Y Tế Công Cộng: Các Ngành Đào Tạo Và Cơ Hội Việc Làm Sau Khi Ra Trường

Đánh giá post

Những năm gần đây, ngành y tế công cộng đang ngày càng khẳng định vị thế trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe con người. Trước thắc mắc của nhiều bạn trẻ: “Y tế công cộng là gì? Cơ hội việc làm ngành này ra sao?”, JobsGO xin đưa ra lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Y Tế Công Cộng Là Gì?

Nói đến y tế công cộng, người ta dễ dàng mường tượng hay nhầm lẫn đến y học dự phòng. Tuy nhiên, hai thuật ngữ này là hoàn toàn khác nhau.

Y tế công cộng là gì? Đây thực chất là một lĩnh vực ngành nghề liên quan đến khoa học, nghệ thuật trong việc bảo vệ sức khoẻ con người, phòng chống dịch bệnh, nâng cao tuổi thọ, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Tất cả đều nhằm mục tiêu nâng cao sức khoẻ con người.

Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế, y tế công cộng thực chất là một khái niệm cần sự phối hợp của rất nhiều tổ chức xã hội khác nhau. Tại Việt Nam, y tế công cộng mới chỉ được biết đến nhưng đã liên tục phát triển và được công nhận ở nhiều thành tựu nổi bật. Những thay đổi tích cực trong việc phòng chống bệnh, an sinh xã hội ổn định, tuổi thọ con người được kéo dài,… cho thấy không chỉ một mà rất nhiều lợi ích đã đem lại nhờ y tế công cộng.

Y tế công cộng là gì?
Y tế công cộng là gì?

2. Đặc Điểm Của Y Tế Công Cộng

Trọng tâm của các hoạt động y tế công cộng chính là việc phòng bệnh thay vì chữa bệnh. Bản chất chính là thông quá các chương trình can thiệp, giám sát sức khỏe, tuyên truyền khuyến khích các hoạt động nhằm nâng cao ý thức sức khoẻ của con người như thường xuyên theo dõi sức khỏe, đo huyết áp tại nhà, kiểm soát cân nặng, đi tiêm vacxin,… Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những hành động ý nghĩa này không chỉ là thức thời mà còn mang lại hiệu quả lâu dài, giúp con người giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh trong tương lai.

Bộ Y tế chính là đơn vị chịu trách nghiệm quản lý hoạt động y tế công cộng, đồng thời cũng là nhà tổ chức các chương trình tiêm chủng theo định kỳ, cổ động người dân uống nước sạch, tích cực gìn giữ vệ sinh cá nhân,…

Hiểu được y tế công cộng là gì có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi đây là một nhóm ngành rất cần đến sự nhận thức của con người. Về chức năng, nhiệm vụ chính của ngành y tế công cộng bao gồm:

  • Giám sát, phân tích tình hình sức khỏe cộng đồng, xác định các mối nguy hại đến sức khoẻ và chủ động có biện pháp phòng tránh.
  • Kiểm soát dịch bệnh cộng đồng, phòng chống, điều trị tận gốc và đẩy lùi nguy cơ bùng dịch.
  • Lập kế hoạch, xây dựng các chính sách an sinh.
  • Quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe con người.
  • Can thiệp pháp luật nhằm đề ra các quy chế pháp lý bảo vệ cộng đồng.
  • Phát triển nguồn nhân lực, gia tăng nhận thức và ý thức của người dân.
  • Ổn định dân sinh, gìn giữ môi trường, phòng tránh ô nhiễm nguồn đất, nước.

Xem thêm: Sinh viên học dinh dưỡng ra làm gì?

