Với sự đa dạng trong cơ hội nghề nghiệp và tầm ảnh hưởng rộng lớn, ngành Quản lý giáo dục đang thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn trong những năm gần đây. Đây được coi là ngành học có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội. Vậy ngành Quản lý giáo dục là gì, ra làm nghề gì? Cùng JobsGO giải đáp thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1.Ngành Quản Lý Giáo Dục Là Gì?
- 2. Mục Tiêu Đào Tạo Ngành Quản Lý Giáo Dục
- 3. Ngành Quản Lý Giáo Dục Học Những Gì?
- 4. Ngành Quản Lý Giáo Dục Thi Khối Nào?
- 5. Ngành Quản Lý Giáo Dục Học Trường Nào? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
- 6. Ngành Quản Lý Giáo Dục Có Được Ưa Chuộng?
- 7. Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Quản Lý Giáo Dục
- 8. Học Ngành Quản Lý Giáo Dục Ra Làm Gì?
- 8.1 Giáo Viên Đào Tạo Kỹ Năng, Tổ Chức Hoạt Động Ngoại Khoá
- 8.2 Nghiên Cứu Viên Trong Lĩnh Vực Giáo Dục
- 8.3 Chuyên Viên Phụ Trách Học Vụ
- 8.4 Chuyên Viên Khảo Thí, Kiểm Định Chất Lượng, Thanh Tra, Quản Lý Giáo Dục
- 8.5 Chuyên Viên Thực Hiện Các Dự Án Giáo Dục
- 8.6 Cung Ứng Dịch Vụ Giáo Dục
- 8.7 Giảng Viên Đại Học, Cao Đẳng
- Câu hỏi thường gặp
1.Ngành Quản Lý Giáo Dục Là Gì?
Ngành Quản lý giáo dục là ngành học tập trung vào việc phát triển kiến thức và kỹ năng cần thiết để lãnh đạo, quản lý hiệu quả các tổ chức giáo dục. Đây là ngành học bao quát nhiều lĩnh vực như quản lý trường học, phát triển chính sách, quản lý nguồn nhân lực, tài chính và cải tiến chất lượng giáo dục.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cùng những thay đổi trong xã hội, ngành Quản lý giáo dục có nhiều tiềm năng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của nền giáo dục và đào tạo những nhà lãnh đạo giáo dục có tầm nhìn, năng lực.
2. Mục Tiêu Đào Tạo Ngành Quản Lý Giáo Dục
Ngành Quản lý giáo dục đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, không chỉ đối với sinh viên theo học mà còn đối với xã hội nói chung. Những mục tiêu này phản ánh vai trò then chốt của giáo dục trong sự phát triển của cá nhân và cộng đồng cũng như tầm quan trọng của việc quản lý hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục.
2.1 Đối Với Sinh Viên
Đối với sinh viên theo học, mục tiêu chính của ngành Quản lý giáo dục là trang bị cho họ kiến thức, kỹ năng và tư duy cần thiết để trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục có năng lực. Chương trình đào tạo hướng đến việc phát triển ở sinh viên khả năng phân tích tình huống phức tạp, ra quyết định dựa trên bằng chứng và áp dụng các lý thuyết quản lý hiện đại vào thực tiễn giáo dục.
Sinh viên được đào tạo để hiểu sâu sắc về các nguyên lý giáo dục, chính sách công và các xu hướng mới trong lĩnh vực này. Họ cũng được học cách quản lý nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất một cách hiệu quả, đồng thời phát triển kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và giải quyết xung đột. Mục tiêu cuối cùng là đào tạo ra những nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn chiến lược, có khả năng thích ứng với sự thay đổi và thúc đẩy đổi mới trong hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, ngành Quản lý giáo dục cũng nhằm mục đích nuôi dưỡng ở sinh viên tinh thần trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Sinh viên được khuyến khích phát triển sự nhạy cảm đối với các vấn đề công bằng, bình đẳng trong giáo dục, hiểu rõ tác động của quyết định quản lý đối với học sinh, giáo viên và cộng đồng. Sinh viên được đào tạo để trở thành những nhà quản lý có tâm, luôn đặt lợi ích của người học lên hàng đầu và cam kết nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi đối tượng.
