Truyền hình là một trong những nghề mơ ước của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Bởi nghe cái tên thôi cũng thấy được sự danh giá, sang trọng và nổi tiếng. Thế nhưng, phía sau sự hào nhoáng đó là những vất vả không phải ai cũng thấu hiểu được. Vậy những khó khăn của nghề truyền hình là gì? Hãy cùng JobsGO phân tích để hiểu rõ hơn về “góc khuất” của nghề này nhé.
Mục lục
Áp lực từ sự hoàn hảo của nghề
Làm truyền hình tức là truyền tải những thông tin, gửi gắm thông điệp về rất nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giải trí,… Những tin tức được đăng tải từ các đài truyền hình, cơ quan báo chí là chính thống, do đó sẽ cần đảm bảo sự chính xác tuyệt đối. Bất kể sự sai lệch trong câu từ, con số, lỗi diễn đạt nào cũng sẽ có thể gây ra hậu quả lớn. Bởi vậy, trước khi xuất bản thông tin, đội ngũ nhân viên, biên tập viên, nhà báo, MC,… đều cần trau chuốt, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Mọi thứ khi được phát sóng, đăng tải sẽ cần chỉn chu, không được phép xảy ra sai sót.
Đây chính là một trong những áp lực rất lớn đối với người làm trong nghề. Vì thực tế, con người khó có ai hoàn hảo tuyệt đối. Và để theo đuổi, phát triển được nghề, những người làm truyền hình sẽ phải cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần so với những người bình thường.
👉 Xem thêm: Nghề phóng viên ảnh là gì? Cơ hội – thách thức của nghề tại Việt Nam
Mật độ công việc dày đặc
Nhiều người cho rằng, làm nghề truyền hình sẽ không lo “đói”, lúc nào cũng sẽ có việc để làm. Thật vậy, khối lượng công việc của người làm truyền hình có thể khẳng định là vô cùng lớn, mật độ dày đặc. Nếu một nhân viên văn phòng ngày làm 8 tiếng rồi trở về nhà nghỉ ngơi thì những người làm truyền hình đôi khi còn phải làm cả đêm, chuẩn bị cho các chương trình, sự kiện, cập nhật tin tức mới nhất cho mọi người.
Ví dụ, một biên tập viên sẽ phải dành rất nhiều thời gian, công sức lên ý tưởng, kịch bản cho 1 chương trình gala cuối năm phát sóng trên VTV. Thời gian làm việc của họ kéo dài từ sáng đến đêm để setup mọi thứ, chỉnh sửa kịch bản, phối hợp với MC, đội ngũ quay phim, các diễn viên, theo sát quá trình quay để tạo ra thước phim, sản phẩm hoàn hảo nhất gửi đến khán giả, công chúng.
Đặc biệt, vào một số dịp đặc biệt, diễn ra các sự kiện quan trọng của quốc gia thì những người làm nghề truyền hình chắc chắn sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn quá nhiều. Thậm chí, họ chỉ có thể dành một vài phút ăn uống, chợp mắt ngay tại đài, cơ quan làm việc.
Nguy hiểm luôn rình rập mọi lúc mọi nơi
Không chỉ áp lực, khối lượng công việc nhiều mà nghề truyền hình còn tiềm ẩn khá nhiều nguy hiểm không thể lường trước. Đặc biệt, với những ai làm nhà báo, phóng viên, thường xuyên phải di chuyển đến nhiều nơi, phải làm việc vào ban đêm thì sẽ có thể gặp các rủi ro.
Ví dụ, phóng viên hiện trường sẽ cần phải đến trực tiếp nơi xảy ra bão lũ, dịch bệnh,… để phỏng vấn, chụp ảnh, quay phim, cập nhật chi tiết, chính nhất thông tin đến cho mọi người. Như vậy, nếu bão lũ quá lớn, họ cũng có thể gặp nguy hiểm. Hay như tình hình dịch bệnh Covid căng thẳng, việc bị lây nhiễm cũng khó tránh khỏi.
👉 Xem thêm: Biên tập viên là gì? Học ở đâu để làm biên tập viên?
Thách thức từ thay đổi thị hiếu khán giả
Bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng sẽ cần phải thay đổi, bắt kịp xu hướng của thị trường. Và nghề truyền hình cũng không phải là ngoại lệ khi phải luôn chạy theo sự thay đổi thị hiếu của khán giả.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, việc cập nhật tin tức qua báo in, bản tin, phóng sự,… sẽ khó thu hút, không được nhiều người quan tâm. Các bạn trẻ hiện nay có xu hướng chuộng mạng xã hội, các nền tảng hiện đại hơn là lối truyền tải thông tin truyền thống.
Điển hình như BTV Việt Hoàng của đài truyền hình VTV (hay còn được biết đến là Anh Da Nâu) đã tạo nên rất nhiều “trend” hấp dẫn trong thời gian gần đây. Vẫn là cung cấp thông tin, gửi gắm các thông điệp ý nghĩa đến khán giả nhưng BTV này đã áp dụng theo những gì đang “hot” trên thị trường, nắm bắt kịp thời xu hướng của giới trẻ. Điều này giúp cho các chương trình, video của VTV trở nên “hot trend” sau khi được đăng tải.
Như vậy, làm trong nghề truyền hình, sự sáng tạo, đổi mới, “đu” kịp với thị hiếu của khán giả là điều vô cùng cần thiết. Và đây cũng là thách thức, khó khăn khá lớn với những người làm trong nghề này.
Hình tượng luôn phải “đẹp”
“Đẹp” lại được xem là khó khăn sao? Liệu điều đó có đúng hay không?
Thực tế, “đẹp” ở đây không chỉ dừng lại việc trang phục, gương mặt,… Đẹp với nghề truyền hình còn là hình ảnh, là thương hiệu hay thậm chí là phát ngôn. Làm trong nghề này, bạn có thể được xem là người của công chúng, bất kỳ vấn đề liên quan đều sẽ được mọi người để ý hay đăng tải lên báo chí, các phương tiện truyền thông.
Chẳng hạn như: “Một MC của đài truyền hình XXX gây hoang mang dư luận với phát ngôn “sốc” về người thứ 3”. “Một phóng viên truyền hình lộ bảng điểm “xấu” – đây có phải sự thật?”,… Bạn nghĩ như thế nào nếu bản thân mình làm trong nghề truyền hình và gặp phải trường hợp như vậy? Nếu mọi thông tin đúng như báo chí đưa tin, liệu sự nghiệp của bạn có sụp đổ? Cơ quan bạn làm việc có bị ảnh hưởng không?
Câu trả lời là hoàn toàn CÓ THỂ. Một người làm truyền hình sẽ luôn phải giữ hình ảnh của mình cũng như của đơn vị mình làm việc. Tai tiếng, scandal, bất kỳ thông tin xấu nào cũng không nên xuất hiện nếu bạn muốn theo đuổi sự nghiệp truyền hình. Chính vì vậy, cẩn trọng trong từng bước đi, lời ăn, tiếng nói cũng là một thách thức mà người làm truyền hình cần phải hết sức lưu ý.
👉 Xem thêm: Có nên học báo chí? Học báo chí ra trường có phải chỉ để… viết báo?
Làm nghề nào cũng sẽ có những khó khăn nhất định đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, nỗ lực vượt qua. Hy vọng rằng bài chia sẻ trên đây của JobsGO sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về khó khăn của nghề truyền hình, hiểu về sự hy sinh thầm lặng, vất vả của những anh, chị, em,… làm truyền hình nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)