“Hào quang chói lọi”, “cuộc sống màu hồng”,… là những gì mà người ta thường nói về nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật. Bởi họ luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng, các fan hâm mộ trên khắp cả nước, trở thành người của công chúng. Thế nhưng, mấy ai biết được những góc khuất ẩn sau ánh hào quang đó như thế nào? Và trong bài viết hôm nay, JobsGO sẽ chia sẻ đến bạn đọc những điều chưa từng biết “phía sau nghề đạo diễn”.
Mục lục
Đạo diễn – họ là ai?
Có thể nói, làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, trở thành người của showbiz là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Có rất nhiều nghề được ưa chuộng, một trong số đó phải kể đến là đạo diễn. Vậy đạo diễn, họ là ai?
Hiểu một cách đơn giản nhất thì đạo diễn là người sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ quá trình thực hiện một tác phẩm nghệ thuật. Đó có thể là sản phẩm âm nhạc, phim điện ảnh, phim truyền hình, quảng cáo,… Công việc của đạo diễn bao gồm định hướng hình ảnh, nghệ thuật, dàn cảnh, chỉ đạo diễn xuất, các phương tiện kỹ thuật, thậm chí là tham gia vào quá trình dựng phim để làm sao tạo nên được một tác phẩm hoàn hảo nhất.
Hiện nay, nghề đạo diễn có thể hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau như:
- Đạo diễn cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí
- Đạo diễn cho các bộ phim (điện ảnh, truyền hình, viễn tưởng, tài liệu, động vật, phim truyền thông nghe nhìn,…)
- Đạo diễn cho các sản phẩm âm nhạc
- Đạo diễn cho các chương trình truyền hình trực tiếp
- Đạo diễn phim, TVC quảng cáo
- …
👉 Xem thêm: Mô tả công việc Đạo diễn
Những góc khuất phía sau nghề đạo diễn
Nhiều người vẫn luôn nghĩ rằng, làm đạo diễn là sướng, giàu sang, một bộ phim hot cũng giúp họ thu về tiền tỉ,… Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi, phía sau ánh hào quang chói lọi kia là muôn vàn khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua.
Khó học, khó làm, khó theo đuổi
Đạo diễn là một ngành vô cùng khó, không phải ai thích, ai muốn cũng theo đuổi được. Theo chia sẻ từ đạo diễn trẻ Ngọc Hùng: “Học đạo diễn là học vai trò của người tổng chỉ huy. Đạo diễn phải nhìn được tổng thể: Kịch bản, thiết kế sân khấu, âm nhạc, đội ngũ diễn viên… để hoàn thành tác phẩm của mình. Tuy nhiên, nghề này lại phụ thuộc phần lớn vào năng khiếu, nên không phải cứ ai học xong là cũng làm được. Theo tôi, tố chất cần có của một đạo diễn là sự nhạy bén và có cái nhìn tổng quan. Thực tế cho thấy, đạo diễn tốt nghiệp ra trường cũng nhiều, nhưng để gắn bó với nghề thì rất ít. Khóa tôi học chỉ có vài người theo đuổi và gắn bó với nghề như Bùi Quốc Thảo, Đỗ Quốc Thịnh, Châu Hùng Lâm, tôi… còn lại, các bạn đều đi làm nghề khác”.
Thật vậy, nếu như các nghề ca sĩ, diễn viên chỉ cần quan sát các kỹ năng hát, diễn của người khác và tập luyện là có thể cải thiện thì đạo diễn lại chủ yếu cần năng khiếu. Kiến thức của ngành này trong 4 năm là vô cùng nặng, tốn nhiều chi phí, thời gian nhưng chưa chắc có thể làm nghề được.