2.2 Đối Với Xã Hội
Đối với xã hội, mục tiêu của ngành Quản lý giáo dục là góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nói chung. Bằng cách đào tạo ra những nhà quản lý giáo dục có năng lực, ngành học này đóng góp vào việc xây dựng và duy trì các tổ chức giáo dục hiệu quả. Những nhà quản lý được đào tạo bài bản sẽ có khả năng tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, triển khai các chương trình giáo dục chất lượng cao, tạo ra môi trường học tập tích cực cho cả học sinh và giáo viên.
Hơn nữa, ngành Quản lý giáo dục hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới và cải cách trong hệ thống giáo dục. Các nhà quản lý được đào tạo để nhận diện, ứng phó với các thách thức mới trong giáo dục, như việc tích hợp công nghệ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học và chuẩn bị cho học sinh đối mặt với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Thông qua việc áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến và tư duy sáng tạo, những nhà quản lý chính là người có đóng góp to lớn vào việc phát triển một hệ thống giáo dục linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thế kỷ 21.
3. Ngành Quản Lý Giáo Dục Học Những Gì?
Chương trình đào tạo ngành Quản lý giáo dục được thiết kế để cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng thực tiễn cần thiết để trở thành những nhà quản lý. Chương trình bao gồm nhiều nhóm kiến thức đa dạng, từ những nguyên lý cơ bản của giáo dục đến các kỹ năng quản lý chuyên sâu và hiểu biết về chính sách giáo dục. Nội dung chương trình học bao gồm:
- Kiến thức nền tảng: Chương trình bao gồm các môn học như Tâm lý học giáo dục, Giáo dục học đại cương, Triết học giáo dục. Những môn học này cung cấp cho sinh viên hiểu biết sâu sắc về quá trình học tập, phát triển của con người, các lý thuyết giáo dục, nền tảng triết học của giáo dục. Sinh viên sẽ nghiên cứu về các giai đoạn phát triển tâm lý của học sinh, phương pháp giảng dạy hiệu quả, các triết lý giáo dục khác nhau.
- Kỹ năng quản lý: Chương trình đào tạo tập trung vào các môn học như Quản lý nhà trường, Quản lý nhân sự trong giáo dục, Quản lý tài chính và cơ sở vật chất giáo dục, Xây dựng & phát triển chương trình. Các môn học giúp bồi dưỡng nhiều kỹ năng thiết yếu cho sinh viên khi làm nghề như: cách điều hành một tổ chức giáo dục, kỹ năng tuyển dụng, đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, nhân viên, cách lập kế hoạch ngân sách, phân bổ nguồn lực và duy trì cơ sở vật chất hiệu quả,…
- Kỹ năng lãnh đạo và hoạch định chính sách: Chương trình học bồi dưỡng cho sinh viên kỹ năng lãnh đạo và hoạch định chính sách thông qua các môn học như Lãnh đạo giáo dục, Chính sách, kế hoạch giáo dục, Đánh giá trong giáo dục. Những môn học này hướng dẫn sinh viên các phương pháp làm việc được ứng dụng trong quản lý giáo dục như: quản lý sự thay đổi trong môi trường giáo dục, phân tích, đánh giá quá trình hoạch định chính sách giáo dục ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế, phương pháp đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục, thành tích của học sinh, hiệu suất của giáo viên,…
4. Ngành Quản Lý Giáo Dục Thi Khối Nào?
Dưới đây là một số tổ hợp mà ngành Quản lý giáo dục tuyển sinh:
- A00 (Toán, Vật lý, Hoá)
- A01 (Toán, Vật lý Tiếng Anh)
- C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý)
- C04 (Ngữ văn, Toán, Địa lý)
- C14 (Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân)
- D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh)
- D14 (Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh)
- D78 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh)
>> Xem thêm: Khối C học ngành gì dễ xin việc?
