QA là gì? QC là gì? Phân biệt giữa QA và QC

Đánh giá post

QA, QC là một phần quan trọng trong quá trình sản xuất, giúp đảm bảo sản phẩm/dịch vụ đầu ra có chất lượng tốt nhất. QA là gì? QC là gì? QA và QC có điểm gì giống và khác nhau? Cùng JobsGO tìm hiểu bạn nhé!

1. Tìm hiểu về QA

1.1. QA là gì?

qa là gì
QA là gì? Quality Assurance là gì?

QA là gì? QA là viết tắt của từ Quality Assurance. Quality Assurance là gì? Quality Assurance có nghĩa là đảm bảo chất lượng.

Kiểm định chất lượng QA (Quality Assurance) là nghiên cứu, theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp theo một chuẩn mực nhất định. Mục đích của việc làm này là đảm bảo hoạt động trong chuỗi sản xuất, cung ứng diễn ra liền mạch đồng thời tạo được những giá trị nhất định cho khách hàng.

Trong hệ thống sản xuất, QA là một bộ phận không thể thiếu. Nhân viên QA có nhiệm vụ theo dõi, giám sát, quản lý và đảm bảo yêu cầu chất lượng của việc xây dựng hệ thống, quy trình sản xuất của công ty theo một chuẩn mực nhất định. Từ việc nghiên cứu thị trường cho đến khâu sản xuất cuối cùng, tiêu thụ trên thị trường, duy trì chăm sóc khách hàng đều được quản lý chặt chẽ.

Hầu hết mọi người đều nhận định sai rằng QA và QC (Quality Control) là một. Thực chất, tính chất công việc của hai nghề này không giống nhau. Nếu QA đảm bảo chất lượng ở từng quy trình sản xuất thì QC phụ trách kiểm tra sản phẩm khi đã hoàn thành.

Công việc của QA nhằm nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng công việc. Từ đó, góp phần tăng doanh thu cho công ty và hạn chế những chi phí thất thoát.

1.2. QA làm những gì?

QA là làm gì? Ở mỗi doanh nghiệp, công việc của QA sẽ có sự khác nhau, phụ thuộc vào yêu cầu của công ty. Trong đó, có thể kể đến một số công việc như sau:

  • Phân tích nhu cầu của khách hàng;
  • Đề xuất, đưa ra quy trình phát triển sản phẩm phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng dự án;
  • Đưa ra tài liệu, biểu mẫu, hướng dẫn để đảm bảo chất lượng của sản phẩm;
  • Kiểm tra, điều chỉnh việc thực thi quy trình của các bộ phận trong nhóm làm sản phẩm có đúng quy trình đã đề ra hay không;
  • Kiểm soát, quản lý đội ngũ phát triển sản phẩm sao cho đội ngũ tuân thủ quy trình làm việc đã đưa ra;
  • Hỗ trợ nhân viên sản xuất tìm hiểu về tiêu chuẩn chất lượng, các quy trình và cách thức thực hiện;
  • Phối hợp với nhà cung cấp và khách hàng để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ;
  • Phát hiện nguyên nhân và khắc phục hậu quả trong trường hợp xảy ra lỗi;
  • Đánh giá quy trình sản xuất và hệ thống quản lý của công ty, đề xuất phương hướng điều chỉnh, thay đổi quy trình sao cho phù hợp với sản phẩm và tình hình thực tế;
  • Đánh giá chất lượng hoạt động của các đối tác, khách hàng của công ty.

1.3. Kỹ năng cần có với QA

quality assurance là gì
Công việc của nhân viên QA là gì?

Công việc QA không chỉ đòi hỏi bạn phải nắm vững:

  • Kiến thức chuyên môn: Dù bạn học ngành gì, từ CNTT tới kinh tế, khoa học tự nhiên, quản trị… bạn cũng vẫn có thể trở thành nhân viên QA. Song, bạn nên tham gia các khóa học đào tạo để nắm vững kiến thức về nghề QA cũng như sản phẩm của doanh nghiệp.
  • Am hiểu về các chứng chỉ CMMI (Capability Maturity Model® Integration – mô hình quản lý chất lượng) và ISO (International Organization for Standardization – Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế) để xây dựng các quy trình chuẩn cho team.
  • Tư duy logic, sáng tạo để phát hiện vấn đề và đưa ra giải pháp phù hợp, khoa học, đảm bảo chất lượng quá trình sản xuất.
  • Kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng chi tiết để có thể phát hiện những điều sai sót và tìm ra hướng khắc phục. Nếu không kiểm tra cẩn thận, vội vã trong công việc, bỏ qua những chi tiết nhỏ rất có thể sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình sản xuất.
  • Kỹ năng giao tiếp tốt để có thể trao đổi với đồng nghiệp khi phát hiện lỗi sai và cùng nhau sửa chữa. Bạn phải đảm bảo rằng bạn hiểu rõ vấn đề đang gặp phải và biết cách giải thích đúng cho đồng nghiệp và đối tác.
  • Tinh thần học hỏi cao giúp nhân viên QA học hỏi, tích lũy kiến thức và tìm hiểu xu hướng công nghệ mới. Từ đó, không bị lùi lại phía sau so với thời đại và các đồng nghiệp của mình.

Bên cạnh những yêu cầu trên, nhân viên QA cũng cần biết cách quản lý, sắp xếp thời gian, luôn trung thực, thẳng thắn, phân tích, tổ chức và sắp xếp công việc…

2. Tìm hiểu về QC

2.1. QC là gì?

qc là gì
QC là gì?

Kiểm soát chất lượng (QC – Quality Control) là một quá trình mà qua đó doanh nghiệp tìm cách đảm bảo rằng chất lượng sản phẩm được duy trì hoặc cải thiện. Kiểm soát chất lượng đòi hỏi công ty phải tạo ra một môi trường nơi quản lý và nhân viên cố gắng đạt được sự hoàn hảo. Điều này được thực hiện bằng cách đào tạo nhân viên, tạo điểm chuẩn cho chất lượng sản phẩm và thử nghiệm sản phẩm để kiểm tra các biến thể có ý nghĩa thống kê.

Nhân viên QC là người chịu trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quy trình sản xuất, vận hành,… Họ đảm bảo sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng đặt ra như kích cỡ, công năng, hiệu suất sử dụng phù hợp với thị trường hay theo yêu cầu đặt hàng từ đối tác khách hàng.

2.2. QC làm những gì?

Tùy theo loại hình sản xuất và yêu cầu cụ thể của mỗi doanh nghiệp mà công việc của QC sẽ có điểm khác biệt. Tuy nhiên, các trách nhiệm chung của nhân viên QC bao gồm:

  • Đọc bản thiết kế và thông số kỹ thuật;
  • Giám sát các hoạt động để đảm bảo rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất;
  • Đề xuất điều chỉnh quy trình lắp ráp hoặc sản xuất;
  • Kiểm tra, thử nghiệm hoặc đo lường vật liệu/ sản phẩm được sản xuất;
  • Đo sản phẩm bằng thước kẻ, thước cặp, đồng hồ đo hoặc panme;
  • Vận hành thiết bị và phần mềm kiểm định điện tử;
  • Chấp nhận hoặc loại các sản phẩm và vật liệu không đáp ứng thông số kỹ thuật;
  • Báo cáo dữ liệu kiểm tra và thử nghiệm như trọng lượng, nhiệt độ, cấp độ, độ ẩm và số lượng được kiểm tra.

2.3. Kỹ năng cần có với QC

Quality Control là gì
Công việc của nhân viên QC là gì?

QC đóng một vai trò quan trọng trong ngành sản xuất. Họ giúp các sản phẩm và công ty thành công. Khi một sản phẩm thiếu chất lượng, khách hàng sẽ không hài lòng và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. QC có trách nhiệm đảm bảo rằng các tiêu chuẩn được đáp ứng và chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu. Điều này đòi hỏi ở họ những kỹ năng đặc biệt, bao gồm:

  • Cẩn thận, tỉ mỉ để có thể phát hiện ra các lỗi sai;
  • Có kinh nghiệm về hệ thống quản lý chất lượng (QMS);
  • Tính cách mạnh mẽ để chỉ ra các vấn đề đang gặp phải;
  • Kỹ năng toán học – thông số kỹ thuật báo cáo, đo lường, hiệu chỉnh và tính toán dữ liệu chỉ là một số trong nhiều kỹ năng bạn nên có;
  • Kỹ năng tư duy phản biện, giúp giải quyết các vấn đề của khách hàng và các vấn đề sản xuất, cũng như phát triển các chiến lược để cải thiện chất lượng sản phẩm;
  • Sức mạnh thể chất và có khả năng chịu đựng tốt, vì đôi khi QC sẽ phải đứng cả ngày dài;
  • Khả năng đọc bản thiết kế, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng;
  • Mong muốn đạt được điều tốt nhất và đảm bảo sản phẩm chất lượng hàng đầu.

3. Vai trò của QA và QC

Đảm bảo chất lượng (QA) và kiểm soát chất lượng (QC) thuộc hệ thống quản lý chất lượng. Đây là chìa khóa để một doanh nghiệp thành công và là một phần quan trọng trong quá trình sản xuất.

