Báo cáo tình hình công việc là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng, cần thiết giúp người quản lý, lãnh đạo có thể nắm bắt được tiến độ kế hoạch cũng như đánh giá hiệu quả. Thế nhưng, khi báo cáo công việc với cấp trên, các bạn cũng cần phải tránh một số điều cấm kỵ. Cụ thể đó là gì thì JobsGO sẽ chia sẻ ngay dưới đây!
Mục lục
Báo cáo những việc không liên quan
Nói nhiều, dài dòng, lan man cả những chuyện không liên quan đến công việc khi báo cáo là căn bệnh mà không ít người mắc phải. Và sếp thì lại hoàn toàn không thích điều này.
Bởi họ rất bận rộn, không có nhiều thời gian nên chỉ muốn nghe trọng tâm công việc chính, kết quả bạn đạt được như thế nào, còn quá trình thực hiện dù khó khăn hay suôn sẻ, họ không quan tâm. Điều đặc biệt, trong báo cáo của bạn nên có đề xuất, dự định tương lai cho công ty, điều này sẽ được sếp đánh giá cao hơn là việc lan man những vấn đề không liên quan đó.
👉 Xem thêm: Cách viết báo cáo hiệu quả giúp “ghi điểm” với sếp
Báo cáo sơ sài, không có dẫn chứng cụ thể
Bên cạnh những người nói nhiều, nói lan man thì lại có nhân viên báo cáo rất sơ sài, thiếu trách nhiệm. Mục đích của báo cáo là tổng kết quá trình làm việc, kết quả đạt được như thế nào và đề xuất kế hoạch mới. Thế nhưng, sếp lại chỉ nhận được một vài câu báo cáo kiểu “team đã hoàn thành KPI” hay “nhiệm vụ đã xong và không có bất kỳ vấn đề nào xảy ra”,… Điều sếp cần ở đây là kết quả các bạn đạt được, nó có tốt hơn so với tháng trước, năm trước hay không? Con số cụ thể bạn đạt được là gì chứ không phải mà đôi ba câu báo cáo mà ai cũng biết trước rồi. Do đó, khi báo cáo với cấp trên, các nhân viên cần lưu ý cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo ngắn gọn nhé.
Quá đề cao bản thân, nhận toàn bộ thành tích thuộc về mình
Để sếp yêu quý, trọng dụng, nhiều nhân viên có xu hướng quá đề cao bản thân hay “vơ” hết thành tích về mình khi báo cáo. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến sếp khó chịu, có đánh giá không tốt về các bạn.
Mặc dù trong quá trình làm việc, bạn phải thực hiện nhiều công việc hơn mọi người một chút, bạn mang lại hiệu quả cao, song đừng nên thể hiện quá lộ liễu. Bạn làm được việc hay không, năng lực của bạn như thế nào sếp vẫn luôn nhận thấy, báo cáo chỉ mang tính chất tổng kết hoạt động, đề xuất công việc mới chứ không phải để bạn thể hiện hay phủ nhận công lao của đồng nghiệp khác.
👉 Xem thêm: 5 tips để bạn trở nên đáng tin cậy trong mắt sếp!
So sánh công việc với người khác
Việc đi so sánh với đồng nghiệp tại môi trường công sở khi báo cáo là điều tối kỵ mà các bạn tuyệt đối không nên làm. Bởi nếu bạn làm tốt hơn, sự so sánh này được xem như chê bai, hạ bệ người khác. Còn nếu bạn không làm tốt như người ta, đi so sánh mình nhiều việc hơn thì điều này chỉ thể hiện bạn kém cỏi, sân si với đồng nghiệp mà thôi.
Thực tế, sếp giao công việc cho nhân viên như thế nào đều có lý do cả. Nếu bạn cứ mang sự so sánh này theo khi báo cáo thì chỉ cho thấy bản thân bạn đang không có chừng mực, thiếu sự tinh tế, xấu tính trong công việc. Điều đó sẽ khiến sếp không muốn tiếp tục nghe bạn báo cáo nữa.
Phàn nàn với cấp trên mình bị quá tải trong công việc
Dù bạn là người đã gắn bó lâu năm, có mối quan hệ tốt với sếp nhưng chuyện công việc, hãy rõ ràng, tách bạch. Bạn không thể hoàn thành nhiệm vụ, chậm deadline công ty đưa ra nhưng lại hay viện cớ lý do nọ lý do kia, kêu ca, phàn nàn rằng mình bị quá tải.
Tuy nhiên, sự quá tải này không nằm ở việc nhiều, nó xảy ra do bạn không biết cân đối, sắp xếp công việc hiệu quả. Đầu tháng bạn không làm, đến cuối tháng mới vắt chân lên cổ chạy thì chắc chắn sẽ thấy mệt mỏi, quá tải.
Do đó, thay vì phàn nàn, cách tốt nhất là bạn hãy xem lại cách sắp xếp công việc của mình một cách khoa học, có kế hoạch cụ thể.
Viện lý do khi không hoàn thành công việc
Đây là điều mà sếp chắc chắn không muốn nghe khi bạn báo cáo. Nó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu nghiêm túc của bạn trong quá trình làm việc. Như đã nói ở trên, sếp chỉ quan tâm kết quả, họ không cần biết quá trình như thế nào. Do đó, thay vì cứ tìm lý do để biện hộ, các bạn hãy nhận lỗi, dù sếp có mắng bạn nhưng cũng sẽ cho thấy bạn là người có trách nhiệm, dám làm dám nhận.
👉 Xem thêm: Chán nản với công việc thì phải làm gì?
Trên đây là tổng hợp 6 điều cấm kỵ khi báo cáo công việc với cấp trên mà các bạn cần nắm bắt. Thông qua đó, hy vọng các bạn sẽ biết cách làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm hơn để nhận được sự tin tưởng, trọng dụng từ cấp trên nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)