Tết đến xuân về là dịp cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả, xa nhà, xa quê. Thế nhưng, bên cạnh những giây phút vui vẻ thì không ít người lại gặp phải tình huống “dở khóc dở cười” với những câu hỏi “khó đỡ” từ họ hàng, người thân. Vậy những câu hỏi khiến dân công sở ám ảnh ngày Tết đó là gì? Cùng JobsGO liệt kê ngay nhé!
Mục lục
Những câu hỏi khiến dân công sở sợ nhất ngày Tết
Hỏi han, hàn huyên, tâm sự được xem là “đặc sản” trong ngày Tết. Vậy dân công sở khi về quê thường nhận được những câu hỏi gì? Tại sao nó lại trở thành nỗi ám ảnh khiến người ta sợ hãi?
#1: Đang làm ở đâu rồi? Lương tháng bao nhiêu?
Công việc, sự nghiệp của con cháu luôn là chủ đề được mọi người trong gia đình quan tâm hàng đầu. Đơn giản là họ chỉ muốn biết con cháu mình hiện “đang làm ở đâu?” hay “lương tháng được bao nhiêu, có cao không?”, “các chế độ bảo hiểm, thưởng của công ty ra sao?”,… Thế nhưng chính điều này lại vô tình khiến cho không ít người sợ hãi. Bởi nếu may mắn thì đây chỉ là câu hỏi xã giao, hỏi cho có câu chuyện. Nhưng cũng có thể vấn đề này sẽ bị mang ra để so sánh với “con nhà người ta” cùng nhiều lời phán xét không hay. Những người thiếu tế nhị sẽ muốn đào sâu, hỏi cặn kẽ từng chi tiết.
👉 Xem thêm: Top 5 điều dân công sở thích vào dịp Tết
#2: Công ty chắc nhỏ lắm hả, sao chưa nghe thấy bao giờ?
Công việc, lương tháng vẫn chưa đủ, có những người còn hỏi cả về tên công ty mà con cháu mình đang làm. Nếu bạn trả lời là tên một công ty lớn, nổi tiếng hay cơ quan nhà nước thì họ sẽ không ngần ngại mà khen “Ui, con bé/thằng bé này giỏi quá, chắc lương cao lắm nhỉ? Tết về cho bố mẹ nhiều không?”. Ngược lại, nếu bạn làm cho một công ty mà họ không biết đến thì câu hỏi khác sẽ tiếp tục được đặt ra “sao công ty gì nhỏ thế, chú/cô chưa nghe đến bao giờ?”. Và đằng sau cái “tên công ty” đó là cả một câu chuyện dài về sự so sánh khiến bản thân bạn phải đau lòng.
#3: Xưa học giỏi thế sao không xin vào nhà nước làm?
Ông bà xưa thường có quan niệm, làm việc trong cơ quan nhà nước mới là sang, là giỏi. Chính vì vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi người trong gia đình, họ hàng vẫn thường đặt ra các câu hỏi có liên quan đến chủ đề này. Ví dụ như là “giờ làm đâu cháu, có vào nhà nước làm không?” hay “xưa học giỏi thế mà không thi công chức vào nhà nước mà làm?”,… Những câu hỏi tưởng chừng chỉ là thể hiện sự quan tâm này đôi khi cũng khiến nhiều người chạnh lòng, xấu hổ và không vui ngay trong ngày Tết.
👉 Xem thêm: Cuộc sống không như mơ của dân văn phòng những ngày trước Tết
#4: Có người yêu chưa? Bao giờ lấy chồng/vợ?
Cưới xin, lập gia đình là điều tất yếu với những chàng trai, cô gái đã đến tuổi “cập kê”. Bởi vậy, sau một năm con cháu xa nhà, xa quê, người thân trong gia đình thường rất sốt sắng muốn biết xem sắp có cỗ hỉ chưa? Liệu sang năm có thêm chàng rể hay cô dâu nào không?
Thực tế, đây là chủ đề khá vui vẻ, không quá căng thẳng, chỉ làm cho câu chuyện ngày Tết trở nên sôi động hơn thôi. Tuy nhiên, 1 – 2 câu thì không sao, còn nếu quá nhiều người hỏi, hỏi liên tục từ năm này qua năm khác thì lại khiến các anh, chị “lười” yêu đương, không thích lập gia đình cảm thấy khó chịu. Thậm chí, họ sợ phải đi chơi, đi chúc Tết chỉ vì muốn tránh những câu hỏi kiểu này.
#5: Dạo này sao gầy/béo thế?
Nếu đặt trong bối cảnh hiện đại, trend ngày này thì các câu hỏi, chê bai về cân nặng, nhan sắc,… có thể gọi là “body shaming”. Do tính chất công việc phải ngồi nhiều mà có những bạn bị béo bụng hay vì phải đi nhiều, làm nhiều mà cơ thể gầy đi, xanh xao hơn,… Và thực tế, đây là điều mà bản thân các bạn cũng không mong muốn nên khi nhận được các câu hỏi, đánh giá, nhận xét này, phần lớn ai cũng sẽ khó chịu.
👉 Xem thêm: Bị đồng nghiệp body – shaming, nên đáp trả như thế nào?
Mẹo ứng xử léo léo với những câu hỏi ngày Tết
Có thể thấy, việc gặp phải những câu hỏi “khó” ngày Tết là điều không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là cách ứng xử, phản ứng của các bạn như thế nào để không khí vui vẻ, không bị căng thẳng. Dưới đây là 2 mẹo mà JobsGO muốn bật mí đến cho các bạn, tham khảo ngay nhé!
#1: Nên có thái độ như thế nào trước những câu hỏi “không hay ho” ngày Tết?
Nhiều bạn có thái độ không hay khi nhận được những câu hỏi từ họ hàng trong dịp Tết. Tuy nhiên, có thể mọi người cũng chỉ quan tâm nhưng chưa biết cách thể hiện sao cho tế nhị mà thôi. Bạn không bên khó chịu, cảm thấy “vì sao cứ hỏi mãi thế?” hay “vì sao chỉ mình bị tổn thương trước những câu hỏi này?”,… Bạn hãy nghĩ thoáng hơn để không khí ngày Tết được thoải mái, vui vẻ. Đặc biệt, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Tuyệt đối không nổi cáu, thể hiện sự chán nản, phiền toái dù bản thân đang khó chịu, không vui.
- Thái độ cần phải lịch sự, trả lời các câu hỏi một cách đơn giản, ngắn gọn.
- Luôn mỉm cười trước những câu hỏi của mọi người.
Trước những câu hỏi “hóc búa”, bạn hãy làm sao để điều hướng sang câu chuyện của mình, thậm chí là hỏi lại mọi người. Khi bạn có thái độ tốt để ứng xử thì dù đáp án như thế nào, không như kỳ vọng thì họ hàng, người thân cũng sẽ nhanh chóng bỏ qua, không nhắc đến nữa.
👉 Xem thêm: Nỗi buồn của người mới đi làm vào dịp Tết
#2: Đối đáp khéo léo với những câu hỏi “nhạy cảm” ngày Tết
Bên cạnh thái độ tốt, bạn cũng cần biết cách để đối đáp với mọi người sao cho thật khéo léo, tế nhị, nhất là những câu hỏi quá “nhạy cảm” trong dịp Tết. Bạn có thể chọn cho mình một lối “thoát hiểm” hài hước, khéo léo lái sang câu chuyện khác vui vẻ, tạo sự hào hứng hơn cho mọi người.
Ví dụ như khi được hỏi “bao giờ lấy chồng?”, bạn có thể đối đáp lại là “dạ vâng, cháu đang đợi anh A nhà bác mà mãi không anh qua hỏi cưới”. Với cách xử lý dí dỏm này, người hỏi thường sẽ chuyển hướng qua tâm sự, kể lể hoặc khoe con họ. Và như vậy, bạn sẽ chỉ im lặng nghe, câu chuyện sẽ dần kết thúc mà không có bất kỳ căng thẳng, mệt mỏi nào.
Đối với những chủ đề vui vẻ, bạn có thể dễ dàng điều hướng, song với những câu hỏi nghiêm túc như là công việc, sự nghiệp thì bạn cũng nên có câu trả lời nghiêm túc. Ví dụ như câu hỏi “giờ đang làm gì? Lương tháng bao nhiêu?” thì bạn cũng nên trả lời thẳng là “cháu đang làm kế toán, lương tháng đủ ăn, đủ tiêu” rồi nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác. Tất nhiên, cũng có những người chỉ hỏi xã giao nên bạn không cần quá quan trọng hóa, bạn đã trả lời là họ sẽ dừng lại thôi.
Còn nếu bạn “xui xẻo” gặp phải những người thích điều tra, dò hỏi kỹ thì “trong 36 kế, chuồn là thượng sách”, hãy tìm cách để rời khỏi cuộc trò chuyện đó nhé.
Có thể thấy, đối mặt với những câu hỏi ngày Tết là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, hãy đơn giản mọi thứ, trả lời và ứng xử nhẹ nhàng, vui vẻ. Ngày Tết là để nghỉ ngơi, thư giãn và làm những việc có ý nghĩa cùng người thân, gia đình. Đừng để một vài câu hỏi mà khiến cho không khí trở nên ngột ngạt, không thoải mái. Hy vọng rằng qua những chia sẻ và mẹo trên đây, các bạn sẽ biết cách để giải quyết “10 vạn câu hỏi vì sao” từ gia đình, họ hàng nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)