3.1. Đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ khi đến tay người tiêu dùng

Quản lý chất lượng giúp giám sát nghiêm ngặt các khâu từ sản xuất đến cung ứng sao cho đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ khi đến tay người tiêu dùng. Theo đó, trong quá trình kiểm tra, nếu có bất cứ sai sót nào phát sinh, nhân sự phòng QA, QC sẽ kịp thời phát hiện và phối hợp với các bộ phận có liên quan để xử lý. Việc làm này sẽ đảm bảo khách hàng luôn được trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ chất lượng bậc nhất.

3.2. Giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa sai sót, thất thoát về tài chính

Việc quản lý nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong từng khâu sẽ giúp hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra. Cùng với đó, việc phát hiện lỗi ở đâu, khắc phục ngay ở đó, cũng sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế nguồn kinh phí lớn khi các lỗi đã trở nên nghiêm trọng và nặng nề.

3.3. Giữ vững uy tín của doanh nghiệp và đảm bảo niềm tin với khách hàng

Uy tín và niềm tin là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được từ người tiêu dùng. Quá trình xây dựng niềm tin vô cùng khó khăn và vất vả nhưng chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến chúng biến mất vĩnh viễn trong lòng khách hàng. Và nhiệm vụ của QA, QC chính là thực hiện nghiêm ngặt quy trình sao cho không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến lòng tin và sự yêu thích của khách hàng.

3.4. Góp phần giúp doanh nghiệp phát triển và theo kịp tiến trình hội nhập

Hoạt động nghiêm ngặt, tỉ mỉ trong từng khâu giúp doanh nghiệp có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đầy rẫy những đối thủ cạnh tranh khốc liệt. Nhưng như vậy thực sự chưa đủ. Doanh nghiệp sẽ chỉ đứng im khi tất cả đang dần thay đổi và chạy theo những xu hướng mới. Khi đó, QA, QC sẽ có nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo cho doanh nghiệp đi đúng hướng theo nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội chứ không phải chỉ nằm trong vùng an toàn rồi sụp đổ lúc nào không hay.

3.5. Tránh những tai nạn không mong muốn

Một sản phẩm có thể trở nên thiếu an toàn khi không được kiểm soát. Nếu khách hàng bị thương tổn hoặc gặp các vấn đề khi sử dụng sản phẩm, công ty có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

4. Phân biệt giữa QA và QC

4.1. Điểm giống nhau giữa QA và QC

Điểm giống nhau giữa QC và QA là gì? QA và QC thường bị nhầm lẫn bởi chúng đều:

  • Thuộc hệ thống quản lý chất lượng.
  • Hướng đến việc tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu và sự kỳ vọng của khách hàng.

Tuy nhiên, QA và QC là hai khái niệm khác biệt.

4.2. Điểm khác nhau giữa QA và QC

QA (Đảm bảo chất lượng) QC (Kiểm soát chất lượng)
Mục tiêu Ngăn ngừa sai lầm và khuyết tật. Sửa chữa khuyết tật.
Kỹ thuật Phòng ngừa chủ động. Khắc phục và phản ứng.
Định hướng Định hướng quá trình – liên quan đến hoạt động có hệ thống và kế hoạch gắn liền với việc tạo ra sản phẩm. Định hướng sản phẩm – liên quan đến hoạt động vận hành cũng như các kỹ thuật được sử dụng để kiểm tra và đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.
Cách thực hiện Quản lý chất lượng bằng cách:

  • Xác định quy trình, chiến lược và chính sách
  • Phát triển danh sách kiểm tra
  • Thiết lập tiêu chuẩn cần được tuân thủ trong suốt quá trình sản xuất
Tuân theo các nguyên tắc đã đặt ra để xác định chất lượng, phát hiện khiếm khuyết để sửa chữa.
Kết quả hướng đến Làm đúng ngay từ bước đầu tiên của quy trình. Đảm bảo đầu ra đúng như mong đợi.
Người chịu trách nhiệm Tất cả các cá nhân liên quan đến phát triển sản phẩm/dịch vụ. Nhóm người thực hiện quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra.
Khi công cụ và kỹ thuật thống kê được áp dụng Trở thành một phần của đảm bảo chất lượng. Trở thành một phần của kiểm soát chất lượng.

Kết luận

Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã có lời giải đáp cho câu hỏi “QA là gì? QC là gì?” và có thêm nhiều hiểu biết về ngành nghề này. Nếu bạn mong muốn trở thành một QA hay QC, đừng quên tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để chinh phục ước mơ của mình nhé.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: