Làm việc tại nhà (work from home) là hình thức không còn quá xa lạ hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid hoành hành. Tuy nhiên, hầu hết các công ty đều không mong muốn điều này vì sợ ảnh hưởng đến hiệu quả và tác phong làm việc của nhân viên. Vậy muốn xin làm việc ở nhà làm sao để sếp đồng ý nhanh chóng? Bí quyết sẽ được JobsGO bật mí ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Lý do nhân viên muốn xin làm việc ở nhà?
Có rất nhiều lý do mà nhân viên muốn đề xuất được làm việc tại nhà thay vì đến công ty, trong đó phải kể đến một số vấn đề như sau:
- Do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhân viên có liên quan đến những người mắc bệnh Covid nên muốn xin làm việc ở nhà để tránh gây ảnh hưởng đến công ty.
- Một số nhân viên nữ mới sinh, sức khỏe còn yếu, con cái thường xuyên ốm đau nên có nhu cầu làm việc tại nhà để tránh phải di chuyển nhiều và tiện chăm sóc con cái.
- Nhân viên có việc cá nhân, gia đình ở xa công ty, không thể đến làm việc trực tiếp nên muốn xin làm việc từ xa, đảm bảo tiến độ công việc theo đúng kế hoạch đã đặt ra.
- Ngoài ra, cũng có trường hợp nhân viên vì nhà xa, không muốn phải mất quá nhiều thời gian di chuyển, giao thông không thuận lợi, thời tiết khắc nghiệt,… nên mong muốn được làm việc tại nhà.
👉 Xem thêm: Nếu có quyền lựa chọn, bạn thích làm việc ở nhà hay đến văn phòng?
Làm sao để sếp đồng ý cho làm việc tại nhà?
Thực tế, có vô số lý do khác nhau để nhân viên muốn đề xuất được làm việc ở nhà. Song không phải lý do nào cũng được sếp chấp nhận ngay lập tức. Vậy làm sao để sếp nhanh chóng gật đầu với đề nghị này?
Hãy nhớ, vấn đề then chốt là hiệu quả công việc
Mặc dù công việc của bạn hoàn toàn có thể làm được từ xa, dễ dàng tương tác với quản lý, đồng nghiệp thông qua phần mềm chat trên máy tính/điện thoại nhưng hầu hết các sếp đều không muốn điều này.
Việc bạn làm ở công ty hay ở nhà thực tế không quá quan trọng, vấn đề mà sếp quan tâm chính là phương pháp xử lý công việc từ xa của bạn như thế nào? Liệu bạn có bị xao nhãng bởi những việc riêng mà làm chậm deadline và không đáp ứng yêu cầu công việc không?
Đối với người làm sếp, họ hoàn toàn có quyền, có căn cứ để hoài nghi bạn. Bởi khi làm việc tại nhà, quá nhiều thứ có thể cám dỗ bạn như là mạng xã hội, ngủ nướng, chơi game,… Do đó, nếu muốn thuyết phục sếp cho làm việc tại nhà, các bạn sẽ cần phải cam kết đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng công việc, thậm chí là hiệu quả hơn khi làm ở công ty.
👉 Xem thêm: Bật mí những chiến thuật giúp bạn làm việc thông minh hơn
Có kế hoạch giao tiếp, trao đổi cụ thể với sếp/đồng nghiệp
Sống trong thời đại công nghệ phát triển, việc trao đổi, giao tiếp với mọi người từ xa đã không còn quá khó khăn. Ngay cả khi sếp của bạn không phải là một “lão làng” về công nghệ thì vẫn có thể dễ dàng sử dụng các phần mềm chat như là Zalo, Skype, Viber, gọi video trao đổi trực tiếp,…
Tuy nhiên, khi muốn làm việc tại nhà, điều bạn cần phải đảm bảo được chính là làm sao khi sếp muốn kết nối, bạn luôn sẵn sàng có mặt và trả lời họ. Sếp sẽ không quan tâm việc nhà bạn mất mạng, thiết bị của bạn bị lỗi, không tín hiệu,… Chỉ cần khi cần, họ không thể liên lạc được, bạn sẽ trở nên không còn đáng tin cậy và chắc chắn bạn sẽ không có cơ hội được tiếp tục làm việc ở nhà. Do đó, để tránh gặp phải những trường hợp không may trên, bạn hãy thiết lập một kế hoạch cụ thể, thời gian nào cần làm việc, trao đổi với sếp nhé.
Áp dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”
Nếu mục tiêu của bạn là chia đều thời gian, 50% làm việc ở nhà, 50% làm việc tại công ty thì tốt nhất nên áp dụng chiêu “mưa dầm thấm lâu”. Chiến thuật này có thể sẽ hiệu quả đối với những người quản lý, người sếp hay hoài nghi.
Cụ thể, bạn hãy đề xuất được làm việc ở nhà 1 tuần/tháng, sau mỗi tuần, bạn hãy gửi báo cáo kết quả công việc để sếp nhận xét, đánh giá hay có bất kỳ thắc mắc gì về cách làm việc của bạn không? Nếu bạn làm tốt, thậm chí là vượt cả mong đợi thì chắc chắn sếp sẽ không còn quá khó khăn trong việc cho phép bạn làm việc tại nhà.
👉 Xem thêm: WFH – Làm sao để việc nhà không ảnh hưởng đến năng suất lao động?
Có thể thấy, làm việc tại nhà là hình thức đang rất phổ biến, được ưa chuộng hiện nay. Ưu điểm của nó là giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhân viên cũng như doanh nghiệp, song xét về chất lượng công việc, có thể sẽ chưa thực sự hiệu quả đối với một số đơn vị. Vậy nên, nếu bạn đang làm ở lĩnh vực có liên quan đến công nghệ hay công việc có thể làm online thì hãy thật khéo léo để đề xuất với sếp về mong muốn của mình. JobsGO chúc các bạn may mắn và nhận được cái “gật đầu” từ sếp nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)