👉 Xem thêm: Producer là gì? Công việc của Producer trong giới giải trí
Lặng lẽ vất vả không ai hay
Đạo diễn là người phải thực hiện khối lượng công việc lớn. Để làm tốt một sự kiện, sản phẩm nghệ thuật,… họ sẽ cần có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như là hiểu về quy trình thực hiện, nghệ thuật biểu diễn, cách đọc kịch bản, các kỹ thuật quay dựng, biểu diễn của diễn viên,… Ngoài ra, nếu làm đạo diễn cho các sự kiện thì còn cần biết về âm thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu,…
Đặc biệt, tất cả những công việc của đạo diễn đều là thầm lặng phía sau cánh gà. Họ chỉ đạo để mọi thứ diễn ra suôn sẻ, theo dõi sát sao từng hoạt động, không được nghỉ ngơi trong suốt quá trình thực hiện. Thậm chí, có những bộ phim, cảnh quay phải thực hiện xuyên đêm, dòng dã 1- 2 ngày, đạo diễn vẫn phải làm việc liên tục. Đây có lẽ là những vất vả mà khán giả, công chúng không thể nhìn thấy được qua những thước phim hay sản phẩm nghệ thuật.
Phía sau hào quang là vô số áp lực
Không chỉ vất vả, khó khăn, phía sau nghề đạo diễn còn là rất nhiều áp lực. Tùy vào từng lĩnh vực mà mức độ áp lực sẽ khác nhau, song điểm chung của nghề là họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ các chương trình sự kiện hay sản phẩm phim ảnh, nghệ thuật.
Ngoài ra, đạo diễn cũng phải quản lý đội ngũ nhân sự, có vai trò kết nối nội bộ, các bộ phận truyền thông, báo chí, đối tác,… Sản phẩm tạo nên có hoàn hảo, nhận được sự ủng hộ hay không, chung quy lại đều là trách nhiệm của người đạo diễn. Chương trình, sự kiện, tác phẩm nghệ thuật thành công thì cả ekip được tung hô, thế nhưng thất bại thì người nhận chỉ trích nặng nề nhất thường sẽ là đạo diễn. Đây chính là một áp lực vô cùng lớn khi làm nghề này.
👉 Xem thêm: [Cập nhật] Mô tả công việc quay phim – Nghề cần nhiều kỹ năng
Làm đạo diễn giống như “canh bạc cuộc đời”
Người ta thường ví, làm đạo diễn giống như là một canh bạc cuộc đời. Bởi không chỉ có đam mê, khát vọng được làm phim ảnh, sự kiện,… mà họ còn phải đầu tư chất xám, thời gian, tiền bạc.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết: “Sân chơi của điện ảnh Việt Nam rất rộng, còn nhiều cơ hội cho những ai muốn thử sức làm đạo diễn. Tuy nhiên, đây cũng là nghề mạo hiểm, bởi không phải làm phim ai cũng thành công đâu. Đầu tư tiền bạc, bán nhà và hoa màu, nhưng nếu phim thất thu thì phá sản như chơi”.
Khi nhìn vào các dự án phim đình đám, các sự kiện lớn với kinh phí đầu tư bạc tỷ, nhiều người nghĩ rằng thu nhập của đạo diễn hẳn là rất khủng, thậm chí đây là nghề “hốt bạc”. Tuy nhiên, “ở trong chăn thì mới chăn có rận”, lương của đạo diễn tại Việt Nam thực tế không quá nhiều, trừ một số cái tên phòng vé đảm bảo chất lượng doanh, còn lại cũng chỉ ở mức bình thường. Điều mà họ đạt được sau các dự án lớn đó có thể là tên tuổi, sự nổi tiếng, thế nhưng họ cũng đã đánh đổi rất nhiều điều, đầu tư rất lớn với tâm thế “được ăn cả, ngã về không”.
Vậy đó, phía sau nghề đạo diễn không phải là hào quang chói sáng, không phải là cuộc sống “màu hồng” như bao người vẫn nghĩ. Bất kỳ nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả và áp lực nhất định. Hy vọng rằng qua bài viết trên đây, JobsGO sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về nghề đạo diễn nhé.
👉 Xem thêm: Biên kịch là gì? Giải đáp thắc mắc xoay quanh nghề biên kịch
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)