Hypothesis là gì? Đây là một phần rất quan trọng của bài nghiên cứu khoa học. Để hiểu rõ hơn về thuật ngữ này cũng như các thông tin liên quan, mời bạn đọc theo chân JobsGO nhé.
Mục lục
1. Hypothesis là gì?
Hypothesis dịch ra tiếng Việt nghĩa là giả thuyết. Đây là những giả định, dự báo, nhận định, quan điểm rút ra từ các kết quả quan sát, phân tích lý thuyết. Hypothesis có thể biểu thị chính xác và kiểm định bằng những số liệu thực nghiệm.
Ví dụ: Bạn thấy rằng vừa sạc điện thoại vừa sử dụng sẽ mất 4 tiếng để đầy pin. Còn không sử dụng điện thoại thì chỉ mất 2,5 tiếng để sạc đầy pin. Như vậy, giả thuyết bạn đưa ra là: tắt điện thoại sẽ sạc pin nhanh hơn.
Trong lĩnh vực kinh tế học, hypothesis được hình thành từ quá trình suy diễn logic, dựa trên cơ sở tập hợp những hiểu biết sâu sắc, giả định về hành vi của con người.
2. Tính chất của hypothesis
Tính chất của hypothesis là luôn thảo luận, bàn về các biến số (đối tượng, khái niệm, sự kiện,…), các yếu tố đang thử nghiệm hay bất cứ thứ gì bạn quan sát được. Trong đó, có 2 loại biến số chính là biến độc lập và biến phụ thuộc:
- Biến độc lập: đây là những gì bạn bạn thay đổi cho thử nghiệm của mình.
- Biến phụ thuộc: đây là những thứ mà bạn có thể quan sát.
Hiện nay, hypothesis trở thành một phần vô cùng quan trọng của bài nghiên cứu khoa học. Nó giúp xác định phương hướng, cách thức tổ chức phương pháp nghiên cứu.
3. Các loại hypothesis phổ biến
Có rất nhiều loại hypothesis khác nhau, trong đó thông dụng nhất là 7 loại dưới đây:
3.1 Giả thuyết đơn giản
Loại giả thuyết này đề cập đến những mối quan hệ chỉ có 2 biến số gồm 1 độc lập và 1 phụ thuộc.
Ví dụ: Nếu bạn ngủ sớm thì sẽ thấy nhiều năng lượng, phấn chấn hơn vào ngày hôm sau.
3.2 Giả thuyết phức tạp
Đây là loại giả thuyết có mối quan hệ nhiều hơn 2 biến số. Nó có thể là 2 biến số độc lập, 2 biến số phụ thuộc hoặc ngược lại.
Ví dụ: Người trẻ sống ở thành phố sẽ cảm thấy thích hơn là người già sống ở thành phố.
3.3 Giả thuyết vô hiệu
Giả thuyết vô hiệu hay còn được viết tắt là HO. Đây là loại giả thuyết đề cập đến vấn đề không có mối quan hệ giữa các biến số.
Ví dụ: Không có sự khác biệt về hương vị khi đựng trà sữa vào chai hoặc cốc.
3.4 Giả thuyết thay thế
Giả thuyết thay thế viết tắt là HA/H1. Loại này sẽ được sử dụng cùng với giả thuyết vô hiệu, nó nói đến những điều trái ngược và chỉ có 1 cái là đúng.
Ví dụ: Đựng trà sữa vào cốc sẽ ngon hơn là đựng vào chai.
3.5 Giả thuyết thực nghiệm
Loại giả thuyết này nói đến một vấn đề đang được thử nghiệm, nó dựa trên những dữ liệu cụ thể, chính xác.
Ví dụ: Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi WC sẽ giúp giảm mắc các loại bệnh.
3.6 Giả thuyết logic
Loại giả thuyết logic này sẽ gợi ý những mối quan hệ giữa các biến số nhưng không có bằng chứng. Các tuyên bố chỉ dựa trên sự suy đoán, suy luận và thiếu dữ liệu thực tế.
Ví dụ: Người ngoài hành tinh sẽ không thể sống ở Trái đất.
3.7 Giả thuyết thống kê
Đây là loại giả thuyết mà bạn chỉ kiểm tra 1 mẫu chung, tổng thể rồi áp dụng những bằng chứng để thống kê và đưa ra kết luận. Như vậy, thay vì kiểm tra toàn bộ, bạn chỉ kiểm tra 1 phần, còn lại sẽ dựa vào các dữ liệu đã có sẵn.
Ví dụ: Trên thế giới, có khoảng 2% dân số có mái tóc đỏ tự nhiên.
4. Yếu tố giúp tạo nên một hypothesis hoàn chỉnh
Để tạo nên một hypothesis hoàn chỉnh, bạn cần đảm bảo những nguyên tắc, yếu tố cơ bản sau:
4.1 Nguyên nhân – kết quả
Các giả thuyết sẽ luôn có các mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. Trong đó, các biến số cũng sẽ tác động, ảnh hưởng đến nhau và tạo ra sự thay đổi hoặc không (nếu giả thuyết rỗng).