5. Ngành Quản Lý Giáo Dục Học Trường Nào? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
Tại Việt Nam, hiện nay đã có nhiều trường đào tạo ngành quản lý giáo dục. Dưới đây là bảng điểm chuẩn năm 2023 mà bạn có thể tham khảo:
Trường Đại học | Điểm chuẩn năm 2023 |
Đại học Sư phạm Hà Nội | 26,5 |
Đại Học Bách Khoa Hà Nội | 24.55 |
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM | 23,5 – 24,5 |
Đại học Sài Gòn | 22,39 – 23,39 |
Đại học Thủ Đô Hà Nội | 23,25 |
Đại học Vinh | 23,25 |
Đại học Sư phạm TP HCM | 23,1 |
Học viện Quản Lý Giáo Dục | 15 |
Đại học Quy Nhơn | 15 |
Đại học Quốc tế Hồng Bàng | 15 |
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long | 15 |
6. Ngành Quản Lý Giáo Dục Có Được Ưa Chuộng?
Ngành Quản lý giáo dục đang ngày càng được ưa chuộng và thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, sinh viên trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do sự phát triển nhanh chóng của hệ thống giáo dục, từ mầm non đến đại học và giáo dục người lớn, đã tạo ra một nhu cầu lớn về những nguồn nhân lực có chuyên môn để điều hành hiệu quả các tổ chức giáo dục. Điều này đồng nghĩa với việc ngành Quản lý giáo dục mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho cử nhân trong ngành. Sau khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhận từ vị trí quản lý trường học, điều phối chương trình giáo dục đến các vị trí khác trong những cơ quan quản lý giáo dục cấp cao.
7. Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Quản Lý Giáo Dục
Ngành Quản lý giáo dục là ngành học có những tính chất đặc thù yêu cầu người học cần có những tố chất nhất định để có thể thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Cùng xem bạn đã có bao nhiêu tố chất dưới đây nhé.
7.1 Tố Chất Lãnh Đạo
Trong môi trường học tập, sinh viên có khả năng lãnh đạo thường thể hiện tốt những kỹ năng quan trọng trong ngành quản lý giáo dục như nắm bắt tình hình, đưa ra quyết định, phân công nhiệm vụ hay động viên người khác. Khi theo đuổi ngành quản lý giáo dục, khả năng lãnh đạo sẽ giúp họ quản lý hiệu quả đội ngũ giáo viên, nhân viên, xây dựng tầm nhìn cho tổ chức giáo dục và thúc đẩy văn hóa học tập tích cực. Một nhà quản lý giáo dục có khả năng lãnh đạo tốt sẽ truyền cảm hứng cho cả giáo viên, học sinh, tạo ra môi trường giáo dục năng động và hiệu quả.
7.2 Kỹ Năng Giao Tiếp
Kỹ năng giao tiếp là yếu tố then chốt giúp bạn thành công khi bắt đầu sự nghiệp trong ngành quản lý giáo dục. Nhà quản lý giáo dục phải tương tác hiệu quả với nhiều đối tượng khác nhau như: giáo viên, học sinh, phụ huynh, cộng đồng và các bên liên quan khác. Họ cần có khả năng truyền đạt tầm nhìn, mục tiêu và kế hoạch một cách rõ ràng, thuyết phục. Kỹ năng giao tiếp tốt cũng giúp nhà quản lý giải quyết xung đột, đàm phán hiệu quả và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khả năng giao tiếp qua nhiều kênh khác nhau như giao tiếp trực tiếp, qua văn bản, giao tiếp trên môi trường kỹ thuật số là vô cùng quan trọng để đảm bảo thông tin được truyền tải chính xác và kịp thời trong tổ chức giáo dục.
7.3 Khả Năng Thích Ứng Và Sự Linh Hoạt
Lĩnh vực giáo dục luôn phải đối mặt với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, chính sách và nhu cầu xã hội. Nhà quản lý giáo dục cần có khả năng nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và phương pháp làm việc để đáp ứng những thay đổi này. Họ phải sẵn sàng học hỏi, áp dụng những phương pháp giáo dục mới cũng như thích nghi với các công cụ quản lý hiện đại. Sự linh hoạt cũng giúp họ xử lý hiệu quả các tình huống không lường trước được.
>> Xem thêm: Học tại chức là gì? Những thông tin và kiến thức bạn cần biết
8. Học Ngành Quản Lý Giáo Dục Ra Làm Gì?
Với sự phát triển và biến động liên tục của nền giáo dục, không khó hiểu khi ngành Quản lý giáo dục ngày càng mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên sau tốt nghiệp. Các vị trí công tác trong nghề rất đa dạng, từ giáo viên, nghiên cứu viên đến các chuyên viên khảo thí, kiểm định chất lượng. Với tấm bằng Đại học ngành Quản lý giáo dục, bạn có thể làm việc tại những vị trí sau đây:
8.1 Giáo Viên Đào Tạo Kỹ Năng, Tổ Chức Hoạt Động Ngoại Khoá
Giáo viên đào tạo kỹ năng, tổ chức hoạt động ngoại khóa thường làm việc tại các trường học, trung tâm giáo dục, hoặc tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Khi làm việc ở vị trí này, công việc của bạn bao gồm lên kế hoạch, tổ chức và điều phối các hoạt động ngoại khóa, chương trình đào tạo kỹ năng, các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Đây là công việc này đòi hỏi khả năng làm việc với nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh đến phụ huynh và các đối tác cộng đồng.
8.2 Nghiên Cứu Viên Trong Lĩnh Vực Giáo Dục
Nghiên cứu viên trong lĩnh vực này thường làm việc tại các viện nghiên cứu giáo dục, trung tâm nghiên cứu chính sách hoặc các bộ phận nghiên cứu và phát triển của các tổ chức giáo dục lớn. Công việc của nghiên cứu viên bao gồm thu thập và phân tích dữ liệu, thực hiện nghiên cứu về các vấn đề giáo dục, đề xuất các giải pháp chính sách. Ở vị trí này, bạn cũng sẽ cần tham gia vào việc viết báo cáo, trình bày kết quả nghiên cứu và tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách. Mức lương cho vị trí nghiên cứu viên trong lĩnh vực giáo dục thường ở mức khá đến cao, đặc biệt là trong các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
8.3 Chuyên Viên Phụ Trách Học Vụ
Chuyên viên phụ trách học vụ là một vị trí quan trọng trong hệ thống quản lý giáo dục. Vị trí này đòi hỏi kỹ năng tổ chức tốt, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp. Chuyên viên học vụ thường làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, hoặc các cơ sở giáo dục lớn. Nếu đảm nhận vị trí này, bạn sẽ đóng vai trò quản lý các hoạt động liên quan đến đào tạo, hỗ trợ sinh viên và điều phối các chương trình học. Công việc cụ thể của một chuyên viên phụ trách học vụ bao gồm lập kế hoạch học tập, quản lý hồ sơ sinh viên, tư vấn học thuật và hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập.
8.4 Chuyên Viên Khảo Thí, Kiểm Định Chất Lượng, Thanh Tra, Quản Lý Giáo Dục
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Quản lý giáo dục cũng có thể làm việc tại các cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh hoặc quốc gia như sở giáo dục tỉnh hay Bộ Giáo dục, các tổ chức kiểm định độc lập hoặc các bộ phận đảm bảo chất lượng của các trường đại học. Vị trí này đòi hỏi bạn phải có sự chính xác, tỉ mỉ, khả năng phân tích dữ liệu tốt và hiểu biết sâu sắc về các tiêu chuẩn giáo dục. Công việc của chuyên viên khảo thí, thanh tra bao gồm thiết kế và thực hiện các kỳ thi, đánh giá chất lượng giáo dục, thanh tra các cơ sở giáo dục, đề xuất các biện pháp cải thiện. Mức lương cho vị trí này thường ở mức khá đến cao, đặc biệt là trong các tổ chức kiểm định quốc tế.
