Việc đợi vào biên chế làm bạn mất đi nhiều cơ hội?

Đánh giá post

“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”, quan niệm của người Việt về tình trạng cha truyền con nối vẫn đang là một vấn đề bức xúc hiện nay. Phần lớn sau khi học xong, những “con vua” đều đã có nơi có chốn, trong khi “con sãi” thì vất vả tìm việc làm mưu sinh. Những người xuất sắc lắm mới dám mơ về giấc mơ biên chế.

Vào biên chế trở thành công chức nhà nước là ước mơ của không ít người, nhưng giấc ước mơ này liệu có còn khả thi trong thời buổi xã hội đang có quá nhiều sự thay đổi và biến động.

Các công ty, doanh nghiệp cho đến các đơn vị hành chính sự nghiệp đang tiến dần tới xu hướng cổ phần hóa, tự chủ trong tất cả mọi mặt, thì các hình thức tuyển dụng-việc làm đều phải dựa trên năng lực thực sự, bạn giỏi thì sẽ được nhận, bạn làm không tốt đương nhiên sẽ phải ra đi và biên chế không còn là chiếc vòng kim cô nữa.

Chưa kể đến những góc khuất trong thi tuyển công chức và vào biên chế. Bài toán 4 vần “ê” thi công chức không còn gì là xa lạ, “nhất tiền tệ, nhì quan hệ, ba hậu duệ, bốn trí tuệ”, “trí tuệ” là nghiệm cuối cùng. Nếu gia đình không có điều kiện thì giấc mơ công chức lại càng khó khăn hơn.

Tại sao chúng ta cứ nhất định phải vào biên chế?

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là tư tưởng muốn có việc làm nhàn hạ, thích hưởng thụ thay vì bỏ công sức nỗ lực của những người trẻ. Các bạn nghĩ rằng vào biên chế thì có thể đi muộn về sớm, nghỉ thứ 7 chủ nhật và không bao giờ lo mất việc đúng không? Làm gì có chuyện dễ dàng như vậy, hãy nhìn rõ vào thực tế đi. Hàng nghìn cử nhân ra trường thất nghiệp, trong đó có cả những người đang ngồi chờ biên chế, thậm chí là cả thủ khoa.

Tư tưởng có con làm quan thì rạng danh dòng họ cũng ăn sâu vào máu thịt của không ít các bậc cha chú của chúng ta từ xưa đến nay, không cần biết con làm công việc gì, có thích hay không, lương có đủ sống hay không nhưng chỉ cần nói có con làm ở cục này, sở nọ là mát mặt với người ngoài. Chính tư duy đó đã góp phần cản trở con đường tự lập của những thế hệ sau.

Vậy tại sao chúng ta không tự thoát khỏi cái lỗi mòn bí bách đó để phát triển đam mê, phát huy năng lực và trí tuệ vốn có của bản thân? Thay vì ngồi đợi biên chế thì những người trẻ nên chủ động tìm kiếm việc làm, trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm với cuộc sống. Kiến thức mà chúng ta biết chỉ như một hạt cát trong cả một đại dương, tấm bằng đại học khá giỏi phần nào chứng minh rằng bạn học giỏi nhưng không bao giờ chứng minh được bạn làm giỏi. Việc ngồi chờ biên chế khiến bạn mất đi cơ hội được học hỏi, được trải nghiệm, được cống hiến và quan trọng hơn là mất đi thời gian, điều mà bạn sẽ không bao giờ lấy lại được.

Các bậc cha mẹ cũng cần thay đổi tư duy, thay vì muốn con làm quan thì hãy để con đi theo sự lựa chọn của mình cho dù phải vất vả, hy sinh, bởi “một người làm việc bằng ba, chính mình có phúc nước nhà vinh quang”.

“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” câu nói giống như một lời nguyền qua bao nhiêu thế hệ nhưng tôi tin những người trẻ của thế kỷ 21 đủ năng lực và bản lĩnh để phá vỡ lời nguyền đó.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: