HR: 06 câu hỏi phỏng vấn nên tránh

5/5 - (1 vote)

Tuyển dụng là một quyết định rất khó khăn, thời lượng phỏng vấn 1 ứng viên lại quá ngắn để tìm ra ai là nhân viên “chuẩn”. Đó là lý do việc lựa chọn câu hỏi phỏng vấn kĩ càng rất quan trọng. Dưới đây là một số câu hỏi phỏng vấn nên “tránh” và lựa chọn thay thế.

Câu hỏi 1: Bạn có chịu được áp lực công việc không?
Tại sao không nên hỏi câu này? Vì ứng viên hiển nhiên sẽ nói họ dư sức chịu áp lực công việc. Khi bạn đặt ra câu hỏi này, hẳn bạn sẽ muốn biết cách ứng viên quản lý và tổ chức thời gian ra sao, nhưng đây lại là câu hỏi gần như chẳng giúp ích gì trong việc tìm hiểu kĩ năng này của họ.

Nên hỏi: Bạn có thể chia sẻ về cách bạn quản lý thời gian cũng như các luồng công việc không?

Câu hỏi 2: Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm tới
Đây là câu hỏi quá phổ biến. Ứng viên thường đã có sẵn 1 câu trả lời bao gồm công ty trong quá trình 5 năm đó để lấy lòng. Câu hỏi này sẽ không giúp bạn biết được liệu ứng viên này có muốn cống hiến cho công ty hay không. Hãy lựa chọn cách khác hiệu quả hơn để khai thác tiềm năng ứng viên.

Nên hỏi: Điều gì khiến bạn quyết định ứng tuyển vào vị trí này?

Câu hỏi 3: Điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?
Câu hỏi này quá rộng và khó trả lời. Nếu bạn muốn biết điểm mạnh ứng viên liên quan đến công việc, hãy hỏi những câu trọng tâm và cụ thể hơn. Khi bạn để phạm vi trả lời quá rộng, ứng viên cũng sẽ trả lời qua loa thay vì các đặc tính liên quan đến vị trí.
Nên hỏi: Bạn có thể kể ra 3-4 điểm mạnh mà bạn nghĩ sẽ giúp bạn làm tốt ở vị trí này.

Câu hỏi 4: Bạn giới thiệu qua về bản thân mình được không
Lại một câu hỏi quá khái quát nữa. Ứng viên sẽ lại hoang mang nên kể cái gì, về chuyến nghỉ mát Đà Lạt hay Sapa mùa tuyết rơi? Nếu bạn cần thông tin về giáo dục và kinh nghiệm làm việc của họ thì hãy hỏi cụ thể hơn.
Nên hỏi: Bạn tóm tắt về việc học cũng như kinh nghiệm làm việc được không?

Câu hỏi 5: Bạn có thể chia sẻ một chút về công việc cũ của mình không?
Câu hỏi này vừa rộng vừa hẹp! Tại sao? Rộng vì nó có thể kéo theo quá nhiều dữ liệu để trả lời, và rất khó để biết xem ứng viên có phù hợp không. Hẹp vì nó giới hạn ứng viên chỉ có thể trả lời về trải nghiệm với công ty cũ. Nếu ứng viên muốn chứng minh họ là một người phù hợp, mà điều này lại nằm ở công việc khác họ từng làm, câu trả lời tự dưng lại bị nửa vời và bạn không có đủ thông tin.
Nên hỏi: Bạn có thể chia sẻ về khoảnh khắc bạn thấy tự hào nhất trong sự nghiệp của mình không?

Câu hỏi 6: Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Hỏi ai đó về điểm yếu lớn nhất của họ thường dẫn đến tình trạng khoe khoang hơi lố, ví dụ như: “Điểm yếu của tôi là làm việc quá chăm chỉ”. Nói chung câu này không đem lại ích lợi gì cho cuộc phỏng vấn. Thay vào đó, hãy yêu cầu ứng viên kể về một tình uống nào đó sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Nên hỏi: Kể về một lần mạo hiểm và thành công trong công việc. Một lần mà bạn mạo hiểm và thất bại trong cong việc. Bạn học được gì từ 2 trải nghiệm này?

Trên đây là những ví dụ hi vọng sẽ giúp ích phần nào cho cuộc phỏng vấn của bạn diễn ra tốt đẹp, đồng thời quyết định được ai sẽ là ứng viên phù hợp nhất cho công việc. Quan trọng nhất là bạn phải thực sự hiểu bạn muốn biết thông tin gì từ ứng viên của mình, sau đó mới lựa chọn các bộ câu hỏi phù hợp để đào sâu thông tin. Một chút chuẩn bị, một chút thấu đáo, bạn sẽ có cơ hội tuyển được những người phù hợp nhất cho công ty mình.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: