Công nhân môi trường chẳng phải là công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ để ai cũng có thể làm được. Những người theo nghề này luôn gắn liền với sự nặng nhọc, độc hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Mục lục
Công nhân môi trường làm gì?
Chúng ta có thể chia công nhân môi trường thành hai nhóm lao động chính với nhiệm vụ công việc riêng biệt bao gồm: công nhân thu gom rác thải và công nhân điều khiển xe gom rác.
Công nhân thu gom rác thải
Công nhân thu gom rác thải chịu trách nhiệm thu gom rác tại các ngõ, ngách (nơi xe tải lớn không thể đến), quét dọn khu vực công cộng, cắt cỏ ở các bụi cây giữa 2 ven đường,… Vào khung giờ được quy định sẵn (6 – 7 giờ sáng; 17 – 20 giờ tối – tùy khu vực), họ sẽ di chuyển xe gom rác đẩy tay khắp các ngõ ngách và sử dụng kẻng, chuông để thông báo người dân mang rác ra xe.
Bên cạnh việc tập kết rác thải tại khu vực được phân công, họ cũng chính là người trực tiếp xử lý rác thải, phân loại rác trước khi rác được trở về nơi tập kết cuối. Khâu xử lý này giúp rác thải được phân loại chi tiết, đồng thời giảm gánh nặng cho môi trường trước hiện trạng rác thải nhựa ngày một nhiều tại các khu vực thành phố.
Công nhân điều khiển xe tải chở rác
Công việc của công nhân điều khiển xe tải chở rác thường diễn ra từ sau 22 giờ đêm để đảm bảo sinh hoạt của người dân không bị ảnh hưởng. Theo đó, họ sẽ điều khiển xe tải di chuyển tới các nơi tập kết rác trên các tuyến đường lớn; thu gom và chở rác thải về khu xử lý.
Ngoài ra, họ cũng là người chịu trách nhiệm kiểm tra tình trạng xe (xăng, lốp xe, linh kiện xe,…) trước khi lăn bánh.
Công nhân vệ sinh: Nghề độc hại, thường trực nhiều nguy hiểm
Công nhân vệ sinh có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta và môi trường. Tuy nhiên, họ đang phải làm việc trong điều kiện vô cùng tồi tệ với hàng loạt hiểm nguy, bao gồm nhiễm trùng, suy nhược cơ thể, thậm chí tử vong.
Công việc nặng nhọc
Công nhân môi trường là những người hùng thầm lặng mang đến cho chúng ta một không gian sống sạch sẽ, trong lành. Họ làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya, từ đông qua hè, không quản nắng mưa trên khắp mọi nẻo từ ngõ nhỏ đến đường lớn. Công việc của họ tưởng chừng đơn giản, nhưng chẳng dễ dàng.
Nói đến họ, tôi bất chợt nhớ về bài thơ “Tiếng chổi tre” (Tố Hữu) được học ngày bé.
Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác…
Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác
…
Chỉ bằng những câu thơ ngắn, Tố Hữu đã họa ra một bức tranh rõ nét, tràn đầy cảm xúc về những người lao động bình thường mà vĩ đại.
Công việc độc hại, nhiều hiểm nguy
Công nhân vệ sinh là người trực tiếp tiếp xúc với các chất độc hại, vi khuẩn, virus,… được sản sinh bởi rác thải. Rác thải sinh hoạt thường có hàm lượng chất hữu cơ lớn. Những chất này dễ phân hủy, gây mùi hôi thối, phát triển vi khuẩn, thu hút chuột bọ, ruồi muỗi, gián,… Việc liên tục tiếp xúc với vô số sinh vật gây bệnh trong rác thải có thể gây suy nhược cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong.
Không những vậy, công nhân vệ sinh còn phải đối mặt với hiểm họa tai nạn giao thông đe dọa tính mạng, đặc biệt là với những người làm ca đêm.
Bất chấp những rủi ro và điều kiện khắc nghiệt của công việc, các công nhân vệ sinh vẫn tiếp tục làm công việc của họ.
Công nhân môi trường: Đồng lương chưa tương xứng với cống hiến
Hiện nay, công nhân môi trường có mức lương dao động trong khoảng 6 – 8 triệu đồng/ tháng. Mức thu nhập này quá thấp so với những gì mà họ công hiến.
Các chuyên gia môi trường cho biết, công nhân vệ sinh môi trường, nhất là những người làm nghề thu gom rác đang phải làm việc trong môi trường vất vả, độc hại, nhiều hiểm nguy. Vì vậy, các khoản lương thưởng, thu nhập của họ cần được cải thiện. Ngoài ra, các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Trợ cấp độc hại,… cũng phải được đảm bảo. Chỉ có như thế, đời sống của hàng ngàn công nhân vệ sinh môi trường mới được nâng cao, giúp họ gắn bó với nghề lâu dài. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường thành phố được đảm bảo ngày càng sạch sẽ, văn minh và hiện đại hơn.
Kết luận
Công nhân môi trường chính là những “người hùng” thầm lặng của thế giới. Và họ cần nhận được sự đối xử công bằng hơn trong mọi khía cạnh, bao gồm lương thưởng, trợ cấp,…
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)