đa dạng văn hóa. Do vậy, nếu là người hướng ngoại, yêu thích giao tiếp thông qua ngôn ngữ nói, viết hoặc hình ảnh thì bạn vô cùng phù hợp với ngành Truyền thông quốc tế.
Ngoài ra, có khả năng hòa nhập nhanh, phối hợp ăn ý trong làm việc nhóm cũng như am hiểu văn hóa, kỹ năng ngoại ngữ cũng là yếu tố xác định bạn có phù hợp với ngành Truyền thông quốc tế hay không.
5. Ngành Truyền thông quốc tế thi khối gì?
Nắm bắt được ngành Truyền thông quốc tế thi khối gì là yếu tố quan trọng giúp bạn có định hướng và chuẩn bị kỹ càng nhất trước kỳ thi THPTQG. Hiện nay, các trường đào tạo ngành Truyền thông quốc tế tại nước ta chấp nhận kết quả xét tuyển thuộc 5 khối bao gồm:
- Khối A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh).
- Khối D01 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh).
- Khối D02 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Nga).
- Khối D72 (Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh).
- Khối D78 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh).
6. Học Truyền thông quốc tế tại trường nào?
Hiện nay, nước ta chỉ có hai trường Đại học công lập đào tạo ngành Truyền thông quốc tế là Học viện Ngoại giao và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Dưới đây là điểm chuẩn của trường trong các năm gần nhất, bạn có thể tham khảo và chuẩn bị:
Tên trường | Tổ hợp | Điểm chuẩn 2020 | Điểm chuẩn 2021 | Điểm chuẩn 2022 |
Học viện Ngoại giao | D03, D04, A01, D01 | 26 – 27 | – | – |
A00, A01, D01, C00, D03, D04 | – | 27,9 | – | |
A01, D01, D06, D07, D03, D04, C00 | – | – | 25,5 – 27,5 | |
Học viện Báo chí và Tuyên truyền | D72, D01, R24, R25, R26 | 33,75 – 36,25 | – | – |
D01, R24, D72, R25, D78, R26 | – | 35,35 – 36,85 | – | |
D01, R22, D72, R25, D78, R26 | – | – | 35,49 – 36,99 |
7. Học ngành Truyền thông quốc tế ra trường làm gì?
Ngành Truyền thông quốc tế rộng lớn với hàng ngàn lựa chọn cả thị trường trong nước và quốc tế. Với kiến thức cùng kỹ năng ngành học cộng thêm kiến thức liên quan (như luật, luật quốc tế, kinh tế quốc tế,…) cùng khả năng ngoại ngữ, sinh viên ngành Truyền thông quốc tế có cơ hội việc làm như:
- Đảm nhiệm vị trí Truyền thông, đối ngoại, trao đổi hợp tác văn hóa,… của các cơ quan trung ương, Bộ, ngành,…
- Làm phóng viên, biên tập viên, bình luận viên tạo các đài truyền hình, tổ chức Truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế,…
- Công tác tại các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác nhau có hợp tác quốc tế, liên doanh hoặc hợp tác nước ngoài tại Việt Nam.
- Học chuyên sâu, nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo Truyền thông quốc tế tại Việt Nam hoặc các quốc gia khác trên thế giới.
- Chuyên viên Truyền thông, quản lý, giám đốc Truyền thông,… tại các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế, liên kết quốc tế.
8. Mức lương dành cho ngành Truyền thông quốc tế
Hiện nay, mức thu nhập ngành Truyền thông quốc tế tại Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với mặt bằng các ngành trong cùng lĩnh vực. Bởi đây là ngành học hot, có xu hướng tăng trưởng nhanh bởi nhu cầu tuyển dụng truyền thông cao trong khi số lượng ngành đào tạo lại ít.
Theo các cuộc khảo sát của các trường Đại học, mức lương khởi điểm sinh viên ngành Truyền thông quốc tế nhận sau khi tốt nghiệp có thể dao động từ 8 – 14 triệu đồng. Khi có kinh nghiệm hơn, mức này có thể chạm ngưỡng 20 triệu đồng/tháng. Và ở trình độ chuyên môn cao như cấp quản lý, mức thu nhập ngành Truyền thông quốc tế có đạt mức 25 – 50 triệu đồng tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp.
Bài viết cung cấp thông tin giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về ngành Truyền thông quốc tế cũng như xu hướng, cơ hội phát triển trong tương lai. Nếu thực sự có đam mê, bạn hãy lên kế hoạch và bắt đầu ngay để chạm tới ước mơ nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)