Giả thuyết sẽ được phản ánh một cách rõ ràng nhất dưới dạng câu lệnh: If – Then, có nghĩa là nếu 1 biến xảy ra thì các biến khác cũng sẽ thay đổi.
4.2 Giả định, quan điểm có thể kiểm tra
Ngoại trừ giả thuyết logic thì mọi hypothesis đều có thể kiểm tra được. Chính vì vậy, trước khi đưa ra một tuyên bố giả thuyết nào đó thì bạn hãy xem xét, đảm bảo rằng có thể thử nghiệm những vấn đề mình đề cập đến.
4.3 Có biến độc lập và biến phụ thuộc
Trong giả thuyết, bạn cần phải xác định các biến độc lập, phụ thuộc để mọi người có thể hiểu rõ được vấn đề. Tất nhiên, bạn không cần phải nói cụ thể từng loại biến nhưng hãy chắc chắn có đề cập đến chúng.
4.4 Ngôn ngữ phải thực tế
Một bài nghiên cứu có thể trở nên phức tạp, khó hiểu nếu bạn sử dụng ngôn ngữ không thực tế, sai hoàn cảnh và không có sự thống nhất. Vì vậy, hãy đảm bảo hypothesis thật đơn giản, rõ ràng. Bạn có thể đọc lại nhiều lần hoặc nhờ người khác đọc xem họ có hiểu hay không? Nếu có vấn đề, hãy chỉnh sửa lại cho phù hợp.
5. Cách viết hypothesis hay và thuyết phục
Muốn có được một hypothesis hay, thuyết phục, ngoài những yếu tố nêu trên, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề quan trọng cũng như cách viết theo hướng dẫn dưới đây:
5.1 Hãy đặt các câu hỏi
Cảm hứng tạo ra những thành tựu, phát minh vĩ đại trong lịch sử chính là từ sự tò mò. Vì vậy, để có được hypothesis hay, bạn hãy thử bắt đầu bằng việc đặt ra cho bản thân những câu hỏi liên quan đến xung quanh. Chẳng hạn như:
- Tại sao lại xảy ra vấn đề này?
- Tại sao lại có những thứ xung quanh bạn?
- Có thể thay đổi được những điều bạn thấy không?
- …
Bạn hãy lựa chọn một chủ đề nghiên cứu mà mình quan tâm, thích thú để sự tò mò có thể đến một cách tự nhiên nhất.
5.2 Nghiên cứu sơ bộ
Sau khi đã chọn được chủ đề, bạn cần tiến hành bước nghiên cứu sơ bộ. Đó là bạn hãy thu thập những thông tin, dữ liệu chung liên quan đến chủ đề từ sách báo, tìm trên web,…
Ở giai đoạn này, bạn chưa cần phải đi chứng minh hay bác bỏ giả thuyết của mình mà chỉ nên tìm kiếm những gì quan trọng, giúp làm sáng tỏ vấn đề.
5.3 Xác định biến số
Trong giả thuyết cần có biến số và bạn hãy xác định đâu là biến độc lập, đâu là biến phụ thuộc. Một lưu ý cho bạn đó là các biến độc lập phải là những yếu tố mà bạn kiểm soát được tuyệt đối. Vì vậy, hãy xem xét thật kỹ những giới hạn của thử nghiệm trước khi hoàn thiện giả thuyết.
5.4 Áp dụng với câu lệnh If – Then
Bước tiếp theo đó là bạn sẽ sử dụng định dạng If – Then cho giả thuyết của mình. Mặc dù bạn có thể sẽ phải xử lý nhiều biến phức tạp, song nó là một cách hiệu quả, thể hiện được các mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.
Ví dụ: Nếu bạn cho con uống sữa mỗi ngày, con sẽ cao hơn.
5.5 Thu thập dữ liệu hỗ trợ hypothesis
Đối với một bài nghiên cứu thì kết luận là rất quan trọng. Và để đạt được điều đó, bạn sẽ cần thu thập những dữ liệu để hỗ trợ cho giả thuyết. Bạn cũng đừng quá lo lắng hay thất vọng vì kết quả chứng minh giả thuyết sai, bởi đây cũng chính là một phần của phương pháp nghiên cứu khoa học.
Xem thêm: Cách làm báo cáo thực tập chi tiết cho sinh viên
Vậy hypothesis là gì? Đó chính là giả thuyết, giả định, nhận định được rút ra từ quá trình phân tích lý thuyết hay quan sát sự vật, hiện tượng. JobsGO mong rằng những chia sẻ trên bài viết sẽ hữu ích, giải đáp được thắc mắc mà bạn đọc đang gặp phải về hypothesis nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)