8.5 Chuyên Viên Thực Hiện Các Dự Án Giáo Dục
Nếu bạn là người mạnh về kỹ năng quản lý và tư duy sáng tạo thì đây chính là công việc lý tưởng dành cho bạn. Ở vị trí này, các chuyên viên sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá các dự án giáo dục từ các chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đến các dự án xây dựng trường học ở vùng sâu vùng xa. Do tính chất công việc cần giao tiếp nhiều và khá bận rộn, bạn cần đảm bảo mình có khả năng chịu được áp lực công việc cũng như khéo léo trong đàm phán. Đi cùng với những yêu cầu khắt khe, vị trí chuyên viên dự án giáo dục đem lại cho bạn môi trường làm việc lý tưởng tại các tổ chức phi chính phủ, cơ quan phát triển quốc tế hoặc các công ty tư vấn giáo dục. Cùng với đó là mức lương hấp dẫn dao động từ 15 đến 30 triệu đồng.
8.6 Cung Ứng Dịch Vụ Giáo Dục
Khởi nghiệp các công ty cung ứng dịch vụ giáo dục cũng là một mảnh đất màu mỡ dành cho cử nhân ngành Quản lý giáo dục. Những người khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục có thể thành lập các trung tâm đào tạo, phát triển các ứng dụng học tập trực tuyến, hoặc cung cấp các dịch vụ tư vấn giáo dục. Khi theo đuổi con đường này, bạn phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, từ phát triển sản phẩm/dịch vụ đến marketing và quản lý tài chính. Triển vọng của các công ty này phụ thuộc vào sự thành công của doanh nghiệp. Khi đạt được mức độ thành công nhất định, bạn có thể mở rộng doanh nghiệp hoặc chuyển sang các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức giáo dục lớn.
8.7 Giảng Viên Đại Học, Cao Đẳng
Con đường trở thành giảng viên đại học là một lựa chọn phổ biến cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp học thuật. Vị trí này đòi hỏi trình độ học vấn cao (thường là thạc sĩ hoặc tiến sĩ), khả năng nghiên cứu độc lập và kỹ năng giảng dạy xuất sắc. Các giảng viên thường đảm nhận công việc giảng dạy, nghiên cứu và tham gia vào các hoạt động tổ chức lớp học khác như hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học, tư vấn về ngành nghề, tổ chức hoạt động ngoại khoá,…
>> Xem thêm: Học sư phạm ra làm gì? Học sư phạm có dễ xin việc?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa, ngành quản lý giáo dục đang trên đà phát triển nhanh chóng, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo từ các nhà quản lý. Với sự chuyển mình liên tục của nền giáo dục trong thế kỷ 21, ngành học này hứa hẹn sẽ tiếp tục mở ra nhiều hướng đi mới cho nhân sự trong ngành và có những đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ của xã hội trong tương lai. Trả lời cho câu hỏi ngành Quản lý giáo dục là gì là bước tạo nền tảng vững chắc để bạn có thể theo đuổi ngành học này.
Câu hỏi thường gặp
1.Mức Lương Cho Sinh Viên Mới Ra Trường Ngành Quản Lý Giáo Dục Là Bao Nhiêu?
Theo một số thống kê, mức lương khởi điểm cho nhân sự trong ngành Quản lý giáo dục dao động khoảng 6 triệu – 8 triệu đồng. Với người có nhiều năm kinh nghiệm, mức lương có thể từ 10 triệu – 15 triệu đồng.
2. Học Phí Ngành Quản Lý Giáo Dục Học Là Bao Nhiêu?
Tuỳ vào chính sách của từng trường, mức học phí cho ngành Quản lý giáo dục rơi vào khoảng 9 – 10 triệu đồng/năm học.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)