3. Ngành Y Tế Công Cộng Học Những Gì?

Mỗi trường đại học sẽ có chương trình đào tạo ngành Y tế công cộng riêng, nhưng thường bao gồm 4 nhóm kiến thức cơ bản bao gồm:

  • Kiến thức Giáo dục đại cương: Là các môn học mà mọi sinh viên dù theo học ngành nào cũng cần hoàn thành (như Triết học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng,…).
  • Kiến thức cơ sở ngành: Các môn học trong nhóm này (chẳng hạn như: ngoại ngữ chuyên ngành, Sinh học và di truyền, Vật lý – Lý sinh,…) sẽ cung cấp nền tảng để sinh viên có thể tiếp thu tốt hơn kiến thức ngành và chuyên ngành.
  • Kiến thức ngành và chuyên ngành: Đây là nhóm kiến thức nặng nhất và đặc biệt quan trọng đối với những người theo học ngành Y học công cộng. Sau khi hoàn thành tất cả các môn học trong nhóm này, sinh viên sẽ có kiến thức, kỹ năng để phát hiện và xử trí các vấn đề sức khỏe phổ biến ở cộng đồng; nắm vững phương pháp luận khoa học trong công tác phòng bệnh, nâng cao sức khỏe,…
  • Thực tập tốt nghiệp và khóa luận tốt nghiệp: SInh viên ngành Y tế công cộng sẽ học thêm được kỹ năng và trau dồi kinh nghiệm làm việc thực tế qua thời gian thực tập.

4. Ngành Y Tế Công Cộng Học Ở Đâu? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?

Bạn muốn theo học ngành Y tế công cộng? Dưới đây là danh sách các trường đại học tuyển sinh ngành này và điểm chuẩn năm 2024 để bạn tham khảo.

Danh sách trường tuyển sinh ngành Y tế công cộng

Tên trường Tổ hợp môn Điểm tuyển sinh 2023 Ghi chú
Đại học Y Hà Nội B00; B08; D01 19,0

Thi tốt nghiệp THPT

Đại học Y tế công cộng 25,5 Xét tuyển học bạ THPT
Đại học Y Dược TPHCM B00; A00 19,0 Thi tốt nghiệp THPT
Đại học Y Phạm Ngọc Thạch B00; A00; B03 18,00 Thi tốt nghiệp THPT

5. Học Ngành Y Tế Công Cộng Ra Làm Gì?

Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Y tế công cộng có thể làm việc tại rất nhiều vị trí công việc khác nhau.

5.1. Nhà Dịch Tễ Học

Công việc của nhà dịch tễ học bao gồm thu thập, phân tích dữ liệu về các loại bệnh tật, từ đó xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ. Những phát hiện của nhà dịch tễ học giúp phát triển các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, đồng thời giúp đánh giá hiệu quả của các chương trình Y tế công cộng.

Cán bộ y tế
Cán bộ y tế

5.2. Cố Vấn Y Tế Công Cộng

Cố vấn Y tế công cộng cung cấp lời khuyên chuyên môn về vấn đề y tế và sức khỏe cộng đồng. Họ làm việc với các tổ chức chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức quốc tế,… để phát triển và thực hiện các chính sách Y tế công cộng. Cố vấn Y tế công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chiến lược nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tác động của bệnh tật.

5.3. Quản Lý Thông Tin Liên Quan Về Lĩnh Vực Y Tế Như Thống Kê, Số Liệu

Những người làm việc tại vị trí này chịu trách nhiệm thu thập, phân tích và quản lý dữ liệu y tế. Họ sử dụng các công cụ thống kê và phần mềm chuyên dụng để xử lý thông tin, xây dựng báo cáo chi tiết về tình hình sức khỏe cộng đồng. Công việc này đòi hỏi kỹ năng phân tích dữ liệu và hiểu biết sâu sắc về các khía cạnh y tế để từ đó đưa ra khuyến nghị chính xác, kịp thời.

5.4. Cán Bộ Xây Dựng Chính Sách Về Y Tế Công Cộng

Cán bộ xây dựng chính sách Y tế công cộng có nhiệm vụ phát triển và triển khai các chính sách, hoạt động xã hội,… nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng. Họ nghiên cứu và phân tích các vấn đề y tế, đưa ra giải pháp và làm việc với các bên liên quan để thực hiện các biện pháp này. Vai trò của họ rất quan trọng trong việc định hình hệ thống y tế và đảm bảo rằng các chính sách được thực hiện một cách hiệu quả, công bằng.

5.5. Cán Bộ An Toàn Lao Động

Trách nhiệm của cán bộ an toàn lao động là đảm bảo rằng môi trường làm việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về an toàn lao động. Họ thực hiện các cuộc kiểm tra an toàn, đào tạo nhân viên về các biện pháp an toàn và ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Công việc của họ không chỉ giúp ngăn ngừa tai nạn lao động mà còn đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh cho tất cả mọi người.

5.6. Cán Bộ Vệ Sinh Môi Trường

Cán bộ vệ sinh môi trường chịu trách nhiệm giám sát và quản lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh và môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Họ kiểm tra các cơ sở công cộng, đánh giá chất lượng nước và không khí, thực hiện các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

5.7. Nghiên Cứu, Tiếp Thị, Giáo Dục Về Lĩnh Vực Y Tế, Sức Khỏe

Những người làm việc trong lĩnh vực này tham gia vào việc nghiên cứu các vấn đề y tế, phát triển các chiến dịch tiếp thị và giáo dục sức khỏe. Họ làm việc để nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề sức khỏe, khuyến khích các hành vi lành mạnh và cung cấp thông tin giáo dục y tế.

5.8. Giảng Viên Ngành Y Tế Công Cộng

Nếu có thành tích xuất sắc trong học tập, cử nhân ngành Y tế công cộng có thể học lên cao hơn và ở lại trường với vai trò giảng viên. Giảng viên ngành Y tế công cộng chịu trách nhiệm xây dựng bài giảng, cung cấp kiến thức, giải đáp thắc mắc cho sinh viên. Đồng thời, giảng viên Y tế công cộng cũng giúp sinh viên trau dồi các kỹ năng, tố chất cần thiết để có thể làm việc một cách hiệu quả trong tương lai.

Giảng viên ngành y
Giảng viên ngành y

6. Mức Lương Ngành Y Tế Công Cộng

Mức lương ngành y tế công cộng thường được tính theo hệ số lương nhà Nước. Thâm niên gắn bó với nghề càng nhiều, thu nhập lại càng ổn định. Theo đó, lương trung bình của sinh viên mới ra trường là từ 5 – 8 triệu đồng/tháng. Các nhân viên, y bác sĩ có năng lực cao, kinh nghiệm dày dặn sẽ được nhận mức đãi ngộ tốt hơn nhiều.

7. Ngành Y Tế Công Cộng Có Được Ưa Chuộng?

Y tế công cộng là một khía cạnh quan trọng trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, ngành này dường như ít được ưa chuộng hơn khi so với những ngành học hot hit khác bao gồm Y đa khoa, Da liễu, Răng hàm mặt,… Điều này có thể được nhận thấy rõ ràng khi so sánh điểm tuyển sinh giữa các ngành học với nhau. Trong khi những ngành hot có mức điểm tuyển sinh luôn ở mức cao (có những ngành điểm tuyển sinh lên tới 28 – 19 điểm) thì điểm tuyển sinh ngành Y tế công cộng phổ biến trong khoảng 19 – 22 điểm.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy nước ta đang thiếu hụt nhân lực Y tế công cộng. Theo đó, tính đến đầu năm 2023, tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực y tế cần có, thiếu hụt gần 24.000 người. Đáng chú ý, cử nhân Y tế công cộng thiếu gần 4.000 người.

8. Các Tố Chất Cần Có Để Thành Công Trong Ngành Y Tế Công Cộng

Một điều mà nhiều người thường trăn trở khi cân nhắc trở thành nhân viên y tế cộng đồng là cần có những đặc điểm tính cách gì để thành công trong lĩnh vực này. Dưới đây là 6 trong số những đặc điểm quan trọng nhất mà một người hoạt động trong lĩnh vực y tế cộng đồng cần có.

8.1. Bao Dung, Hiểu Được Nỗi Đau Của Bệnh Nhân

Có lẽ đây là đặc điểm tính cách quan trọng nhất cần có để trở thành nhân viên y tế cộng đồng. Những bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế công cộng thường tràn ngập cảm giác hoang mang, lo lắng, thậm chí là sợ hãi. Điều này đặc biệt đúng với đối tượng là trẻ em, người già, những người đã được chẩn đoán có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì lý do này, điều cần thiết là những người làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng phải có sự đồng cảm với những người xung quanh, để từ đó giúp bệnh nhân giảm bớt lo lắng và sợ hãi.

