Giảm giá – Liều thuốc gây nghiện không nên thử quá liều

Đánh giá post

Hơn mọi hình thức Marketing khác, giảm giá giống như thuốc tiên khiến cho dòng người ngay lập tức ùn ùn kéo về cửa hàng của bạn. Tràn lan khắp mọi nơi, giảm giá giờ đã trở thành một phương thức Marketing bị lạm dụng nhiều nhất. Nhưng giảm giá liệu có còn là thuốc tiên hay lại là một liều thuốc độc đang dần dần giết chết doanh nghiệp của bạn?

Giảm giá trị thương hiệu  

Người tiêu dùng thường nhạy cảm về giá và họ coi mua được hàng giảm giá như mua được món hời, bởi không ai lại không ham của rẻ. Nhưng trong đầu họ luôn có một luồng suy nghĩ khác đáp lại: “của rẻ là của ôi”. Chấp nhận giảm giá là chấp nhận định vị giá trị sản phẩm ở mức thấp hơn. Người tiêu dùng sẽ cho rằng chất lượng sản phẩm của bạn thấp hơn giá ban đầu đã định.

Khi bạn áp dụng một chiến dịch giảm giá, bao nhiêu người sẽ mua hàng vì yêu thích thương hiệu sản phẩm hay phần lớn là vì những lợi ích kinh tế? Giảm giá sâu như một chất kích thích cực mạnh thu hút nhiều khách hàng khác tìm đến bạn nhanh chóng. Chỉ khi có tác động của giảm giá, họ mới sẵn sàng chi trả cho sản phẩm của công ty bạn. Nhưng sau cơn phấn khích của giảm giá, khi lợi ích kinh tế không còn đạt được nữa, những khách hàng này sẽ rời bỏ bạn. Còn đối với những khách hàng trung thành, việc mua sản phẩm lúc giá còn ban đầu khiến họ cảm thấy mình đã bị mua đắt và không xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Ngoài ra, giảm giá chỉ đem lại cho bạn lợi ích ngay trước mắt trong ngắn hạn. Về lâu dài, nó không thể gia tăng thị phần của công ty trên thị trường mà còn sẽ dần nuốt chửng định vị thương hiệu công ty của bạn. Bất kì ai cũng có thể giảm giá nhưng lại cần cả một chiến lược tài ba để tăng giá.

Tạo thói quen mua hàng giảm giá

Giảm giá giống như một chất gây nghiện, sau lần đầu sẽ có những lần tiếp theo. Khi bạn lạm dụng quá nhiều, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chờ đến khi bạn giảm giá mới mua hàng. Mức giá sẵn lòng chi trả của khách hàng sẽ giảm xuống và họ rằng mức giá đã giảm mới tương xứng với chất lượng sản phẩm mà họ nhận được. Điều này vô hình chung làm giảm giá trị sản phẩm và giá trị thương hiệu rất nhiều. Nếu bạn định vị thương hiệu ở phân khúc cao cấp, giảm giá quá nhiều dễ khiến thương hiệu dần “bình dân” hóa và mất đi hình ảnh cao cấp ban đầu.

Giảm giá khiến lợi nhuận sụt giảm

Khi người tiêu dùng mua được sản phẩm với giá rẻ hơn, chắc chắn doanh nghiệp sẽ thu lại được ít lợi nhuận hơn. Nếu bạn giảm sâu tận 50 – 70% và sau khi cơn sốt giảm giá qua đi, bạn sẽ làm như thế nào để có thể bù lại số lợi nhuận đã mất? Sau mỗi chiến dịch giảm giá, doanh nghiệp thường thu lại được lợi nhuận rất ít, thậm chí không có lợi nhuận và lỗ. Cân nhắc đến chi phí có thể đầu tư cho một chiến dịch giảm giá sẽ khiến bạn không mất máu quá nhiều trong cuộc chơi này.

Thu hút khách hàng ngoài thị trường mục tiêu

Khi giá bán của bạn áp dụng thấp hơn giá niêm yết, chắc chắn sẽ thu hút được những khách hàng ham giảm giá hoặc mức sẵn lòng chi trả cho sản phẩm thấp hơn giá ban đầu. Tuy nhiên, Đây có phải là khách hàng mục tiêu mà bạn đang hướng tới? Liệu nhóm khách hàng này có phải nhóm sẽ sinh lại lợi nhuận cho công ty?

Do đó, giảm giá được coi là một phương thức tạm thời để tăng số người biết đến sản phẩm của công ty bạn, nhưng lại không phải cách tốt nhất để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Khi cơn sốt giảm giá qua đi, phần đông những người này sẽ không quay trở lại mua hàng của bạn (cho đến khi có đợt giảm giá sâu tiếp theo).

Kết

Hiệu quả ngắn hạn của giảm giá là cái mà bất cứ ai cũng chỉ ra được: tăng doanh thu nhanh chóng, tiếp cận nhiều nhóm đối tượng khách hàng hơn. Nhưng về lâu dài, thương hiệu mới là thứ khiến sản phẩm của công ty bạn trụ vững. Quá lạm dụng giảm giá sẽ dần dần nuốt chửng thương hiệu của bạn. Hãy là người cẩn thận và khôn ngoan khi sử dụng những chiến dịch giảm giá.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: