Xã hội ngày càng phát triển, kiến thức con người ngày càng mở rộng; nhưng đâu đó xung quanh chúng ta vẫn tồn tại tình trạng kỳ thị vùng miền. Vấn đề này diễn ra ngay trong chốn văn phòng – vốn tưởng là nơi tràn đầy kiến thức, đánh giá cao năng lực.
Mục lục
Kỳ thị vùng miền là gì?
Kỳ thị vùng miền là hành vi miệt thị những người sống ở một khu vực địa lý trên lãnh thổ Việt Nam.
Chẳng hạn như, mọi người thường có thái độ ác cảm với người đến từ Thanh Hóa. Họ cho rằng, những người này keo kiệt, xấu tính, thích lợi dụng người xung quanh. Gần đây, giới trẻ Việt Nam gọi Thanh Hóa là “vùng đất”, “nước Thanh Hóa”, “quốc gia Thanh Hóa”,… với ý nghĩa rất xấu; họ coi những người nơi đây không phải con dân Việt Nam.
Một bộ phận khác được sinh ra ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lại coi thường những người đến từ nông thôn, dân ngoại tỉnh.
Không chỉ Thanh Hóa, người ngoại tỉnh bị kỳ thị. Mà chính người Hà Nội – dân Thủ đô cũng bị coi thường chẳng kém. “Bắc Kỳ”… bạn đã bao giờ bị người khác nói là “cái đồ Bắc Kỳ” chưa? Đây vốn là một địa danh do vua Minh Mạng ấn định vào năm 1834 trong cuộc cải cách hành chính. Ấy vậy nhưng đến ngày nay, nó lại được sử dụng để mọi người miệt thị lẫn nhau.
? Có thể bạn quan tâm: Làm gì khi mình có cảm giác bị cô lập nơi công sở?
Kỳ thị vùng miền chốn công sở, biểu hiện ra sao?
Hãy để tôi kể bạn nghe vài ba câu chuyện, bạn sẽ thấy kỳ thị vùng miền chốn công sở hiện hữu thế nào.
Không tuyển dụng người từ một vùng miền nào đó
Một công ty nọ đang tuyển dụng nhân sự cho vị trí Content Marketing dịp cuối năm. Vào thời điểm này, tuyển dụng chưa bao giờ là dễ dàng. Nhận được CV phù hợp đã khó, tìm thấy ứng viên năng lực xuất sắc càng khó hơn.
Đăng tin tuyển dụng ròng rã hơn tháng trời nhưng lượt ứng tuyển chẳng vượt quá một bàn tay. Để miêu tả về tình cảnh lúc này, anh trưởng phòng Marketing chỉ có thể nói một chữ “khó”, hai chữ “rất khó”, ba chữ “vô cùng khó”. Ngày ấy, anh bỗng nhận được một email ứng tuyển đính kèm CV và Portfolio. Ngay khi đọc được bài viết và xem xét CV, anh trưởng phòng cảm thấy mừng như “bắt được vàng”. Nhưng rồi nụ cười anh tắt ngấm. Dòng chữ “Quê quán: Thanh Hóa” nhỏ xíu nằm vẻn vẹn một góc CV bỗng trở nên lớn hơn bao giờ hết. Và dù đánh giá rất cao năng lực của người này, nhưng anh vẫn thẳng tay loại bỏ hồ sơ của cô (ngay cả khi chẳng thể tìm được một người phù hợp hơn giúp anh chạy dự án cuối năm). |
Chế giễu giọng nói, cách phát âm của người thuộc một tỉnh thành nào đó
Lại là một câu chuyện khác. Đó là chuyện diễn ra với Trang – cô bạn học chung cùng tôi 4 năm Đại học. Cô đến từ Hưng Yên. Người Hưng Yên rất thân thiện, dễ mến, chỉ là thường ngọng “l” và “n”.
Ngay từ khi bước chân vào cánh cổng trường Đại học, Trang đã ý thức được vấn đề và cố gắng rèn luyện để không nói sai. Sự cố gắng đã giúp cô cải thiện rất nhiều về mặt phát âm. Song, cô vẫn mắc lỗi đôi ba lần mỗi khi bối rối hay khi vội vàng. Sau khi tốt nghiệp, cô vào làm trong một công ty tư nhân nhỏ, phần lớn nhân viên nơi đây là người Hà Nội. Và giọng nói có vẻ “quê mùa” của cô thường xuyên bị lôi ra trêu đùa. Mỗi lần cô nói ngọng, cả công ty sẽ cười ầm ĩ và nhái lại giọng của cô. Cô không chắc mọi người có ý kỳ thị hay không, nhưng điều đó làm cô rất buồn. |
Coi thường năng lực của người thuộc một vùng nào đó
Linh cũng đến từ Hưng Yên, nhưng khác với Trang, cô phát âm rất chuẩn, giọng nói hay, được nhiều người yêu thích. Và quả thật cô chẳng bao giờ bị trêu chọc vì giọng nói của mình.
Ấy nhưng tiếc rằng, cuộc sống vẫn chẳng chịu nhẹ nhàng với cô. Linh bị coi thường vì là “dân tỉnh lẻ”. Cô bị Trưởng phòng phê bình ngay trước mặt đồng nghiệp. Anh ta mỉa mai cô với những lời lẽ chẳng mấy hay ho: “các bạn Hà Nội nỗ lực 1 thì em phải nỗ lực gấp 3 – 4 lần thì mới thoát khỏi kiếp dân tỉnh lẻ chứ em”. Dân tỉnh lẻ thì sao? Họ cũng giỏi, cũng có năng lực và làm việc tốt mà, đúng không? |
Cần lưu ý rằng, không chỉ người “tỉnh lẻ” bị người Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh coi thường; mà chính những người này cũng có thể trở thành đối tượng bị coi thường bởi những người tỉnh khác.
Xa lánh, gây áp lực cho đối tượng bị kỳ thị
Mai là dân Hà Nội chính gốc 5 đời, cô xinh đẹp và tài năng nhưng cũng chẳng tránh khỏi việc bị kỳ thị vùng miền khi đi làm.
Mùa xuân năm 2019, Mai xách vali vào Sài Gòn để lập nghiệp. Những tưởng với năng lực xuất sắc của mình, cô có thể nhanh chóng hái được trái ngọt. Song thực tế lại khác xa với mơ ước. Chỉ sau 3 tháng làm việc tại công ty đầu tiên, cô đã rời bỏ chốn này vì bị xa lánh. Chẳng ai chịu chơi với cô vì cô là dân “Bắc Kỳ”. Họ giao việc cho cô bằng chất giọng miền Nam ngọt ngào, nhưng nhanh tới mức cô chẳng thể nào hiểu nổi tất cả những gì họ nói. Nhưng thật tuyệt vì may mắn cũng không bỏ rơi cô gái này, công ty tiếp theo cô làm dù nhiều người Sài Gòn – nhưng họ rất thân thiện và dễ mến. |
? Có thể bạn quan tâm: Vướng phải tin đồn nơi công sở – xử lý như thế nào cho văn minh?
Làm thế nào để đối mặt với hành vi kỳ thị vùng miền?
Kỳ thị vùng miền chốn công sở không phải quá phổ biến nhưng cũng chẳng khó gặp. Nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh này, bạn đừng quá buồn nhé. Hãy cố gắng làm việc thật tốt, sự nỗ lực của bạn sẽ sớm được công nhận.
Nếu tình trạng kỳ thị nghiêm trọng tới mức ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và công việc của bạn; đừng ngại “vùng lên” và nói chuyện một cách thẳng thắn (nhưng đừng quá gay gắt) với đối phương. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ phòng hành chính nhân sự hoặc cấp trên. Nếu vấn đề vẫn không được cải thiện, ngại gì mà không rời đi và tìm kiếm một bến đỗ mới tươi đẹp hơn cho sự nghiệp của mình.
Đừng quên, JobsGO vẫn luôn ở đây và giúp bạn tìm thấy nơi bạn thuộc về.
? Có thể bạn quan tâm: Dân công sở làm gì để cân bằng công việc và cuộc sống?
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)