8.2. Thân Thiện

Một nụ cười, một cuộc trò chuyện thân thiện có thể giúp bệnh nhân bớt lo lắng và sợ hãi. Một nhân viên y tế không nên lạnh lùng và ngó lơ cảm xúc của bệnh nhân.

Nhân viên y tế nên là người thân thiện, giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác lo lắng, căng thẳng.
Nhân viên y tế nên là người thân thiện, giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác lo lắng, căng thẳng

8.3. Đạo Đức Tốt

Tất cả các nhân viên y tế phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn đạo đức trong ngành bao gồm những vấn đề như tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh; không phân biệt đối xử với người bệnh; không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh;…

8.4. Tính Trách Nhiệm

Người làm y tế công cộng phải là người có trách nhiệm. Vì nếu một nhân viên y tế nghỉ việc hoặc đi làm muộn, gánh nặng công việc của những người khác sẽ tăng lên. Cùng với đó, nhiều bệnh nhân sẽ không được thăm khám kịp thời khiến sức khỏe, thậm chí tính mạng bị ảnh hưởng.

8.5. Động Lực Cao, Yêu Nghề

Công việc của những người làm y tế rất nặng nề, họ phải làm việc trong thời gian dài, đối mặt với nhiều áp lực (nhất là khi dịch bệnh diễn ra). Nếu không có động lực, họ sẽ không thể đi xa với nghề.

8.6. Kỹ Năng Giao Tiếp Tốt

Đây là đặc điểm tính cách đặc biệt quan trọng đối với các nhân viên y tế công cộng. Một trong những nhiệm vụ của ngành là tổ chức các chương trình giáo dục người dân cách phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ,… Điều này yêu cầu nhân viên y tế công cộng phải có khả năng ăn nói, trình bày vấn đề tốt.

9. Cơ Hội Việc Làm Ngành Y Tế Công Cộng Như Thế Nào?

Rất nhiều cơ hội việc làm ngành y hấp dẫn luôn chờ đón cử nhân ngành y tế công cộng. Sau khi thành chương trình học, tại những cơ sở uy tín sẽ giới thiệu ngay cơ hội việc làm cho sinh viên. Ngay cả khi muốn tự tìm kiếm công việc phù hợp, bạn cũng có thể thử sức ở rất nhiều vị trí như:

  • Làm việc nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu, dược học.
  • Giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng liên quan đến chuyên ngành.
  • Làm việc trong các cơ quan ban ngành thuộc Bộ y tế.
  • Làm việc trong các tổ chức chính phủ (Tổ chức Y tế Thế Giới, Quỹ nhi đồng, bệnh viện nhi trung ương, Hiệp hội chăm sóc người cao tuổi,…).
  • Làm việc trong các tổ chức Phi chính phủ trong lĩnh vực y tế như tổ chức Mediconsult Việt Nam, ABT Associate Việt Nam,…
  • Làm việc tại các bệnh viện, phòng khám, viện lao động xã hội, viện môi trường.

Xem thêm: Ngành công nghệ thực phẩm là gì?

Nội dung bài viết trên đây hẳn đã giúp bạn hiểu rõ “Y tế công cộng là gì?” rồi đúng không? Bạn có muốn trở thành nhân viên Y tế công cộng? Nếu câu trả lời là có, hãy nỗ lực để hoàn thành ước mơ của bạn nhé! Và bạn sẽ trở thành một “thiên thần áo trắng” mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Câu hỏi thường gặp

1. Y Tế Cộng Đồng Là Gì?

Việt Nam hiện không có ngành Y tế cộng đồng; đây có thể là một cách nói sai của ngành Y tế công cộng.

2. Y Tế Công Cộng Tiếng Anh Là Gì?

Y tế công cộng trong tiếng Anh được gọi là “Public Health”.

3. Y Tế Công Cộng Học Mấy Năm?

Ngành Y tế công cộng thường có chương trình đào tạo kéo dài 4 năm. Tùy theo năng lực, kết quả học tập,... mà sinh viên có thể tốt nghiệp muộn hơn.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: