4 Lý do khiến người TÀI GIỎI không chinh phục được nhà tuyển dụng

Đánh giá post

Một ngày đẹp trời, bạn tỉnh dậy và nhận được một cuộc gọi: “… BẠN ĐÃ VƯỢT QUA VÒNG HỒ SƠ…”. Bạn vui mừng sung sướng, ngay lập tức bật dậy khỏi giường, lên mạng search những câu hỏi thường gặp, tìm hiểu thông tin về công ty, hỏi anh chị em bạn bè về kinh nghiệm khi đi phỏng vấn, vân vân và mây mây. Nhưng liệu như thế đã đủ? Tại sao có những người dù học rất tốt, kỹ năng cũng ổn nhưng vẫn thất bại khi gặp mặt nhà tuyển dụng?

  1. BẠN KHÔNG BIẾT LÝ DO TẠI SAO MÌNH LẠI Ở ĐÂY

 

 

Trường hợp này xảy ra với những ai đã từng trong cơn hoảng loạn cần tìm gấp một công việc. Bạn đã gửi đơn cho rất nhiều công ty khác nhau, và rồi đến lúc được gọi bạn chẳng biết là công ty nào vừa mời mình đi phỏng vấn. Vì rải đơn nhiều công việc như thế, chỉ cốt mong có được một công việc để đi làm mà không hề đoái hoài tới mục đích cũng như văn hoá của công ty đó, nên khi phỏng vấn bạn cũng không biết tại sao mình lại đang ngồi ở đây.

Bởi vậy, bên cạnh việc tìm hiểu về công ty, bạn nên dành thêm thời gian làm một bước nữa, đó là tìm hiểu về bản thân mình. Vị trí này có phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp lâu dài của bạn không? Khi làm việc ở đây thì bạn được dùng kĩ năng gì, kĩ năng đó có phải là kĩ năng bạn thích dùng mỗi ngày không? Những kinh nghiệm trước đây của bạn có liên quan như thế nào tới công việc này? Ngoài vấn đề kiếm tiền, vì sao công việc này lại quan trọng với bạn? Trả lời được hết những câu hỏi này, bạn sẽ hiểu rõ hơn tại sao mình lại đang ngồi phỏng vấn ở đây, và cũng có thể giúp bạn trả lời một số câu hỏi mà nhà tuyển dụng hay dùng như “Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?”, “Bạn có gì khác với những ứng viên khác?”.

2. BẠN NÓI TOÀN NHỮNG ĐIỀU TIÊU CỰC

 

 

Sếp cũ khó tính, đồng nghiệp khó chịu, công ty cũ không có gì hay ho … và cả trăm lý do bực mình khác thì xin hãy giữ nó cho riêng bạn. Đừng bao giờ nói bất kì thông tin tiêu cực gì về công ty cũ với nhà tuyển dụng. Nói xấu sếp chẳng hạn? Thử đặt bản thân bạn vào tình huống của người phỏng vấn xem, bạn sẽ nghĩ gì. “Hôm nay nó nói xấu sếp nó được, thế thì chả có gì lạ nếu vài hôm nữa nó lại nói xấu mình”.

Khi gặp những câu hỏi như thế, ví dụ như “Tại sao bạn rời bỏ công ty cũ?”, hãy thành thật, nhưng có chiến lược, không phải thành thật kiểu chân chất. Điều này sẽ giữ bạn ở trạng thái an toàn và ghi điểm.

3. BẠN TRÔNG KHÔNG ĐƯỢC NHIỆT TÌNH CHO LẮM!

 

 

Cho dù bạn có tài giỏi cỡ nào đi chẳng nữa nhưng nhà tuyển dụng sẵn sàng loại bạn chỉ vì trông bạn không có đủ sự nhiệt tình dành cho công việc. Một sự thể hiện kiểu “Đỗ cũng được. Không đỗ cũng chẳng sao!”

Sự nhiệt tình của bạn thể hiện đơn giản lắm, đó là qua việc bạn hiểu kĩ như thế nào về công ty. Ví dụ bạn được phỏng vấn vào làm cho một công ty truyền thông, bạn có đầy đủ kỹ năng, tố chất, nhưng khi nhà tuyển dụng hỏi bạn đã vào website công ty bao giờ chưa, bạn mới bối rối vì chưa từng làm điều này, vậy thì các bạn mong đợi gì khi tham gia phỏng vấn? Kể cả các bạn có bận đến mấy, thì nếu bạn thực sự yêu thích công việc đó, chắc chắn bạn cũng sẽ dành chút thời gian để tìm hiểu, phải không nào? Hãy cứ tưởng tượng một người làm tuyển dụng mỗi ngày họ phải gặp gỡ phỏng vấn với 10-20 bạn, vậy thì ai sẽ người gây ấn tượng nhất? Chẳng phải là người vừa giỏi vừa nhiệt tình hay sao.

4. BẠN KHÔNG NHÌN VÀO MẮT NGƯỜI PHỎNG VẤN

 

 

Cái này nghe tưởng chừng rất đơn giản thế nhưng vẫn có rất nhiều bạn không dám nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn. Có thể không phải vì bạn không biết điều này, mà là vì bạn ý không được tự tin và hơi sợ hãi? Bởi vậy giỏi trong học tập và giỏi trong ứng xử là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Hãy dẹp bỏ sự tự ti đó bằng cách tập nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện, ví dụ như bạn bè, người thân chẳng hạn. Một tip rất đơn giản đó là nếu bạn sợ nhìn vào ánh mắt băng giá của nhà tuyển dụng, thì hãy nhìn vào phần giữa 2 lông mày của họ, như vậy cũng tạo cảm giác là bạn đang nhìn họ đó, mà mình thì đỡ sợ hơn.

Rõ ràng việc đối diện trực tiếp với nhà tuyển dụng chưa bao giờ là dễ dàng. Trong số những người có tấm bằng giỏi trong tay, bao nhiêu người thành công? Bao nhiêu người thất bại? Không có ai là mãi suôn sẻ cả cuộc đời, có thể cơ hội hôm nay không dành cho bạn thế nhưng nếu bạn nỗ lực, nhất định sẽ có một cánh cửa khác mở ra. CHÚC BẠN MAY MẮN!

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: